banner
Thứ 6, ngày 26 tháng 4 năm 2024
Thực trạng và nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, trên địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh kon Tum và các giải pháp khắc phục trong thời gian tới
20-9-2019

Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở Bắc Tây Nguyên với tổng diện tích tự nhiên là 9.689,61 km2. Phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam; phía nam giáp tỉnh Gia Lai; phía đông giáp tỉnh Quảng Ngãi; phía tây giáp tỉnh Attapư (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) với đường biên giới 154,222 km, và tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) với đường biên giới 138,3 km. Dân số toàn tỉnh khoảng 526 nghìn người, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 53% với 28 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 7 DTTS tại chỗ gồm Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ - Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hre. Tình hình tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng luôn là vấn đề gây nhức nhối trong những năm gần đây. Chỉ tính riêng trong năm 2018 trên địa bàn tỉnh có172 cặp (207 trường hợp) và 01 cặp kết hôn cận huyết thống. Và nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là do:

- Các chính sách, pháp luật về vấn đề hôn nhân và gia đình chưa được triển khai thực hiện hiệu quả ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Dù mức xử phạt thấp, nhưng những trường hợp vi phạm hầu hết là hộ nghèo nên dù có phạt vẫn không thu được tiền. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở (cấp xã) vẫn còn lúng túng trong vấn đề xử lý vi phạm về tảo hôn.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương còn hạn chế do nhiều yếu tố: rào cản về ngôn ngữ như nhiều người dân không biết nói tiếng phổ thông (tiếng Kinh), trình độ dân trí thấp (mù chữ, học vấn thấp), thiếu kinh phí triển khai, đối tượng được tuyên truyền ít tham gia (thanh thiếu niên)… dẫn đến hiệu quả không cao.

- Sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn còn chưa mạnh mẽ, thiếu kiên quyết. Một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này, nên thiếu sự chỉ đạo cụ thể.

- Chính sách đầu tư cho miền núi, nông thôn và vùng khó khăn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của tỉnh còn nhiều yếu kém, dân số ít và sống phân tán, trình độ dân trí không đồng đều, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét.. vì vậy đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn

- Ảnh hưởng của phong tục tập quán và quan niệm lạc hậu trong hôn nhân, những hủ tục như hứa hôn vẫn còn tồn tại cùng với những quan niệm mang tính duy tâm, đã dẫn đến nhiều gia đình quyết định dựng vợ gả chồng cho con em mình khi chưa đến tuổi kết hôn. Sự thiếu hiểu biết do trình độ học vấn thấp kết hợp với phong tục tập quán và nhiều yếu tố khác đã làm gia tăng tình trạng tảo hôn.

- Không có việc làm hoặc cần người để làm việc cũng là yếu tố góp phần làm tỷ lệ kết hôn sớm tăng. Đặc biệt đối với đồng bào dân tộc miền núi thì kết hôn sớm do nhu cầu về lao động là động cơ quan trọng. Những phản ứng từ phía cộng đồng còn rất yếu ớt, hầu hết đều coi đây là chuyện riêng của từng gia đình. Thậm chí cộng đồng không những không phản đối mà còn đồng tình ủng hộ. 

- Việc quản lý con em của phụ huynh chưa được quan tâm chú trọng, nhiều gia đình có sự buông lỏng con cái. Bên cạnh đó, công tác quản lý học sinh tại các trường Trung học phổ thông, Phổ thông dân tộc nội trú giữa nhà trường và gia đình chưa chặt chẽ; sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, sự du nhập của văn hóa ngoại lai, lối sống thử , thiếu kinh nghiệm giới tính…đã ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh, nên xảy ra những trường hợp mang thai ngoài ý muốn phải nghỉ học, dẫn đến tảo hôn.

Hội nghị tuyên truyền, vận động giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống do Ban Dân tộc tổ chức

Để khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp như sau:

 Thứ nhất là, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 02-4-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum; nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đối với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình; tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ đối với việc lãnh đạo triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT; xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS.  

Thứ hai là, chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch và đề ra biện pháp cụ thể để tập trung thực hiện có hiệu quả Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT vùng DTTS giai đoạn 2015-2025, và Kế hoạch thực hiện đề án của UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 792/QĐ-UBND ngày 05/10/2015. Hàng năm, bố trí một phần kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho các đơn vị (ngoài nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ) để triển khai các hoạt động của đề án.

Thứ ba là, đẩy mạnh và đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình; chú trọng lựa chọn nội dung trọng tâm, biên soạn tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với thực tiễn và nhận thức của đồng bào DTTS, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh, thiếu niên và vùng có nguy cơ cao về tảo hôn, HNCHT. Chú trọng hình thức tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên các cấp, cán bộ xã, thôn; lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các chương trình thông tin lưu động, sân khấu hóa; hoạt động ngoại khóa trong các trường học, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật; xây dựng các phóng sự, tin, bài phản ánh về hậu quả của tảo hôn, HNCHT phát trên hệ thống phát thanh truyền hình, nhất là loa truyền thanh cơ sở; tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hội thi tìm hiểu pháp luật và hoạt động tư vấn trợ giúp pháp lý miễn phí tại trung tâm và lưu động đến các điểm dân cư vùng DTTS. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ người DTTS, già làng, trưởng thôn, người có uy tín, hòa giải viên, cộng tác viên ở cơ sở trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình ngay từ trong khu dân cư.

Thứ tư là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống tảo hôn, HNCHT. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhất là đối tượng là cán bộ, đảng viên; xử phạt hành chính kết hợp với xử phạt theo hương ước, quy ước. Kết hợp và nâng cao hiệu quả giữa công tác chỉ đạo, thực hiện, kiểm tra, đánh giá, xử lý vi phạm với thi đua khen thưởng, nhân rộng các mô hình hay trong tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Ksor H’Nhuên

Số lượt xem:41420
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3818365 Tổng số người truy cập: 62 Số người online:
Phát triển:TNC