banner
Thứ 6, ngày 29 tháng 3 năm 2024
Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh Kon Tum
31-3-2020

Tuyến đường tránh thành phố Kon Tum. Ảnh: DL

Năm 2019, tỉnh Kon Tum triển khai 14 dự án sử dụng vốn ODA bao gồm 10 dự án ODA vay và 04 dự án viện trợ không hoàn lại. Các dự án tập trung tại các lĩnh vực ưu tiên như hạ tầng kinh tế xã hội, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp với xóa đói giảm nghèo, nâng cao năng lực quản trị hành chính công do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng thế giới (WB), UNICEF, Chính phủ Cộng hòa Liên ban Đức, Chính phủ Vương quốc Bỉ, Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ. Tổng mức đầu tư các dự án là 2.973.700 triệu đồng (trong đó vốn tài trợ cam kết là 2.553.187 triệu đồng, vốn đối ứng là 420.513 triệu đồng). Tổng vốn giải ngân các dự án đạt 141.898 triệu đồng.

Trong điều kiện nguồn lực công còn nhiều hạn chế, nguồn vốn ODA đã và đang góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Các dự án ODA được triển khai theo quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ và phù hợp với cam kết của nhà tài trợ. Các dự án triển khai đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực như: Hệ thống thuỷ lợi, giao thông nông thôn, cấp nước sinh hoạt quy mô nhỏ cơ bản đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của người dân; đã chuyển giao kỹ thuật, mô hình và cung cấp các nguồn giống có chất lượng cao trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tích cực trong việc giải quyết việc làm, tạo thu nhập, từng bước góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong vùng dự án. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, giáo dục được cải thiện; chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao, hỗ trợ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Các tiến bộ khoa học, kỹ thuật được chuyển giao, năng lực và kinh nghiệm quản lý của cán bộ, công chức các cấp từng bước được nâng lên. Hỗ trợ người dân quản lý và bảo vệ rừng, cải thiện việc tương tác giữa chính quyền và người dân và nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ công.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện còn có những khó khăn vướng mắc: Các nhà tài trợ đã điều chỉnh cơ cấu nguồn ODA theo hướng giảm nguồn vốn viện trợ hoàn trợ không hoàn lại và các khoản ODA vay có điều kiện tài chính trở nên ngày càng kém ưu đãi hơn. Địa phương khi tham gia các dự án ODA vay thực hiện vay lại theo quy định. Căn cứ mức dư nợ vay hiện tại của tỉnh và tỷ lệ vay lại vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi theo quy định thì khả năng tiếp cận đối với các dự án vận động mới là khó khả thi; Một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức và còn lúng túng trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại nhân dân, trong đó có việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài; việc tiếp nhận viện trợ chưa có bộ phận chuyên trách có đủ năng lực và kinh nghiệm để tham mưu cho lãnh đạo đơn vị, địa phương trong công tác vận động, tiếp nhận, quản lý dự án thuộc nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

Để triển khai thực hiện hiệu quả vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài, trong thời gian đến cần đề ra các giải pháp:

Một là, Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH ngày 05 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về một số nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài; ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 3086/UBND-KTTH ngày 05 tháng 11 năm 2018.

- Hai là, Tăng cường theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn chủ dự án xử lý các vướng mắc và triển khai các chương trình, dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

- Ba là, Trên cơ sở định hướng của nhà tài trợ, tăng cường tiếp xúc, đăng ký vận động nguồn ODA có chi phí thấp cho các dự án ưu tiên phù hợp với điều kiện, tiêu chí về hiệu quả kinh tế - xã hội và khả năng trả nợ của địa phương.

- Bốn là, Tăng cường chia sẻ thông tin cơ quan đầu mối ở trung ương, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài nhằm tạo sự ủng hộ và đồng thuận trong việc ưu tiên cho tỉnh các dự án sử dụng vốn viện trợ.

- Năm là, Tiếp tục nâng cao tính chủ động, vai trò trong kiểm tra, giám sát, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý công tác viện trợ nhằm đảm bảo công tác vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn viện trợ được tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiệu quả.

Nguyễn Xuân Lộc

Số lượt xem:1316
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3743820 Tổng số người truy cập: 42 Số người online:
Phát triển:TNC