Còn mây tre thì còn đan lát!
18-3-2021

Đã có lúc, nghề đan lát tưởng chừng mai một, thế nhưng, bằng tình yêu, sự trăn trở với nghề, những người già ở làng Đăk Tiêng Ktu, xã Đăk La, huyện Đăk Hà đã vận động người dân giữ gìn và truyền lại nghề cho lớp thanh niên. Trải qua những “nốt trầm”, giờ đây, nghề đan lát dần được tiếp nối, các sản phẩm thủ công từ tre, nứa được nhiều người ưa chuộng, đem lại thu nhập.

Bóng chiều đổ xuống làng Đăk Tiêng Ktu. Trở về nhà sau một ngày làm việc  vất vả, già A Wơih vội vàng rửa mặt mũi, tay chân rồi tranh thủ vót tre, chuốt nan, đan cho xong chiếc nia đang dang dở. Đôi tay chai sạn thoăn thoắt đan, già Wơih nói rằng, đan lát đã trở thành một trong những hoạt động chính trong sinh hoạt hàng ngày, hôm nào không đan lại thấy nhớ, thấy buồn tay chân lắm. Bởi vậy, dù bận bịu cỡ nào già cũng dành thời gian đan, vừa để thỏa đam mê, vừa có thêm niềm vui trong cuộc sống và có thêm thu nhập.

65 tuổi đời, có 50 năm gắn bó với nghề đan lát, già A Wơih đan thành thục hầu hết các sản phẩm: nia, gùi, thúng, giỏ, dụng cụ đánh bắt cá... Già nói rằng, để tạo ra một sản phẩm đan lát hoàn chỉnh và có tính thẩm mỹ cao, người đan phải tỉ mẩn, siêng năng, kiên nhẫn. Có rất nhiều công đoạn trước khi hoàn thành, từ đi lấy nguyên liệu như mây, tre, nứa, đến việc vót, đan. “Tùy mỗi sản phẩm mình có thể đan lóng đôi, lóng ba hoặc đan theo kiểu cài lóng mốt kết hợp với kết nan, quấn nan… Rồi việc tạo hoa văn trên sản phẩm cũng đòi hỏi sự khéo léo, óc thẩm mỹ và kinh nghiệm dày dặn. Việc vót tre cũng quan trọng không kém. Vót không được thì không thể nào đan được. Các công đoạn này đòi hỏi người thực hiện phải chịu khó, nếu không sẽ nản ngay” – già A Wơih nói thêm.

Với sự truyền dạy nhiệt tình, Y Huk đã tự tin đan được các vật dụng nia, đơm... Ảnh: H.T

Ngưng tay đan, già A Wơih dẫn chúng tôi ghé sang nhà già A Yuk (64 tuổi). Khung cảnh không khác là mấy, dưới mái nhà sàn, già A Yuk cùng mọi người thoăn thoắt đan các vật dụng. Vừa đon đả đón khách, già A Yuk vừa nói trong tự hào: Làng Đăk Tiêng Ktu có 150 hộ dân, trong đó có gần 40 hộ giữ nghề đan lát. Không phải làng nào cũng giữ được nghề như nơi đây đâu.

Phút chốc, cả nhóm đan lại rôm rả những câu chuyện xung quanh tre, mây, nứa. “Cái nghề này cũng trải qua những lúc thăng, lúc trầm đấy! Việc đan lát có lúc đã trở thành… chuyện “vang bóng” một thời. Đó là những năm 2000, không có đầu ra cho sản phẩm nên mọi người không mấy mặn mà với nghề. Chính bản thân tôi đã từng giã từ nghề đan lát. Nhưng rồi không đan lại ăn không ngon, ngủ không yên, thấy cuộc sống như thiếu thiếu cái gì đó. Đến năm 2006, tôi quyết đan lát trở lại, khi ấy, tôi mới tìm lại niềm vui” – già A Wơih chia sẻ thật tình.

Không riêng gì già A Wơih, học đan từ năm 15 tuổi, thế nhưng đến giai đoạn năm 2000, già A Yuk cũng như nhiều người trong làng muốn thôi đan lát. Và rồi, vì tình yêu nghề, vì sợ mai một nghề của ông cha để lại, chính già Wơih, già Yuk, già Bỉu lại đi từng nhà, vận động người dân giữ nghề. “Còn mây tre là còn đan lát! Trước nhiều khó khăn, tôi cứ bảo mọi người “làm không bán được thì để dùng”, phải quyết tâm giữ lại nghề cũ” – già A Wơih chia sẻ.

Sau một ngày làm việc đồng áng, trở về nhà, người dân lại đan lát để có thêm niềm vui cũng như thu nhập. Ảnh: H.T

Với quyết tâm nối lại nghề xưa, nhịp đan cũng trở lại dưới từng mái nhà. Dù những người già trong làng đã đan trở lại, nhưng chính việc đã từng trải qua thời điểm trầm lắng khiến già Wơih, già Yuk lo sợ mai này nghề đan lát sẽ mai một. Không thể để lo lắng ngự trị, những người già trong làng bèn họp lại, vừa vận động bà con giữ nghề, vừa đứng ra truyền dạy nghề cho lớp trẻ.

Đầu năm 2020, tổ hội nghề nghiệp đan lát được thành lập. Già Wơih, già Yuk, già Bỉu bắt đầu mở lớp, vận động 40 người tham gia học nghề. “Ôi! Khó khăn lắm. Lớp thanh niên chê cái nghề này vất vả, chẳng mấy ai chịu học. Nhưng rồi mưa dầm thấm lâu, bằng kinh nghiệm và sự nhiệt huyết, cuối cùng chúng tôi cũng dạy được kĩ thuật đan cho nhiều người trẻ” –già A Bỉu tự hào.

Y Huk (19 tuổi) được xem là minh chứng của việc truyền nối nghề. Trước đây, dù bố đan lát rất giỏi, nhưng Huk chưa từng có ý định học nghề. Thế rồi, qua những câu chuyện, lời nói của những người trong làng, hiểu được giá trị của việc gìn giữ nghề truyền thống, Y Huk bắt đầu học đan lát. Với sự tập trung, tỉ mẩn, Y Huk đã học được những kĩ thuật cơ bản. Giờ đây, dù chưa thể đan được các sản phẩm với họa tiết, hoa văn khó, nhưng Y Huk đã có thể tự đan các sản phẩm đơn giản: đơm, rổ, nia, gùi… “Việc đan lát có sức hút lạ lắm! Thời điểm mới học, em rất nản, nhưng càng học, càng mê. Mỗi lần làm được sản phẩm nào, bản thân em rất vui mừng, cứ ngắm nghía mãi. Em đang cố gắng học để làm thành thạo hơn, để nối nghề của ông cha truyền lại” – Y Huk tâm sự.

Cũng như Y Huk, A Thông chưa từng nghĩ có ngày mình có thể tự tay đan được chiếc gùi, cái nia. Bởi cũng như nhiều lớp thanh niên khác, A Thông không muốn học cái nghề đòi hỏi sự cặm cụi, tỉ mẩn cao, phải trải qua nhiều công đoạn vất vả mới có được sản phẩm… Thế nhưng, nhìn thấy việc làm hằng ngày của bố A Bỉu cộng thêm sự truyền dạy, khích lệ của bố,  A Thông như được tiếp lửa đam mê. Sau giờ làm đồng áng, A Thông lại phụ bố vót tre, đan gùi. Và đến nay, A Thông đã tự tin làm tốt các công đoạn để hoàn thành một sản phẩm.

Trải qua những khó khăn, nụ cười cũng trở lại với ngôi làng có truyền thống đan lát. Thật tự hào biết bao khi lớp thanh niên đã chịu học nghề; càng vui mừng hơn khi những sản phẩm đan lát không chỉ được sử dụng trong mỗi gia đình mà đã trở thành sản phẩm được nhiều người ưa chuộng. “Chính bản thân tôi được đưa các sản phẩm của mình, của bà con trong làng làm đi tham gia bày bán ở các hội chợ. Và lần nào, sản phẩm cũng bán rất chạy. Không riêng người trong huyện, trong tỉnh, người dân ở Sài Gòn, Hà Nội ưa thích, tìm mua các sản phẩm đan lát truyền thống. Đó cũng chính là động lực để chúng tôi tiếp tục gắn bó với nghề” – già A Bỉu chia sẻ.

Màn đêm dần buông xuống, dưới mái nhà sàn, người dân vẫn rôm rả chuyện trò, vừa cặm cụi đan lát để kịp có sản phẩm đem bán tại các chợ. Nhìn những đôi tay thoăn thoắt tạo nên những sản phẩm hoàn hảo đáp ứng nhu cầu thị trường, tin rằng người dân ở làng Đăk Tiêng Ktu, xã Đăk La sẽ gìn giữ và sống được với cái nghề mộc mạc đã gắn kết với họ tự bao đời.

Hoài Tiến - baokontum.com.vn

Số lượt xem:1688
Bài viết liên quan:
Icon  Nỗi niềm thổ cẩm
Icon  Giữ hồn dân tộc
Icon  Nghề rèn của người Xơ Đăng ở Măng Ri
Icon  Gùi của người Gia Rai
Icon  Nghề đẽo thuyền độc mộc của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum