banner
Thứ 7, ngày 27 tháng 4 năm 2024
Kết quả dạy tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum
20-11-2019

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh  đã  ban  hành  Quyết  định  số 44/2014/QĐ-UBND, ngày 05/8/2014 của UBND tỉnh về việc triển khai dạy và học tiếng Gia-rai,  Ba-na cho học sinh tiểu học trên địa bàn. Chỉ đạo ngành giáo dục tiếp tục chuẩn bị các điều kiện mở rộng quy mô dạy học đối với tiếng DTTS Ba-na, Gia-rai và triển khai dạy học tiếng DTTS khác. Hiện tỉnh đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để tổ chức dạy học tiếng Xơ-đăng cho học sinh tiểu học. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng ý với chủ trương triển khai tổ chức dạy học tiếng Xơ-đăng cho học sinh tiểu học. Tuy nhiên, việc xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu, sách giáo khoa, chương trình đào tạo giáo viên...phục vụ cho việc dạy và học tiếng Xơ-đăng đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trên cơ sở văn bản xin ý kiến của UBND tỉnh Kon Tum. Đến nay, kết quả việc dạy tiếng DTTS cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum như sau:

Về điều kiện tổ chức dạy học: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum chỉ đạo các trường giảng dạy theo Quyết định số 76/2008/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 77/2008/QĐ-BGDĐT ngày 26/12/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành chương trình tiếng Gia-rai, Ba-na cấp tiểu học và thực hiện theo chương trình, sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Toàn tỉnh có 11 giáo viên trực tiếp giảng dạy tiếng Gia-rai, Ba-na cấp tiểu học. Đội ngũ giáo viên đã được bồi dưỡng về kỹ năng, phương pháp dạy học tiếng Gia-rai,  Ba-na cho học sinh trong nhà trường. Năm học 2019-2020 toàn tỉnh có 10 trường dạy học tiếng dân tộc Gia-rai,  Ba-na với 33 lớp và 805 học sinh.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên: Đội ngũ giáo viên dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc của tỉnh hầu hết là người Gia-rai và Ba-na, đã đạt chuẩn, trên chuẩn đào tạo sư phạm; thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ dạy tiếng DTTS trong nhà trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Các huyện, thành phố có dạy học tiếng dân tộc đã chủ động tổ chức các hội thảo,  sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường huyện, thành phố; tổ chức thao giảng, dự giờ,... nhằm tạo điều kiện giao lưu, trao đổi chuyên môn và rút kinh nghiệm trong quá trình dạy học.

Giáo viên và học sinh trong 01 tiết học tiếng DTTS trên địa bàn Thành phố Kon Tum

Công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy và học tiếng dân tộc: Trên cơ sở các văn bản của Trung ương, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động dạy học tiếng dân tộc cho học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo đã thành lập phòng giáo dục Dân tộc, các phòng Giáo dục và Đào tạo huyện/thành phố phân công cán bộ phụ trách công tác giáo dục Dân tộc. Đây là một trong các điều kiện để đẩy mạnh công tác tham mưu và hướng dẫn triển khai các hoạt động ở lĩnh vực giáo dục dân tộc nói chung, hoạt động dạy và học tiếng dân tộc nói riêng. Các trường dạy học tiếng DTTS theo hình thức môn tự chọn, chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung, phương pháp phù hợp. Các tiết dạy được sắp xếp chủ yếu ngoài buổi học chính khóa, mỗi tuần 02 buổi và mỗi buổi học 02 tiết, đảm bảo thực hiện đủ số tiết chương trình quy định (132 tiết). Hoạt động dạy tiếng DTTS được các cấp quản lý kiểm tra, đánh giá và báo cáo định kỳ theo quy định.

Đánh giá kết quả, chất lượng, hiệu quả dạy và học môn tiếng DTTS: Giáo viên thực hiện đúng phân phối chương trình, đảm bảo nội dung và kiến thức kĩ năng bài học; sử dụng phương pháp dạy học đúng đặc trưng bộ môn, chú trọng rèn kĩ năng đọc, viết cho học sinh; vận dụng sáng tạo phương pháp, hình thức dạy học môn tiếng Việt vào giảng dạy môn tiếng dân tộc. Đặc biệt nhiều giáo viên đã làm và sưu tầm đồ dùng dạy học phù hợp, hiệu quả, phát huy tính tích cực của học sinh. Đa số học sinh nắm được kiến thức, kĩ năng cơ bản của chương trình. Cuối năm học 2018-2019, đa số học sinh đều hoàn  thành  chương  trình  trở  lên (860/866 em), đạt 99,3%.

Học sinh Trường Tiểu học trên địa bàn Thành phố Kon Tum học tiếng Ba - na

Kết quả đạt được như trên là do luôn có sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước cho vùng DTTS cùng các cơ chế chính sách ban hành riêng về công tác dân tộc, công tác bảo tồn văn hóa, tiếng nói, chữ viết các DTTS đã tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong việc tổ chức học tập tiếng các DTTS. Việc dạy học tiếng DTTS trên địa bàn đã được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền các địa phương; sự đồng tình, ủng hộ và tham gia của nhân dân, nhất là cộng đồng các DTTS. Đội ngũ giáo viên người DTTS, nhiệt tình, trách nhiệm và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ dạy tiếng DTTS cho học sinh.

Bên cạnh đó, việc dạy tiếng DTTS còn có một số hạn chế đó là, cùng với hạn chế về các điều kiện cơ sở vật chất nói chung, vấn đề đội ngũ thiếu hụt và thiếu tính kế thừa là thách thức cho công tác dạy học tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh. Số lượng và chất lượng giáo viên hiện chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô giảng dạy tiếng DTTS. Giáo viên dạy tiếng DTTS hiện nay đều chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ dạy tiếng dân tộc. Đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực ngôn ngữ các DTTS chưa đáp ứng được việc thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ các DTTS trên địa bàn. Việc mở mã ngành đào tạo giáo viên dạy tiếng DTTS tại trường Cao đẳng Cộng đồng của tỉnh gặp khó khăn do thiếu đội ngũ giảng viên, kinh phí thực hiện. Môi trường, điều kiện để vận dụng, phát huy các kỹ năng đã được học tiếng DTTS của học sinh còn bất cập (tài liệu tham khảo cho giáo viên, sách, báo tạp chí bằng ngôn ngữ các DTTS tại chỗ ở Kon Tum dành cho học sinh chưa thật sự phong phú...). Sự tiếp biến, du nhập của các dòng văn hóa khác ảnh hưởng nhất định đến môi trường sử dụng và phát huy ngôn ngữ tại chỗ của các DTTS. Cơ chế, chính sách trong lĩnh vực trên chưa tạo sự chủ động cho địa phương trong việc triển khai kịp thời các điều kiện thúc đẩy hoạt động dạy học tiếng DTTS cho học sinh. Nguồn lực tài chính ưu tiên cho lĩnh vực này còn hạn chế.

Để triển khai việc dạy và học tiếng DTTS cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:

Đề nghị Trung ương quan tâm xem xét sửa  đổi  bổ  sung  Nghị  định  số 82/2010/NĐ-CP  ngày  15/7/2010  của Chính phủ về quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên theo hướng: giao quyền chủ động trong biên soạn chương trình sách giáo khoa dạy tiếng cho các tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ vai trò thẩm định.

Sớm xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu, sách giáo khoa, chương trình đào tạo giáo viên.... phục vụ cho việc dạy và học tiếng Xơ Đăng.

Các cơ quan nghiên cứu đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ các DTTS, nhất là các DTTS nhiều nhóm, nhánh tại địa phương.

Ưu tiên kinh phí cho việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến các hoạt động bảo tồn và phát huy ngôn ngữ các DTTS nói chung và hoạt động dạy học tiếng DTTS nói riêng nhằm góp phần thúc đẩy mở rộng quy mô dạy học tiếng DTTS trong nhà trường phổ thông.

Trong  xây  dựng  chương  trình  và  sách  giáo  khoa  giai  đoạn  tới cần nghiên cứu theo hướng tạo điều kiện về khung thời gian để các địa phương chủ động trong xây dựng và triển khai các nội dung giáo dục đặc thù.

Đa dạng hóa các loại hình sách, báo tiếng dân tộc, đáp ứng nhu cầu đọc của các DTTS, góp phần bảo tồn và phát huy ngôn ngữ các DTTS tại Việt Nam nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng.

Nguyễn Thanh Hưng

Số lượt xem:2850
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3819490 Tổng số người truy cập: 21 Số người online:
Phát triển:TNC