banner
Thứ 7, ngày 27 tháng 4 năm 2024
Phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2021-2030
21-4-2020

Đối tượng thực hiện của Chương trình là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống tập trung trên địa bàn 12 tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum. Thời gian thực hiện của Chương trình từ năm 2021 đến năm 2030.

Hôn lễ của dân tộc Rơ Măm, một trong những dân tộc thiểu số rất ít người cư trú chủ yếu tại tỉnh Kon Tum

Chương trình xác định mục tiêu cụ thể theo lộ trình đến năm 2025 theo 04 nhóm mục tiêu, trong đó một số mục tiêu chính đề ra như: ít nhất 90% cộng tác viên dân số, y tế thôn bản, cán bộ dân số ở trạm y tế xã, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số rất ít người được cung cấp thông tin, kiến thức về dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, bà mẹ và trẻ em; Giảm bình quân từ 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết; Ít nhất 35% thanh niên được tư vấn tiền hôn nhân, khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm phát hiện các bệnh về truyền nhiễm, HIV; Giảm ít nhất 50% phụ nữ mang thai sinh con tại nhà; khám quản lý thai nghén và được chăm sóc y tế; giảm 25% tỷ số tử vong mẹ; giảm từ 2 - 5%0 tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi; Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở bà mẹ mang thai và trẻ em; Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân của trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn dưới 20%; Nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số rất ít người độ tuổi từ 15 đến 60 biết chữ đạt 95%...

          Trên cơ sở mục tiêu đề ra, các nhiệm vụ được xác định là: Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức thay đổi hành vi và huy động sự tham gia của toàn xã hội nhằm bảo vệ và phát triển các dân tộc ít người; Nâng cao năng lực hệ thống y tế vùng dân tộc về cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số; Chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai và hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ, nâng cao tỷ lệ trẻ em đến lớp ở các nhóm tuổi mẫu giáo đúng độ tuổi; Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người; Xây dựng mô hình nâng cao chất lượng dân số đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người.

Về giải pháp, trong công tác thông tin truyền thông cần nâng cao nhận thức thay đổi hành vi về dân số - kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chế độ dinh dưỡng đối với bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi, xây dựng các sản phẩm truyền thông, nâng cao năng lực mạng lưới cộng tác viên, tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng dân tộc thiểu số rất ít người, tổ chức đánh giá chất lượng dân số dân tộc thiểu số rất ít người, tham quan học tập, xây dựng mô hình truyền thông trực tiếp tới người dân, tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh bằng hình thức phù hợp đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích, các mô hình thực hiện có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dân số các dân tộc thiểu số rất ít người; về chuyên môn kỹ thuật, tiến hành hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng đối với bà mẹ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, hỗ trợ duy trì phổ cập kiến thức, tổ chức các lớp học xóa mù chữ, đào tạo nghề ngắn hạn, hỗ trợ người dân tộc thiểu số rất ít người tham gia học xóa mù chữ, nâng cao chất lượng học xóa mù chữ, củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tái mù…, xây dựng mô hình nâng cao chất lượng dân số đối với các dân tộc thiểu số rất ít người trên địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn.

Kinh phí thực hiện Chương trình thuộc nguồn lực Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội, vốn lồng ghép từ các Chương trình, Dự án có liên quan theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và kinh phí của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ của Chương trình và huy động từ các nguồn lực hợp pháp khác.

Theo Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, "Dân tộc thiểu số rất ít người" là dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện có 02 dân tộc rất ít người cư trú là Brâu và Rơ Măm. Theo kết quả cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đến ngày 01/4/2019 dân tộc Brâu hiện có 497 người, cư trú chủ yếu tại Thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi; dân tộc Rơ Măm có 577 người, cư trú chủ yếu tại Làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy.

Chương trình "Bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2021-2030" được ban hành và triển khai thực hiện sẽ góp phần hỗ trợ cải thiện tình trạng dân số của các dân tộc thiểu số rất ít người cả về số lượng và chất lượng, nhằm đạt được mức sinh thay thế, giảm mạnh tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi, góp phần nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo sự phát triển đồng đều và bình đẳng giữa các dân tộc.

Bùi Văn Thắng

Số lượt xem:1803
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3819325 Tổng số người truy cập: 37 Số người online:
Phát triển:TNC