banner
Thứ 6, ngày 29 tháng 3 năm 2024
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số định hướng đến năm 2030
15-3-2022

Phát triển nguồn nhân lực nói chung, trong đó có nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của đất nước, đã được tiếp tục khẳng định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đối với tỉnh Kon Tum, trong những năm qua với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số đã có bước phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi.

Ảnh: Một lớp học mẫu giáo DTTS tại thôn Kon Pao Kơ La, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà (nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum - tuyengiaokontum.org.vn)

Ngày 15/6/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 52/NQ-CP về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 2900/KH-UBND ngày 23/11/2016 chỉ đạo các sở, ban ngành tỉnh, các địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, huy động, lồng ghép các nguồn lực nhằm phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số của tỉnh. Qua 05 năm triển khai, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các sở, ban ngành, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, công tác phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Các chỉ số về nâng cao thể lực và phát triển trí lực được cải thiện đáng kể

 Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 01 tuổi dân tộc thiểu số giảm còn 35,5‰; tuổi thọ bình quân của các dân tộc thiểu số đạt 67; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi giảm còn 36,1%; tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non đạt 89,3%; tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 97,7%, bậc trung học cơ sở đạt 94,7%, bậc trung học phổ thông đạt 66,9%; số sinh viên dân tộc thiểu số (đại học, cao đẳng)/vạn dân đạt 75 sinh viên/vạn dân; số người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được cung cấp thông tin thị trường đạt 40,1%.

Các chính sách phát triển nguồn nhân lực được quan tâm thực hiện

Hệ thống trường, lớp được đầu tư nâng cấp, hệ thống trường chuyên biệt dành cho học sinh dân tộc nội trú ngày càng được củng cố và hoàn thiện. Đến năm 2020 toàn tỉnh có 10 cơ sở giáo dục phổ thông dân tộc nội trú, 51 trường phổ thông dân tộc bán trú, 100% cán bộ quản lý đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên, có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên và được bồi dưỡng nghiệp quản lý giáo dục; 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên; 100% nhân viên cấp dưỡng đảm bảo sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ.

Công tác thông tin, tuyên tuyền, phổ biến chính sách pháp luật của Nhà nước về lao động, việc làm được thực hiện thường xuyên; công tác giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm; hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp được kiện toàn sắp xếp khoa học, hợp lý. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 01 trường Cao đẳng, 08 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 02 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Từ năm 2016-2020 đã tổ chức đào tạo 20.951 học sinh, sinh viên (trong đó dân tộc thiểu số 16.200); tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp là 1.270 người, trình độ sơ cấp và đào tạo nghề thường xuyên 19.681; tỷ lệ có việc làm trên 80%.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, bồi dưỡng chuyên môn ngành y tế, giáo dục đã được chú trọng, việc tiếp nhận và bố trí việc làm cho học sinh dân tộc thiểu số cử tuyển được quan tâm. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp cơ bản đủ về số lượng, ngày càng được chuẩn hóa và nâng cao về trình độ. Hệ thống trường, lớp học được đầu tư nâng cấp, sửa chữa đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống, có khả năng hội nhập quốc tế cho học sinh dân tộc thiểu số dần được nâng cao.

Những hạn chế và nguyên nhân

Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, bên cạnh những thành tựu đạt được, nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn bộc lộ một số hạn chế như: Lao động dân tộc thiểu số chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, qua đào tạo thấp; tác phong và kỷ luật lao động còn một số bất cập; số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số chưa theo kịp sự phát triển và yêu cầu thực tiễn; nhận thức của một số địa phương phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số chưa đúng mức; một số chỉ tiêu đã được xác định chưa đạt theo kế hoạch...

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân là do đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, vùng thường xảy ra thiên tai, có xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, khả năng tiếp cận với với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo còn nhiều hạn chế, còn tồn tại một số phong tục, tập quán không còn phù hợp. Kon Tum vẫn còn là tỉnh khó khăn so với mặt bằng chung của khu vực và của cả nước, các chính sách trực tiếp và gián tiếp liên quan đến phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa đủ nguồn lực để phát triển.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số định hướng đến năm 2030

Ngày 04/3/2022, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1403/VPCP-KGVX thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo các bộ, ban ngành, địa phương tiếp tục chủ động, nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 52/NQ-CP bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ đã đề ra. Những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tỉnh Kon Tum xác định nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 52/NQ-CP là:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân và cán bộ, công chức, đảng viên về Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định tại Kế hoạch số 2900/KH-UBND ngày 23/11/2016 của UBND tỉnh Kon Tum.

Tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị cho ngành y tế để mọi người dân được cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản một cách thuận lợi; thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh toàn dân; tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 01 tuổi nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Quy hoạch, sắp xếp hệ thống trường lớp theo hướng dồn điểm trường, lớp lẻ về trường chính để học sinh có điều kiện học tập theo Chương trình giáo dục phổ thông mới; phát triển đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số; đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng và mở rộng quy mô trường phổ thông dân tộc bán trú; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, khuyến khích, thu hút học sinh đến trường, đến lớp; chú trọng giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong môi trường học đường cho học sinh dân tộc thiểu số.

Rà soát danh mục nghề đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu và thời gian đào tạo các chương trình giáo dục nghề nghiệp phù hợp với trình độ, văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số; Tăng cường cung cấp thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh và mở rộng công tác tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng cơ chế đào tạo nghề theo đơn đặt hàng và khuyến khích doanh nghiệp đào tạo, sử dụng lao động người dân tộc thiểu số.

Huy động, lồng ghép nguồn lực và thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc nói chung, các chính sách về phát triển nhân lực nói riêng; thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện./.

Rơ Châm Lê

Số lượt xem:3368
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3743729 Tổng số người truy cập: 42 Số người online:
Phát triển:TNC