banner
Thứ 7, ngày 27 tháng 4 năm 2024
74 năm - Lịch sử công tác dân tộc tỉnh Kon Tum xây dựng và phát triển (1946-2020)
26-4-2020

Cách đây 74 năm, vào ngày 03-05-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58/SL thành lập Nha Dân tộc thiểu số. Nhiệm vụ của Nha Dân tộc thiểu số là xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các dân tộc thiểu số trong nước và thắt chặt tinh thần thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, từ đó đến nay, trong Đảng, Quốc hội và Chính phủ đều có cơ quan chuyên trách để nghiên cứu, theo dõi và chỉ đạo việc thực hiện chính sách dân tộc. Các cơ quan này trong từng thời kỳ cách mạng dù với những tên gọi khác nhau, nhưng đều nhằm thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng. Để đáp ứng yêu cầu công tác dân tộc trong giai đoạn mới, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1491/QĐ-TTg, ngày 14/10/2008 lấy ngày 03-5 hàng năm là ngày “Truyền thống của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc”.

Các đại biểu dự Đại hội dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Plei Ku ngày 19-4-1946 (Nguồn: Bảo tàng tỉnh Gia Lai)

Tại tỉnh Kon Tum, thực hiện chủ trương chung của Trung ương, Tỉnh ủy Kon Tum thành lập Phòng Quốc dân dân tộc thiểu số trực thuộc Tỉnh ủy tháng 4/1946. Đây là cơ quan nghiên cứu giúp Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh với nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Mặt trận Việt Minh; vận động đồng bào các dân tộc thiểu số theo Đảng, theo Bác Hồ; bảo vệ độc lập, tự do, bảo vệ chính quyền, chống kẻ thù xâm lược; vận động đoàn kết Kinh-Thượng; xóa bỏ hiềm khích, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tập trung bảo vệ đất nước.

Từ khi được thành lập đến nay, Cơ quan làm công tác dân tộc tỉnh Kon Tum đã trải qua hơn 74 năm xây dựng và trưởng thành. Qua mỗi thời kỳ Cách mạng, tổ chức và hoạt động của Cơ quan làm công tác dân tộc tỉnh Kon Tum lại có bước phát triển mới và có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng tỉnh nhà, giải phóng miền Nam; xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), Cơ quan làm công tác dân tộc tỉnh Kon Tum có vai trò to lớn trong công cuộc lãnh đạo đồng bào các dân tộc tham gia cách mạng, góp phần vào sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng tỉnh, phòng Quốc dân thiểu số, Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh đã thực hiện tốt chính sách dân tộc trong điều kiện kháng chiến, góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Thời gian này, công tác dân tộc của tỉnh đã được triển khai, hoạt động tích cực của những tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác dân tộc đã tuyên truyền để đường lối, chính sách dân tộc của Đảng được thực hiện, đi vào cuộc sống của đồng bào trong vùng căn cứ, vùng mới giải phóng và tuyên truyền mạnh mẽ trong vùng địch kiểm soát; phá tan âm mưu chia rẽ dân tộc của thực dân Pháp và tay sai, làm cho tình đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh, giữa người Kinh và đồng bào được gắn chặt, tạo thành sức mạnh to lớn trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược; ngay trong những năm tháng kháng chiến, việc chăm lo đời sống kinh tế, văn hóa- xã hội cho đồng bào đã luôn được chú trọng, nhờ đó không những đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lêm, mà còn giúp cho đồng bào có thêm nguồn lực để ủng hộ sức người, sức của cho cuộc kháng chiến.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), cơ quan làm công tác dân tộc tỉnh Kon Tum được đặt dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Kon Tum đã triển khai nhiều nội dung và hình thức hoạt động phù hợp với yêu cầu cách mạng mới. Từ chủ trương đưa cán bộ, đảng viên hòa nhập vào dân, sống với dân, cán bộ vừa được dân che chở, bảo vệ, lại vừa lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh bảo vệ quyền lợi của chính mình và quyền lợi của cách mạng, đi sâu nghiên cứu, nắm tình hình ở các vùng dân tộc miền núi để tham mưu cho Tỉnh ủy có chủ trương, chính sách, biện pháp giải quyết đúng đắn, kịp thời và phù hợp với đặc điểm dân tộc, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc về chính sách đoàn kết kháng chiến cứu nước của Đảng, Chính phủ, Hồ Chủ tịch, vạch trần âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù; Vận động đồng bào xây dựng căn cứ địa, đẩy mạnh sản xuất cải thiện đời sống tổ chức tiếp tế gạo, muối, nông cụ, thuốc men, vải mặc... cho các vùng bị thiếu đói; mở các lớp dạy học để xoá mù chữ cho dân; xây dựng chính quyền nhân dân để kháng chiến lâu dài... Với những hoạt động đa dạng, biết dựa vào dân để vận động nhân dân trên tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, công tác dân tộc ở tỉnh Kon Tum đã góp phần kết nối các dân tộc tạo thành sức mạnh cùng toàn tỉnh và cả nước làm nên đại thắng Mùa Xuân năm 1975. 

Sau ngày Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, cơ quan làm công tác dân tộc tỉnh Gia Lai - Kon Tum đã tham mưu cho tỉnh làm tốt việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; xác định việc thực hiện công tác dân tộc của Đảng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt việc chăm lo cho đồng bào vùng căn cứ kháng chiến cũ được xem vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, các ngành, cách cấp; tham mưu cho tỉnh tập trung đầu tư và động viên tinh thần tự lực, tự cường của các dân tộc thiểu số để khai thác, bảo vệ và phát triển sản xuất, ổn định đời sống, đẩy mạnh công tác định canh định cư, từng bước đưa đồng bào các dân tộc hòa nhập cuộc sống của cộng đồng xã hội. Phát huy truyền thống tốt đẹp gắn bó giữa đồng bào các dân tộc với Đảng, chính quyền các cấp trên tinh thần đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ nhau cùng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Góp phần thắng lợi vào công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời kỳ mới.

Bước vào thời kỳ đất nước đổi mới (1986 - 1991) cùng với việc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, triển khai thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều hiện chủ trương, chính sách dân tộc như Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 27/01/1989 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 72-HĐBT ngày 13/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển kinh tế - xã hội, miền núi, ... Theo đó, Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ IX của Đảng bộ tỉnh Gia Lai - Kon Tum khẳng định: “Ổn định và phát triển sản xuất nông, lâm, công nghiệp, trước hết là phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện. Đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm và phát triển cây công nghiệp nhằm tăng nhanh  tốc độ sản xuất hàng hóa, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân, cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng vũ trang. Hoàn thành định canh, định cư cho đồng bào dân tộc tại chỗ, gắn với tiếp nhận dân kinh tế mới. Đến năm 1990, đưa các hộ nông dân vào làm ăn tập thể dưới nhiều hình thức và bước đi thích hợp. Củng cố và tăng cường kinh tế quốc doanh và tập thể, giữ được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, coi trọng phát triển kinh tế hộ gia đình, sử dụng có hiệu quả các thành phần kinh tế khác. Phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, xây dựng nếp sống văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Tạo bước chuyển biến đáng kể về mặt xã hội, bảo đảm cho người lao động có việc làm và được phân phối công bằng, hợp lý, giảm hẳn sự chênh lệch quá đáng về mức sống giữa các tầng lớp dân cư. Khắc phục có hiệu quả những biểu hiện tiêu cực, những tệ nạn xã hội và tập tục lạc hậu ảnh hướng xấu đến sản xuất và đời sống. Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, làm cho đời sống ngày càng tốt hơn. Sử dụng vốn tự có và vốn hỗ trợ của Trung ương, tiếp tục xây dựng một số cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết phục vụ sản xuất và đời sống. Ưu tiên đầu tư nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực, thực phẩm đồng thời đầu tư thỏa đáng phát triển cây công nghiệp và công nghiệp chế biến nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Quan tâm đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ. Tăng cường công tác an ninh quốc phòng, giải quyết dứt điểm FULRO. Đánh bại chiến tranh phá hoại nhiều mặt và các âm mưu khác của địch trên địa bàn. Nhanh chóng xây dựng lực lượng vũ trang, công an đủ mạnh, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng pháo đài huyện, xã, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự  an toàn xã hội”.

Từ khi tỉnh Kon Tum được tái lập (tháng 10/1991), Tỉnh ủy Kon Tum tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 27-01-1989 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 72-HĐBT ngày 13/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng núi và đặc biệt là Nghị quyết số 24/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7 (khóa IX); Kết luận số 57/KL/TW, ngày 3-11-2009 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc; Chỉ thị số 1971/CT-TTg ngày 27/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14-1-2011 của Chính phủ về công tác dân tộc... với mục tiêu quan trọng của công tác dân tộc là: Tập trung phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số bền vững; tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao phúc lợi xã hội; nâng cao trình độ dân trí, tăng cường chất lượng dịch vụ công, bảo vệ môi trường sinh thái, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa vùng dân tộc và các vùng khác trong tỉnh và giữa các dân tộc. Đảm bảo phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; xây dựng gia đình, xã, thôn văn hóa gắn với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Hiện nay, Ban Dân tộc tỉnh thực hiện các chức năng nhiệm vụ theo quy định tại Quyết định số 45/2015/QĐ-UBND, ngày 16-11-2015, của UBND tỉnh Kon Tum.

Trong suốt chặng đường phát triển, Cơ quan làm công tác dân tộc tỉnh Kon Tum luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, các đồng chí Lão thành Cách mạng, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Cơ quan làm công tác dân tộc tỉnh Kon Tum qua các thời kỳ. Đối với Phòng Dân tộc cấp huyện từ chỗ chỉ có 01 chuyên viên làm công tác dân tộc nằm trong văn phòng HĐND-UBND huyện thì nay đã có 9/10 phòng Dân tộc cấp huyện, tham mưu giúp UBND huyện thực hiện các nhiệm vụ theo quy định, có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Có thể nói, mặc dù có nhiều thay đổi về cơ quan quản lý, tên gọi khác nhau qua các thời kỳ, song Cơ quan làm công tác dân tộc tỉnh Kon Tum luôn bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh để triển khai nhiệm vụ. Trên 74 năm qua, Cơ quan làm công tác dân tộc tỉnh Kon Tum đã làm tốt việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước không chỉ vì lợi ích của các dân tộc thiểu số, mà còn vì lợi ích của cả nước, không chỉ là đối nội mà còn là đối ngoại, không chỉ về kinh tế xã hội mà cả về chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia. Yêu cầu chung của cách mạng Việt Nam và nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn hiện nay trong thực hiện chính sách dân tộc là: “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”; Đảm bảo lợi ích của các dân tộc, giải quyết thỏa đáng các mối quan hệ giữa các dân tộc, phát huy sức mạnh của từng dân tộc để xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngày càng phồn vinh, giàu mạnh. Từ thực tiễn hoạt động và thành quả của công tác dân tộc tỉnh Kon Tum thời kỳ 1945-2020, có thể  đã rút những bài học kinh nghiệm quý báu về thành công trong công tác tham mưu quản lý, chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước sau:

Một là: Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan công tác dân tộc trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giải quyết vấn đề dân tộc, công tác dân tộc qua từng thời kỳ; xác đúng đúng đắn về vị trí vai trò của công tác dân tộc là yếu tố quan trọng có tính quyết định trong xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn xác định: Giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là một nhiệm vụ có tính chiến lược của Cách mạng Việt Nam. Đảng đã đề ra chủ trương, chính sách dân tộc với những nội dung và nguyên tắc cơ bản là “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trong và giúp nhau cùng tiến bộ”. Những nội dung, nguyên tắc cơ bản đó đã được thể hiện một cách nhất quán, đầy đủ trong các văn kiện của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và được cụ thể hóa bằng những chính sách phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng và ở địa phương.

Hai là: Thông qua hoạt động thực tiễn để đề xuất chính sách, đồng thời phát hiện những vấn đề khiếm khuyết để bổ sung, xây dựng chính sách mới; hệ thống chính sách phải phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội của từng vùng miền, từng dân tộc để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, miền trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc.

Thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc thành hệ thống chính sách là một nội dung nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là vai trò tham mưu của cơ quan công tác dân tộc. Chủ trươnbg, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với cuộc sống thực tế của đồng bào các dân tộc bằng những nội dung chính sách cụ thể, thông qua các chương trình, chính sách, dự án đầu tư phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đồng bào các dân tộc thiểu số phấn khởi tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hăng hái phát triển sản xuất, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong mọi tầng lớp Nhân dân. Yêu cầu nội dung chính sách phải toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, phát huy đuwọc tiềm năng, lợi thế  của từng địa phương, đòi hỏi cơ quan tham mưu thực hiện công tác dân tộc nghiên cứu, nắm chắc thực tế tình hình phát triển kinh tế - xã hội và những vấn đề mới phát sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để có những đề xuất đúng đắn, kịp thời.

Trong tổ chức lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội các cấp ủy, chính quyền nhận thức một cách sâu sắc, đúng đắn và toàn diện chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, nâng cao ý thức trách nhiệm vận dung sáng tạo vào điều kiện cụ thể từng cấp, từng ngành, từng địa phương là yếu tố quan trọng mang lại hiệu quả cao trong tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Thực tiễn cho thấy ở những đạ phương cấp ủy, chính quyền có nhận thức sâu sắc, toàn diện và đầy đủ về chính sách dân tộc, quan tâm chỉ đạo công tác dân tộc thì kết quả thực hiện chính sách dân tộc tốt, hiệu quả cao, kinh tế - xã hội phát triển, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Công tác kiểm tra, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chính sách phải dựa trên cơ sở có sự xem xét toàn diện, đồng thời phải cụ thể trong điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Qua đó, đánh giá kết quả thực hiện chính sách dân tộc phải xem xét mối quan hệ giữa chính sách cụ thể về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế…với chính sách chung. Ở Kon Tum, hiệu quả việc thực hiện chính sách dân tộc phải đảm bảo đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giữa các dân tộc trong tỉnh.

Ba là: Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan công tác dân tộc với cơ quan, các tổ chức đoàn thể, các địa phương trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Những kết quả quan trọng đã đạt được cùng như những tồn tại yếu kém trong quá trình tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian qua đều có nguyên nhân từ sự phối hợp giữa cơ quan công tác dân tộc với các cơ quan, các tổ chức đoàn thể, các địa phương. Chủ trương, chương trình, chính sách, dự án về phát triển kinh tế - xã hội được tổ chức triển khai phát huy hiệu quả đều có sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan công tác dân tộc với các cơ quan, các tổ chức đoàn thể, các địa phương.

Nội dung chính sách dân tộc đề cập một cách toàn diện đến mọi mặt của đời sống xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện chính sách dân tộc là “nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị”. Từ những đặc điểm nội dung và nhiệm vụ thực hiện chính sách dân tộc cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong quá trình tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc là một yêu cầu tất yếu có tính quyết định đến chất lượng nội dung của chính sách và kết quả thực hiện chính sách dân tộc.

Bốn là: Chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số.

Hệ thống chính trị cơ sở là tổ chức gần dân nhất, trực tiếp triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, nắm bắt rõ nhất mọi tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc vững mạnh thông qua việc thực hiện tốt dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng và kiện toàn các tổ chức đảng, chính quyền các cấp có đủ khả năng lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Củng cố và nâng cao vị trí vai trò của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể nhân dân trong việc tham gia quản lý xã hội và thực hiện tốt chức năng đại diện quyền lợi của các hội viên. Tập hợp và vận động các tầng lớp nhân dân, phát huy vai trò của người có uy tín trong đòng bào dân tộc thiểu số, trong cộng đồng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quan tâm đào tạo, sử dụng, có chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ công tác ở vùng dân tộc và miền núi, nhất là cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ, xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán có đủ phẩm chất và năng lực công tác, phù hợp vơi nhu cầu cán bộ của từng địa phương, từng dân tộc. Hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc, miền núi vững mạnh là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Năm là: Kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc đủ sức mạnh làm lực lượng nòng cốt trong việc tham mưu với cấp ủy và chính quyền các cấp trong triển khai, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc trong tình hình mới.

Tình hình thực tế hiện nay cho thấy nhiệm vụ của công tác dân tộc vừa giải quyết những nội dung cơ bản chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, vừa phải giải quyết những vấn đề bức xúc tình thế, những vấn đề nảy sinh trong quá trình vận động phát triển chunbg của xã hội. Để thực hiện nhiệm vụ trên nhất thiết phải có một hệ thống hoàn chỉnh, có đủ năng lực tham mưu đề xuất chủ trương, chính sách cũng như khả năng tổ chức quản lý chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ.

Chính vì vậy, xác định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ cụ thể và cơ cấu tổ chức, cán bộ làm công tác dân tộc có đủ phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn nghiệp vụ trong hệ thống tổ chức cơ quan công tác dân tộc là một nội dung rất quan trọng trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Đất nước ta đang trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã và đang đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ mới ngày càng cao hơn đối với công tác dân tộc. Thực tiễn tổ chức hoạt động của cơ quan công tác dân tộc trong hệ thống chính trị với những mô hình tổ chức khác nhau, nội dung nhiệm vụ cụ thể của từng thời ký khác nhau với chức năng chung là tham mưu đề xuất và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của Đảng đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của cơ quan công tác dân tộc trong hệ thống chính trị nhà nước; là cơ sở thực tiễn và bài học kinh nghiệm quý giá để xây dựng tổ chức cơ quan làm công tác dân tộc trong tổ chức bộ máy nhà nước.

Sáu là: Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công tác dân tộc, nhằm nâng cao năng lực tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc; tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ, sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các Chính phủ để đầu tư cho vùng dân tộc và miền núi.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công tác dân tộc, nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện chính sách dân tộc; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn các âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch, can thiệp gây mất ổn định ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ có hiệu quả về nguồn vốn của cộng đồng quốc tế để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi.

Trong xu thế toàn cầu hóa, nước ta đang chủ động từng bước hội nhập ngày càng sâu với kinh tế khu vực và thế giới trên nguyên tắc giữ vững độc lập tự chủ, bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế đối với lĩnh vực dân tộc, quảng bá hình ảnh khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế, giữ vững ổn định, tạo ra sự phát triển bền vững. Là tỉnh có biên giới tiếp giáp với hai quốc gia Lào và Campuchia, Kon tum cần tiếp tục củng cố và phát triển có chiều sâu các mối quan hệ hợp tác đã được thiết lập; triển khai có hiệu quả các hoạt động hội nhập quốc tế, trong đó củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với các tỉnh giáp biên giới của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Nguyễn Thị Thanh Phước

Số lượt xem:650
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3819593 Tổng số người truy cập: 24 Số người online:
Phát triển:TNC