banner
Thứ 5, ngày 25 tháng 4 năm 2024
Kết quả 4 năm thực hiện Đề án bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum
19-4-2021

Thực hiện Quyết định số 322/QĐ-UBND ngày 19/4/2017 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum” Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện và đã đạt được một số kết quả nhất định.

Đối với công tác truyền thông: Đã thực hiện tổ chức tuyên truyền trực quan trên các cụm Panô tại 5 huyện: Kon Plông, Kon Rẫy, Sa Thầy, Ngọc Hồi và Đăk Tô nhằm giới thiệu và khơi dậy tinh thần bảo tồn nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.  Xây dựng 9 băng đĩa về quy trình sản xuất sản phẩm nghề truyền thống thành phim tư  liệu mô tả các bước quy trình sản xuất 09 nghề truyền thống: Dệt thổ cẩm, Rèn, Đan lát, Làm rượu cần, Chế tác nỏ, Chế tác các nhạc cụ âm nhạc truyền thống, Đẽo thuyền độc mộc, Tạc tượng, Gốm để bảo tồn kỹ thuật sản xuất nghề thủ công truyền thống kết hợp với nghiên cứu cải tạo năng suất lao động cao nhưng vẫn giữ nguyên được giá trị văn hóa truyền thống đặc thù, tinh xảo, lưu giữ các bước sản xuất sản phẩm nghề truyền thống tránh thất truyền của đồng bào các DTTS tại chỗ, đồng thời dùng tư liệu trên để làm tài liệu tuyên truyền trực quan cho bà con tại các Hội nghị tuyên truyền trực tiếp. Xây dựng chuyên trang bảo tồn nghề truyền thống trên trang thông tin điện tử của Ban Dân tộc nhằm giới thiệu các sản phẩm nghề truyền thống, giới thiệu các nghệ nhân sản xuất nghề truyền thống đồng thời Giới thiệu 9 nghề truyền thống trên báo ảnh Kon Tum.

Nghệ nhân BRôl Vẻ - Dân tộc Triêng (Giẻ - Triêng) (Người đang đánh đàn) mô tả các bước làm đàn Tơ Rưng để thực hiện quay phim tư  liệu nghề truyền thống làm nhạc cụ

Mô tả công đoạn làm đất sét để chuẩn bị ra sản phẩm gốm thủ công truyền thống của Nghệ nhân Y Bư (Người đang làm), làng Kon Xơ MLun, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy

Tổ chức 25 hội nghị tuyên truyền, vận động công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống trực tiếp tại các địa phương cho các đối tượng là già làng, người uy tín, thôn trưởng, các ban ngành của thôn và người dân, đặc biệt là có sự tham gia của các nghệ nhân với tổng số người tham gia là 1.818 người. Qua việc tuyên truyền trực tiếp người dân đã được nâng cao ý thức tự giác, khơi dậy lòng tự hào dân tộc đối với việc bảo tồn, lưu giữ các nghề truyền thống của dân tộc mình.

Tổ chức lớp dạy nghề dệt thổ cẩm (tổ chức dạy nghề tại cộng đồng): cho 10 hộ là dân tộc Rơ Măm, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy trong 1 tháng để các học viên có cơ hội nối tiếp nghề truyền thống của ông cha để lại đồng thời đào tạo nghề truyền thống cho các thế hệ trẻ để có lớp người kế cận. Ngoài ra, trong thời gian triển khai thực hiện Đề án, Ban Dân tộc nhận thấy thực tế nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Hrê cũng không còn nghệ nhân làm nghề, để khôi phục lại nghề này cho dân tộc HRê, Ban đã phối hợp với huyện Kon PLông, xã Pờ Ê tiến hành thu thập mẫu khung dệt tại xã Ba Thành huyện Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi đồng thời hỗ trợ 10 bộ khung dệt cho người dân tại xã Pờ Ê. Đã vận động, phối hợp với nhà tài trợ là mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại cộng đồng cho 20 người với thời gian 1 tháng. Trong quá trình tổ chức lớp học truyền dạy, các nghệ nhân đã phát huy được khả năng sáng tạo của mình để truyền dạy những đường nét hoa văn tinh xảo cho bà con đặc biệt là lớp trẻ. Vì vậy sau khi học nghề, các học viên cơ bản đã biết cách xe chỉ, dệt vải với những đường nét hoa văn cơ bản. Theo đó, để tiếp tục phát huy những kiến thức đã học nhân dân trong thôn, các ban ngành của thôn và chính quyền xã theo dõi, vận động nhân dân tiếp tục tự học hỏi lẫn nhau và phát huy để lưu giữ nghề, tránh bị mai một, thất truyền như trước đây.

Các học viên người dân tộc Rơ Mâm, làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy đang trao đổi với nhau về kỹ thuật dệt thổ cẩm (lớp học nghề dệt thổ cẩm do Ban Dân tộc mở)

Hỗ trợ 350 bộ khung dệt cho các hộ gia đình, nhóm hộ gia đình có hoạt động sản xuất nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn tỉnh. Căn cứ Đề án được duyệt, Ban Dân tộc đã tổ chức khảo sát, lấy nhu cầu tại cơ sở theo từng dân tộc. Để hỗ trợ khung dệt theo đúng truyền thống của từng dân tộc, Ban Dân tộc đã đi thu thập các mẫu khung dệt tại các địa phương của 7 dân tộc thiểu số tại chỗ để đóng mới đúng theo mẫu truyền thống của từng dân tộc.

Xây dựng 1 Điểm trưng bày sản phẩm tại Ban Dân tộc, theo đó đã trưng bày hiện vật của 9 nghề truyền thống (Dệt thổ cẩm, Rèn, Đan lát, Làm rượu cần, Chế tác nỏ, Chế tác các nhạc cụ âm nhạc truyền thống, Đẽo thuyền độc mộc, Tạc tượng, Gốm) đối với 7 dân tộc thiểu số tại chỗ. Các hiện vật được tiến hành thu thập tại các thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số, là sản phẩm đại diện của 7 dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn toàn tỉnh, hình thức thu thập là đặt hàng của bà con tại các thôn làng đang sản xuất và lưu giữ tại điểm trưng bày. Theo đó đã giới thiệu sản phẩm đến được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh, ngoài ra điểm trưng bày còn là nơi giới thiệu, đặt hàng cho các nghệ nhân sản xuất bán sản phẩm.

Ngoài ra, còn thực hiện quảng bá sản phẩm với các hình thức: chuyên trang bảo tồn nghề trên trang thông tin điện tử của Ban Dân tộc; Phối hợp với Đài Truyền hình xây dựng 06 phóng sự quảng bá các nghề truyền thống có thể đưa ra thị trường. Chủ động phối hợp với Sở Công Thương tham gia, triển lãm xúc tiến thương mại tại 04 Hội chợ và các sự kiện khác trong và ngoài tỉnh như:  Hội chợ triễn lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực Miền Trung - Tây Nguyên tại Phú Yên; Hội chợ quốc tế Thương mại, du lịch và đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây tại thành phố Đà Nẵng; Tham gia giới thiệu sản phẩm tại Tuần văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum năm 2018; Hội chợ các sản phẩm địa phương tại huyện Đăk Hà để giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống. Đây là nơi vừa trưng bày, vừa bán sản phẩm, giao dịch, là điểm tham quan du lịch cho khách tham quan hội chợ. Ngoài ra trong Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ III năm 2019 nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm nghề truyền thống của bà con đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Ban Dân tộc và UBND các huyện, thành phố đã triển khai tặng quà bằng sản phẩm nghề truyền thống cho đại biểu tham dự.  

Gian hàng trưng bày sản phẩm nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Kon Tum trưng bày tại Hội chợ quốc tế Thương mại, du lịch và đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây, thành phố Đà Nẵng

Qua 04 năm triển khai thực hiện Đề án từ 2017-2020. Hiện nay số người biết làm nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh so với thời gian đầu phê duyệt Đề án ngày càng tăng lên từ 2.220 người tăng lên 12.170 người. Cụ thể từng nghề như sau: Nghề dệt thổ cẩm từ 312 người tăng lên 1.046 người; Nghề đan lát từ 570 người tăng lên 1.747 người; Nghề Rèn từ 116 người tăng lên 408 người; Nghề làm rượu cần từ 984 người tăng 8.464 người; Nghề chế tác nỏ từ 53 người tăng 266 người; Nghề chế tác nhạc cụ âm nhạc từ 124 người tăng lên 164 người; Nghề tạc tượng từ 39 người tăng lên 44 người; Nghề đẽo thuyền độc mộc từ 19 người tăng lên 29 người.

 Việc triển khai thực hiện Đề án đã tuyên truyền vận động đồng bào các DTTS tại chỗ, nhất là những người đang trong độ tuổi lao động, thanh thiếu niên, người có uy tín nâng cao nhận thức, hiểu về vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc mình; tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào việc bảo tồn, lưu giữ những nét văn hoa, những sản phẩm truyền thống độc đáo; tham gia truyền nghề, học nghề để lưu giữ nghề nghiệp và phát huy giá trị văn hóa của các nghề truyền thống đang dần bị mai một... Thường xuyên phối hợp cùng với các tổ chức chính trị tại địa phương tham gia tổ chức quảng bá sản phẩm của dân tộc mình tại một số tỉnh và tại địa phương.

          Tuy nhiên, việc triển khai Đề án vẫn còn những hạn chế cần khắc phục: Công tác tuyên truyền bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đã được thực hiện nhưng chưa được thường xuyên; sự thay đổi của xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự phát triển của kinh tế thị trường, du nhập của văn hóa ngoại lai... đã ảnh hưởng đến nhận thức của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và các nghề truyền thống của dân tộc mình. Một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ theo Đề án.

Giá thành của các sản phẩm truyền thống so với giá thành trên thị trường rất cao nên khó khăn trong việc tiêu thụ. Việc tìm đầu ra cho các sản phẩm nghề truyền thống hiện nay còn rất khó khăn, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ của địa phương vào các dịp lễ, tết. Số lượng các quầy hàng giới thiệu sản phẩm mua bán ký gửi các sản phẩm nghề truyền thống còn hạn chế.

 Việc lồng ghép dạy nghề truyền thống theo Quyết định 1956/QĐ-TTg (nghề dệt thổ cẩm và nghề đan lát) chưa triển khai được theo yêu cầu của Đề án mà chủ yếu tập trung đào tạo vào các ngành nghề khác. Việc triển khai đào tạo  tập trung còn khó khăn do chưa có giáo trình đào tạo, nhu cầu học nghề truyền thống còn nhỏ lẻ, số lượng đăng ký ít nên rất khó để mở lớp

 Nguồn kinh phí hỗ trợ các hoạt động bảo tồn, tổ chức truyền dạy kỹ năng và phát triển nghề truyền thống chưa đáp ứng yêu cầu.nguyên, vật liệu để bảo tồn nghề truyền thống không có nguồn để khai thác. Việc đầu tư cho công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống còn hạn chế, thực hiện chưa thường xuyên, liên tục; việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, nhất là trong công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống các dân tộc thiểu số còn hạn chế.

Để công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới phát huy hiệu quả hơn nữa, cần có những giải pháp như sau:

Một là: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền , địa phương trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trong công tác phối hợp; đổi mới nhận thức về phát triển nghề truyền thống của các cấp, các ngành, nhất là đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp, khuyến công.…với mục đích cuối cùng tìm được nguồn đầu ra lâu dài và ổn định cho các sản phẩm.  Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo các đơn vị liên quan tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của đơn vị; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của các DTTS tại chỗ.

Hai là:  Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố lựa chọn các địa bàn, cộng đồng dân cư cụ thể, có khả năng phát triển được các nghề truyền thống có thế mạnh để tiếp tục triển khai công tác phát triển nghề tăng thu nhập cho nhân dân trên địa bàn. .Nhân rộng các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng có gắn với công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Ba là: Duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, đan lát, chế tác nhạc cụ, rượu cần…) với các điểm trưng bày, bán sản phẩm hiện có. Mở rộng các điểm trưng bày, giới thiệu, mua bán, ký gửi các sản phẩm nghề truyền thộng trên địa bàn các huyện, thành phố với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu mở lớp truyền dạy, phát triển nguồn nguyên liệu… đến bao tiêu sản phẩm. Tạo điều kiện để người dân tham gia Đề án có được nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện kinh tế gia đình.

Bốn là: Tiếp tục mở các lớp dạy nghề truyền thống bằng hình thức dạy nghề cộng đồng,  (Tổ chức tại thôn, làng, nghệ nhân truyền nghề là người DTTS tại chỗ) để tuyền dạy cho lớp trẻ, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng tài năng trong thanh thiếu niên tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số để học hỏi, lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc mình. Định kỳ tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống ở cơ sở như: Thi dệt thổ cẩm; Thi chế tác nhạc cụ dân tộc; Thi ẩm thực dân tộc… gắn với sự kiện lịch sử của tỉnh và các huyện, thành phố.

Năm là: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát triển phải gắn với công tác tuyên truyền, vận động, khen thưởng và khuyến khích lao động.

Diệu Hằng

Số lượt xem:4408
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3815331 Tổng số người truy cập: 77 Số người online:
Phát triển:TNC