banner
Thứ 5, ngày 25 tháng 4 năm 2024
Thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc góp phần phòng ngừa, ngăn chặn xung đột xã hội, điểm nóng chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum
20-9-2019

Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, nằm ở Bắc Tây Nguyên với tổng diện tích tự nhiên 9.689,61 km2. Thành phần các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh rất đa dạng  gồm 28 dân tộc, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ -Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hre (Hrê); các dân tộc tại chỗ tỉnh Kon Tum cư trú tập trung trên địa bàn các huyện, thành phố, cụ thể như: người Xơ Đăng cư trú phần lớn ở phía Bắc và phía Đông thuộc các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Tô, Kon Plông…; người Ba Na cư trú ở phía Nam thuộc thành phố Kon Tum, huyện Kon Rẫy, Đăk Hà; người Giẻ-Triêng cư trú ở 2 huyện Đăk Glei và Ngọc Hồi; người Gia Rai cư trú ở huyện Sa Thầy và thành phố Kon Tum; có 02 dân tộc rất ít người là Brâu cư trú tại làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi và Rơ Măm cư trú tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy. Ngoài ra còn có các dân tộc khác di cư đến sinh sống rải rác trên địa bàn các huyện, thành phố cùng với các dân tộc tại chỗ của tỉnh tạo thành cộng đồng các dân tộc thiểu số đa dạng về văn hoá, phong phú về thành phần dân tộc, đoàn kết giúp nhau cùng phát triển. 

Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, nhiều chủ trương chính sách đã được đầu tư, hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung và vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nói riêng, nhằm từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số; Trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt triển khai thực hiện các chương trình, dự án nhằm giúp đỡ, hỗ trợ cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần xoá đói giảm nghèo, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. Việc triển khai thực hiện các chương trình chính sách dân tộc luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND các cấp; công tác phối hợp tuyên truyền của Mặt trận các đoàn thể; sự nhiệt tình, đồng thuận tham gia thực hiện của người dân, quá trình tổ chức, triển khai thực hiện đều có sự phối hợp chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, từ cấp tỉnh đến cấp huyện và sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì thực hiện dự án với các sở, ngành liên quan trong quá trình xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn, hướng dẫn thực hiện, tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện; các chương trình, chính sách đều được công khai dân chủ từ cơ sở, lấy ý kiến từ thôn, làng, người dân và lựa chọn nội dung thực hiện theo thứ tự ưu tiên nên nội dung đầu tư, hỗ trợ cơ bản bám sát quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân, được người dân nhiệt tình tham gia hưởng ứng; qua đó bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh;

Mô hình trồng Sâm dây dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 huyện Đăk Glei

Việc triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc như: Điều tra, khảo sát về kinh tế văn hóa, xã hội làng DTTS thuộc khu vực I, II còn khó khăn, chưa được hưởng chính sách dân tộc; điều tra, khảo sát, công nhận dân tộc Hrê (Hre) là DTTS tại chỗ tỉnh Kon Tum; nghiên cứu về nguồn gốc hình thành, tên gọi, địa bàn cư trú các làng của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum; tổ chức Đại hội Đại biểu DTTS tỉnh Kon Tum lần I (năm 2009), lần II (năm 2014) và Đại biểu DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ III sắp diễn ra; các Đề án "Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum"; “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020 (giai đoạn I) trên địa bàn tỉnh Kon Tum”; Nghị quyết số 52/NQCP; Quyết định số 1557/QĐ-TTg. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách: Chương trình 135; Nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len; Quyết định số 755/QĐ-TTg; Quyết định 33/2013/QĐ-TTg; Quyết định 102/2009/QĐ-TTg; Quyết định số 12/QĐ-TTg; Quyết định 45/QĐ-TTg; Quyết định 2561/QĐ -TTg; Quyết định số 2085/QĐ-TTg...đã góp phần tạo đà cho kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tiếp tục có bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần; trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao; chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực vùng DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, phục vụ đời sống dân sinh, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động. Đến nay, toàn tỉnh có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới trên địa bàn tỉnh đạt 99,03% và tỷ lệ số thôn, làng có điện lưới quốc gia khoảng 99,44% (còn 05 thôn chưa có điện); 98% xã có đường giao thông cứng hóa, đi lại thuận tiện quanh năm, 57% đường thôn xóm được cứng hóa; 86,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% xã, phường, thị trấn có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng; hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu được tập trung đầu tư, hoàn thiện; đời sống văn hóa được quan tâm; tự do, tín ngưỡng được đảm bảo; giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe được chú trọng thực hiện; dịch bệnh được kiểm soát; quốc phòng, an ninh được giữ vững; từ những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện công tác dân tộc và các chương trình chính sách dân tộc đã góp một phần không nhỏ trong việc phòng ngừa, ngăn chặn xung đột xã hội, điểm nóng chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước cũng như các chương trình, chính sách dân tộc cũng đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện và xem đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội không của riêng ngành nào, cấp nào; trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã luôn chú trọng tuyên truyền vận động một cách đầy đủ, rộng rãi nhất về ý nghĩa, mục đích, nội dung của các chương trình, chính sách dân tộc đã và đang được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư hỗ trợ trên địa bàn tỉnh để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số được biết và hiểu rõ các chính sách nhằm tạo sự đồng thuận cao trong quá trình tham gia thực hiện để các chính sách ngày càng đi vào cuộc sống, đạt được kết quả cũng như mục tiêu của từng chính sách đặt ra. Triển khai thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền đã góp một phần không nhỏ trong việc ổn định tư tưởng và củng cố thêm niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với các đường lối, chủ trương của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần phòng ngừa và giảm thiểu nhỏ nhất những xung đột có thể xảy ra sẽ tạo thành những điểm nóng không đáng có ở vùng sâu, vùng xã, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đ/c Hà Hồng Duy, Phó Trưởng Ban Dân tộc phát biểu khai mạc Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS theo Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ tại xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn không ít những tồn tại, khó khăn cần được quan tâm, có giải pháp khắc phục như:

Thứ nhất, nhận thức của một bộ phận cán bộ, người dân chưa đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dân tộc và chính sách dân tộc dẫn đến một bộ phận người đồng bào DTTS, người nghèo còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; chưa phát huy tính chủ động để vươn lên thoát nghèo, sử dụng vốn được hỗ trợ kém hiệu quả.

Thứ hai, đời sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các làng đồng bào DTTS ở xung quanh khu vực thành phố, thị trấn thuộc khu vực I, II, kinh tế văn hóa, xã hội còn khó khăn như các xã khu vực III, xã đặc biệt khó khăn, nhưng chưa được quan tâm, có chính sách đặc thù để đầu tư, hỗ trợ;

Thứ ba, công tác tham mưu, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc có lúc chưa kịp thời, tiến độ còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra; trong khi đó, cơ chế chính sách, hướng dẫn của Bộ, ngành ở trung ương chậm và thường xuyên thay đổi đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác chỉ đạo điều hànhtriển khai thực hiện ở địa phương.

Thứ tư, một số chương trình, chính sách thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc, miền núi còn dàn trải, thời gian thực hiện ngắn, chưa hiệu quả (đa số chính sách chỉ có thời hạn 5 năm nhưng thời gian xây dựng và ban hành chính sách mất từ 1-2 năm thời gian triển khai thực hiện thực tế chỉ còn khoảng 3 năm). Nguồn kinh phí được Trung ương phân bổ cho địa phương chậm, thiếu hướng dẫn cụ thể nên gây khó khăn trong thực hiện.

Thứ năm, một số chính sách chưa thực sự tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, chưa phát huy được thế mạnh của địa phương (về tài nguyên rừng và đất rừng, điều kiện khí hậu tự nhiên,...); nguồn lực thực hiện các chính sách chủ yếu từ ngân sách trung ương cấp về theo từng chương trình, dự án, chính sách và định mức của trung ương quy định nhưng vẫn chưa kịp thời và đầy đủ, nguồn lực huy động chưa được nhiều; các chính sách tập trung vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất chủ yếu là cấp phát/cho không nên tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại, chưa nhân rộng được các mô hình sản.

Từ những kết quả đạt được cũng như một số tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc như đã nêu trên; để việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trong thời gian tới đạt kết quả góp phần phòng ngừa và ngăn chặn, giải quyết các xung đột xã hội, điểm nóng chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng DTTS nói riêng; cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về công tác dân tộc, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không để kẻ xấu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm mất ổn định an ninh chính trị-trật tự xã hội trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 14-02-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉn Kon Tum.

Hai là, Tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc trong vùng đồng bào DTTS; Nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tập trung rà soát, bổ sung, xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội; quy hoạch khu dân cư, khu sản xuất ở các thôn, làng có đông đồng bào DTTS, đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Ba là, Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư vào những vùng có đông đồng bào DTTS, đồng thời khuyến khích và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại chỗ, nhằm tạo việc làm ổn định, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS trên địa bàn.

Bốn là, Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 23-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV “về tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS giai đoạn 2016-2020”. Tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học của học sinh những vùng có đông đồng bào DTTS; trước mắt cần tiến hành rà soát, sắp xếp lại hệ thống trường, lớp đảm bảo yêu cầu dạy và học của học sinh DTTS; thực hiện tốt các giải pháp để phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông là người DTTS. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho đồng bào DTTS.

Năm là, Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đầu tư hoàn thiện trạm y tế xã; đào tạo đội ngũ cán bộ y tế thôn, làng đạt chuẩn, phát triển mạnh y tế dự phòng; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; giảm dần tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS.

Sáu là, Thực hiện có hiệu quả công tác sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy các di sản, bản sắc văn hóa, nghề truyền thống tiêu biểu của các DTTS; đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh truyền hình bằng tiếng DTTS.

Bảy là, Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và tăng cường củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS; Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội cho phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng dân tộc. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động; Phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng dân tộc và miền núi.

Tám là: Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và đánh giá việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh; Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện các chương trình, chính sách, đề án ở vùng dân tộc và miền núi.

Trần Văn Tấn

Số lượt xem:2398
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3814989 Tổng số người truy cập: 59 Số người online:
Phát triển:TNC