Nghề đẽo thuyền độc mộc của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum
23-10-2019

Thuyền độc mộc trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Giải thích vì sao không lựa chọn nơi ở gắn liền với khu sản xuất để thuận lợi trong cuộc sống, sinh hoạt; các bậc cao niên của các làng đồng bào dân tộc thiểu số ven sông Đăk Bla, Pô Kô và Sê San đều cho rằng; các vùng đất ven sông rất màu mỡ vì được phù sa bồi lấp hàng năm nên thuận lợi cho bà con canh tác cây lúa, cây mì, cây bắp và rau đậu các loại. Tuy nhiên, đây là vùng đất nằm trong nguy cơ lũ lụt mỗi khi thiên nhiên giận giữ, làm cho nước sông dâng cao, nước lũ ùa về. Nếu bà con định cư ở vùng sản xuất sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng. Vì vậy, những vùng đất ven sông cao ráo, không bị nước lũ đe dọa sẽ được bà con lựa chọn để định cư, lập làng. Vùng sản xuất sẽ là vùng đất màu mỡ bên kia sông và chiếc thuyền độc mộc chính là cầu nối đôi bờ của từng gia đình, từng buôn làng với khu sản xuất.

Với trai làng, việc chèo thuyền giỏi, đánh bắt cá giỏi là một trong những tiêu chí để những cô gái lựa chọn làm đức lang quân. Vì vậy, việc trở thành tay chèo giỏi, đặc biệt hơn là một vận động viên đua thuyền giỏi luôn là mục tiêu phấn đấu của mỗi trai làng.

Không chỉ là chiếc cầu nối đôi bờ, giúp bà con đồng bào các dân tộc thiểu số Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm, HRe của tỉnh Kon Tum thuận lợi trong lao động, sản xuất; chiếc thuyền độc mộc của bà con tỉnh Kon Tum còn nổi tiếng vì gắn liền với sự kiện văn hóa đặc biệt hàng năm vào dịp đầu xuân mới của tỉnh Kon Tum; đó là lễ hội đua thuyền độc mộc trên sống Đăk Bla. Theo các già làng kể lại, việc đua thuyền trên các sông Đăk Bla, Kon Brãi, Pô Kô, Sê San có từ rất lâu, ban đầu là những cuộc đua tự phát giữa những thanh niên với nhau khi chèo thuyền qua sông để đến rẫy. Lớn hơn là cuộc đua theo lời thách đố giữa thanh niên làng này với làng kia trong mùa lễ hội. Đây là cơ sở để hình thành nên giải đua thuyền độc mộc truyền thống tỉnh Kon Tum vào dịp đầu xuân mới.

Đua thuyền độc mộc trên sông Đăk BLa

Nét đặc trưng của lễ hội đua thuyền độc mộc truyền thống tỉnh Kon Tum đó là không cố định về cự ly đua hàng năm mà tùy theo con nước sông Đăk Bla, ban tổ chức sẽ quyết định chọn cự ly phù hợp. Thông thường, ở nội dung chèo đơn các vận động viên thường thi đấu ở 2 cự ly gồm 100m ngược dòng và cự ly 1.000m; trong đó 500 mét xuôi dòng và 500m ngược dòng. Ở nội dung thi đấu đôi các vận động viên thường thi đấu ở cự ly dao động từ 1.500m đến 2.000m. Trung bình, mỗi năm thường có từ 35-40 thuyền đua và từ 80-90 vận động viên tham gia. với tinh thần quyết tâm cao, các vận động viên đã nỗ lực thi đấu hết mình để đạt thành tích cao. Trong từng chặng đua liên tục có những pha bức phá ngoạn mục, hấp dẫn và đầy kịch tính. Mỗi thuyền đua, mỗi vận động viên đều nỗ lực thể hiện tài năng, sự khéo léo, sức dẻo dai trong việc nắm bắt con nước, luồn lạch, chắc tay chèo để chế ngự dòng nước Đăk Bla nhằm chèo lái con thuyền về đích với thời gian ngắn nhất. Mỗi vận động viên đều tự hào vì được đại diện cho làng của mình, địa phương mình tham gia thi đấu.

Không chỉ nổi tiếng với lễ hội đua thuyền trên sông Đăk Bla vào dịp đầu năm mới; hình ảnh chiếc thuyền độc mộc gắn với quá trình lao động, sản xuất của bà con đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo trong các loại hình nghệ thuật như  thơ ca, âm nhạc, nhiếp ảnh, hội họa và cả tạc tượng. Đặc biệt, thuyền độc mộc còn là phương tiện độc đáo để phục vụ cho hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá đối với vùng sông nước Kon Tum.

Mặc dù có ý nghĩa đặc biệt, gắn liền với đời sống văn hóa của bà con dân tộc thiểu số sinh sống ven sông hồ của tỉnh Kon Tum, tuy nhiên do quá trình phát triển việc gìn giữ, bảo tồn nghề đẽo thuyền độc mộc và các hoạt động văn hóa liên quan đến thuyền độc mộc đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Cụ thể, số lượng thuyền độc mộc ở các buôn làng giảm dần qua thời gian do hư hỏng trong quá trình sử dụng. Trong khi đó chủ trương quản lý, bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm túc nên ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tìm kiếm, khai thác gỗ rừng để làm thuyền độc mộc của bà con. Mặt khác, việc sử dụng các loại vật liệu khác thay thế để làm thuyền như nhựa composite, kim loại, gỗ ghép hiện nay khá phổ biến nên nhiều khu dân cư đã không còn sử dụng thuyền độc mộc trong đời sống lao động, sản xuất. Trước những khó khăn, thách thức đặt ra, nhiều địa phương, nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có cách làm sáng tạo trong việc gìn giữ, phát huy nghề đẽo thuyền độc mộc và gìn giữ phong trào đua thuyền độc mộc ở địa phương.

Tiêu biểu trong hoạt động này có làng Lung Leng, ở xã Sa Bình, huyện Sa Thầy. Thông qua cách làm như vận động bà con trong làng đóng góp những cây gỗ lâu năm còn lưu giữ lại trên nương rẫy và sự hỗ trợ, tiếp sức của chính quyền, trong 5 năm qua làng Lung Leng đã làm mới được 5 chiếc thuyền độc mộc để phục vụ cho đội đua thuyền của khu dân cư. Bên cạnh đó, được sự tiếp sức của Ban dân tộc tỉnh cùng chính quyền địa phương, mỗi lần làm một chiếc thuyền mới trên nương rẫy là mỗi lần các nghệ nhân đẽo thuyền ở làng Lung Leng mở lớp, truyền dạy nghề đẽo thuyền cho lớp trẻ.

Thực hiện “Đề án bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum”, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã phối hợp với UBND huyện Sa Thầy tổ chức cho các nghệ nhân làng Lung Leng, xã Sa Bình thực hiện các bước đẽo một chiếc thuyền độc mộc và tìm hiểu cách bảo quản sử dụng thuyền độc mộc sao cho hiệu quả và lâu dài.

Để giúp giữ gìn, tiếp cận, nắm bắt được những kiến thức cơ bản của nghề đẽo thuyền độc mộc, sau đây xin giới thiệu và mô tả các bước cơ bản để làm ra thuyền độc mộc

Các bước để làm ra chiếc thuyền độc mộc

- Chọn cây.

- Hạ cây.

- Ra kích thước.

- Làm mũi thuyền và đuôi thuyền.

- Khoét lòng thuyền.

- Làm thân thuyền.

- Làm đáy thuyền.

- Làm cho thuyền đẹp.

- Cân chỉnh thuyền.

- Làm mái chèo thuyền.

- Bảo quản và sử dụng thuyền.

- Khắc phục khi gặp sự cố về lỗi không mong muốn trong quá trình đẽo thuyền.

Vật liệu

Cây gỗ dùng để đẽo thuyền độc mộc phải đáp ứng các điều kiện như thân to với đường kính từ 0,6 -1m, có chiều cao từ 7-10m. Gỗ phải mềm dễ đẽo khi tươi và khi gỗ khô thì nhẹ, không cong vênh lúc phơi nắng cũng như lúc ngâm dưới nước. Nếu cây gỗ có vị trí gần khu dân cư, gần với sông hồ thì sẽ thuân lợi hơn cho quá trình vận chuyển, thử nghiệm khi làm xong thuyền. Một trong những điều lưu ý là khi chọn cây gỗ đẽo thuyền là cây không bị bọng, không có nhiều mắc gỗ, nu gỗ. Những cây gỗ bị bọng thường dễ bị nứt khi thuyền sử dụng về sau này. Cây có nhiều mắc, nu rất khó đẽo.

Chuẩn bị cây gỗ để đẽo thuyền

Việc hạ cây đứng để đẽo thuyền là khâu rất quan trọng. Nếu vị trí hạ cây không thuận lợi sẽ gây khó khăn cho quá trình làm ra thuyền độc mộc. Quá trình hạ cây gỗ đứng phải hạ cây theo hướng phần thân dự kiến sẽ làm đáy thuyền tiếp đất, phần thân làm mặt thuyền nằm bên trên. Khi cây được chặt hạ theo đúng tư thế thì việc đẽo thuyền sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Trong một số trường hợp đặc biệt, do vị trí hạ cây không thuận lợi cho việc chặt hạ cây theo ý muốn thì nghệ nhân phải cho cây ngã về phía vị trí đất bằng phẳng. Sau đó các nghệ nhân phải sử dụng đòn bẫy để đưa cây về đúng vị trí là phần đáy thuyền nằm dưới và phầm mặt thuyền nằm bên trên. Trong trường hợp này việc đẽo thuyền sẽ tốn công sức hơn, mất nhiều thời gian hơn.

Dụng cụ

Dụng cụ để làm ra chiếc thuyền độc mộc trước đây chỉ có rìu, rựa và rìu ngang để làm phần bụng thuyền. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, hiện nay nghệ nhân sử dụng khá nhiều dụng cụ để làm ra thuyền độc mộc đó là:Cưa tay, Cưa máy, Đục, Chàng, Dao bào gỗ, Bào gỗ, Rìu,, Rìu ngang, Rựa.

Các nghệ nhân chuẩn bị dụng cụ để đẽo thuyền

Các bước đẽo thuyền độc mộc

Khi đã hạ xong cây gỗ và đưa về đúng vị trí phần bụng thuyền nằm dưới, phần mặt thuyền nằm trên; bà con dùng cưa, rìu và rựa vát thân gỗ tròn thành hình hộp vuông hoặc chữ nhật tuỳ theo kích thước của cây gỗ.

Bước tiếp theo bà con xác định kích thước chiều dài của thuyền và đánh dấu mực để xác định vị trí làm đầu thuyền và đuôi thuyền. Theo kinh nghiệm của các nghệ nhân đẽo thuyền thì phần gốc của cây gỗ được chọn để đẽo mũi thuyền vì phần này thân gỗ lớn có thể đẽo được mũi thuyền cao, cong và đẹp. Phần ngọn của thân gỗ được chọn để làm đuôi thuyền. Các nghệ nhân giải thích, việc đẽo thuyền được làm từ mũi thuyền đến đuôi thuyền thì thuận lợi hơn. Bởi lẽ, sớ gỗ khi đẽo theo chiều từ gốc lên tới ngọn của cây thì nhát đẽo mềm hơn, đẹp hơn. Mũi thuyền thường cao hơn từ 5-10cm so với đuôi thuyền và cao hơn thân thuyền từ 10-20cm. Quá trình đẽo thuyền phải tuân thủ quy định là phần đỉnh của mũi thuyền và phần đỉnh của đuôi thuyền phải thẳng hàng với nhau và đường thẳng nối mũi thuyền với đuôi thuyền chính là đường chia đôi của mỗi phần thân thuyền khi nó đi qua.

Làm thân thuyền

Sau khi làm xong phần mũi thuyền, bà con tiếp tục đẽo phần mặt thuyền. Mặt thuyền được đẽo bằng ở phần giữa và nhỏ dần, cao dần về phía đầu thuyền và đuôi thuyền. Sau khi hoàn tất phần mặt thuyền, công đoạn tiếp theo là bà con đẽo phần bụng thuyền. Đây là công đoạn khó đòi hỏi sự khéo tay, kinh nghiệm. Vì chỉ cần sở suất nhỏ sẽ làm hư chiếc thuyền. Việc đẽo bụng thuyền được làm từ mép ngoài vào bên trong. Phần mép ngoài thường do các nghệ nhân lành nghề thực hiện. Dụng cụ để làm bụng thuyền thường là rìu đứng, rìu ngang.

 

Công đoạn làm thân thuyền

 

Làm thành thuyền và đáy thuyền.

Sau khi hoàn thành phần mũi thuyền, đuôi thuyền, bụng thuyền; công đoạn cuối cùng là làm thân thuyền, đáy thuyền. Thân thuyền phía bên ngoài được đẽo theo hình dáng của bụng thuyền.  Điểm chú ý trong quá trình đẽo thân thuyền đó là phải đảm bảo độ mỏng hai bên đều nhau và độ dày của thân thuyền tăng dần đều khi đến đáy thuyền. Nếu thân thuyền quá dày, thuyền sẽ nặng, không lướt khi bơi. Nếu thân thuyền quá mỏng, thuyền dễ vỡ khi va chạm vào đá, dễ cong vênh trong quá trình sử dụng. Nếu thân thuyền hai bên không đều nhau, thuyền sẽ bị nghiêng và dễ lật khi vận chuyển. Để thuyền đảm bảo vận chuyển tốt, thân thuyền còn phải được đẽo láng mặt, không gồ ghề.

Phần đáy thuyền thường được bà con đẽo bằng, láng mặt, có độ dày từ 5cm trở lên. Đáy thuyền nhỏ, bằng sẽ tạo sự cân đối cho thuyền khi vận chuyển, giúp người chèo thuyền thuận lợi khi sử dụng.

Nghệ nhân hoàn chỉnh thành thuyền và đáy thuyền

Kích thước của thuyền độc mộc

Thuyền độc mộc thường không có kích thước bắt buộc mà kích thước, tỉ lễ của mỗi chiếc thuyền phụ thuộc vào tỉ lệ cây gỗ, vào ý muốn chủ quan của người làm ra chiếc thuyền. Thông thường, mỗi chiếc thuyền bà con hay sử dụng để vận chuyển người và hàng hóa có chiều dài linh động từ 5-9m, có chiều ngang dao động từ 0,4- 0,8m. Đáy thuyền rộng từ 0,2-0,4m. Chiều cao của mạn thuyền từ 20-30cm, chiều dày của mạn thuyền từ 1 đến 2cm ở phần trên cùng và chiều dày mạn thuyền tăng dần lên về phía đáy. Điểm dày nhất nằm ở bụng thuyền giao động từ 5cm - 10cm. Chiếc thuyền độc mộc được xem là lớn nhất Việt Nam và có lẽ là của cả thế giới là chiếc thuyền độc mộc đang được trưng bày ở khu du lịch vườn Troh Bư Buôn Đôn. Thuyền có chiều dài là 9m và bề ngang là 1,75m. Thuyền được đục đẽo từ 1 khúc thân cây gỗ sao nguyên vẹn, đường kính của cây gỗ này là 2m và chỉ tính riêng đoạn thân gỗ làm thuyền này đã có thể tích là 27m3.

Làm mái chèo.

Mái chèo thường được các nghệ nhân là từ gỗ cứng, nhẹ, mái chèo có độ dày từ 1-2cm, mặt dùng để chèo rộng từ 12-15cm, cao từ 50-60cm. Tay cầm mái chèo dài từ 80cm đến 1m. Việc sử dụng mái chèo lớn hay nhỏ, dài hay ngắn còn phụ thuộc vào sức lực chiều cao của người sử dụng.

Chỉnh sửa.

Sau khi đẽo xong chiếc thuyền độc mộc, bước quan trọng là thử nghiệm thuyền trên sông nước để đảm bảo thuyền cân bằng, lướt sóng, vận chuyển dễ, an toàn; các nghệ nhân phải mang thuyền ra khu vực sông hồ để đánh giá, cân chỉnh.

Nghệ nhân thử thuyền trên sông sau khi hoàn chỉnh thuyền

Việc bảo quản thuyền độc mộc cũng rất quan trọng, lưu ý không nên sử dụng thuyền tại các khu vực có nhiều đá chìm, đá ngầm hay khu vực thác đá, khu vực có nhiều cây to ngầm dưới mặt nước để tránh va chạm làm hỏng thuyền. Khi sử dụng thuyền xong phải tủ mát nếu để thuyền ở bờ sông, bờ hồ. Phải dùng dây neo đậu thuyền để tránh thuyền trôi khi nước lớn. Nếu không sử dụng trong thời gian dài bà con nên mang thuyền về để nơi khô ráo, râm mát và phải để đúng tư thế, cách ly khỏi mặt đất để tránh mối mọt và cong vênh.

Nghề đẽo thuyền độc mộc của làng Lung Leng xã Sa Bình huyện Sa Thầy nói riêng và của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung đã góp phần bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống của chiếc thuyền độc mộc trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum. Góp phần thực hiện có hiệu quả “Đề án bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum”,   

Một số hình ảnh thực hiện quy trình đẽo thuyền độc mộc của các nghệ nhân làng Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum

Trần Thị Diệu Hằng

 

Số lượt xem:3542