banner
Thứ 6, ngày 26 tháng 4 năm 2024
74 năm hình thành và phát triển của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc
11-3-2020

Như chúng ta đã biết, từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn thực hiện nhất quán quan điểm Đại đoàn kết dân tộc và khẳng định “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Trong thư gửi Đại hội các DTTS Miền Nam tại Pleiku từ ngày 19/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:“Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các DTTS khác, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thi có “NHA DÂN TỘC THIỂU SỐ” để săn sóc cho tất cả các đồng bào”. Và tại Điều 5 - Hiến pháp sửa đổi được Quốc Hội thông qua ngày 28/11/2013 có ghi “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”.

 A. SỰ HÌNH THÀNH PHÁT TRIỂN CƠ QUAN CÔNG TÁC DÂN TỘC TRUNG ƯƠNG QUA CÁC THỜI KỲ:

I. Quá trình hình thành và phát triển của cơ quan công tác dân tộc qua các thời kỳ:

Ngay sau khi dành được độc lập, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã cho thành lập cơ quan chuyên môn làm công tác dân tộc để có điều kiện chăm lo toàn diện hơn tới lợi ích của các dân tộc thiểu số (DTTS). Cơ quan đó được bắt đầu từ Nha DTTS- tiền thân của Ủy ban Dân tộc hiện nay.

1. Nha Dân tộc thiểu số (1946-1947)

Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, công tác dân tộc càng được Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ Tịch đặc biệt quan tâm. Ngày 03/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58/SL thành lập Bộ Nội vụ, trong đó có Nha Dân tộc thiếu số. Chiểu theo Sắc lệnh số 58, ngày 09/9/1946, Phó thư Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ đã ký Nghị định số 359 quy định cụ thể về tổ chức bộ máy và nhiệm vụ của Nha DTTS với các nội dung như sau:

a) Về Tổ chức bộ máy

Nha DTTS đặt dưới quyền kiểm soát trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Nha Dân tộc thiểu số có Giám đốc, Phó Giám đốc, một Bí thư trưởng, hai cố vấn và 06 phòng, ban trực thuộc (Văn phòng, Ban Nghiên cứu, Ban Tuyên truyền, Ban Thanh tra, Ban Kinh tế và Ban Tiếp đãi).

Giám đốc do một Sắc lệnh bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Phó Giám đốc, Bí thư trưởng và hai cố vấn đều do Nghị định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ bổ nhiệm. Ngoài hai cố vấn ra, Giám đốc, Phó Giám đốc và Bí thư trưởng đều phải chọn trong đồng bào DTTS. Mỗi phòng, ban trong Nha DTTS có một chủ sự điều khiển do Bộ trưởng Bộ Nội vụ bổ nhiệm. Giám đốc Nha DTTS thời kỳ này (1946-1947) là đồng chí Hoàng Văn Phùng (sinh năm 1909, dân tộc Tày, tỉnh Bắc Kạn). Phó Giám đốc Nha dân tộc là các đồng chí Y Ngông Niếk Đăm (sinh năm 1922, dân tộc Êđê, tỉnh Đắk Lắk) và đồng chí Y Wang Mlô Duôn Du (sinh năm 1911, dân tộc Êđê, tỉnh Đắk Lắk).

b) Về nhiệm vụ

Nha DTTS có nhiệm vụ:

Sưu tầm tài liệu và nghiên cứu mọi vấn đề chính trị, hành chính, văn hóa, xã hội, kinh tế và tài chính có quan hệ mật thiết đến DTTS; củng cố tinh thần đoàn kết và tình thân ái giữa các dân tộc và chống mọi mưu mô chia rẽ. Ban Tuyên truyền sẽ liên lạc với Nha Thông tin tuyên truyền toàn quốc để thực hiện chương trình tuyên truyền chung trong phạm vi DTTS; giám sát các công việc hành chính và chính trị ở các miền DTTS.

Thảo luận với các cơ quan hành chính ở các miền để củng cố giải quyết những vấn đề khó khăn theo chính sách của Chính phủ; thảo luận với ban nghiên cứu và đề nghị lên Chính phủ những sự cải cách thích hợp về hành chính và chính trị; giải quyết vấn đề tiếp tế cho các miền DTTS và giúp đỡ một cách thiết thực các DTTS trong công cuộc kiến thiết; phụ trách đón tiếp các đồng bào thiểu số.

2. Phòng Quốc dân thiểu số (1947-1954)

Chính phủ thành lập Phòng Quốc dân thiểu số thay thế Nha DTTS.

a) Về tổ chức:

Phòng Quốc dân thiểu số được rút gọn: Phụ trách Phòng Quốc dân thiểu số do đồng chí Hoàng Văn Phùng(1947-1954). Các Phó phòng: Đồng chí Y Ngông Niếk Đăm và đồng chí Y Wang Mlô Duôn Du.

b) Về nhiệm vụ: Tiếp tục kế thừa và thực hiện những nhiệm vụ của Nha DTTS.

3. Tiểu ban Dân tộc (1955-1959)

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng xác định về chính sách “đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ để đấu tranh giành độc lập tự do và hạnh phúc chung”. Ngày 29/01/1955, đồng chí Lê Văn Lương- Ủy viên BCHTW Đảng, thay mặt BCHTW Đảng Lao động Việt Nam (tức Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay) ký Nghị quyết số 03/NQNS/TW về việc thành lập Tiểu ban Dân tộc Trung ương dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương.

a) Về tổ chức bộ máy:

- Về chính quyền, bộ máy Tiểu ban Dân tộc Trung ương trực thuộc Phủ Thủ tướng và tạm thời đặt ở Ban Nội chính.

- Tiểu ban Dân tộc Trung ương gồm có 3 đồng chí: Đồng chí Bùi San làm Trưởng Tiểu ban; các đồng chí: Y Wang Mlô Duôn Du, người Ê đê và Hồng Tiến, người Thổ là Ủy viên.

b) Về nhiệm vụ:

Tiểu ban Dân tộc Trung ương có các nhiệm vụ sau:

- Nghiên cứu tình hình dân tộc và kiểm tra đôn đốc việc thực hành chính sách dân tộc ở các vùng DTTS kể cả ở khu vực tự trị.

- Nghiên cứu giúp Trung ương đề ra chủ trương thực hiện chính sách dân tộc và phối hợp với các Bộ, các cơ quan ở cấp Trung ương trong việc thực hiện chủ trương Chính sách của Ðảng và của Chính phủ ở các vùng DTTS.

- Trực tiếp phụ trách thực hiện một số công tác như đào tạo cán bộ DTTS, tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc.

4. Ban Dân tộc (1955-1959)

Ngày 01/02/1955, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văm Đồng ký Nghị định số 447-TTg thành lập Ban Dân tộc, theo đó:

a) Về tổ chức bộ máy:

Ban Dân tộc là một đơn vị trong Ban Nội chính của Chính phủ và trực thuộc Phủ Thủ tướng.

Ban Dân tộc gồm có một Trưởng ban, một hay hai Phó Trưởng ban và một số cán bộ.

b) Về nhiệm vụ của Ban Dân tộc:

- Nghiên cứu tình hình các dân tộc, đề nghị chính sách và chủ trương công tác ở các vùng DTTS; nghiên cứu kế hoạch xây dựng các khu dân tộc tự trị.

- Giúp Thủ tướng Phủ phối hợp với các ngành ở Trung ương hướng dẫn và đôn đốc các địa phương trong việc thực hiện chính sách và chủ trương công tác ở vùng DTTS.

- Trực tiếp phụ trách một số công tác như: Đào tạo cán bộ DTTS; tổ chức các cuộc hội nghị liên hoan, gặp gỡ giữa các dân tộc; soạn và xuất bản tài liệu giới thiệu các dân tộc.

5. Ủy ban Dân tộc của Chính phủ (1959-1986)

Căn cứ nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá họp thứ 8, nâng Ban Dân tộc thành Uỷ ban Dân tộc thuộc Hội đồng Chính phủ và có quyền hạn trách nhiệm ngang một Bộ.

Ngày 06/3/1959 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng thay mặt Chủ tịch Phủ- Chủ tịch Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 017-SL thành lập Ủy ban Dân tộc của Chính phủ.

Uỷ ban Dân tộc có nhiệm vụ giúp Chính phủ nghiên cứu và thực hiện chính sách dân tộc nhằm tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc theo nguyên tắc bình đẳng tương trợ, và tạo điều kiện cho các DTTS tiến bộ mau chóng về mọi mặt theo chủ nghĩa xã hội.

Ủy ban Dân tộc gồm có Chủ nhiệm, một số Phó Chủ nhiệm và Ủy viên chọn theo thành phần các dân tộc trong nước.

Về tổ chức bộ máy và nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc:

a) Tổ chức bộ máy và nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc theo Nghị định số 102-TTg, ngày 06/3/1959 của Phủ Thủ tướng quy định nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban Dân tộc như sau:

- Về nghiệm vụ:

+ Nghiên cứu tình hình, đặc điểm các DTTS giúp Chính phủ vạch các chính sách dân tộc.

+ Nghiên cứu giúp Chính phủ vạch kế hoạch xây dựng các khu vực tự trị dân tộc và thực hiện kế hoạch đó.

+ Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách dân tộc, và giúp các Bộ trong việc nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện những chính sách cụ thể, phát triển kinh tế, văn hóa, củng cố các vùng DTTS về mọi mặt.

+ Chỉ đạo các Ban dân tộc địa phương về mặt nghiệp vụ.

+ Trực tiếp quản lý Trường cán bộ dân tộc; tổ chức những đoàn đại biểu dân tộc đi tham quan; tiến hành những công tác khác có liên quan đến chính sách dân tộc do Chính phủ giao cho.

- Về quyền hạn: Nghị định 102/TTg quy định:

+ Có thể ra Thông tư giải thích đường lối, chính sách và các chủ trương của Chính phủ đối với vùng DTTS và hướng dẫn các cấp hành chính địa phương thi hành đường lối, chính sách và các chủ trương ấy.

+ Phối hợp và góp ý kiến với các Bộ trong việc nghiên cứu và thực hiện mọi chính sách đối với các vùng DTTS.

+ Các Bộ có nhiệm vụ thông báo cho Ủy ban Dân tộc các chính sách, chủ trương cụ thể và tình hình công tác của ngành mình ở các vùng DTTS, gửi bản sao các Chỉ thị, Thông tư và báo cáo về các vấn đề đó cho Ủy ban Dân tộc.

- Bộ máy giúp việc của Ủy ban Dân tộc gồm có:

+ Văn phòng;

+ Vụ nghiên cứu có trách nhiệm giúp Ủy ban Dân tộc nghiên cứu đường lối, chính sách, chủ trương đối với các DTTS.

+ Vụ Nội chính có trách nhiệm nghiên cứu kế hoạch thực hiện chính sách khu vực tự trị và theo dõi công tác nội chính ở các vùng DTTS.

+ Vụ Tuyên truyền Văn giáo có trách nhiệm theo dõi công tác tuyên truyền, văn hóa, giáo dục ở các vùng DTTS.

+ Trường Cán bộ dân tộc có trách nhiệm giáo dục, bồi dưỡng chính trị, chính sách dân tộc cho cán bộ từ cấp huyện trở lên hoạt động ở các vùng DTTS.

+ Các tổ chức sự nghiệp khác do Ủy ban thành lập sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.

b) Tổ chức bộ máy và nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc theo Nghị định số 133-CP:

Ngày 29/9/1961, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng thay mặt Hội đồng Chính phủ ký Nghị định 133/CP quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban Dân tộc như sau:

- Về chức năng:

Uỷ ban Dân tộc là cơ quan của Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm thực hiện chính sách dân tộc của Ðảng và Nhà nước, nhằm tăng cường đoàn kết các dân tộc theo nguyên tắc bình đẳng tương trợ, tạo điều kiện cho các DTTS cùng nhân dân toàn quốc tiến nhanh về mọi mặt lên chủ nghĩa xã hội.

- Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Dân tộc:

+ Ðiều tra, nghiên cứu nắm tình hình, đặc điểm các DTTS ở trong nước; nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ ban hành các chính sách ở vùng DTTS nhằm xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, thực hiện quyền tham chính của các DTTS, phát triển kinh tế và văn hóa ở vùng DTTS.

+ Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chính sách ở vùng DTTS và góp ý kiến với các Bộ, các ngành ở Trung ương và các Uỷ ban hành chính các khu tự trị, các tỉnh và các địa phương khác có DTTS trong việc nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện các chính sách cụ thể ở các vùng DTTS.

+ Ðề ra phương hướng tuyên truyền, giáo dục ở vùng DTTS và cùng các Bộ, các ngành ở Trung ương và các Uỷ ban hành chính địa phương làm công tác tuyên truyền, giáo dục để tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, động viên các DTTS hăng hái thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước.

+ Quản lý Trường Cán bộ dân tộc Trung ương và giúp các ngành có liên quan đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về mặt nghiệp vụ công tác dân tộc.

+ Làm những công tác khác có liên quan đến chính sách dân tộc do Chính phủ giao cho.

+ Các Bộ, các ngành ở Trung ương có liên quan đến công tác dân tộc, các Uỷ ban hành chính các khu tự trị, các tỉnh và các địa phương khác có DTTS có trách nhiệm thông báo cho Uỷ ban Dân tộc tình hình thực hiện chính sách dân tộc của Bộ mình, ngành mình, địa phương mình.

+ Quản lý, tổ chức cán bộ, biên chế, lao động tiền lương, tài sản, tài vụ của Uỷ ban theo chế độ chung của nhà nước.

- Về tổ chức bộ máy của Ủy ban Dân tộc gồm có: Văn phòng; Vụ Tuyên giáo, Vụ Nội chính; Vụ Dân sinh; các đơn vị sự nghiệp do Ủy ban quản lý.

c) Tổ chức bộ máy và nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc theo Nghị định số 34-CP:

Ðể đẩy mạnh việc nghiên cứu và thực hiện những chính sách nhằm tăng cường sự đoàn kết thân ái và sự hợp tác anh em giữa các dân tộc cùng nhau đánh Mỹ, cứu nước và tiến lên chủ nghĩa xã hội, ngày 5 tháng 3 năm 1968, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 34/CP sửa đổi tổ chức bộ máy của Ủy ban Dân tộc như sau:

- Giải thể vụ Dân sinh và vụ Nội chính.

- Thành lập thêm các vụ: Vụ I, Vụ II, Vụ III, Vụ IV nhằm đi sâu nghiên cứu từng vùng dân tộc trong nước và Vụ Tổng hợp. Mỗi vụ do một Vụ trưởng phụ trách có hai vụ phó giúp việc.

- Vụ I có nhiệm vụ giúp Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc: Theo dõi, nghiên cứu tình hình các dân tộc Tày, Nùng, Hán và các dân tộc khác sinh sống ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Vĩnh Phú, Hà Bắc, Hải Hưng và nghiên cứu những chính sách cụ thể đối với các dân tộc này; theo dõi, kiểm tra sự thực hiện chính sách dân tộc của Ðảng và Chính phủ ở các tỉnh nói trên.

- Vụ II có nhiệm vụ giúp Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc: Theo dõi, nghiên cứu tình hình các dân tộc Thái, Mèo, Dao và các dân tộc khác sinh sống ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Nghĩa Lộ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang và nghiên cứu những chính sách cụ thể đối với các dân tộc này; theo dõi, kiểm tra sự thực hiện chính sách dân tộc của Ðảng và Chính phủ ở các tỉnh nói trên.

- Vụ III có nhiệm vụ giúp Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc: Theo dõi, nghiên cứu tình hình các dân tộc Mường, Vân kiều và các dân tộc khác sinh sống ở các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phú, Hà Tây, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình và Vĩnh Linh và nghiên cứu những chính sách cụ thể đối với các dân tộc này; theo dõi, kiểm tra sự thực hiện chính sách dân tộc của Ðảng và Chính phủ ở các tỉnh nói trên.

- Vụ IV có nhiệm vụ giúp Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc: Theo dõi, nghiên cứu tình hình của các dân tộc thiểu số ở miền Nam Việt Nam.

- Vụ Tổng hợp có nhiệm vụ giúp ông Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc: Tổng hợp tình hình thực hiện chính sách dân tộc của Ðảng và Chính phủ về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo cán bộ dân tộc; nghiên cứu các vấn đề lớn về chính sách có quan hệ chung đến các dân tộc; góp ý kiến với các ngành về chính sách cụ thể đối với các vùng dân tộc.

6. Văn phòng Miền núi và Dân tộc

a) Giải thể Ủy ban Dân tộc của Chính phủ (1987)

Thực hiện Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980, để đáp ứng yêu cầu giai đoạn cách mạng mới, ngày 16/02/1987, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã ký Quyết định số 78/HĐNN nhằm kiện toàn một bước các cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng, trong đó có nội dung: Giải thể Ủy ban Dân tộc của Chính phủ. Như vậy, cơ quan Dân tộc của Chính phủ từ năm 1987 đã giải thể và chỉ còn Ban Dân tộc Trung ương là cơ quan có trách nhiệm tham mưu cho Trung ương Đảng về các vấn đề dân tộc.

b) Thành lập Văn phòng Miền núi và Dân tộc

Ðể tăng cường sự chỉ đạo, điều hành của Hội đồng Bộ trưởng đối với công tác miền núi và dân tộc, ngày 11/5/1990, thay mặt Hội đồng Bộ trưởng - Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định số 147-CTHĐ thành lập Văn phòng miền núi và dân tộc đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

- Về tổ chức bộ máy:

Văn phòng miền núi và dân tộc do đồng chí Bộ trưởng chuyên trách công tác miền núi và dân tộc trực tiếp làm Chủ nhiệm. Văn phòng có 1-2 Phó Chủ nhiệm, bộ máy làm việc gồm có một số tổ chuyên viên, được sử dụng con dấu và có ngân sách riêng. Trụ sở của Văn phòng miền núi và dân tộc đặt tại 80 Phan Ðình Phùng, Hà Nội (trụ sở Ủy ban Dân tộc của Chính phủ hiện nay).

- Về nhiệm vụ:

Văn phòng miền núi và dân tộc có các nhiệm vụ sau:

+ Theo dõi đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp trong việc thực hiện các quyết định của Ðảng và Nhà nước về những chủ trương, chính sách đối với miền núi và dân tộc.

+ Phối hợp với các Ban của Ðảng, các Bộ, ngành nghiên cứu hoặc chủ trì nghiên cứu đề xuất các chủ trương, chính sách, luật pháp về miền núi và dân tộc, để Hội đồng Bộ trưởng xem xét quyết định hoặc trình Hội đồng Nhà nước quyết định.

+ Tham gia các Bộ, ngành, địa phương về việc quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sắp xếp cán bộ chủ chốt là người dân tộc làm công tác chính quyền.

+ Thực hiện quan hệ với nước ngoài về vấn đề dân tộc.

- Về quyền hạn sau:

+ Yêu cầu các Bộ, Ủy ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cung cấp những thông tin cần thiết về miền núi và dân tộc.

+ Mời các Bộ, Ủy ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để bàn những vấn đề miền núi và dân tộc.

+ Kiểm tra các Bộ, Ủy ban Nhà nước, cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng, ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách đối với miền núi và dân tộc; kiến nghị với cơ quan được kiểm tra thi hành các biện pháp cần thiết hoặc sửa chữa những việc làm sai trái (nếu có) nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách đối với miền núi và dân tộc.

7. Ban Dân tộc Trung ương (1979-1993)

Sau thời kỳ kéo dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1960-1975), cơ cấu tổ chức Nhà nước Việt Nam DCCH chưa có điều kiện thay đổi, bổ sung, hoàn thiện. Chỉ sau khi hoàn thành cuộc Cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta mới có điều kiện để kiện toàn, hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan Nhà nước nói chung, cơ quan dân tộc nói riêng.

 Theo Quyết định số 38-QĐ/TW, ngày 14/5/1979 của Ban Bí thư Trung ương Đảng do đồng chí Nguyễn Duy Trinh, thay mặt BCHTW Đảng ký nhằm kiện toàn tổ chức, cải tiến chế độ làm việc theo Nghị quyết lần thứ tư của BCHTW thì hệ thống Ban Dân tộc ở Trung ương và các tỉnh được kiện toàn.

Ngày 25/8/1988, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Tâm đã ký Quyết định số 62-QĐ/TW quy định chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân tộc Trung ương cụ thể như sau:

a) Về tổ chức bộ máy:

- Ban Dân tộc Trung ương trực thuộc Ban Bí thư Trung ương.

- Ban làm việc theo chế độ thủ trưởng, có Trưởng ban và một số Phó trưởng ban giúp việc. Trưởng ban chịu trách nhiệm trước Trung ương về toàn bộ công việc của Ban. Các Phó trưởng ban chịu trách nhiệm trước Trưởng ban, đồng thời cùng Trưởng ban chịu trách nhiệm trước Ban Bí thư về lĩnh vực công tác được phân công.

- Bộ máy giúp việc của Ban gồm có: Văn phòng ban (gồm có bộ phận nghiên cứu tổng hợp, phòng hành chính quản trị và phòng tổ chức cán bộ cơ quan); Vụ Kinh tế - đời sống; Vụ Văn hóa, giáo dục, y tế; Vụ Chính trị (gồm các lĩnh vực xây dựng Ðảng, chính quyền đoàn thể, cán bộ, an ninh, quốc phòng). Ngoài số cán bộ trong biên chế, ban được thực hiện chế độ công tác riêng để phục vụ công tác nghiên cứu, kiểm tra theo yêu cầu của Ban.

b) Về chức năng của Ban Dân tộc Trung ương:

Theo tinh thần Quyết định số 38-QĐ/TW, ngày 14/5/1979 của Ban Bí thư Trung ương thì Ban Dân tộc là cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương (hoặc cấp uỷ địa phương về vấn đề dân tộc ít người). Ban Dân tộc Trung ương cùng với Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn cụ thể chức trách, chế độ làm việc của cấp ủy cấp tỉnh, thành phố và xác định cụ thể tổ chức của Ban.

c) Về nhiệm vụ của Ban Dân tộc Trung ương:

- Ban có nhiệm vụ báo cáo, thỉnh thị, phản ánh tình hình thực hiện chính sách dân tộc và những vấn đề cần thiết khác có quan hệ đến công tác dân tộc của Đảng lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư (hoặc cấp ủy).

- Giúp Trung ương chuẩn bị hoặc tham gia chuẩn bị các Hội nghị của Trung ương về đường lối, chính sách cảu Đảng về vấn đề dân tộc. Ðối với các vấn đề chung của Ðảng về vấn đề dân tộc có liên quan đến nhiều ngành. Ban chủ trì giúp Trung ương chuẩn bị; có trách nhiệm tham gia chuẩn bị và phát biểu chính thức ý kiến của mình trước khi trình Trung ương để quyết định; phối hợp và đề xuất ý kiến với Ban Tổ chức Trung ương trong việc nghiên cứu chính sách của Ðảng đối với cán bộ người dân tộc ít người.

- Giúp Trung ương kiểm tra việc chấp hành đường lối chính sách của Ðảng về vấn đề dân tộc. Phát hiện và tổng hợp các vấn đề chính trị của các dân tộc ít người, những vấn đề có tính chất chính trị trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của các ngành, các cấp ở các vùng dân tộc, nhằm bảo đảm những quan điểm của Trung ương về vấn đề dân tộc được thực hiện đầy đủ, tăng cường khối đoàn kết thống nhất giữa các dân tộc trong cả nước.

d) Quyền hạn của Ban Dân tộc Trung ương

- Dựa vào chương trình làm việc của Trung ương, Ban Dân tộc Trung ương lập chương trình công tác của Ban và thực hiện chương trình công tác đó.

- Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban được tham gia các kỳ họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư bàn về vấn đề dân tộc ít người; được cung cấp các thông tin cần thiết như các Nghị quyết, Chỉ thị, Thông báo của Trung ương và những báo cáo do các địa phương, các ngành gửi lên Trung ương về những vấn đề quan trọng có liên quan đến chính sách dân tộc.

- Ban Dân tộc Trung ương quan hệ chặt chẽ với các Ban khác, với các Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn ở các ngành cùng cấp để trao đổi ý kiến về những vấn đề có liên quan đến chính sách dân tộc, phối hợp nghiên cứu, kiểm tra những vấn đề về dân tộc theo các quy định của Trung ương. Ban được yêu cầu các địa phương, các ngành cung cấp những tư liệu cần thiết về vấn đề dân tộc có liên quan đến trách nhiệm công tác của Ban.

- Ban Dân tộc Trung ương được quan hệ với các tổ chức làm công tác dân tộc ở Trung ương và địa phương để trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ, phối hợp kiểm tra hoặc nghiên cứu những vấn đề về chính sách dân tộc ở địa phương.

8. Ủy ban Dân tộc và Miền núi (1993-2003)

Thực hiện Hiến pháp Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, các cơ quan Nhà nước có những thay đổi nhằm đáp ứng kịp thời những đòi hỏi mới cao hơn, phù hợp với xu hướng phát triển của cách mạng.

Ngày 03/10/1992, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng đã ra Thông báo số 35/TB Quyết định của Bộ Chính trị về việc hợp nhất hai cơ quan Ban Dân tộc Trung ương và Văn phòng Miền núi và Dân tộc của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng để thành lập cơ quan Ủy ban Dân tộc và Miền núi của Chính phủ.

Ngày 20/3/1993, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt thay mặt Chính phủ ký Nghị định số 11/CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban Dân tộc và Miền núi. Ngày 13/8/1998, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký ban hành Nghị định số 59/1998/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban Dân tộc và Miền núi thay thế Nghị định số 11/CP.

Theo Nghị định số 59/1998/NĐ-CP, Ủy ban dân tộc và miền núi có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy cụ thể sau:

a) Về chức năng:

Uỷ ban Dân tộc và Miền núi là Cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc và miền núi trong phạm vi cả nước, đồng thời là cơ quan tham mưu cho Trung ương Ðảng về chủ trương, chính sách đối với các DTTS và miền núi.

b) Về nhiệm vụ, quyền hạn:

Uỷ ban Dân tộc và Miền núi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Nghiên cứu, tổng hợp các vấn đề về dân tộc và miền núi. Trình Trung ương Ðảng và Chính phủ những chủ trương, chính sách, luật pháp về dân tộc và miền núi; Ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện các vấn đề nói trên; chuẩn bị hoặc tham gia chuẩn bị các dự thảo nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị về chủ trương, chính sách đối với dân tộc và miền núi.

- Tham gia với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về những vấn đề liên quan đến dân tộc và miền núi; Tham gia việc thẩm định chiến lược phát triển vùng, kế hoạch kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ và các dự án nước ngoài tài trợ được thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

- Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc và miền núi trong phạm vi cả nước.

- Thực hiện nhiệm vụ về công tác tổ chức cán bộ theo qui định của Trung ương Ðảng; Kiến nghị với Trung ương Ðảng, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương về chủ trương, chính sách, giải pháp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ DTTS; tham gia vào việc đào tạo cán bộ là người DTTS và tổ chức thực hiện việc bồi dưỡng cán bộ dân tộc và cán bộ làm công tác dân tộc.

- Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về lĩnh vực dân tộc theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Ðảng và Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về dân tộc.

- Chỉ đạo việc thực hiện một số chương trình, dự án, mô hình điểm trên địa bàn vùng dân tộc, miền núi do Chính phủ giao.

- Tiếp đón, thăm hỏi đồng bào dân tộc, nắm yêu cầu nguyện vọng của đồng bào. Chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, Ban, ngành Trung ương, địa phương giải quyết các nguyện vọng chính đáng của đồng bào DTTS.

- Quản lý về tổ chức và cán bộ, công chức của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi theo qui định.

c) Về tổ chức bộ máy giúp việc:

- Uỷ ban Dân tộc và Miền núi do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban lãnh đạo, có các Phó Chủ nhiệm giúp việc Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban. Các Phó Chủ nhiệm do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội về toàn bộ hoạt động của Uỷ ban. Các Phó Chủ nhiệm chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban về lĩnh vực công tác do Bộ trưởng - Chủ nhiệm phân công.

- Tổ chức Bộ máy của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi gồm:

+ Các Tổ chức giúp Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Miền núi thực hiện chức năng quản lý Nhà nước gồm có: Vụ Chính sách Dân tộc; Vụ Chính sách Miền núi; Vụ Tổng Hợp; Vụ Hợp tác Quốc tế; Vụ Tổ chức - Cán bộ; Vụ Pháp chế; Thanh tra; Văn phòng; Cơ quan đặc trách công tác Dân tộc ở Nam bộ (tại Cần Thơ).

+ Các Tổ chức sự nghiệp trực thuộc Uỷ ban: Viện Nghiên cứu Chính sách Dân tộc và Miền núi; Tạp chí Dân tộc và Miền núi; Trung tâm Bồi dưỡng Cán bộ Dân tộc; Trung tâm Thông tin và Tư liệu.

+ Các doanh nghiệp trực thuộc Uỷ ban Dân tộc và Miền núi được tổ chức và hoạt động theo qui định của pháp luật.

9. Ủy ban Dân tộc (2003 - Hiện nay)

Từ năm 2003, Ủy ban Dân tộc được thành lập trên cơ sở đổi tên Ủy ban Dân tộc và Miền núi, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức được quy định tại Nghị định số 51/2003/NĐ-CP, ngày 16/5/2003 (2003-2008) và Nghị định số 60/2008/NĐ-CP, ngày 09/5/2008, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc; Nghị định số 13/2017/NĐ-CP ngày 10/022017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc; Ủy ban dân tộc có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy cụ thể sau:

a) Vị trí và chức năng

Ủy ban Dân tộc là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Dân tộc theo quy định của pháp luật.

b) Nhiệm vụ và quyền hạn

Ủy ban Dân tộc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Chính phủ và các nghị quyết, dự án, đề án theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Trình Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm và các dự án, công trình quan trọng quốc gia thuộc lĩnh vực do Ủy ban Dân tộc quản lý.

3. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách dân tộc, chính sách đặc thù, các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ giảm nghèo ở các xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao; các chính sách đầu tư, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho đồng bào DTTS; các chính sách, dự án hỗ trợ người dân ở các địa bàn đặc biệt khó khăn; các chính sách, dự án bảo tồn và phát triển đối với các nhóm DTTS rất ít người và tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình, dự án, đề án sau khi ban hành.

4. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS; chính sách đặc thù đối với cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc; phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thu hút, tăng cường cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng DTTS và miền núi.

5. Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về công tác dân tộc theo phân công.

6. Chủ trì hoặc phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách phát triển nguồn nhân lực ở vùng DTTS và miền núi; chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người DTTS, nâng cao dân trí ở vùng DTTSS; chính sách để đồng bào các DTTS thực hiện quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình; chính sách đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo đáp ứng về cơ sở vật chất để phục vụ công tác giáo dục, đào tạo cho vùng DTTS và miền núi.

7. Trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền tiêu chí xác định thành phần dân tộc, danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam; tiêu chí phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển, danh mục phân định các xã, thôn vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển, danh mục các xã vùng DTTS và miền núi thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn.

8. Ban hành các thông tư, quyết định, chỉ thị thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc; kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành có liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc; được cơ quan chủ trì thẩm định mời tham gia thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì soạn thảo có liên quan trực tiếp đến thực hiện chính sách dân tộc.

9. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, chương trình, dự án, đề án, công trình quan trọng quốc gia, quyết định, chỉ thị đã được ban hành hoặc phê duyệt thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc.

10. Chủ trì hoặc phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tổ chức chính trị - xã hội sơ kết, tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ định kỳ và đột xuất theo quy định; rà soát việc thực hiện chính sách dân tộc ở các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ở các địa phương; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách dân tộc cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước.

11. Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng những điển hình tiên tiến là tập thể, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín ở vùng DTTS; khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng các tập thể và cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự và gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ở vùng DTTS.

12. Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện và kiểm tra việc tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa đại biểu DTTS, người có uy tín trong đồng bào DTTS và các sự kiện khác liên quan đến công tác dân tộc nhằm tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

13. Tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy những phong tục, tập quán và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc; phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án tăng cường công tác truyền thông, đưa thông tin về cơ sở vùng DTTS và miền núi, truyền phát trực tuyến các kênh phát thanh, truyền hình dân tộc trên mạng Internet; phối hợp thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS.

14. Tổ chức, chỉ đạo nghiên cứu khoa học, những vấn đề chiến lược, cơ bản và cấp bách về DTTS và chính sách dân tộc; nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn công tác dân tộc; ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường cho vùng dân tộc và miền núi; các hoạt động thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực công tác dân tộc đối với hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc và địa bàn vùng DTTS và miền núi.

15. Theo dõi, kiểm tra, tổng hợp tình hình vùng DTTS, tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương, đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác dân tộc và đồng bào DTTS.

16. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê thuộc phạm vi quản lý nhà nước về công tác dân tộc, hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc, bộ dữ liệu về các dân tộc thiểu số Việt Nam.

17. Điều tra, khảo sát, nghiên cứu, tổng hợp về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc, thành phần dân tộc, tên gọi, phong tục, tập quán các DTTS và những vấn đề khác về dân tộc.

18. Phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan trong việc lập kế hoạch, trình Chính phủ phân bổ nguồn lực giảm nghèo và các nguồn lực khác cho các địa phương vùng DTTS; thẩm định hoặc tham gia thẩm định các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS theo quy định của pháp luật.

19. Hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc theo quy định của pháp luật; phối hợp với các tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế trong việc nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về công tác dân tộc, thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng DTTS, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; quản lý, chỉ đạo hoặc tham gia thực hiện các chương trình, dự án do nước ngoài, tổ chức quốc tế tài trợ, đầu tư vào vùng DTTS theo quy định của pháp luật.

20. Quyết định và tổ chức thực hiện kế hoạch cải cách hành chính, công khai các loại thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực công tác dân tộc; thực hiện các nhiệm vụ khác về cải cách hành chính theo quy định của pháp luật.

21. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực công tác dân tộc; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc theo quy định của pháp luật.

22. Tiếp đón, thăm hỏi và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giải quyết nguyện vọng của đồng bào DTTS theo chế độ, chính sách và quy định của pháp luật.

23. Quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc lĩnh vực công tác dân tộc; thực hiện các dịch vụ công trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc theo quy định của pháp luật.

24. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế công chức, viên chức, người lao động; vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, quyết định việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu, thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức do Ủy ban Dân tộc quản lý theo quy định của của Đảng, pháp luật của Nhà nước; ban hành tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý cơ quan công tác dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trong việc hướng dẫn quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý cán bộ người DTTS trong hệ thống chính trị.

25. Xây dựng dự toán ngân sách hàng năm; phối hợp với Bộ Tài chính lập, tổng hợp dự toán thu, chi ngân sách theo ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý để trình Chính phủ; quản lý, tổ chức thực hiện và quyết toán ngân sách nhà nước; thực hiện các nhiệm vụ khác về ngân sách nhà nước, tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật.

26. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.

C) Về cơ cấu tổ chức: gồm 18 Vụ và đơn vị trực thuộc: Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Pháp chế; Vụ Hợp tác quốc tế; Thanh tra; Văn phòng; Vụ Tổng hợp; Vụ Chính sách dân tộc; Vụ Tuyên truyền; Vụ Dân tộc thiểu số; Vụ Địa phương I; Vụ Địa phương II; Vụ Địa phương III; Học viện Dân tộc; Trung tâm Thông tin; Báo Dân tộc và Phát triển; Tạp chí Dân tộc; Nhà khách Dân tộc.

II. Một số kết quả đạt được trong quá tình hoạt động của cơ quan công tác dân tộc:

Từ những chính sách chung của Đảng và Chính phủ kháng chiến (từ năm 1946-1958), cơ quan công tác dân tộc đã giúp đỡ, tạo điều kiện. giáo dục quần chúng các DTTS nhận thức và hành động đúng đắn, trở thành lực lượng có sức mạnh vật chất to lớn, góp phần vào công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thể hiện bằng kết quả trên các lĩnh vực như chăm lo cho con em đồng bào các DTTS học hành; hướng dẫn đồng bào cách làm ăn và các sinh hoạt trong đời sống; lo cho các DTTS có đội ngũ cán bộ cách mạng; tham gia sự nghiệp kháng, đấu tranh chiến chống giặc ngoại xâm giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Từ năm 1959-1987: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm, quy mô, cường độ lớn hơn nhiều so với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sức người, sức của đáp ứng cho cuộc kháng chiến là cực kỳ to lớn. Cùng với cả nước, cơ quan công tác dân tộc của Đảng, Chính phủ đã đóng góp, tham mưu cho Trung ương Đảng và Nhà nước nhiều vấn đề để các cấp lãnh đạo kịp thời đề ra chủ trương, chính sách đúng đắn, huy động tổng lực những lực lượng vật chất to lớn từ nhân dân các DTTS cho cuộc kháng chiến xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi nước nhà thống nhất, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ trọng tâm thời kỳ này tập trung chủ yếu vào phát triển kinh tế, xây dựng quan hệ sản xuất mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hợp tác hóa nông nghiệp, thành lập các nông, lâm trường, vận động đồng bào các dân tộc vùng cao định canh - định cư, mở mang các khu kinh tế… Nhiều dân tộc trước đây sống du canh, du cư đã được ổn định chỗ ở, có đất sản xuất lâu dài. Hưởng ứng phong trào “khai hoang, xây dựng kinh tế mới” các địa phương vùng miền núi đã đón hàng vạn người dân từ các tỉnh đồng bằng lên khai hoang xây dựng kinh tế mới. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, từng bước xóa đói, giảm nghèo, định canh định cư, phát triển kinh tế - xã hội, trồng các cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, phát huy thế mạnh tại chỗ, từng bước chuyển từ thế độc canh, tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa.

Những năm cuối thập kỷ 80, cơ chế quản lý kinh tế tập trung, bao cấp không còn phù hợp. Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, công tác dân tộc được đổi mới, nhiều chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi đã ra đời như: Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách lớn phát triển kinh tế xã hội miền núi, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc. Cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình hành động, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi.

Từ năm 1990 đến nay, dưới dự lãnh đạo Đảng và Chính phủ, trên tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương đã tích cực nắm tình hình đời sống kinh tế -xã hội và tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số; tham mưu, đề xuất với Trung ương Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về lĩnh vực công tác dân tộc. Những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi đã khẳng định đường lối, chính sách dân tộc đúng đắn và nhất quán của Đảng, Nhà nước. Sự kiện tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện, cấp tỉnh (năm 2009, 2014, 2019) và Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam (năm 2010 và chuẩn bị tổ chức năm 2020) cũng như việc ban hành Nghị định 05/NĐ của Chính phủ năm 2011 về công tác dân tộc; Quốc hội Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết 88/2019/QH14… đã đánh dấu một mốc quan trọng trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, đã tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức và trách nhiệm, ghi nhận và đánh giá cao cống hiến của đồng bào DTTS trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam; đánh giá và khẳng định sự đúng đắn đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; tạo niềm phấn khởi và củng cố niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước.

Nhờ những thành tựu đạt được từ sau ngày đổi mới đến nay, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc có nhiều thay đổi, từng bước đáp ứng được niềm mong đợi của đồng bào, tháo gỡ cho nhiều địa phương khó khăn bức bách về nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt, cải thiện từng bước đời sống của đồng bào DTTS nghèo, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận và củng cố lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, nếu so với sự phát triển chung của cả nước thì vùng DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng DTTS còn cao so với mặt bằng chung cả nước, kết quả giảm nghèo chưa thật sự vững chắc, số hộ tái nghèo còn nhiều. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng dân tộc còn chậm; qui mô sản xuất còn nhỏ, manh món, sức cạnh tranh thấp. Đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; bản sắc văn hoá của một số DTTS đang đứng trước nguy cơ bị mai một; Môi trường sống của vùng dân tộc và miền núi đã và đang bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng; chất lượng nguồn nhân lực thấp; đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu. Từ chỗ chính quyền cơ sở một số nơi còn yếu kém, hiệu quả hoạt động chư­a cao; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số còn tiềm ẩn nhân tố mất ổn định.

Công tác dân tộc trong thời gian tới đòi hỏi các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị phải kiên định nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nhằm đạt được những mục tiêu quan trọng của công tác dân tộc đến năm 2020 là: phát triển nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc, vùng căn cứ cách mạng; thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập giữa các dân tộc, các vùng; đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, mỗi năm giảm từ 4-5% hộ nghèo; các xã có đầy đủ các công trình hạ tầng thiết yếu: Đường ô tô đi được 4 mùa đến trung tâm các xã, thôn, bản; có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên và ký túc xá cho học sinh ở những nơi cần thiết; có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, nhân dân được chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh; hầu hết hộ đồng bào có nhà ở ổn định, có điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc, đảm bảo trẻ em trong độ tuổi được đến trường, phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục trung học phổ thông, người lao động được đào tạo nghề; văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị, trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở được củng cố và nâng cao chất lượng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo quốc phòng ở vùng dân tộc và miền núi.

B. SỰ HÌNH THÀNH PHÁT TRIỂN CƠ QUAN CÔNG TÁC DÂN TỘC TỈNH KON TUM:

Sau khi tỉnh KonTum được chia tách và thành lập lại năm 1991, Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã luôn quan tâm đến công tác dân tộc và đã có Quyết định số 72/QĐ-UB về việc thành lập Ban Dân tộc-Định canh định cư -Kinh tế mới trực thuộc UBND tỉnh KonTum.

            I. Tổ chức cơ quan công tác dân tộc của tỉnh:

1. Từ khi tỉnh KonTum chia tách thành lập lại một số công tác về lĩnh vực dân tộc như: Định canh định cư, kinh tế mới, được giao cho Sở Nông lâm tỉnh và Chi cục điều động lao động dân cư thuộc Sở Lao động đảm nhiệm. Chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân tộc-Định canh định cư-Kinh tế mới: "khảo sát lập quy hoạch tổng thể và xây dựng kế hoạch hàng năm về công tác ĐCĐC-KTM, lập dự án ĐCĐC-KTM, đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện ĐCĐC ổn định sản xuất và nâng cao đời sống". Từ năm 1993- 1996, đồng chí Rô Mô Sô Ra, dân tộc KaDong được phân công giữ chức Trưởng Ban Dân tộc-Định canh định cư-Kinh tế của tỉnh; 2 phó ban gồm đồng chí Nguyễn Tấn Quyết (Phó ban năm 1993- 1994); đồng chí Nguyễn Văn Thái giữ chức vụ Phó Ban.

2. Tại Quyết định số 47/QĐ-UB ngày 11 tháng 6 năm 1996 của UBND tỉnh Kon Tum về việc sát nhập Ban Dân tộc-Định canh định cư - Kinh tế mới vào Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời tổ chức lại Ban Dân tộc-ĐCĐC-KTM thành Chi cục Dân tộc Định canh định cư và Vùng kinh tế mới trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum. Chức năng nhiệm vụ: quản lý nhà nước về lĩnh vực phân bố lao động, dân cư, phát triển vùng kinh tế mới, định canh định cư và thực hiện chính sách đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 1997- 2000 đồng chí Nguyễn Văn Thái được phân công giữ chức Chi cục trưởng Dân tộc, Định canh định cư và Vùng kinh tế mới trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum; đồng chí Trần Bảng được phân công giữ chức Phó Chi Cục Dân tộc, Định canh định cư và Vùng kinh tế mới trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum (1998- 2000).

3. Tại quyết định số 45/2000/QĐ-UB, ngày 18 tháng 12 năm 2000 của UBND tỉnh KonTum về việc thành lập Ban Dân tộc-Tôn giáo tỉnh Kon Tum. Chức năng, nhiệm vụ: là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, quản lý nhà nước đối với các hoạt động chính sách dân tộc và tôn giáo trên địa bàn tỉnh theo đúng Pháp luật và chính sách hiện hành của nhà nước. Từ năm 2001- 2004, đồng chí Rô Mô Sô Ra, dân tộc KaDong được phân công giữ chức Trưởng Ban Dân tộc, Tôn giáo tỉnh; đồng chí Phạm Văn Long được phân công giữ chức Phó Trưởng Ban Dân tộc Tôn giáo tỉnh(giai đoạn 2001- 2004).

4. Ngày 18 tháng 2 năm 2004 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2004/NĐ-CP về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc UBND các cấp và Thông tư hướng dẫn Liên bộ 246 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Uỷ ban Dân tộc. Ngày 23 tháng 5 năm 2005 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 18/2005/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum và ban hành quy chế quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Dân tộc. Đối với các huyện, hiện đã thành lập các Phòng Dân tộc-Tôn giáo, riêng thị xã Kon Tum thành lập Phòng Dân tộc. Hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc của tỉnh được kiện toàn đã góp phần tham mưu, đề xuất triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ công tác dân tộc trên địa bàn thu được những kết quả quan trọng. Ngày 04/02/2008, thực hiện Nghị định 14/CP của Chính phủ, hiện nay không còn Phòng Dân tộc - Tôn giáo, công tác dân tộc giao về Văn phòng HĐND-UBND huyện, thị xã đảm nhận; được sự thống nhất của UBND tỉnh, giao cho Sở Nội vụ và Ban Dân tộc tỉnh hướng dẫn giao nhiệm vụ cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện, thị xã. Ở Văn phòng HĐND-UBND bố trí từ 1-2 cán bộ theo dõi công tác dân tộc, còn lại chủ yếu bố trí cán bộ ở phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm công tác thực hiện các chính sách dân tộc.

Từ năm 2005- 2008, đồng chí Rô Mô Sô Ra, dân tộc KaDong tiếp tục được phân công giữ chức Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; 02 phó ban gồm: đồng chí Đặng Quang Ngọc (giai đoạn 2005- 2010); đồng chí Rơ Châm Long, dân tộc Gia Rai (giai đoạn 2005- 2008).

            Từ năm 2008- 2013, đồng chí Rơ Châm Giáo, Tỉnh ủy viên được phân công giữ chức vụ Trưởng Ban Dân tộc tỉnh (Nguyên là Bí thư huyện ủy Sa Thầy); 02 Phó ban gồm: Tiến sỹ Đặng Luận (Giai đoạn 2010- 2014, hiện nay là Hiệu Trưởng Trường Chính trị tỉnh Kon Tum); U Minh Nam (2012 đến nay).

5. Ngày 16/11/2015, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 45/2015/QĐ-UBND quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum. Theo đó, Ban Dân tộc là cơ quan chuyên môn ngang Sở thuộc UBND tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Ban Dân tộc chịu sự chỉ đạo, quản lý và điều hành của UBND tỉnh; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Ủy ban Dân tộc. Từ năm 2015-2019 lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh gồm 4 đồng chí: Đồng chí Ka Ba Thành, được phân công giữ chức vụ Trưởng ban Dân tộc tỉnh (từ tháng 7/2014 đến tháng 12/2019 (hiện nay là Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà); 03 phó ban gồm: đồng chí U Minh Nam (từ năm 2012 đến nay), đồng chí Y Hằng (từ tháng 9/2014 đến nay); đồng chí Hà Hồng Duy (từ tháng 4/2016 đến nay). Từ tháng 1/2020 đến nay, đồng chí Đinh Quốc Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng uỷ khối doanh nghiệp được phân công giữ chức vụ Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; 03 đồng chí Phó Ban gồm: U Minh Nam Y Hằng, Hà Hồng Duy. Cơ cấu tổ chức gồm 4 phòng chuyên môn: Văn phòng, Phòng Chính sách dân tộc, Thanh tra, Phòng Tuyên truyền, Địa bàn.

Đến nay, Cơ quan công tác dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh có 61 người, trong đó, có 17 người là DTTS (chiếm 27,9%); trình độ chuyên môn: Thạc sĩ: 03 (chiếm 4,2%); đại học 54 (chiếm 88,5%); cao đẳng, trung cấp: 4 (chiếm 6,5%). Tại cấp huyện có 9/10 huyện thành phố có phòng Dân tộc (riêng huyện Ia H’Drai công tác Dân tộc giao cho Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện kiêm nhiệm). Nhìn chung, Phòng Dân tộc cấp huyện cơ bản ổn định, hoạt động tương đối hiệu quả, là cơ quan tham mưu giúp UBND quản lý, chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, chính sách trên địa bàn. Tại cấp xã, công tác dân tộc được giao cho cán bộ Văn phòng kiêm nhiệm. Vì vậy, còn lúng túng trong triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc và việc tổng hợp báo cáo chưa đảm bảo theo yêu cầu.

Từ khi chia tách tỉnh đến nay, cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh cho dù được gọi bằng tên nào hoặc ghép với Sở, ngành nào nhưng chức năng, nhiệm vụ luôn được giao đúng giao đủ. Điều này thể hiện sự quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đối với cơ quan làm công tác dân tộc.

II. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Dân tộc tỉnh:

1. Chủ trì xây dựng và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Dự thảo các quyết định, chỉ thị; quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 05 năm và hàng năm; chương trình, đề án, dự án, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về công tác dân tộc và nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao;

b) Dự thảo văn bản quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc;

c) Dự thảo văn bản quy định điều kiện, tiêu chuẩn, chức danh đối với Trưởng, Phó các đơn vị thuộc Ban; Trưởng, Phó phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

2. Chủ trì xây dựng và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác dân tộc;

b) Dự thảo quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các tổ chức, đơn vị của Ban theo quy định của pháp luật;

c) Dự thảo các văn bản quy định về quan hệ, phối hợp công tác giữa Ban Dân tộc với các Sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện.

3. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, chính sách thuộc lĩnh vực công tác dân tộc sau khi được phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao cho đồng bào DTTS; chủ trì, phối hợp vận động đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

4. Tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình, đề án, dự án, mô hình thí điểm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đặc thù, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo, vùng căn cứ địa cách mạng và công tác định canh, định cư đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

5. Tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình, dự án do Ủy ban Dân tộc chủ trì quản lý, chỉ đạo; theo dõi, tổng hợp, sơ kết, tổng kết và đánh giá việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc ở địa phương; tham mưu, đề xuất các chủ trương, biện pháp để giải quyết các vấn đề xóa đói, giảm nghèo, định canh, định cư, di cư đối với đồng bào DTTS và các vấn đề dân tộc khác liên quan đến chính sách dân tộc, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

6. Tổ chức tiếp đón, thăm hỏi, giải quyết các nguyện vọng của đồng bào DTTS theo chế độ chính sách và quy định của pháp luật; định kỳ tham mưu tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS các cấp của tỉnh; lựa chọn đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng các tập thể và cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc ở vùng DTTS trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn an ninh, trật tự và gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

7. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực công tác dân tộc đối với Phòng Dân tộc cấp huyện và công chức được bố trí làm công tác dân tộc đối với các huyện chưa đủ điều kiện thành lập Phòng Dân tộc và công chức giúp Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

8. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công tác dân tộc được phân công theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

9. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, lưu trữ phục vụ công tác quản lý nhà nước về dân tộc theo chuyên môn, nghiệp vụ được giao.

10. Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực công tác dân tộc theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

11. Tiếp nhận những kiến nghị của công dân liên quan đến dân tộc, thành phần dân tộc, tên gọi, phong tục, tập quán các DTTS và những vấn đề khác về dân tộc xem xét trình và chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

12. Tham gia, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan thẩm định các dự án, đề án do các Sở, ban, ngành và các cơ quan, tổ chức xây dựng có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác dân tộc và đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

13. Phối hợp với Sở Nội vụ trong việc bố trí công chức, viên chức là người DTTS làm việc tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và công chức là người DTTS làm việc tại Ủy ban nhân dân cấp xã, bảo đảm cơ cấu thành phần dân tộc trên địa bàn; xây dựng và tổ chức thực hiện đề án ưu tiên tuyển dụng sinh viên DTTS đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng vào làm việc tại cơ quan nhà nước ở địa phương. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc cử tuyển học sinh DTTS vào học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dân tộc nội trú theo quy định của pháp luật; biểu dương, tuyên dương học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc là người DTTS đạt kết quả cao trong các kỳ thi.

14. Quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của văn phòng, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ban, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban theo hướng dẫn chung của Ủy ban Dân tộc và theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

15. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật và theo sự phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

16. Thực hiện công tác thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban Dân tộc.

17. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

18. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao và theo quy định của pháp luật.

 III. Một số kết quả đạt được về công tác dân tộc và thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh Kon Tum:

1. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức về công tác dân tộc vùng đồng bào DTTS

Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong những năm qua ngày càng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như trong hành động chấp hành pháp luật của người dân; tạo dần thói quen chấp hành pháp luật, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào dân tộc thiểu số, biết sử dụng đúng đắn quy định của pháp luật trong giải quyết công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày; tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, tự giác đóng góp ý kiến, phản ánh tâm tư nguyện vọng của mình trong quá trình thực hiện pháp luật, góp phần giữ gìn ổn định trật tự và an toàn xã hội, hạn chế việc người dân vi phạm pháp luật vì không hiểu biết pháp luật.

Trong giai đoạn 2015-2019, các đơn vị, địa phương trên địa bàn đã triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực phát huy vai trò của người có uy tín, người tiêu biểu trong cộng đồng; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong giai đoạn mới; tuyên truyền kịp thời về các sự kiện, hoạt động thời sự, chính trị nổi bật, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng vùng đồng bào DTTS, các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, gương tập thể, cá nhân người đồng bào DTTS tiêu biểu trên các lĩnh vực gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới; tổ chức thực hiện mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy; xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi; mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại huyện KonPlông; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay đối với người có uy tín, cán bộ và người dân tại các thôn, xã thụ hưởng Chương trình 135; bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc trong vùng DTTS; tuyên truyền, triển khai thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phổ biến giáo giục Pháp luật trong vùng đồng bào DTTS; tổ chức tuyên truyền phổ biến Nghị định số 05/2011/NĐ-CP; triển khai có hiệu quả Đề án bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh...

2. Về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2014-2019:

2.1. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tỉnh (GRDP) hàng năm tăng trưởng tương đối khá, GRDP 6 tháng đầu năm 2019 đạt 15.654 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 9,05% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: khu vực Nông - Lâm - Thủy sản tăng 5,60%; Công nghiệp - Xây dựng tăng 12,62%; Dịch vụ tăng 8,48%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 29,8 triệu đồng năm 2014 lên 37,49 triệu đồng năm 2018 và đạt khoảng 40,66 triệu đồng năm 2019. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị sản xuất Nông - Lâm nghiệp đạt 26,58%; Công nghiệp - Xây dựng đạt 25,78%, Dịch vụ đạt 39,64%. Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 170 triệu USD. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội đảm bảo. Các chỉ tiêu kinh tế- xã hội khác về cơ bản đều hoàn thành và vượt kế hoạch giao hàng năm và ước thực hiện kế hoạch 5 năm.

Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội được đẩy mạnh đầu tư xây dựng, nhất là tại ba vùng kinh tế động lực. Hệ thống giao thông được đầu tư, nâng cấp; các công trình, cụm công trình thủy lợi được sửa chữa, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất của Nhân dân; hạ tầng đô thị, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch... được chú trọng đầu tư.

Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh từng bước được nâng lên. Hệ thống trường, lớp trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố, đặc biệt là trường chuyên biệt dành cho học sinh DTTS, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng. Chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên, đặc biệt là giáo dục học sinh DTTS, khoảng cách chênh lệch giữa các vùng trong tỉnh giảm dần, tỷ lệ tốt nghiệp THPT hàng năm ổn định và ở mức cao, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào cao đẳng, đại học ngày càng tăng; tỷ lệ huy động trẻ mầm non, học sinh tiểu học, THCS trong độ tuổi ra lớp được nâng lên, phân luồng học sinh sau THCS, THPT bước đầu có hiệu quả tích cực; công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh; các chính sách dân tộc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được triển khai đầy đủ, kịp thời và phát huy tác dụng.

Mạng lưới y tế từng bước được sắp xếp theo hướng tinh gọn và hiệu quả. Chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sỹ ngày càng được nâng lên. Hạ tầng cơ sở và trang thiết bị khám, chữa bệnh được đầu tư, nâng cấp. Có 79,6% số xã được công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia y tế xã giai đoạn 2011-2020; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,80% năm 2018; 100% thôn, tổ dân phố có nhân viên y tế; thực hiện tốt các chương trình, chính sách y tế đối với người dân. Việc phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập được quan tâm. Công tác kiểm tra, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường. Qua đó, người dân được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản; đồng bào nghèo được khám chữa bệnh miễn phí và chính sách bảo hiểm y tế được thực hiện đúng quy định đã góp phần phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe người dân; đặc biệt là phụ nữ, trẻ em người DTTS trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao chuyển biến tốt. Bản sắc văn hóa truyền thống, phát huy tiếng nói, chữ viết của các DTTS và các di tích cách mạng từng bước được bảo tồn, phát huy. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc ở khu dân cư (18/11) và việc xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa được chú trọng.

Công tác thông tin, tuyên truyền ở vùng đồng bào DTTS và miền núi được chú trọng hoàn thiện và nâng cao, 100% hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin, góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chính sách dân tộc trên địa bàn.

Tăng cường công tác tuyên truyền vận động các hộ dân thu, gom, xử lý chất thải sinh hoạt tại gia đình. Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom, xử lý ở đô thị đạt 93%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2019 đạt 88%, tăng 12,2% so với năm 2014.

Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động bình thường theo đúng chính sách và pháp luật của Nhà nước; quan tâm chăm lo đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong đó có đồng bào có đạo; xem xét, giải quyết kịp thời các nhu cầu của tổ chức, cá nhân tôn giáo theo quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế về tôn giáo ở địa phương; tạo điều thuận lợi cho các chức sắc, nhà tu hành và tín đồ trong hoạt động tôn giáo, tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội các cấp phát động. Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo.

Hệ thống chính trị vùng dân tộc và miền núi thường xuyên được xây dựng, củng cố và ngày càng phát triển, tỷ lệ cán bộ, cán bộ nữ là người DTTS tham gia cấp ủy, chính quyền, HĐND các cấp ngày càng tăng. Đến nay 874/874 thôn, làng, tổ dân phố trong toàn tỉnh đã có tổ chức Đảng, đảng viên; tổ chức mặt trận, các đoàn thể; toàn tỉnh có 8.469 đảng viên là người DTTS, chiếm 30,54% so với tổng số đảng viên toàn tỉnh.

Công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được cải tiến hơn, quyết liệt hơn, quan tâm xử lý những vấn đề nổi lên trong từng thời gian; tăng cường phân công, phân cấp, quyền chủ động cho các ngành, các cấp; trình độ cán bộ tại chỗ được nâng lên. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động vươn lên hoàn thành nhiệm vụ của mình, vận động Nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các phong trào thi đua yêu nước. Chất lượng hoạt động của hệ thống mạng lưới tổ chức cơ sở, tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên được nâng lên. Đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận, đoàn thể ngày càng được chuẩn hoá. Tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên vào các tổ chức chính trị - xã hội tăng khá: Hội Cựu chiến binh đạt 86,11%; Hội Liên hiệp Phụ nữ đạt 76,5%; Hội Người Cao tuổi đạt 77,5%; Hội Nông dân đạt 74,4%; Đoàn viên Công đoàn đạt 89,1%; Đoàn Thanh niên 33,2%; Hội Liên hiệp Thanh niên đạt 45,4%. Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính đang từng bước được cải tiến theo hướng đơn giản, nhanh gọn, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở có hiệu quả.

Tình hình quốc phòng - an ninh trên địa bàn vùng DTTS những năm qua, nhất là an ninh biên giới cơ bản được giữ vững, các lực lượng vũ trang trên địa bàn đã thực hiện công tác quản lý, theo dõi, nắm tình hình an ninh trên tuyến biên giới và nội địa, đẩy mạnh các hoạt động phòng chống tội phạm. Hiện nay toàn tỉnh đã có 65 xã đạt tiêu chí về quốc phòng và an ninh (đạt 75,58%).

2.2. Kết quả thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc miền núi trong 5 năm (2014-2019)

Giai đoạn 2014-2019, tổng huy động vốn đầu tư cho vùng DTTS từ nguồn Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương hỗ trợ có mục tiêu (không bao gồm vốn Chương trình mục tiêu quốc gia) và vốn trái phiếu Chính phủ trên địa bàn tỉnh Kon Tum là 4.266,602 tỷ đồng (chiếm 57,5% so với vốn đầu tư cả tỉnh). Bình quân bố trí hàng năm 711,100 tỷ đồng.

Triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia về nông nghiệp, nông thôn, giáo dục đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa, thể dục thể thao… đã tạo thành hệ thống chính sách tương đối toàn diện, bao trùm tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh và địa bàn vùng dân tộc, miền núi góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao dân trí, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là vùng DTTS và miền núi. Nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong vùng DTTS biết vận dụng sự hỗ trợ của Nhà nước, kết hợp với nguồn lực, tiềm năng sẵn có của địa phương, gia đình, có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả, thực sự trở thành những đầu tàu thúc đẩy phong trào của địa phương, góp phần to lớn vào sự thành công của các chương trình, chính sách được thực hiện trên địa bàn.

2.3. Kết quả giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới

Tổng nguồn lực huy động thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn vùng dân tộc miền núi giai đoạn 2014-2018 khoảng 6.168,60 tỷ đồng. Nhờ thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp về công tác giảm nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc miền núi giảm khá nhanh, đến cuối năm 2018, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh còn 22.851 hộ, chiếm tỷ lệ 17,29% tổng số hộ. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 4-5% giai đoạn 2014-2015 và 3,58%/năm giai đoạn 2016-2018; trong đó bình quân tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm 6,05%/năm.

Tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 đến 6 tháng đầu năm 2019 là 1.378,042 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng và bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến, nhất là về giao thông nông thôn; đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo về xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Đến nay, có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 25% tổng số xã toàn tỉnh (tăng 18 xã so với năm 2014), 08 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 26 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 34 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí (giảm so với năm 2014 là 10 xã). Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã 12,6 tiêu chí, tăng 4 tiêu chí so với năm 2014.

Việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự cố gắng, nỗ lực của các sở, ban, ngành và sự tham gia hưởng ứng của các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, đặc biệt là các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh trong việc chung tay, góp sức, tự nguyện hiến đất, ngày công lao động, cây cối và nhiều cách làm hay, đem lại hiệu quả cao. Nhờ vậy, đến nay so với Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, tỷ lệ đạt chuẩn các tiêu chí đã tăng lên qua từng năm, diện mạo nông thôn đã có sự thay đổi và khởi sắc, hệ thống hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu người dân, đặc biệt nhận thức người dân đã có sự thay đổi cơ bản, người dân đã hiểu được ý nghĩa của Chương trình và vai trò trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới, qua đó đã tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng nông thôn mới; đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đây là điều kiện cần thiết để duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống ngày một cao hơn, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu.

            IV. Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019-2024 (Báo cáo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ III năm 2019)

  1. Quan điểm:

Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là đầu tư cho phát triển bền vững đi liền với xóa đói, giảm nghèo; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào DTTS; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội; nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cán bộ DTTS đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Phát huy cao độ nội lực của vùng, đi đôi với gia tăng sự đầu tư và hỗ trợ của Trung ương. Huy động mọi nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế trong vùng, thu hút các nguồn lực từ các vùng khác và các nguồn tài trợ quốc tế để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hiệu quả. Trong đó ngân sách nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định.

Cùng với đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, phải coi trọng giữ vững ổn định chính trị, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước, gắn với xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Camphuchia.

Đầu tư phát triển kinh tế- xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, nhất là hệ thống sông suối đầu nguồn, hệ sinh thái động, thực vật, bảo vệ và phát triển rừng, đa dạng sinh học.

Đầu tư phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS có trọng tâm, trọng điểm là trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân. Trong đó nhà nước giữ vai trò quan trọng, ý chí tự lực, tự cường của người dân là quyết định.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Với mục tiêu theo chủ đề của Đại hội đó là “Các dân tộc tỉnh Kon Tum, đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”, thời gian tới công tác dân tộc tiếp tục thực hiện đồng bộ, kết hợp khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch; đặc biệt tại 03 vùng kinh tế động lực của tỉnh. Ưu tiên tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm khoảng cách về mức thu nhập so với vùng phát triển; thu hẹp dần địa bàn đặc biệt khó khăn, cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân, gia tăng đầu tư nguồn lực của nhà nước và các thành phần kinh tế để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng kết nối với các vùng phát triển; tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút các nguồn lực đầu tư cho vùng; củng cố và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS, chất lượng nguồn nhân lực; xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; chú trọng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2024

- Về kinh tế

(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm 2019 đạt khoảng 9,30%; bình quân giai đoạn 2019 – 2024 đạt khoảng trên 9%.

(2) Phấu đấu đến năm 2024, tăng nhanh tỷ trọng ngành Công nghiệp - Xây dựng - Dịch vụ; tỷ trọng Nông – Lâm - Thủy sản: 22-23%; Công nghiệp - Xây dựng: 31-32%; Thương mại - Dịch vụ: 43-43%.

(3) Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 40,66 triệu đồng vào năm 2019 và khoảng 65,0 triệu đồng vào năm 2024.

- Về Văn hóa - Xã hội và môi trường

 (1) Phấn đấu đến năm 2024, tỷ lệ huy động trẻ từ 3-5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 92%. Trong đó huy động trẻ 5 tuổi đạt 99,5%. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi tiểu học đến trường đạt 99,9%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi vào học trung học cơ sở đạt 98%; tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia 50%.

(2) Phấn đấu đến năm 2024, tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt 100%; 100% dân số dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%; duy trì tỷ lệ xã có bác sỹ đến công tác đạt 100%; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) xuống <17%; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) xuống <35%. Ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS.

(3) Phấn đấu đến năm 2024 số xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, thư viện đạt 60%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao đạt 60%. Đẩy mạnh tuyên truyền vận động bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh.

 (4) Phấn đấu giai đoạn 2019-2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 3-4%/năm (riêng các huyện nghèo giảm 6-8%/năm) theo chuẩn tiếp cận nghèo đa chiều, trong đó bình quân tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm từ 6,05%/năm trở lên; phấn đấu giảm số xã, thôn đặc biệt khó khăn so với năm 2019 (hiện nay còn 54 xã ĐBKK và 66 thôn ĐBKK).

(5) Đảm bảo 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, đảm bảo giao thông thuận lợi cả 2 mùa; 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã vào năm 2024. Tỷ lệ thôn có điện đạt 100%, tỷ lệ số hộ được sử dụng điện 98,7% vào năm 2019 và phấn đấu đạt 100% vào năm 2020. Số xã đạt tiêu chí nông thôn mới khoảng 22 xã vào năm 2019 (chiếm tỷ lệ 25%), năm 2020 là 25 xã và năm 2024 có ít nhất 43 xã.

(6) Tỷ lệ dân cư nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh dự kiến đạt 88% vào năm 2019 và 95% vào năm 2024; duy trì tỷ lệ cơ sở sản xuất mới xây dựng sử dụng công nghệ sạch hoặc có thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường đạt 100%.

 (7) Phấn đấu giai đoạn 2020 -2024, khoán bảo vệ rừng là 218 nghìn ha cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn, làng. Nâng độ che phủ rừng (có tính cây cao su) từ lên 62,78% năm 2019 lên 62,95% vào năm 2024.

- Về xây dựng hệ thống chính trị

(1) Giai đoạn 2019-2024, hàng năm trung bình có 98% khu dân cư tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc; 80% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 75% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”; 100% khu dân cư xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước.

(2) Duy trì 100% thôn, tổ dân phố có tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; có các đoàn, hội; trên 80% quần chúng được tập hợp vào các tổ chức đoàn, hội.

Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống của ngành (03/5/1946-03/5/2020), nhằm ôn lại và tuyên truyền về Ngày truyền thống thành lập cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, với mong muốn nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân đối với công tác dân tộc, thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới.

 

Số lượt xem:1774
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3818312 Tổng số người truy cập: 45 Số người online:
Phát triển:TNC