banner
Thứ 2, ngày 29 tháng 4 năm 2024
Thực hiện chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng vùng DTTS và miền núi trên địa bàn Kon Tum từ 2010 -2017
19-6-2018

Kon Tum là một tỉnh miền núi, biên giới, có tổng diện tích tự nhiên là 9.690,49 km2, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; Toàn tỉnh có 102 xã, phường, thị trấn/10 huyện, thành phố, gồm: Khu vực I có 25 xã, phường, thị trấn; Khu vực II có 28 xã; Khu vực III có 49 xã; có 54 xã ĐBKK và 66 thôn làng ĐBKK thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020; có 3 huyện được phê duyệt vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018-2020 (Kon Plông, Tu Mơ Rông và Ia H’Drai). Dân số toàn tỉnh khoảng 520.000 người; DTTS chiếm hơn 53%, có 28 dân tộc anh em cùng sinh sống xen kẽ nhau, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ sinh sống từ lâu đời là Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Brâu, Rơ Măm và Hrê. Đến cuối năm 2017, hộ nghèo toàn tỉnh chiếm 20,30%, trong đó hộ nghèo DTTS là 36,21% tổng số hộ DTTS toàn tỉnh.

Ảnh: Công trình xây dựng theo Chương trình 135

Giai đoạn 2010-2017, được sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương, đã bố trí hỗ trợ nguồn vốn theo kế hoạch để thực hiện các Chương trình MTQG, dự án, chính sách cho vùng DTTS&MN trên địa bàn tỉnh khoảng 3.244,190 tỷ đồng (trong đó: NSTW 2.112,985 tỷ đồng; NSĐP, huy động và các nguồn khác 638,603 tỷ đồng; vốn nước ngoài 492,602 tỷ đồng). Đây là nguồn lực hết sức quan trọng cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn vùng DTTS&MN của tỉnh. Cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách đã góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, thông qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng, bộ mặt nông thôn vùng DTTS&MN có nhiều thay đổi, hạ tầng cơ sở đã được đầu tư xây dựng đồng bộ phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất, sinh hoạt cho người dân ngày càng tốt hơn. Kết quả cụ thể trên một số mặt như sau:

(1) Giao thông: Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh không ngừng được đầu tư, nâng cấp và mở mới (như: Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Kon Tum; các Quốc lộ: 24, 14C, 40, 40B; các tỉnh lộ 671, 672, 673, 674, 675, 676, 677, 678; đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh, đường Ya Tăng – Sê San – Quốc lộ 14C, các đường liên xã…) đã tạo thành mạng lưới giao thông nối liền và đi lại thuận lợi đến trung tâm xã cả 2 mùa. Một số tuyến đường giao thông nông thôn, đường liên xã, đường tuần tra biên giới được quan tâm đầu tư khá đồng bộ, đặc biệt trong giai đoạn này phong trào "Toàn dân tham gia làm đường giao thông nông thôn" được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh; các đường, ngõ xóm và các tuyến đường ở những khu vực khó khăn được tập trung xây dựng đã mang lại hiệu quả thiết thực.

(2) Thủy lợi: Nhiều công trình thủy lợi lớn đã được tu bổ, nâng cấp và xây mới, như: Thủy lợi Đăk Toa, Đăk Gơn Ga, hồ chứa Đăk Uy… Hệ thống kênh mương được kiên cố hóa, góp phần cung cấp nước cho sản xuất lúa hai vụ và cây công nghiệp. Đến năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 523 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất với tổng diện tích tưới theo thiết kế là 16.742 ha (lúa 11.153 ha, cây công nghiệp và hoa màu 5.589,8 ha). Diện tích tưới thực tế vụ đông xuân là 8.887,8 ha (lúa 5.737,6 ha, cây công nghiệp và hoa màu 3.150,2 ha); vụ mùa: 7.292,3 ha (lúa 6.694,5 ha, cây công nghiệp và hoa màu 597,8 ha).

(3) Điện: Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020 đã được Bộ Công Thương phê duyệt (Quyết định số 6261/QĐ-BCT ngày 29/11/2011). Đến năm 2015, điện lưới đã đến 100% trung tâm xã và 98,4% thôn, làng với trên 97,78% số hộ được sử dụng điện (hiện còn 11 thôn, làng chưa có điện).

(4) Trường học: Hệ thống trường lớp học, cơ sở đào tạo được củng cố, mở rộng; việc đầu tư xóa bỏ phòng học tạm, mượn tiếp tục được quan tâm, nâng tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt 96,8%. Đến năm 2015, toàn tỉnh có 136 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia của trường mầm non là 27%, trường tiểu học 46,2%, trường THCS 25% và trường THPT 34,6%.

(5) Cơ sở vật chất văn hóa: Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tiếp tục được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng (28 nhà văn hóa cấp xã; tại các thôn đều có nhà văn hóa, khu thể thao thôn; gần 1.400 sân thể dục thể thao, nhà tập luyện các loại). Công tác quy hoạch quỹ đất dành cho thể dục thể thao được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Tỉnh đã ưu tiêu hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng mới, sửa chữa các nhà văn hóa thôn, nhà rông, xây dựng các khu thể thao thôn, khu thể thao xã, qua đó đã cơ bản góp phần đáp ứng nhu cầu về sinh hoạt văn hóa, tập luyện thể thao của người dân.

(6) Cấp nước, thoát nước và thu gom xử lý chất thải rắn: Thông qua việc phát triển hệ thống nước tự chảy, giếng đào, giếng khoan, bể, bồn chứa nước, đã nâng tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh từ 72,69% năm 2011 lên 86% năm 2017.

(7) Nhà ở dân cư: Trong thời gian qua, đã tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ gia đình bằng nguồn lực của mình xây dựng nhà ở đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng. Thông qua Quỹ “Vì người nghèo” các cấp, trong giai đoạn 2011-2015 đã vận động, tiếp nhận được trên 64 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 2.442 căn nhà đại đoàn kết; hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa 248 căn nhà cho hộ nghèo; lồng ghép với Chương trình 30a, Chương trình 167 hỗ trợ xây dựng 237 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.

(8) Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2016-2020): Đến nay, đã có 22 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông, 72 xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi, 70 xã đạt tiêu chí số 4 về điện, 32 xã đạt tiêu chí số 5 về trường học, 31 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn là 86%; tỷ lệ hộ nông thôn có công trình vệ sinh hợp vệ sinh là 57%; có 25 xã đạt chuẩn tiêu chí về môi trường; 66,7% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí Quốc gia về y tế; 86/86 xã đã có trạm y tế với cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; 100% xã có bác sỹ; 100% thôn, làng có nhân viên y tế (trong đó trên 89,1% đã qua đào tạo từ 03 tháng trở lên); 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm đạt 88,25%; 100% xã, phường, thị trấn có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; có 158 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 83,7% cán bộ cấp xã làm công tác thông tin và truyền thông được đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ; 100% hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật...

Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những khó khăn nhất định. Kon Tum vẫn một tỉnh nghèo, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm không đạt mục tiêu đề ra (bình quân giai đoạn 2011-2017 đạt 8,36%), cơ cấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chưa hợp lý, bền vững, vì chủ yếu dựa vào nguồn thu từ các nhà máy thủy điện (năm 2017 đạt hơn 2.469 tỷ đồng); Tiến độ xây dựng nông thôn mới chậm; hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp còn khó khăn. Nguồn lực Trung ương không bố trí đủ vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho vùng DTTS&MN, các xã, thôn ĐBKK.

Do xuất phát điểm thấp, điều kiện khí hậu khắc nghiệt và chịu ảnh hưởng thường xuyên của thiên tai nên cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp tại các xã khu vực III của tỉnh mới chỉ được bán kiên cố một phần. Các tuyến giao thông liên thôn, nội thôn và từ thôn đến vùng sản xuất chưa được quy hoạch, làm mới nên việc đi lại còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trong mùa mưa. Hệ thống y tế mặc dù đã được xây dựng nhưng chưa đủ trang thiết bị cần thiết theo quy định. Tỷ lệ hộ nghèo giữa các khu vực còn chênh lệch khá cao, trình độ dân trí còn thấp, việc áp dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế.

Ảnh: Công trình xây dựng theo Chương trình 135

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho vùng DTTS&MN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung; trong thời gian tới, các Bộ ngành trung ương và địa phương cần nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách như sau:

- Thứ nhất, tiếp tục thể chế hoá các chủ trương của Đảng thành các văn bản pháp quy, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến phát triển toàn diện vùng Tây Nguyên. Duy trì và đẩy mạnh thực hiện chủ trương, chính sách ưu đãi phát triển kinh tế - xã hội miền núi như: chính sách bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng, đất trống đồi trọc; phát triển thương mại miền núi; chính sách tín dụng ưu đãi, cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo; các chương trình phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo cho vùng đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa (Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững - Chương trình 30a, 135);

- Thứ hai, nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi đặc thù nhằm phát huy những tiềm năng, thế mạnh đối với vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng (như phát triển kinh tế rừng, tài nguyên đất, nước, chăn nuôi đại gia súc, phát triển các loại cây đặc hữu mang lại giá trị kinh tế cao như Sâm Ngọc Linh,...); tạo điều kiện để khu vực Tây Nguyên có thêm nguồn lực phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng cao hàm lượng tri thức trong các sản phẩm chủ lực;

- Thứ ba, ban hành chính sách phải gắn với bố trí nguồn lực để thực hiện đồng bộ, góp phần đạt được các mục tiêu đặt ra trong từng giai đoạn; tập trung nguồn lực để xây dựng một số chính sách lớn trong giai đoạn 2016-2020, đặc biệt có cơ chế đặc thù, hỗ trợ cho đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn trong việc đẩy nhanh thoát nghèo bền vững.

- Thứ tư, cần nghiên cứu xây dựng chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các làng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc khu vực I, II vùng ven thị xã, thị trấn. Vì hiện nay ở khu vực này ít được thụ hưởng các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội ở các xã này khó khăn như các xã thuộc khu vực III (thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, thất nghiệp,...).

- Thứ năm, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cần quan tâm nhiều hơn đến phong tục, tập quán, thói quen canh tác của người dân, đặc điểm về dân số, điều kiện tự nhiên, địa hình, điều kiện kinh tế - xã hội của vùng nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách. Tổ chức rà soát, đánh giá hiệu quả của từng chính sách; thực trạng hạ tầng nông thôn; tình hình quản lý, sử dụng đất, rừng; tình hình sản xuất, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và dân di cư tự do để có chủ trương, giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn. Đồng thời, tập trung vào một số đầu mối để thuận lợi hơn cho việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện.

- Thứ sáu, quan tâm bố trí vốn để triển khai thực hiện đúng tiến độ Dự án cấp điện cho các thôn làng chưa có điện từ lưới điện Quốc gia. Quan tâm hỗ trợ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và sách giáo khoa giáo dục phổ thông; hỗ trợ kinh phí để triển khai củng cố cơ sở vật chất các Trường Phổ thông dân tộc nội trú./.

U Minh Nam

Số lượt xem:2357
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3827696 Tổng số người truy cập: 44 Số người online:
Phát triển:TNC