banner
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024
Kết quả thực hiện Đề án phát triển kinh tế- xã hội dân tộc thiểu số rất ít người Brâu giai đoạn 2016 -2020 và những vấn đề đặt ra giai đoạn 2021-2025
28-8-2023

Pờ Y là xã vùng cao, biên giới thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, toàn xã có 8 thôn, làng cư trú phân bố dọc theo Quốc lộ 40 và có 15 dân tộc anh em cùng sinh sống. Tổng dân số toàn xã có 2.454 hộ, 8.540 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 56,68% với  1.391 hộ, 4.085 khẩu.

Tại xã Pờ Y, cộng đồng dân tộc Brâu sinh sống tập trung tại thôn Đăk Mế với 174 hộ/546 khẩu, chiếm tỷ lệ 6,4% dân số toàn xã; có 6 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 6,9% so với số hộ nghèo toàn xã); có 8 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 5,75.% so với số hộ cận nghèo toàn xã).

Thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc rất ít người theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với dân tộc Brâu giai đoạn 2016-2020. Tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án theo Quyết định số 941b/QĐ-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2017 phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số rất ít người Brâu tỉnh Kon Tum đến năm 2025 là: 68.376 triệu đồng.Giai đoạn 2018-2020, Trung ương bố trí 18.783,5 triệu đồng để thực hiện các nội dung: xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu (Sửa chữa 01 nhà Rông và 02 nhà ở truyền thống, 01 Đường đi khu sản xuất tập trung thôn Đăk Mế, xã Pờ Y); thực hiện Hỗ trợ bò cái sinh sản 167 con/167 hộ; Hỗ trợ chuồng trại chăn nuôi 167 hộ/167 hộ; hỗ trợ 36.942 cây giống cà phê, 2.916 cây ăn quả, hỗ trợ 18.155,5 kg phân bón vật tư, 231,07 kg thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và kỹ năng quản lý hộ; tập huấn nâng cao kiến thức, trình độ năng lực sản xuất và tổ chức Đoàn thăm quan, học tập Mô hình sản xuất tại tỉnh Nghệ An.

 

Mô hình phát triển sản xuất cuả chị Y Hiệp, Làng Đăk Mế (ảnh A Lê khăm)

Để thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc rất ít người Brâu. Ban Dân tộc đã phối hợp với các đơn vị liên quan, địa phương hỗ trợ thành lập và duy trì đội văn nghệ thôn của dân tộc Brâu; Hỗ trợ Cồng chiêng (02 bộ Chiêng Tha, 02 bộ Chiêng Goang) cho dân tộc Brâu; Trang thiết bị nhà Rông (ti vi và bộ âm ly, tủ - kệ ti vi). Qua đó, đã phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào đáp ứng nhu cầu nguyện vọng, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người Brâu.

Cùng với các Chương trình, chính sách khác đầu tư trên địa bàn, đến nay, xã Bờ Y đã đạt chuẩn xã nông thôn mới, đời sống của dân tộc Brâu đã có những thay đổi theo tiêu chí nông thôn mới: Hệ thống cơ sở hạ tầng đã được đầu tư cơ bản, các trục giao thông chính trong làng đã đảm bảo cứng hóa, giao thông thông suốt đến trung tâm xã, huyện, tỉnh. Hệ thống lưới điện đã đến tận thôn, làng, hộ dân. Hệ thống nước sinh hoạt, kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất đã được đầu tư phục vụ đời sống và sản xuất người dân. Về giáo dục, quy mô trường lớp được nâng cấp, mở rộng đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của con em dân tộc Brâu. Có trạm y tế quân dân y kết hợp, cùng với cộng tác viên y tế thôn, làng, việc chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh ban đầu cơ bản được đảm bảo; chất lượng dân số, tuổi thọ của dân tộc Brâu từng bước được cải thiện. Công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Brâu bước đầu đã được quan tâm (hỗ trợ đầu tư sửa chữa, xây dựng nhà Rông, hỗ trợ phục hồi, tổ chức các lễ hội văn hóa đặc sắc của dân tộc mình; cấp trang thiết bị cho nhà sinh hoạt cộng đồng...). Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Đề án cùng với các Chương trình, chính sách khác đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào; phát triển kinh tế- xã hội, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đáp ứng nhu cầu nguyện vọng, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.

Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư Trung ương phân bổ còn quá thấp so với nhu cầu theo thực tế (kinh phí trung ương phân bổ đạt 28,6% so với Đề án được phê duyệt) nên việc thực hiện các nội dung đầu tư, hỗ trợ không đồng bộ và không đạt mục tiêu đề ra, nhất là các danh mục về cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn (thủy lợi, đường đi khu sản xuất...). Việc huy động nguồn lực địa phương, nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình khác rất khó khăn. Chất lượng đời sống, dân số dân tộc Rơ Măm đã được cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn, còn khoảng cách khá lớn so với các dân tộc khác trên địa bàn huyện, tỉnh. Công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững. Văn hóa truyền thống của dân tộc Brâu có nguy cơ bị mai một. Tỷ lệ người dân chưa biết đọc, biết viết chữ phổ thông vẫn còn; trình độ học vấn chưa cao. Việc chăm sóc sức khỏe cho dân tộc Brâu mặc dù được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng vẫn còn cao. Một số phong tục, tập quán còn lạc hậu; tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn chưa được giải quyết dứt điểm do đó chất lượng dân số, nguồn nhân lực vẫn chưa được cải thiện nhiều. Về cơ sở hạ tầng, một số công trình được đầu tư xây dựng nay đã xuống cấp, hư hỏng cần được nâng cấp, sửa chữa. Việc đầu tư, phát triển sản xuất quy mô còn nhỏ, lẻ; chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của người dân.

Để khắc phục các khó khăn, hạn chế; tiếp tục duy trì, phát triển và nâng cao vị thế; giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần một cách bền vững nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng. Đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Tiểu dự án 1 Dự án 9 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Ban Dân tộc tỉnh có một số đề xuất, kiến nghị như sau:

- Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành và UBND huyện Ngọc hồi trong công tác phối hợp thực hiện phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, chú trọng công tác bảo tồn phục hồi và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Brâu.

- Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 16 tháng 02 năm 2022 của Tỉnh Ủy tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI "về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

- Có chính sách hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm về tiếng nói, chữ viết, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Brâu để làm tài liệu truyền dạy cho các thế hệ tương lai.

- Đối với việc thực hiện các nội dung thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS & MN giai đoạn I: 2021-2025:

Hiện nay xã Pờ Y (huyện Ngọc Hồi) thuộc địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh mặc dù đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới song vẫn còn gặp nhiều khó khăn, không có khả năng tự huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, vẫn cần nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để duy trì kết quả đã đạt được.

Trong các báo cáo đề xuất, kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh gửi các cơ quan trung ương kiến nghị xem xét bổ sung phạm vi thụ hưởng các nội dung chính sách thuộc Tiểu dự án 1 - Dự án 9 đối với dân tộc có khó khăn đặc thù là “sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã biên giới thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025”. Vì hiện nay, dân tộc Brâu là dân tộc khó khăn đặc thù theo Quyết định 1227/QĐ-TTg với 174 hộ/546 khẩu, hiện nay đang sinh sống ổn định thành cộng đồng tại thôn Đăk Mế, xã Pờ Y (là xã Khu vực I và xã biên giới) không thuộc phạm vi thụ hưởng diện hỗ trợ về đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc Tiểu dự án 1 - Dự án 9 do không thuộc địa bàn thôn đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đồng bào dân tộc Brâu hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về đời sống; về thu nhập bình quân đầu người còn thấp (khoảng 24,6 triệu đồng/người/năm, bình quân toàn tỉnh Kon Tum 47,1 triệu đồng/người/năm); về trình độ học vấn: dân tộc Brâu có 01 tiêu chí về tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết tiếng phổ thông là 37,6% >28,65%. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư trung ương phân bổ giai đoạn 2017-2020 quá thấp so với nhu cầu thực tế nên việc thực hiện các nội dung đầu tư, hỗ trợ không đồng bộ và không đạt được mục tiêu đề ra so với Đề án phê duyệt theo Quyết định 2086/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ (thủy lợi, đường đi khu sản xuất, khuôn viên, cổng, tường rào nhà rông...). Do vậy, tỉnh Kon Tum đề xuất kiến nghị trung ương xem xét điều chỉnh phạm vi thực hiện tại Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như sau “ Các hộ dân tộc thiểu số thuộc danh sách dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù và các xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được thụ hưởng chính sách của Tiểu dự án này thì không được thụ hưởng chính sách tại các Dự án khác của Chương trình”. Về đối tượng đề nghị điều chỉnh như sau “Các dân tộc thuộc danh sách dân tộc có khó khăn đặc thù theo Quyết định số 1227/QĐ-QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2025-2025”. Vì đây là những hộ dân tộc thiểu số rất ít người (dưới 1.000 người) có điều kiện kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp so với các dân tộc khác trong vùng; mức thu nhập bình quân đầu người thấp; không đủ điều kiện kinh tế tự đóng bảo hiểm y tế; không có chi phí cho các con theo học ở các trường bán trú Tiểu học, trung học cơ sở... của địa phương.

Nguyễn Thanh Hưng

 

Số lượt xem:621
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3821831 Tổng số người truy cập: 105 Số người online:
Phát triển:TNC