banner
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024
Kết quả thực hiện Mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ bình đẳng giới từ 2013-2015
30-9-2015

Xã Mô Rai, huyện Sa Thầy là một trong 30 xã trong cả nước được chọn thực hiện mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ Bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2013-2015, theo Quyết định số 245/QĐ-UBDT ngày 27/5/2013 của Ủy ban Dân tộc. Mô Rai là xã có điều kiện kinh tế thuộc diện đặc biệt khó khăn với tổng dân số tính đến 31/12/2014 là 2.550 khẩu/750 hộ, trong đó dân tộc thiểu số 688 hộ/2.443 khẩu; dân số chủ yếu thuộc 02 dân tộc thiểu số là Ja Rai và Rơ Măm, dân tộc Rơ Măm là dân tộc rất ít người (<10.000 người) của cả nước, ngoài ra còn có bộ phận nhỏ là các dân tộc thiểu số khác nhưng số lượng không đáng kể. Toàn xã có 279 hộ nghèo, chiếm 37,2% so với số hộ trên địa bàn xã; hộ cận nghèo 167 hộ chiếm 22,6%, đời sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nghề nghiệp của nhân dân chủ yếu là làm nương rẫy, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ cuộc sống hằng ngày của bà con, một số sản phẩm có tính chất hàng hoá như: sắn, mủ cao su,....còn phụ thuộc nhiều vào tư thương tại chỗ nên giá trị mang lại chưa cao, thu nhập bình quân đầu người từ 1,8-2,2 triệu đồng/người/năm tăng 7 triệu/người/năm đến cuối năm 2014; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng bình quân hàng năm (tính cho giai đoạn từ 2005-2011) là 10,3%/năm với dân tộc Rơ Măm và 32,1% dân tộc Gia Rai.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số phong tục, tập quán lạc hậu trực tiếp ảnh hưởng đến bình đẳng giới như: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phân biệt đối xử giữa nam và nữ, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là do trình độ học vấn của đồng bào DTTS còn hạn chế, người dân ít có cơ hội tiếp cận với kiến thức về giới, về lĩnh vực hôn nhân, gia đình của các cấp, các ngành. Từ năm 2005 đến nay, có 29 trường hợp tảo hôn và 32 trường hợp kết hôn cận huyết thống, tình trạng hôn nhân cận huyết chủ yếu là dân tộc Rơ Măm.

Vì vậy để nâng cao hơn nữa nhận thức về thực trạng bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, cũng như giải quyết kịp thời cho các đối tượng có nhu cầu giải quyết các vụ việc liên quan đến bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết....tại địa phương. Uỷ ban Dân tộc có Quyết định số 245/QĐ-UBDT ngày 27 tháng 5 năm 2013 về việc phê duyệt 30 xã thực hiện mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ bình đẳng giới. Từ năm 2013-2015 Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã tổ chức tập huấn cho xã, đối tượng là các thành viên trong tổ tư vấn cố định tại thôn và thành viên là cán bộ xã của tổ tư vấn lưu động. Ngoài ra (tổ lưu động) tổ chức 07 đợt nói chuyện chuyên đề, cung cấp thông tin về bình đẳng giới về các lĩnh vực bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực giới và bạo lực gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, các vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục...cho nhân dân trong 02 làng với gần 635 lượt đối tượng tham gia và (tổ cố định) đã tổ chức cung cấp thông tin, tư vấn tập trung tại điểm tư vấn cố định của 02 làng với 201 lượt đối tượng tham gia (mỗi tổ, tổ chức cung cấp thông tin, tuyên truyền, tư vấn 01 lần/năm); tư vấn, hòa giải cho các hộ gia đình khi có vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày và thông qua các buổi họp thôn về vai trò, vị trí của phụ nữ, về hôn nhân...cho 269 đối tượng (bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc tại chỗ), đây là điểm mới và đem đến hiệu quả cao cho mô hình.

Quang cảnh tư vấn, hỗ trợ kiến thức về bình đẳng giới tại làng Xộp - Mô Rai - Sa Thầy

Qua 3 năm triển khai thực hiện Mô hình, nhận thức của người dân trong vấn đề hôn nhân gia đình, bình đẳng giới có nhiều chuyển biến tích cực, các phong tục tập quán lạc hậu, quan niệm trọng nam khinh nữ dần được xoá bỏ, nam, nữ đã bình đẳng trong việc đi học, được lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân, cũng như bình đẳng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tiếp cận dịch vụ…. Điều đó được thể hiện rõ rệt qua các năm (năm 2015) tại 02 làng (Làng le, Làng Xộp) hiện nay không còn tình trạng hôn nhân cận huyết xảy ra, tảo hôn từ 29 trường hợp (tính từ năm 2005) đến nay chỉ còn 02 trường hợp, tình trạng bạo lực gia đình từ 15 trường hợp (năm 2013) giảm xuống còn 07 trường hợp, tỷ lệ phụ nữ biết chữ trong thôn ngày càng tăng lên theo độ tuổi từ 18-49 tuổi tăng lên từ 18-55 tuổi. Theo thời gian, cũng như tác động của việc tư vấn, hỗ trợ từ Mô hình phụ nữ đồng bào DTTS cũng đã ý thức được các vấn đề liên quan đến việc sinh sản cũng như cách chăm sóc, nuôi dưỡng khi một đứa trẻ chào đời: Như tiêm phòng uốn ván khi có thai, hiện nay toàn xã có 55 người tiêm phòng (năm 2013) đến nay tăng lên 88 người, tỷ lệ suy dưỡng ở trẻ em giảm theo từng năm, từ 290/60 trẻ suy dinh dưỡng giảm xuống 297/60 trẻ. Thông điệp bình đẳng giới không những được tuyên truyền tại 02 làng mà còn tác động tích cực trên địa bàn xã, thông qua việc tuyên truyền bằng panô, áp phích, tờ rơi...và từ đó góp phát huy những giá trị tốt đẹp về đoàn kết, tương thân tương ái trong đời sống của các dân tộc thiểu số./.

Diệu Hằng

Số lượt xem:507
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3841610 Tổng số người truy cập: 36 Số người online:
Phát triển:TNC