banner
Thứ 5, ngày 25 tháng 4 năm 2024
Giải pháp trong công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số
24-10-2022

Như chúng ta đã biết, Tảo hôn có thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản của cả nam- nữ, do bộ máy sinh dục vẫn chưa hoàn thiện. Mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ sức khoẻ để nuôi dưỡng bào thai sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển bình thường của thai nhi. Mặt khác, mang thai và sinh đẻ ở lứa tuổi vị thành niên là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tử vong chu sinh và sơ sinh trẻ đẻ ra cân nặng dưới 2.500 gam, hoặc dị dạng, dị tật. Trong đó các trường hợp chết chu sinh xảy ra ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số gấp nhiều lần so với vùng đồng bằng và người kinh. Nguyên nhân chủ yếu phần lớn là những phụ nữ mang thai ở độ tuổi dưới 18. Ở độ tuổi trước 18, vị thành niên đang phải rèn luyện tư duy nhận thức, học hành. Tảo hôn sẽ cuốn con người vào vòng xoáy lo toan gia đình, phần lớn những gia đình trẻ con đều gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, dễ xảy ra mâu thuẫn, tan vỡ hôn nhân. Cơ hội học hành, công việc giảm sút. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Gia tăng tỉ lệ nghèo đói. Ngoài ra, những đứa trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền do sự kết hợp của các gen mang bệnh như mù màu (không phân biệt được màu sắc), bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) dẫn đến  tàn phế suốt đời. Nguy cơ tử vong cao đối với những đứa trẻ mới sinh hoặc phải chịu một cuộc sống tàn phế suốt đời… Từ đó sẽ phát sinh vòng luẩn quẩn: Nghèo đói - bệnh tật - càng nghèo đói hơn. Làm suy giảm chất lượng dân số, chất lượng nòi giống Việt; Làm băng hoại thuần phong mỹ tục của xã hội. Làm gia tăng tỷ lệ nghèo đói do con thường xuyên bị ốm. Đồng thời, tảo hôn - hôn nhân cận huyết thống là hành vi vi phạm pháp luật. Việc kết hôn sẽ không được pháp luật công nhận. Các quyền lợi trước pháp luật của vợ- chồng sẽ không được tính đến.

Từ những vấn đề trên, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm chỉ đạo cả hệ thống chính trị, các ngành các cấp chung tay thực hiện công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Và gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt  Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”; thực hiện giai đoạn 2021-2025 đã tích hợp vào Chương trình mục  tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu sốvà miền núi giai đoạn I: 2021-2025 (tiểu dự án 2, dự án 9, Quyết định 1719/QĐ-TTg): Mục tiêu là giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3% - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao; Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Thời gian qua, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Ban Dân tộc phối hợp với các ngành và  chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tổ chức Hội nghị trực tiếp tại các xã, Tổ chức các hội thi, xây dựng các sản phẩm truyền thông...tuy nhiên do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau mà hiện nay, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo số liệu báo cáo của các huyện, thành phố tính từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 đến 31 tháng 12 năm 2021 trên địa bàn tỉnh xảy ra 395 cặp tảo hôn chiếm 13,27% và 5 cặp kết hôn cận huyết thống chiếm 0,19% trên tổng số 2.977 cặp kết hôn, trong đó có một số huyện tỉ lệ tảo hôn rất cao, cụ thể huyện Kon Plông bình quân toàn huyện hơn 41%, thậm chí có một số xã có 100% cặp tảo hôn so với tổng số cặp kết hôn cụ thể là xã Mô Rai huyện Sa Thầy.

Trong thời gian tới (giai đoạn 2021-2025), thực hiện Kế hoạch số 1052/KH-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2022 của Ủy  ban  nhân  dân  tỉnh Phê duyệt Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn II (2021-2025) và triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Tiểu dự án  2,  dự án  9)  và trước thực trạng trên, để công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đạt hiệu quả các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất: Cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân để hoàn thành mục tiêu giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, có vai trò của Già làng, người có uy tín, các ban ngành của thôn, các thầy cô giáo, chiến sỹ biên phòng... trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất quan trọng và là nhân tố chính để thực hiện công tác tuyên truyền

 Thứ hai: Các địa phương và ngành giáo dục, ngành y tế tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết cũng như làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, đưa nội dung phòng tránh việc có thai ngoài ý muốn trong các chương trình ngoại khóa tại các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông cũng như trong cộng đồng dân cư, nhất là trong các buổi tuyên truyền của các hội đoàn thể: đoàn thanh niên, phụ nữ ....

Thứ ba: Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên, các ban ngành của thôn, cộng tác viên dân số ở cơ sở... Phối kết hợp với các nhóm hội đoàn thể, các tổ tư vấn ... tại các thôn để triển khai bản cam kết của các gia đình để ngăn chặn tình trạng kết hôn sớm khi chưa đủ tuổi.

Thứ tư: Thực hiện nghiêm công tác xử phạt hành chính theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7  năm 2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá hoại doanh nghiệp, hợp tác xã; Công tác kỷ luật đảng viên theo Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6 tháng 7 năm 2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm để để răn đe các trường hợp vi phạm, nêu gương cho cộng đồng, bởi trên thực tế, vì nhiều lý do, chính quyền ở cơ sở vẫn còn phớt lờ hoặc dễ dãi với người vi phạm nên đã tạo ra tâm lý xem nhẹ pháp luật trong một bộ phận người dân...

Thứ năm: Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền thanh, truyền hình; Truyền bằng trực quan sinh động như: khẩu hiệu (băng rôn), tờ rơi, pa nô, bảng tuyên truyền (áp phích), thiết kế chú trọng vào các hình ảnh nêu bật lên tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các từ ngữ đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu đã phát huy tác dụng, tạo sự tò mò kích thích vì vậy rất dễ ăn sâu và nhận thức của người dân.

Ksor H'Nhuên

Số lượt xem:3263
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3814403 Tổng số người truy cập: 59 Số người online:
Phát triển:TNC