banner
Thứ 7, ngày 20 tháng 4 năm 2024
Giải pháp trong công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ các cấp thực hiện thực sự hiệu quả
16-5-2023

Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, xuất phát điểm thấp và là khu vực “lõi nghèo” của cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh. Biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét diễn ra nghiêm trọng khó lường; giao thông đi lại khó khăn, chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn nên rất khó khăn để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội chung của cả tỉnh. Quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh cũng chính là tạo nên nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước. Vì vậy, với mục tiêu đổi mới phương pháp tiếp cận, phương pháp thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực, hạn chế thời lượng giảng lý thuyết, tăng cường trao đổi, tương tác, thực hành, trải nghiệm để nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế  - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu tất yếu.

Đại biểu tham gia lớp tập huấn chuyên sâu về nội dung về chuyển đổi số, thay đổi tư duy đổi mới sáng tạo trong việc lập kế hoạch kinh doanh, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với sản phẩm đặc trưng địa phương, năm 2023 thuyết trình kế hoạch kinh doanh

- Quan điểm tiếp cận:“Tương lai phát triển của địa phương sẽ không lệ thuộc vào vị trí địa lý, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên mà tùy thuộc vào chuyên môn, kỹ năng, đóng góp, phẩm chất của con người và công tác tổ chức tại địa phương đó” (Philip Kotler, 1993).

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với qui mô toàn cầu và chuyển đổi không ngừng như hiện nay, thì quốc gia nào, tỉnh thành nào, địa phương nào sớm định vị hình ảnh rõ nét và làm sâu sắc nó sẽ là tiền đề để thu hút nguồn lực về với địa phương mình.

Nếu xem địa phương như một “doanh nghiệp” thì cần thu hút các “khách hàng” tới với mình. Khách hàng ở đây được hiểu là: Du khách, Nhà đầu tư, Nguồn lao động chất lượng cao, Nhà sản xuất và Doanh nghiệp.

          Nguồn lao động chất lượng cao đề cấp tới trong khuôn khổ của bài tham luận tại Hội Thảo lần này được hiểu: cộng đồng (Ban giám sát cộng đồng xã, đại diện cộng đồng, người dân, cộng tác viên giảm nghèo, các tổ duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng tại thôn, người có uy tín) và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp tại địa phương và xem xét trong bối cảnh hoạt động diễn ra ở đây được hiểu là: công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình ở các cấp thuộc Tiểu dự án 4, Dự án 5 Chương trình.

- Đánh giá thực trạng công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cộng động, cán bộ triển khai chương trình ở các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời gian qua: Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn thông qua thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc đã tổ chức được 78 đợt với trên 6.000 lượt học viên tham gia và tổ chức nhiều đợt tham quan học tập kinh nghiệm cho các đối tượng thuộc các Chương trình. Qua các đợt đào tạo, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở đã từng bước góp phần nâng cao trình độ, năng lực tổ chức quản lý, điều hành, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ cấp xã trong công tác theo dõi, giám sát, đánh giá về cơ chế quản lý, các hoạt động của Chương trình, góp phần tích cực vào kết quả giảm nghèo cũng như hoàn thành mục tiêu đưa các xã, thôn, bản thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn và từng bước góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh nói chung và nhất là nguồn nhân lực trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu nói riêng. Đồng thời, góp phần nâng cao tỷ lệ xã làm chủ đầu tư dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đạt 89%; tỷ lệ xã làm chủ đầu tư cơ sở hạ tầng đạt 96%; tỷ lệ số xã có tổ đội sản xuất tham gia thi công công trình đạt 43% và nhiều đối tượng tham gia đào tạo đã ứng dụng mô hình sản xuất có hiệu quả vào phát triển kinh tế hộ gia đình.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Một số học viên là cộng đồng người dân trình độ còn hạn chế; còn có một số đồng bào dân tộc chưa thật thông thạo tiếng Việt nên khả năng tiếp thu kiến thức để vận dụng vào thực tế gặp nhiều khó khăn; đồng bào đa phần sản xuất nông, lâm nghiệp theo kiểu trồng cây hoặc nuôi con theo truyền thống còn thô sơ, ít cơ giới hoá; sản phẩm làm ra chủ yếu bán thô hoặc chế biến sơ rồi bán cho thương lái, đầu mối thu gom. Đối với đội ngũ cán bộ các cấp tại địa phương có nơi còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn, kỹ năng, ít được đào tạo bài bản về phương pháp giảng dạy, nghiệp vụ chuyên sâu. Do đó, quá trình chia sẻ, truyền đạt, tập huấn bồi dưỡng vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Về địa hình Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng là đồi núi, cao nguyên, khoảng cách địa lý giữa các thôn/xã/huyện khá xa và giao thông nhiều nơi còn khó khăn, đường đất sình lầy vào mùa mưa, bụi vào mùa khô. Do vậy, công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đã khó lại càng thêm phần khó hơn.

Về phương tiện đào tạo, tập huấn cũng như cơ sở vật chất còn thiếu thốn, lạc hậu về công nghệ và cũng thiếu ngay cả cán bộ am hiểu thiết bị công nghệ, có kỹ năng và năng lực phù hợp để đứng lớp chuyên môn.

Vì vậy để tổ chức một chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình tại địa phương chỉ có 02 giải pháp, cụ thể như sau:

Một là, mời đại biểu đến trung tâm thành phố, là nơi có cơ sở vật chất đầy đủ và đảm bảo; tuy nhiên, các đối tượng tham gia chương trình tập huấn, bồi dưỡng phải sắp xếp việc cơ quan, việc gia đình để tham gia; khoảng cách di chuyển có thể từ nơi cư trú đến địa điểm học tập có thể từ 30km đến trên 100km; thời gian đi/về khoảng 02 ngày (tùy thuộc vào khoảng cách gần/xa).

Hai là, đơn vị tổ chức di chuyển đến trung tâm huyện/xã/thôn để tổ chức, những nơi này lại thiếu thốn về công nghệ và máy móc, phương tiện. Do vậy, đơn vị tổ chức chuẩn bị các phương tiện như: máy tính, máy chiếu, loa, âm thanh, …có thể có những đợt đi đến cơ sở lại không có sóng điện thoại, mạng internet và thậm chí còn không có điện. Bên cạnh đó, các đối tượng khi tham gia học tập gần cơ quan, gần nhà nên thường có tâm lý tranh thủ thời gian để giải quyết việc riêng nên ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp thu nội dung chuyên đề tập huấn.

Chính vì 02 lý do nêu trên, phương án chủ yếu vẫn là mời đại biểu đến trung tâm thành phố, là nơi có cơ sở vật chất đầy đủ, đảm bảo để tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực. Điều này dẫn đến các chi phí tương đối lớn để tổ chức lớp; nhất là đối với việc thực hiện chi trả chế độ chính sách cho các đối tượng không hưởng lương từ ngân sách khi tham gia tập huấn chỉ được hỗ trợ tiền ăn, nghỉ, đi lại với định mức thấp; đồng thời, hiện nay các địa phương đều đồng loạt triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, nên việc chồng chéo về đối tượng, địa bàn, thời gian tổ chức thực hiện và đều phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Vì vậy, giải pháp đề ra để triển khai thực hiện công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ các cấp là một bài toán khó cần có đáp án đúng để mang lại hiệu quả thực sự.

Muốn tìm ra giải pháp thì cần trả lời 03 câu hỏi lớn, đó là: Làm cho ai?  Làm cái gì? và Làm điều đó bằng cách nào?

- Làm cho ai? Cụ thể với tỉnh Kon Tum đó là cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng trên địa bàn tỉnh với trên 300 ngàn người, chiếm 54,93% dân số toàn tỉnh; trong đó, chủ yếu tập trung chp 07 dân tộc tại chỗ, gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Gié-Triêng, Hrê, Brâu và Rơ Măm và cán bộ triển khai thực hiện Chương trình ở các cấp, …

- Làm cái gì? Dưới góc độ từ các lớp bồi dưỡng, tập huấn và công tác đào tạo nâng cao năng lực được hiểu là “sản phẩm”. Vậy cách đơn giản nhất là hãy hỏi chính “khách hàng” ở đây là đối tượng được đào tạo xem họ cần cái gì, thích và muốn cái gì? Điều này được thực hiện bằng cách khảo sát, đánh giá thông qua bảng khảo sát, bảng câu hỏi, để từ đó nắm được các nhu cầu và mong muốn, sự thật ngầm hiểu sâu bên trong của cộng đồng tại địa phương. Khi đã hiểu rõ mong muốn đó, mới tiến hành lên chương trình, nội dung và xác định vấn đề cần giải quyết nhằm thoả mãn mong muốn của các “khách hàng” nói tới ở bài tham luận này là đối tượng thuộc Tiểu dự án 4, Dự án 5.

Xin phép được nêu ra một ví dụ: Bà con nông dân chỉ quan tâm tới làm sao sản xuất (trồng cây gì? nuôi con gì?) đạt hiệu quả (sản lượng, chất lượng) để bán được giá tốt (có lời) mà không lo phải cảnh “giải cứu”. Trong khi đó chúng ta lại đi thiết kế, xây dựng kế hoạch tập huấn về kế hoạch tài chính, tư duy chiến lược, chuyển đổi số, quản trị website, … thì chắc hẳn bà con mình sẽ “ngủ gục” ngay sau 60s khi bài giảng bắt đầu.

Tiếp theo đó là lựa chọn chuyên gia/giảng viên/báo cáo viên phù hợp, xin nhấn mạnh một ý cốt lõi là phù hợp”, tức là: Cái gì hay và tốt ở nơi khác chưa chắc đã hay và đúng ở địa phương mình. Cần xem xét tính “phù hợp” giống như chọn một cái áo rất đẹp, rất mốt, rất xu hướng nhưng rất tiếc lại không vừa với người mặc. Vậy phù hợp”được hiểu là nội dung phù hợp và đối tượng phù hợp. Cũng không cần chạy theo nơi này, nơi khác, vùng này, vùng khác theo chỉ tiêu hoặc thành tích. Cái gì hay thì học, nhưng học có chắt lọc và linh hoạt áp dụng một cách thật sự phù hợp với “nhà mình”.

Và ý quan trọng nữa là, một lần mời chuyên gia về là một lần khó và tốn kém chi phí. Vì vậy, phải tranh thủ bằng mọi cách khai thác, học hỏi, kết nối, tận dụng triệt để “chuyên gia” để đào tạo lại cho cán bộ chuyên trách của địa phương và để sau này chuyên gia rút đi rồi thì địa phương cũng đã có một “lớp chuyên gia” kế cận là người địa phương, sinh ra và lớn lên tại địa phương và hoàn toàn hiểu rõ dân tộc mình, đồng bào mình, ngôn ngữ, văn hoá vùng miền của mình.

- Làm điều đó bằng cách nào? Đó là phương pháp và hình thức:

+ Về Phương pháp: Nhất định nên đổi mới và phải khác với lối đào tạo truyền thống là người đọc, người chép thì chắc hẳn sẽ khó phát huy hiệu quả và với quan điểm đào tạo: “Lấy người học làm trung tâm của lớp học”. Từ đó mọi phương pháp đổi mới, mọi phương cách sáng tạo sẽ xoay quanh người học, có thể kể tới một số phương pháp cụ thể như sau: Học qua xem video clips; học qua các trò chơi; học qua phương pháp làm việc nhóm; học qua thuyết trình; học qua phản biện tình huống; học qua phương pháp nhập vai nhân vật; học qua Sơ đồ tư duy; …

+ Về Hình thức: Có 02 hình thức, đó là online và offline:

Online trực tuyến: có thế qua zoom, google meet, clip hướng dẫn đăng tải lên mạng Youtube, google Drive, …

Offline trực tiếp

Cách 1: Trong phòng hội nghị - nơi có đầy đủ trang thiết bị

Cách 2: Cầm tay chỉ việc ngay tại nhà vườn, các mô hình, nhà máy, kho xưởng, …

Cách 3: Tham quan thực tế, giao lưu học hỏi mô hình có hiệu quả tại các địa phương khác.

Và còn một cách ngoài lề đó là: Lãnh đạo/cán bộ hãy làm gương và để làm được điều này trước tiên các cấp chính quyền, cụ thể là lãnh đạo địa phương phải là người tiên phong mở lối dẫn đường, thay đổi tư duy và đổi mới cách tiếp cận.

Thanh Phước

Số lượt xem:2783
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3796782 Tổng số người truy cập: 34 Số người online:
Phát triển:TNC