banner
Thứ 7, ngày 20 tháng 4 năm 2024
Phát huy vai trò Người tiêu biểu trong đồng bào DTTS ở Kon Tum: Hiệu quả từ một chính sách đặc thù
8-8-2019

Ở làng O, xã YaXiêr (huyện Sa Thầy) ai cũng biết ông A Sưnh, sinh năm 1964, dân tộc Jrai không chỉ vì ông là Phó Chủ tịch HĐND xã YaXiêr mà còn là một nông dân sản xuất giỏi.

Theo ông Y Liễng, Bí thư Đảng ủy xã YaXiêr, ông A Sưnh là một trong những người đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở xã YaXiêr. Trước đây, cũng như đại đa số người dân ở xã YaXiêr, gia đình ông A Sưnh chủ yếu trồng sắn, ngô và lúa rẫy nên thu nhập rất bấp bênh.

Thực hiện chủ trương của huyện, của xã về việc chuyển đổi cây trồng, ứng dụng khoa học -kỹ thuật vào sản xuất, ông A Sưnh đã mạnh dạn chuyển hơn 3,5ha trồng sắn, ngô sang trồng cao su. Đến nay, diện tích trồng cao su của A Sưnh đang trong giai đoạn thu hoạch; bình quân mủ cao su đem về thu nhập cho gia đình ông trên dưới 1,2 triệu đồng/ngày. Ngoài ra, ông còn có 3ha đất trồng bời lời, sắn, ruộng nước và chăn nuôi hàng chục con bò, lợn,… mỗi năm cho gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng

Người tiêu biểu

Người tiêu biểu là “hạt nhân” để vận động đồng bào các DTTS ở Kon Tum xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc tích cực phát triển kinh tế. (Ảnh minh họa)

“Cái được nhất” của ông A Sưnh với vai trò là Phó Chủ tịch HĐND xã, ông đã vận động người dân trên địa bàn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập. Được hỗ trợ giống, vật tư, phân bón, tập huấn kiến thức từ các chương trình, dự án (Chương trình 30a, Chương trình 135,…), cùng với sự giúp đỡ tận tình của ông A Sưnh, người dân xã YaXiêr đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng nhiều loại cây công nghiệp như cao su, bời lời, cà phê.

Nhờ đó, hiện toàn xã YaXiêr đã có 649ha cao su, 167ha bời lời và 8,5ha cà phê… Ngoài ra, toàn xã hiện có đàn trâu 256 con, đàn bò 790 con, đàn dê 463 con… Dù hiện đang là xã đặc biệt khó khăn nhất của huyện Sa Thầy nhưng YaXiêr cũng đã mạnh dạn đặt mục tiêu về đích nông thôn mới vào năm 2025.

Cũng như ông A Sưnh ở xã YaXiêr, trên địa bàn tỉnh Kon Tum nhiều năm qua, hàng trăm Người tiêu biểu trong đồng bào DTTS đã phát huy vai trò “đầu tàu” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Năm 2019, tỉnh Kon Tum có 650 Người tiêu biểu được công nhận, đã và đang góp sức cùng với đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tham gia phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Thêm cơ chế để phát huy vai trò

Theo ông Ka Ba Thành, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, việc tỉnh Kon Tum công nhận Người tiêu biểu trong đồng bào DTTS là một chủ trương riêng của UBND tỉnh, được giao cho Ban Dân tộc tỉnh thực hiện. Quy trình xét, bình chọn người tiêu biểu cũng gần tương tự như bầu chọn Người có uy tín trong đồng bào DTTS; đội ngũ Người tiêu biểu cũng được thăm hỏi, động viên về tinh thần lẫn vật chất như Người có uy tín, kinh phí được trích từ ngân sách địa phương.

Ông Thành khẳng định, cùng với đội ngũ Người có uy tín, vai trò tích cực của Người tiêu biểu trong đồng bào DTTS đã góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn, khuyến khích đồng bào các DTTS tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Với nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án giảm nghèo được triển khai hiệu quả đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh.

“Đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm xuống còn 17,29%, tương ứng là 22.851 hộ nghèo; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS còn 30,89% so với tổng số hộ DTTS toàn tỉnh, với 21.392 hộ nghèo”, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ka Ba Thành thông tin.

Khẳng định hiệu quả của chính sách đối với Người tiêu biểu trong đồng bào DTTS, nhưng Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, ông Ka Ba Thành cũng bày tỏ trăn trở khi mà nguồn lực để thực hiện chính sách còn rất hạn chế. Bình quân mỗi năm, Ban Dân tộc chỉ được tỉnh bố trí khoảng 250 triệu đồng để tổ chức biểu dương, thăm hỏi Người tiêu biểu.

“Mặc dù hầu hết Người tiêu biểu đều bày tỏ chỉ cần được động viên về tinh thần nhưng xét về mặt cơ chế, chính sách thì việc bố trí thêm nguồn lực để động viên họ về vật chất cũng là điều nên làm”, ông Thành chia sẻ.

Phải khẳng định, trong điều kiện còn khó khăn, nhưng tỉnh Kon Tum đã có chính sách riêng đối với Người tiêu biểu trong đồng bào DTTS là rất đáng khích lệ. Chính sách này đã “chia lửa” cùng với ngân sách Trung ương trong việc phát huy vai trò gương mẫu, “đầu tàu” của những cá nhân điển hình trong đồng bào DTTS ở Kon Tum. Thiết nghĩ, tỉnh Kon Tum có thể cân đối nguồn lực để bố trí thêm ngân sách, từ đó tăng hiệu quả trong việc động viên Người tiêu biểu phát huy hơn nữa vai trò của mình để góp phần đưa tỉnh Kon Tum phát triển bền vững.

Theo Báo Dân tộc (baodantoc.com.vn)

Số lượt xem:1461
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3797816 Tổng số người truy cập: 33 Số người online:
Phát triển:TNC