banner
Chủ nhật, ngày 3 tháng 11 năm 2024
Đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số
2-8-2021

Sáng 28/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục chương trình ngày làm việc chính thức thứ 3. Đại hội tiếp tục thảo luận tại hội trường. Trong phiên thảo luận này, thay mặt Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum tham dự Đại hội, đồng chí A Pớt- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh tham dự Đại hội đã phát biểu tham luận với chủ đề:

ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN, TẠO CHUYỂN BIẾN CĂN BẢN VỀ KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI Ở VÙNG CÓ ĐÔNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

Đ/C A Pớt,
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum

Đồng chí A Pớt, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Kon Tum tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng 28/1.

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa các đồng chí đại biểu,

Kính thưa Đại hội, 

Trước hết, thay mặt Đoàn đại biểu tỉnh Kon Tum, tôi bày tỏ sự nhất trí cao với các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Được sự đồng ý của Đoàn Chủ tịch, thay mặt Đoàn đại biểu của Đảng bộ tỉnh Kon Tum, tôi xin báo cáo với Đại hội một số kết quả, kinh nghiệm của tỉnh Kon Tum trong việc "Đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số" để làm rõ thêm vấn đề về phát triển kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay.

Kính thưa Đại hội,

Trong suốt chiều dài lịch sử, đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam đã khẳng định vai trò to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhận thức được điều đó, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển mọi mặt đời sống xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, coi trọng xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc. Đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện.

Kính thưa Đại hội,

Trong những năm qua, cùng với việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Kon Tum đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn; trong đó tập trung đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể:

Hạ tầng kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng hoàn thiện. Đến cuối năm 2020, có 98% đường xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được cứng hóa; 99,3% hộ gia đình sử dụng điện; 100% thôn có điện; trên 89% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,3%; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, đảm bảo đáp ứng tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân; 100% huyện, thành phố có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; cơ sở vật chất các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh được củng cố và ngày càng hoàn thiện.

Việc thực hiện các chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng toàn diện, có hiệu quả, đã từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 23,03% năm 2016 xuống còn 10,12% đến cuối năm 2020; trong đó tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm từ 41,39% năm 2016 xuống còn 24,93% cuối năm 2020. Công tác tư vấn, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục vùng dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện và có nhiều chuyển biến tích cực. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, nhất là cấp xã[1]. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được khôi phục, bảo tồn và phát huy; trong đó chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống, nhà rông, văn hóa cồng chiêng của các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh. Công tác thông tin, truyền thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng hoàn thiện và nâng cao.

Vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của người đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm giải quyết. Đã hỗ trợ đất ở cho 1.088 hộ; hỗ trợ đất sản xuất cho 119 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 643 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 4.501 hộ; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho 210 hộ có nhu cầu[2]. Đồng thời, đã thực hiện tốt việc đào tạo nghề, hướng dẫn, hỗ trợ người dân áp dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất; nhiều mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đã được duy trì và phát triển rộng rãi trong sản xuất như: Thâm canh lúa, sắn, ngô, cao su; mô hình nhân giống và sản xuất các loại hoa, nuôi cá trên lòng hồ thủy điện… đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn và bảo vệ môi trường, tạo việc làm, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được chú trọng; từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã kết nạp được 5.853 đảng viên, nâng tổng số đảng viên của Đảng bộ lên 28.946 đảng viên, trong đó số đảng viên người dân tộc thiểu số tăng 16,03%. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số được quan tâm[3]; trong nhiệm kỳ, đã điều động, luân chuyển, bố trí sử dụng 56 cán bộ là người dân tộc thiểu số[4]. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, nhất là ở cơ sở ngày càng được củng cố, trưởng thành, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Tình hình an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là an ninh biên giới, an ninh nông thôn cơ bản được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường, niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên thì vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong việc đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số như: Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, nhất là ở các thôn đặc biệt khó khăn; kết cấu hạ tầng tuy được chú trọng đầu tư nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ; nhu cầu về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, nhất là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn cao[5]; kinh tế tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; người dân chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh là vùng có rừng và đất rừng để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống; việc làm, lao động còn mang tính thời vụ, thu nhập thực tế thấp; kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao; việc triển khai thực hiện một số chương trình, chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020 còn có những khó khăn, bất cập; chuyển biến về nhận thức, tư tưởng của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm…

Kính thưa Đại hội,

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nhằm thúc đẩy phát triển mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Kon Tum đề xuất một số giải pháp trọng tâm như sau:

1. Tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho Nhân dân các dân tộc thiểu số về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại, đặc biệt là các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững.

2. Tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030… Giải quyết tốt vấn đề về đất đai và môi trường, đảm bảo 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường; có giải pháp thu hút đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất; thực hiện có hiệu quả công tác giao khoán quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và làm giàu từ rừng cho người dân, cộng đồng dân cư; thực hiện rà soát quy hoạch, sắp xếp bố trí ổn định dân cư các dân tộc thiểu số ở những nơi cần thiết. Nghiên cứu, đề xuất có chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khi buộc phải giao đất ở.

3. Tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất về giáo dục; triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách về giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số; thực hiện tốt các giải pháp để phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông; chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất lao động là người dân tộc thiểu số,  giúp người dân nâng cao nhận thức, kỹ năng, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc, độc đáo của các dân tộc thiểu số trên địa bàn để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Quan tâm đào tạo và cung ứng lao động dân tộc thiểu số làm việc trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tại các doanh nghiệp và xuất khẩu lao động.

4. Tiếp tục đầu tư, củng cố mạng lưới y tế cấp xã; đào tạo đội ngũ cán bộ y tế thôn, làng đạt chuẩn. Nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tục lệ phạt vạ, giết trâu, mổ bò nhân các dịp lễ, tết gây tốn kém... Đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng, vận động Nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.

5. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; hoàn thiện cơ bản các thiết chế văn hóa cơ sở, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; trong đó, tập trung bảo tồn các nghề truyền thống, nhà rông, văn hóa cồng chiêng. Xây dựng các hình thức hoạt động thể dục thể thao quần chúng ở cấp cơ sở phù hợp với từng dân tộc, đối tượng và điều kiện cụ thể. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hệ thống viễn thông, phát thanh, truyền hình đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

6. Phát động và triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”.

7. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng dân tộc và miền núi. Chủ động ngăn chặn các hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động đồng bào các dân tộc thiểu số, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc. Thực hiện có hiệu quả hoạt động phòng, chống tội phạm, ngăn chặn các tệ nạn xã hội và hoạt động tôn giáo trái pháp luật, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, không để các đạo lạ, tà đạo xâm nhập vào địa bàn.

Xin chúc Đoàn Chủ tịch Đại hội, các đồng chí đại biểu sức khỏe, hạnh phúc; chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn.


[1] Đã thành lập10 trung tâm văn hóa, thể thao, du lịch và truyền thông huyện, trong đó có 9 huyện, thành phố đã có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh; 54/102 xã, phường có nhà văn hóa.

[2] Hiện tỉnh đang gấp rút hoàn tất các thủ tục để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm định canh định cư tập trung trên địa bàn với tổng kinh phí bố trí trong năm 2020 là 106.998 triệu đồng (trong đó: vốn sự nghiệp: 3.818 triệu đồng; vốn đầu tư phát triển: NSTW: 102.794, NSĐP: 386 triệu đồng).

[3] Trong đó, có 81 đồng chí đi đào tạo Cao cấp lý luận chính trị; 12 đồng chí đào tạo trình độ thạc sỹ; 15 đồng chí tham gia bồi dưỡng theo Đề án 165; 50 đồng chí tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước.

[4] Trong đó, điều động, phân công, luân chuyển: 27 đồng chí; bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử: 29 đồng chí.

[5] Tổng số lượt hộ có nhu cầu hỗ trợ các nội dung theo Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 (theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ ) là 21.572 lượt hộ; trong đó: hỗ trợ đất ở cho 2.394 hộ; hỗ trợ đất sản xuất cho 795 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 5.992 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 11.188 hộ; hỗ trợ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư cho 509 hộ; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho 6.686 hộ.

dangcongsan.vn

 

Số lượt xem:10280
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 413 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

Chung nhan Tin Nhiem Mang


4536030 Tổng số người truy cập: 47 Số người online:
Phát triển:TNC