banner
Thứ 5, ngày 25 tháng 4 năm 2024
Kết quả thực hiện công tác dân tộc 6 tháng đầu năm 2019 của Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum
16-7-2019

Tích cực, chủ động tham mưu triển khai thực hiện các Chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của Ban Dân tộc:

Đối với Chương trình 135: tổng kế hoạch giao vốn 92,164 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở... đến này đã thực hiện 19,470 tỷ đồng, đạt 21,20% kế hoạch vốn giao, trong đó đã đầu tư xây dựng các công trình đường giao thông nông thôn, thủy lợi, điện sinh hoạt, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, nước sinh hoạt… Thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS theo Quyết định 12/TTg: Năm 2019 trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 811 người có uy tín được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; kinh phí cấp để thực hiện chính sách là 2,267 tỷ đồng. Đến nay đã cấp 31.629 tờ báo Dân tộc và Phát triển, 5.334 tờ báo Ảnh Kon Tum; thăm hỏi nhân dịp Tết nguyên đán 104 người; tổ chức 03 Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 242 người có uy và tổ chức đoàn người có uy tín đi thăm quan, học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh… Kinh phí thực hiện trên 1,001 tỷ đồng, đạt 44,16% so với kinh phí giao.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tiếp đoàn đại biểu người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Kon Tum tháng 5-2019 tại Hà Nội

Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 2085/TTg: Kế hoạch vốn năm 2018-2019 là 67,685 tỷ đồng. Theo đó, từ năm 2018 đến 6/2019 tổng kinh phí thực hiện các nội dung là 28, 370 tỷ đồng, đạt 41,91% so với kế hoạch vốn giao. UBND các huyện, thành phố đã hỗ trợ đất ở cho 620 hộ, đạt 25,9% so với Đề án; Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 187 hộ, đạt 3,1% so với Đề án; Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho là 470 hộ, đạt 4,2% so với Đề án; số hộ vay vốn tín dụng để chuyển đổi ngành nghề là 757 hộ, đạt 11,32% so với Đề án.

Thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025: Kế hoạch vốn năm 2019: 8,598 tỷ đồng. Hiện nay, đang tổ chức rà soát, xác định nội dung, nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất; phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh về nội dung triển khai thực hiện.

Tiết mục văn nghệ chào mừng Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Đăk Glei lần thứ III năm 2019.

Toàn tỉnh cấp, phát hơn 106 nghìn tờ thuộc 19 loại ấn phẩm báo, tạp chí theo Quyết định 59/TTg cho đối tượng thụ hưởng; góp phần nâng cao hiệu biết, kiến thức, đời sống tinh thần cho người dân vùng dân tộc và miền núi.

Đã tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân trên địa bàn nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là các chương trình, chính sách đang triển khai ở vùng dân tộc và miền núi qua việc triển khai thực hiện các Đề án của Trung ương, tỉnh giao: Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 -2020” theo Quyết định 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2021” theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg; Công tác tuyên tuyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo Nghị định 05/2011/NĐ-CP; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn2018-2025” theo Quyết định 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum” giai đoạn 2017-2020... với hàng chục Hội nghị thu hút hàng nghìn lượt cán bộ, nhân dân tại địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc và miền núi tham gia.

Bên cạnh việc thực hiện chính sách dân tộc; công tác tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ QLNN về lĩnh vực công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh được chú trọng, cụ thế:

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh và tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc; Chiến lược Công tác dân tộc và các chương trình, đề án do Trung ương giao, Ban Dân tộc đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn, tích cực tham mưu những chính sách đáp ứng yêu cầu thiết yếu cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chủ động giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh, đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS và vùng biên giới. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và tham mưu UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 1348/KH-UBND, ngày 31/5/2018 thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 02-04-2018 của Tỉnh ủy Kon Tum về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức thành công Đại hội địa biểu các DTTS tại 10 huyện, thành phố với sự tham gia của 1.438/1.552 đại biểu chính thức đại diện cho khoảng 280.000 nghìn đồng bào các DTTS trên địa bàn các huyện, thành phố về dự Đại hội.

Tham mưu, hướng dẫn triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với vùng miền núi và dân tộc do Ban Dân tộc tỉnh quản lý. Góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng đặc biệt khó khăn, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách trên địa bàn; qua đó kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Tham mưu thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh như: Hoàn thành sách lịch sử công tác dân tộc tỉnh Kon Tum; báo cáo tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020;  Báo cáo đánh giá sơ kết thực hiện giai đoạn 2016-2020 và đề xuất kế hoạch khung giai đoạn 2021-2025 của dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế thuộc chương trình 135; báo cáo tổng kết đánh giá phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; Đề án bảo vệ và phát triển Dân tộc Brâu, Rơ măm theo hướng bình đẳng, đồng đều giữa các dân tộc trong giai đoạn 2020-2030. Thực hiện tốt công tác phối kết hợp với các sở, ngành và các huyện trong việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn…

Tuy nhiên việc thực hiện các chương trình, chính sách vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc như: Tiến độ thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg còn chậm; Một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện chế độ báo cáo theo quy định; chất lượng thông tin tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ theo đề cương, biểu mẫu hướng dẫn, báo cáo còn thiếu thông tin, thiếu nguồn vốn, dẫn đến khó khăn trong công tác tổng hợp báo cáo định kỳ cho UBND tỉnh, Ủy ban Dân tộc. Công tác báo cáo của các sở, ban, ngành có liên quan về một số chương trình, đề án, dự án, chính sách do ngành quản lý về lĩnh vực công tác dân tộc chưa kịp thời nên ảnh hưởng đến công tác tổng hợp báo cáo theo yêu cầu của các cấp, các ngành.

Để việc triển khai thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc 6 tháng đầu năm 2019 đạt được kết quả và hoàn thành Chương trình công tác trọng tâm đã đề ra cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để các cấp, các ngành nhận thức đúng đắn trách nhiệm trong việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân.

Hai là, Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh 6 tháng cuối năm 2019, đảm bảo tiến độ theo Chương trình, kế hoạch đề ra.

Ba là, Tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 14 của Tỉnh ủy Kon Tum và Kế hoạch số 1348 của UBND tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Bốn là, Tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chương trình, dự án mà Ban Dân tộc quản lý nhằm chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện đúng tiến độ và đạt chất lượng.

Năm là, Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, các Đề án, chương trình chính sách trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; chủ động, kịp thời bám sát Chương trình công tác dân tộc năm 2019 của cơ quan Ban Dân tộc và các nhiệm vụ định kỳ, đột xuất theo sự chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao nhằm thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả theo chức năng, quyền hạn được giao, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch.

Sáu là, tham mưu tổ chức thành công Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ III năm 2019; tham mưu tổng kết lý luận, thực tiễn giai đoạn 2018-2020 về công tác dân tộc và chính sách dân tộc theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy.

Nguyễn Thanh Hưng

 

Số lượt xem:2988
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3812867 Tổng số người truy cập: 53 Số người online:
Phát triển:TNC