banner
Thứ 6, ngày 29 tháng 3 năm 2024
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh: "Tôi sẽ quan tâm những nơi khó khăn nhất"
23-4-2021

Lãnh đạo mới của Ủy ban Dân tộc cam kết quan tâm đầu tiên đến những vùng khó khăn nhất của đất nước, nơi người dân nhận thức còn hạn chế.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Ông Hầu A Lềnh trả lời phỏng vấn của VnExpress sau khi được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

- Điều ông muốn làm nhất khi trở thành người đứng đầu Ủy ban Dân tộc là gì?

- Tôi là người dân tộc thiểu số, sinh ra, lớn lên, trưởng thành và có nhiều năm công tác ở miền núi. Vì vậy, tôi chứng kiến cuộc sống khó khăn của người dân vùng cao, hiểu được điều kiện học tập, sinh hoạt thiếu thốn của trẻ em vùng sâu, vùng xa. Khi ra trường, về quê công tác, tôi nhìn thấy sự thay da đổi thịt, thấy cuộc sống của đồng bào mình ngày càng khấm khá lên. Tất nhiên, khoảng cách với người miền xuôi vẫn còn khá xa.

Khi về tiếp cận công việc ở Trung ương, tôi thấy các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã khá đầy đủ, vấn đề còn lại là ở việc thực thi. Do đó, khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, điều tôi quan tâm nhất là triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đảm bảo đúng đối tượng, đúng địa bàn, chính xác và khách quan.

Tôi sẽ ưu tiên quan tâm đầu tiên đến những vùng khó khăn nhất của đất nước, nơi mà bà con nhận thức còn hạn chế. Rất nhiều vấn đề cần giải quyết ở đó như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, hạ tầng, kinh tế xã hội, đất ở, nước sinh hoạt, nước sản xuất, các vấn đề an sinh, sinh kế khác.

Có những việc thực hiện được ngay, có việc phải cần cả quá trình thay đổi nhận thức. Ví dụ như đầu tư cơ sở hạ tầng, chúng ta có tiền thì sẽ làm được; hỗ trợ vật chất để cuộc sống của bà con tốt lên ngay. Nhưng có những việc cần thực hiện bài bản như học tập, nâng cao trình độ cho người dân hay phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe y tế. Chúng ta cần xác định không phải chỉ chăm sóc tại cơ sở y tế mà phải truyền tải kiến thức đầy đủ để nâng cao hiểu biết cho bà con, để họ tự nhận thức được phải bảo vệ sức khỏe của mình.

Tôi mong mỏi chủ trương của Đảng, Nhà nước sẽ trở thành hiện thực, để cho miền núi tiến kịp miền xuôi, và các dân tộc tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

- Kinh nghiệm công tác trong quân đội cũng như ở địa phương giúp ích gì cho ông khi ở cương vị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc?

- Sau khi hoàn thành chương trình học tại trường Sỹ quan Chính trị - Quân sự, tôi nhận công tác tại Cục 16 - Tổng Cục II, Bộ Quốc phòng và làm việc ở đây trong 5 năm. Sau đó, tôi lần lượt trải qua nhiều vị trí công tác, làm lãnh đạo quản lý ở cả địa phương và trung ương, rồi công tác ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mỗi cương vị công tác đều giúp tôi tích lũy được nhiều bài học và đề ra cho mình nguyên tắc làm việc nhất quán.

Nguyên tắc thứ nhất là trong bất cứ việc gì cũng đều phải tuân thủ theo quy định của Đảng, Nhà nước vì tất cả chúng ta, không kể lãnh đạo hay người dân, đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Bên cạnh đó, để công việc đạt hiệu quả cao, tôi cho rằng cần giao việc rõ, kiểm tra, đôn đốc chặt chẽ và có cơ chế, động lực để thúc đẩy cán bộ hoàn thành nhiệm vụ.

Một bài học mà tôi rút ra và luôn tuân thủ là nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy ý kiến đồng thuận từ tập thể lãnh đạo, từ địa phương, bộ ngành và người dân. Chỉ khi có sự đồng thuận của tất cả mọi người, chính sách mới có thể đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả cao.

Ở cương vị mới, tôi chưa thể ngay lập tức biết được hết nhiệm vụ, vai trò của các cơ quan làm công tác dân tộc ở cấp trung ương, địa phương. Vì vậy, tôi xác định lắng nghe, tiếp thu ý kiến và kinh nghiệm của những người đi trước, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp và sự thống nhất của các Bộ, ban ngành, địa phương, để có quyết sách và đề xuất đúng đắn, giúp đỡ nhiều hơn cho đồng bào các dân tộc Việt Nam.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, cần có quy trình chặt chẽ và lắng nghe ý kiến của bà con, xuất phát từ nguyện vọng của người dân để triển khai. Tôi hiểu rằng, chính sách ban hành ngày hôm nay có thể đúng, nhưng ngày mai nguyện vọng, nhu cầu thực tiễn đòi hỏi có sự thay đổi thì phải tiếp thu đầy đủ, từ đó đề xuất, điều chỉnh, bổ sung hoặc làm mới chính sách. Chỉ khi nào người dân đồng thuận, biến những chính sách đó trở thành nguyện vọng của người dân thì mới có hiệu quả.

- Như ông nói, cuộc sống của đồng bào ngày càng khấm khá, song khoảng cách với người miền xuôi vẫn còn khá xa. Vậy ông đánh giá thế nào về cơ hội phát triển của thanh niên dân tộc thiểu số?

- Tôi cho rằng dù là người dân tộc thiểu số hay người miền xuôi thì đều phải cố gắng, nỗ lực mới có thể thành công. Tôi cảm ơn môi trường thiếu sinh quân đã đào tạo, rèn luyện tôi nên người. Ở đó, chúng tôi không những được học văn hóa, mà còn được rèn tính kỷ luật, học thêm về kỹ năng sống.

Hiện nay Đảng, Nhà nước đang có nhiều chương trình ưu tiên, khuyến khích thanh niên dân tộc thiểu số hăng say học tập. Vì vậy, dù dân tộc nào, đông người hay ít người, nếu có môi trường, điều kiện học tập tốt, được phát huy năng lực, sở trường và phấn đấu vươn lên thì sẽ thành công. Nói cách khác là cơ hội cho con em đồng bào dân tộc thiểu số có đủ, việc còn lại là quyết tâm của mỗi người.

- Quan tâm đến miền núi không chỉ bằng vốn đầu tư mà cần có chính sách thu hút người giỏi về đây công tác. Ông nghĩ sao về điều này?

- Thu hút người tài làm việc ở vùng cao cần thông qua rất nhiều cơ chế, trong đó có nghị quyết luân chuyển cán bộ Trung ương, thí điểm thực hiện cán bộ chủ chốt ở các tỉnh, thành không phải người địa phương. Việc luân chuyển ngang, luân chuyển từ trung ương xuống địa phương... đã được thực hiện nhiều năm nay.

Một số cơ quan trung ương cũng có chương trình để đưa cán bộ về cơ sở như ngành y tế, nội vụ. Bên cạnh đó, các địa phương vùng khó khăn cũng có các chính sách riêng để thu hút những người có trình độ cao về công tác ở địa phương mình.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, thu hút nhân lực chất lượng về với đồng bào dân tộc không chỉ từ bên ngoài mà phải tổng hợp tất cả các giải pháp khác nhau, kể cả người tại chỗ. Vì vậy, thời gian tới, Ủy ban dân tộc với chức năng, trách nhiệm của mình, sẽ kiến nghị với Chính phủ và các địa phương bên cạnh tăng cường cơ chế hợp lý để thu hút đội ngũ cán bộ về địa phương, cần có chính sách cơ bản để đào tạo đội ngũ cán bộ tại chỗ.

Họ là người dân tộc thiểu số tại địa phương, được đào tạo ở các lĩnh vực khác nhau để có thể đủ trình độ giữ nhiều cương vị trong bộ máy cơ sở. Vì là người bản địa, họ là người hiểu đồng bào cần gì, cùng làm với đồng bào, chuyển tải kiến thức mới đến đồng bào một cách nhanh nhất.

Như vậy có thể thấy, vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cần cả một quá trình gồm cả đào tạo, phân công nhiệm vụ, điều động, bổ nhiệm hợp lý. Đó là những vấn đề rất lớn mà trong một chương trình có thể chưa giải quyết được hết, cần tích hợp nhiều chương trình, chính sách khác nhau.

Năm 2019, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 88 phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Việc thực hiện đề án đến nay như thế nào?

- Sau khi Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt chủ trương, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 88. Giai đoạn này chúng tôi cần xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi để trình Chính phủ, trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội vào kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 7.

Khi Quốc hội phê chuẩn báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ mới có cơ sở phân bổ nguồn lực; xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách quy định tiêu chí, tiêu chuẩn và nguyên tắc phân bổ; phân công Bộ, ngành và phân cấp cho các địa phương,

Hiện nay chúng tôi đang đến bước xây dựng hệ thống các cơ chế chính sách để thực hiện Nghị quyết 88. Việc triển khai đầu tư các dự án có thể bắt đầu từ nửa cuối năm 2021. Trong quá trình thực hiện chương trình này, tôi cho rằng rất cần cơ chế giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc

Ông Hầu A Lềnh 48 tuổi, dân tộc Mông, quê quán xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai; từng là cán bộ của Tổng cục 2, Bí thư Huyện đoàn Sa Pa, Phó bí thư - Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, Bí thư Huyện ủy Sa Pa, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, rồi Phó bí thư Tỉnh ủy Lào Cai; Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc...

Năm 2018, ông lên công tác ở Trung ương, giữ chức Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Tại Đại hội XIII, ông tái đắc cử Ủy viên Trung ương Đảng.Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và sự đồng thuận của người dân.

VnExpress.net

Số lượt xem:2349
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3741886 Tổng số người truy cập: 17 Số người online:
Phát triển:TNC