banner
Thứ 7, ngày 20 tháng 4 năm 2024
Hiệu quả triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
31-5-2021

Qua 05 năm (2016-2020) triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được những kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm; đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên; mức sống người dân được cải thiện; bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc đã góp phần  đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của người dân.

Mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất của nông dân xã Diên Bình

Sau khi Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Kon Tum đã xây dựng và ban hành các văn bản triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, bảo đảm đúng đối tượng, nội dung chính sách, tiến độ và đạt mục tiêu của Chương trình đề ra.

Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia các cấp đã chủ động chỉ đạo triển khai các hoạt động hiệu quả; đã kịp thời nắm bắt tình hình để chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương giải quyết các vướng mắc trong quá trình tổ chức và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, quá trình thực hiện Đề án giảm nghèo đã được sự ủng hộ, phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và Nhân dân. Việc chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo các cấp trong công tác giảm nghèo thường xuyên được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện rất nghiêm túc, hiệu quả và hệ thống, do vậy chỉ tiêu về công tác giảm nghèo của tỉnh đều đạt hoặc vượt chỉ tiêu đề ra; các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã được các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện đảm bảo, có hiệu quả.

Kết quả: (i) Chương trình 30a, thực hiện đầu tư 272 công trình từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện chương trình, đồng thời tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh tại 6 huyện nghèo. Qua đó, hệ thống đường giao thông trên địa bàn các xã được nâng cấp, tạo thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất, giao thương hàng hóa; các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, điện sinh hoạt được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân; hệ thống trường lớp học, nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng được đầu tư, sửa chữa phục vụ nhu cầu học tập của người dân trong vùng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh;  (ii) Chương trình 135, thực hiện đầu tư 714 công trình như công trình giao thông, thủy lợi, điện, văn hóa, giáo dục, nước sinh hoạt. Các công trình đầu tư xây dựng đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thực tế của người dân, khi hoàn thành đưa vào sử dụng cơ bản đều phát huy hiệu quả, đảm bảo chất lượng và phục vụ lợi ích thiết thực cho người dân vùng hưởng lợi, được người dân đồng tình tham gia thực hiện; các công trình đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS đặc biệt khó khăn phù hợp với quy hoạch khu dân cư và quy hoạch khu sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của nhân dân vùng ĐBKK, nhìn chung đã đạt được những kết quả nhất định như: đường giao thông liên thôn, nội thôn cơ bản đã được bê tông hóa, đi lại được cả 2 mùa mưa và nắng; các công trình thủy lợi đáp ứng đủ lượng nước tưới cho Nhân dân sản xuất nông nghiệp, hạn chế thấp nhất tình trạng hạn hán xảy ra; trường học cơ bản đã đáp ứng nhu cầu dạy và học cho học sinh trên địa bàn các huyện. Quá trình triển khai thực hiện đã huy động được sự đóng góp của Nhân dân tham gia như: phong trào làm đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”;  công tác vận động, tuyên truyền người dân tự nguyện góp hiến đất, cây cối, hoa màu và tham gia ngày công lao động để sửa chữa, làm mới đường giao thông nông thôn; nâng cao được trách nhiệm của nhân dân trong việc theo dõi, giám sát của cộng đồng dân cư, trong suốt quá trình xây dựng kế hoạch, lựa chọn công trình đầu tư cho đến tổ chức triển khai thực hiện, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng luôn có sự tham gia của Nhân dân trên địa bàn; Thực hiện duy tu 430 công trình các loại như công trình giao thông, thủy lợi, điện, văn hóa, giáo dục, nước sinh hoạt...Để thực hiện tốt công tác duy tu bảo dưỡng sau đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương có liên quan xây dựng hướng dẫn công tác duy tu bảo dưỡng công trình đầu tư sau đầu tư tại các xã, thôn ĐBKK thuộc Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã ĐBKK, các thôn ĐBKK thực hiện hỗ trợ như cây lương thực (giống lúa, ngô); cây công nghiệp (cây bời, keo lai); gia cầm (ngan, vịt); gia súc (trâu, bò, lợn dê); hỗ trợ làm chuồng trại; vật tư (phân bón các loại, thuốc bảo vệ thực vật); xây dựng các mô hình chuồng trâu, bò, bền vững; hỗ trợ máy, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất ....cho khoảng 8.090 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu; thôn bản ĐBKK tổ chức 78 hội nghị, tập huấn nâng cao năng lực cho đối tượng cộng đồng, cán bộ cơ sở trên địa bàn các huyện, thành phố và tổ chức 04 đoàn đi thăm quan, học tập kinh nghiệm mô hình sản xuất có hiệu quả ở cơ sở, kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành và triển khai thực hiện Chương trình 135, với 6.554 lượt người tham gia; (iii) Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135, thực hiện 12 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn 12 xã thuộc 07 huyện, thành phố; các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện dự án theo quy trình, tiến hành họp dân, lập danh sách đối tượng tham gia dự án và hoàn thiện hồ sơ, có sự cam kết của người dân khi tham gia dự án. Dự án đã tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương cung ứng cho người dân giống cây trồng, vật nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật,... góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân, nhằm thể chế hóa cơ chế hỗ trợ trọn gói, tối đa hóa nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo tại cấp xã để đảm bảo giảm nghèo bền vững, hạn chế tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; (iv) Truyền thông và giảm nghèo về thông tin, thực hiện tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chính sách, chương trình giảm nghèo đến người dân, khuyến khích, động viên người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo thông qua các hoạt động: Truyền thông về giảm nghèo: tổ chức tuyên truyền 18 phóng sự trên Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh; xây dựng, sửa chữa 10 cụm pa nô truyền thông về giảm nghèo và in, cấp phát 2.000 cuốn sổ tay hướng dẫn thực hiện Đề án giảm nghèo, 12.900 tờ gấp truyền thông về giảm nghèo, 01 video về kết quả công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2018; Giảm nghèo về thông tin: tổ chức 03 lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở, có 111 lượt cán bộ tham gia tập huấn; thực hiện in 350 tờ áp phích, 810 cuốn sổ tay giảm nghèo về thông tin và 864 tập hệ thống văn bản thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững cung cấp cho cán bộ Văn hóa-Thông tin 86 xã và cán bộ của 749 thôn; 01 Cụm thông tin cơ sở tại khu vực cửa khẩu quốc tế Pờ Y, huyện Ngọc Hồi; trang bị 06 bộ phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động tại huyện, xã; hỗ trợ 149 ti vi cho các hộ nghèo tại huyện Ia H’Drai, Ngọc Hồi, Đắk Glei và Sa Thầy; (v) Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá, tổ chức 05 lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo và 01 hội thảo cho cộng tác viên làm công tác giảm nghèo cấp xã với 496 lượt người tham gia; tổ chức 03 đợt kiểm tra liên ngành cấp tỉnh về thực hiện Đề án giảm nghèo tại 20 xã trên địa bàn các huyện. Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, cấp huyện và cộng tác viên giảm nghèo cấp xã có thêm kinh nghiệm và kỹ năng tổ chức, thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo.

Bên cạnh những kết qả đạt được, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia còn tồn tại khó khăn như: Hiện nay, có nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo dẫn đến nguồn lực không tập trung, chồng chéo, bị phân tán, hiệu quả tác động đến đối tượng thụ hưởng chưa cao, chưa rõ nét; việc chậm hướng dẫn, sửa đổi một số chính sách đã gây khó khăn cho các địa phương trong việc tổ chức thực hiện; Việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới áp dụng giai đoạn 2016-2020 theo hướng tiếp cận đa chiều có nhiều điểm mới nên trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Việc huy động các nguồn lực khác còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Từ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình: Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, vai trò lãnh đạo của cấp ủy, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, điều hành các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho cơ sở thực hiện các dự án hoặc quản lý nguồn vốn đầu tư; phát huy hiệu quả các chương trình, dự án; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao chất lượng phổ biến giáo dục pháp luật và các chính sách giảm nghèo; giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của Nhân dân ngay từ cơ sở. Phát huy vai trò của Mặt trận, đoàn thể, Nhân dân và sức mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng là vấn đề có ý nghĩa góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về công tác giảm nghèo; Tập trung ưu tiên nguồn lực, bố trí đủ kinh phí cho các chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án đầu tư tại vùng DTTS, miền núi, vùng ĐBKK; huy động và lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư có trọng điểm, tránh đầu tư không phát huy hiệu quả; trong quá trình thực hiện phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội; Tiếp tục rà soát, xác định nguyên nhân nghèo của từng hộ nghèo trên địa bàn quản lý, từ đó, xây dựng chương trình, kế hoạch giảm nghèo với những giải pháp đúng hướng, giúp người nghèo, xã khó khăn vươn lên thoát nghèo. Có các cơ chế khuyến khích hộ nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo; chú trọng nhân rộng các mô hình giảm nghèo, nêu gương điển hình thoát nghèo; Tiếp tục tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội; phát huy vai trò của đoàn viên, hội viên tham gia tuyên truyền, vận động người nghèo thoát nghèo bền vững; khuyến khích phát huy mạnh mẽ nội lực trong Nhân dân, huy động sự đóng góp tích cực của toàn xã hội vào công cuộc giảm nghèo.

Nguyễn Xuân Lộc

Số lượt xem:4364
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3797671 Tổng số người truy cập: 29 Số người online:
Phát triển:TNC