banner
Thứ 2, ngày 29 tháng 4 năm 2024
Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum
6-7-2018

Là một tỉnh miền núi, biên giới nằm ở Bắc Tây Nguyên với 28 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ gồm: Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ -Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hre (Hrê). Mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa rất riêng, phong phú và đa dạng. Những năm qua cùng với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước và phát huy nội lực, phấn đấu không ngừng của địa phương, Kon Tum đã có nhiều đổi mới, bức phá vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu phát triển quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của bà con các dân tộc thiểu số (DTTS). Bằng nhận thức và hành động, các DTTS Kon Tum luôn xác định và xứng đáng là một bộ phận của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Thực hiện Nghị quyết TW5 (khoá VIII) của Đảng về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) của Đảng về công tác dân tộc; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, trong những năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp triển khai thực hiện nhiều đề án về bảo tồn, phát triển văn hoá các DTTS. Đến nay, nhiều thôn, làng đã xây dựng được hương ước, quy ước cộng đồng, tổ chức ký cam kết để toàn dân thực hiện. Tương tự với cách làm như vậy, một số phong tục, tập tục như: Lễ đâm trâu, kết hôn cận huyết thống, thầy cúng chữa bệnh... đã từng bước đẩy lùi.

Các tiết mục trình diễn tại Đại Hội Đại biểu các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ II với chủ đề Đêm hội cồng chiêng Kon Tum, những sắc màu văn hóa”.

Để thực hiện tốt công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua tỉnh đã ban hành các đề án như: Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020; Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh; đầu tư liên kết và quảng bá phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020; Bảo tồn lễ hội truyền thống các DTTS tỉnh Kon Tum; Đề án khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS tỉnh Kon Tum; Đề án khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng và một số đề tài nghiên cứu khoa học về văn hóa dân gian, tín ngưỡng truyền thống; sưu tầm, phục dựng các lễ hội truyền thống, sử thi… của đồng bào các DTTS tại địa phương. Đặc biệt là Di sản văn hóa cồng chiêng, các loại nhạc cụ dân tộc làm từ đá, gỗ, sừng trâu, tre nứa, như: Đing Năm, Ky Pah, Đing Tăc Ta, Đing Tut, Ching Kram, Goong Ring, Brôh, M’buăt, K’ní, Rlét, Nung…

Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 91.688 hộ được xét công nhận gia đình văn hóa, đạt 72% số hộ gia đình văn hóa, tăng 1% so với năm 2016. Có 609/874 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, đạt tỷ lệ 70%, tăng 3% so với năm 2016; có 6 công trình văn hóa cấp huyện, 43/102 xã có nhà văn hóa cấp xã, đạt 41% tổng số xã, phường. Tại cấp thôn có 785/874 khu dân cư (thôn, làng, tổ dân phố) có công trình văn hóa cấp thôn (nhà sinh hoạt cộng đồng, hội trường thôn, nhà rông) với 61% trong tổng số nhà rông, nhà văn hóa được trang bị hệ thống amply, loa phóng thanh, ti vi, tủ sách... kinh phí tổ chức các hoạt động được huy động từ nguồn đóng góp của nhân dân trong thôn, làng, tổ dân phố.

Tổ chức điều tra, nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng lại những nghi lễ, lễ hội dân gian tiêu biểu của từng tộc người ở các cộng đồng dân tộc trên cơ sở nguyên bản do chủ thể văn hóa tự thực hiện để vừa khôi phục lại được môi trường văn hóa dân gian truyền thống vừa phát huy được giá trị các di sản văn hóa phi vật thể. Từ năm 2011 đến nay, đã sưu tầm, phục dựng được 7 lễ hội truyền thống nâng tổng số lễ hội truyền thống tiêu biểu được bảo tồn là 25 lễ hội như: Lễ hội mừng lúa mới (hoặc ăn cơm mới), ăn trâu mừng nhà Rông của các tộc người Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ-Triêng; Lễ hội bắt máng nước của tộc người Xơ Đăng; Lễ hội mừng nước giọt của tộc người Ba Na (Rơ ngao); lễ hội Pen Chu Pi (bắn heo, dê) của các tộc người Xơ Đăng (Tơdrá), Ba Na (Jơ lâng). Sau khi phục dựng lại, các lễ hội tiêu biểu này được đồng bào các tộc trong tỉnh duy trì tự tổ chức theo chu kỳ hàng năm với quy mô phù hợp vào hoàn cảnh và điều kiện của từng làng, từng cộng đồng dân cư và từng địa phương.

Việc khôi phục các làng nghề truyền thống cũng được tỉnh quan tâm, chú trọng như nghề dệt truyền thống của dân tộc: Ba Na, Gia Rai, Xê Đăng (Tơdrá) và các nghề đan lát thủ công, tạc tượng, chạm khắc gỗ, rèn thủ công … Thông qua việc triển khai Đề án bảo tồn và phát triển ngề truyền thống các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh đến nay đã tổ chức xây dựng 05 loại băng đĩa quy trình sản xuất nghề truyền thống: Đan lát, Gốm, Chế tác Nỏ, Chế tác Nhạc cụ, làm rượu cần của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh, in sang 574 băng đĩa quy trình sản xuất nghề các loại, hoàn thành xây dựng phòng trưng bày sản phẩm tại cơ quan Ban Dân tộc tỉnh... triển khai công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi và mở lớp truyền dạy về nghề truyền thống các DTTS tại chỗ như: dệt thổ cẩm của dân tộc banar (thành phố Kon Tum), Xê Đăng (Tu Mơ Rông), nhánh Triêng (dân tộc Jẻ Triêng, huyện Ngọc Hồi, chế tác và diễn tấu nhạc cụ truyền thống dân tộc Brâu... góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh đề nghị Trung ương xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho 43 nghệ nhân là người DTTS trên địa bàn tỉnh. Sưu tầm, tư liệu hóa và xuất bản trên 20 đầu sách; phối hợp với các cơ quan, viện nghiên cứu biên soạn và xuất bản các đầu sách về khoa học lịch sử, thơ ca- âm nhạc, sách ảnh tư liệu, sử thi, truyền cổ, lễ hội truyền thống; đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận sử thi dân tộc barna là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; tổ chức điều tra, phân loại 1.916 bộ cồng chiêng tiêu biểu của các DTTS tại chỗ. Di tích lịch sử Ngục Kon Tum được sửa chữa; Bảo tàng tỉnh được xây dựng, trang bị hệ thống thiết bị kỹ thuật, cơ bản đảm bảo cho việc trưng bày, bảo quản hơn 20.000 hiện vật, phim, ảnh và tài liệu... Việc thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, phát huy các nguồn lực, thế mạnh của vùng đồng bào DTTS để phát triển du lịch bước đầu được tỉnh quan tâm thực hiện. Đã đầu từ xây dựng 02 làng du lịch cộng đồng: làng du lịch cộng đồng dân tộc banar tại Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum và làng KonPring, xã Đăk Long, huyện KonPlong (dân tộc Xê đăng, nhánh Mơ nâm). Cả hai làng trên được đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề du lịch, tạo công ăn việc làm, bảo tồn văn hóa truyền thống và xây dựng môi trường văn hóa, sinh thái bền vững. Bằng nhiều biện pháp vận động, tuyên truyền, bảo tồn, phục dựng, can thiệp, hỗ trợ, Kon Tum cố gắng để bản sắc văn hóa các DTTS được bảo tồn, giữ gìn và phát huy, đồng thời từng bước quảng bá thành thương hiệu riêng nhằm tăng hiệu quả kinh tế thu được từ hoạt động văn hóa – du lịch của người dân.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn văn hoá truyền thống của đồng bào DTTS ở Kon Tum cũng còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết như: hiện nay trình độ dân trí của các DTTS tại chỗ còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn rất cao so với tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Xuất phát từ trình độ nhận thức thấp, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, một bộ phận đồng bào DTTS tại chỗ còn sống khép kín, tư tưởng mặc cảm, tự ti, thiếu ý chí vươn lên, thiếu ý thức tự tôn dân tộc... Sự xâm nhập văn hóa ngoại lai, lối sống thực dụng, duy ý chí đã đưa thanh niên DTTS chạy theo lối sống hưởng, thụ xa rời các phong tục, tập quán truyền thống. Sự chi phối của nền kinh tế thị trường trong việc tổ chức các sự kiện, các lễ hội văn hóa truyền thống ngày càng bị thương mại hóa, thiếu vắng sự sáng tạo văn hóa của các tầng lớp nhân dân, các tác phẩm văn hóa, văn học truyền thống ngày một mai một. Lực lượng nghệ nhân dân gian ngày càng thiếu vắng, người lớn mất dần, các giá trị nghệ thuật không được ghi chép, truyền dạy cho thế hệ sau (thất truyền)… Hệ thống chính trị cơ sở ở một số nơi còn yếu, trình độ của đội ngũ cán bộ còn thấp, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá vùng DTTS tuy đã được hình thành nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Hoạt động thiết chế văn hóa vùng đồng bào DTTS còn hạn chế, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tổ chức không được thường xuyên, còn sơ sài, khoảng cách về mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng thành thị và nông thôn còn chênh lệch rất lớn. Cơ sở vật chất, sản phẩm, phương tiện văn hóa phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người còn thiếu và lạc hậu... đã ảnh hưởng lớn đến việc bảo tồn văn hóa dân tộc trên địa bàn, nhất là các giá trị văn hóa tinh thần mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Những yếu tố trên đã tác động ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Từ những thực trạng đã nêu ở trên, chúng ta cần phải có những giải pháp để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Kon Tum trong thời gian tới như sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa VIII), Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch vào cuộc sống của người dân, đặc biệt là đối với đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh với mục tiêu “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.

Hai là, triển khai thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch, Đề án của tỉnh, trong đó tập trung Đề án Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo Quyết định số 322/QĐ-UBND ngày 19/4/2017 của UBND tỉnh.

Ba là, hỗ trợ, phục dựng các lễ hội truyền thống, duy trì tổ chức đối với 7 dân tộc tại chỗ và khuyến khích tinh thần, khả năng sáng tác cho các tầng lớp nhân dân. Ngành Văn hóa cần hỗ trợ xây dựng những kịch bản sử thi của các dân tộc trong quá trình phục dựng, lưu giữ và phát triển. Tổ chức các lễ hội theo từng địa phương, từng cấp, thu hút và tuyển dụng các thế hệ nghệ nhân trong việc lưu truyền văn hóa trong đồng bào dân tộc Kon Tum.

Bốn là, tiếp tục thống kê, kiểm kê, đăng ký quản lý các di vật, cổ vật, bảo vật; đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu văn hoá dân gian; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học về các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc; khôi phục và nâng cao giá trị các lễ hội đặc sắc; mở lớp bồi duỡng về dân ca, dân vũ truyền thống... phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, bắt kịp sự phát triển của thời đại.

Năm là, tăng cường quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, gắn kết bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch.

Sáu là, tập trung đầu tư, hỗ trợ công tác sưu tầm, bảo tồn các làng nghề thủ công truyền thống; các làng văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch. Xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, trang phục một số DTTS có nguy cơ mai một. Có cơ chế hỗ trợ, tôn vinh đối với các nghệ nhân và những người am hiểu văn hóa truyền thống, có công trong việc bảo vệ, truyền dạy, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nguyễn Thanh Hưng

Số lượt xem:4191
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3827709 Tổng số người truy cập: 50 Số người online:
Phát triển:TNC