banner
Thứ 6, ngày 29 tháng 3 năm 2024
Triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Đăk Hà
11-5-2020

Mô hình phát triển trồng cà phê từ nguồn vốn vay của CSXH. Ảnh TN.

Huyện Đăk Hà là huyện miền núi nằm ở phía Bắc tỉnh Kon Tum, có tổng diện tích tự nhiên là 84.527,42 ha. Toàn huyện có 75.021 người, 49,9% là người dân tộc thiểu số với 28 thành phần dân tộc sinh sống chủ yếu là dân tộc kinh, Xê Đăng, Ba na, Thái, Tày, Giẻ - Triêng và các dân tộc khác. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các chủ trương, chính sách dân tộc được triển khai đồng bộ hiệu quả góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn.

Với đặc thù là huyện miền núi còn nhiều khó khăn cho nên việc đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được cấp ủy đảng, chính quyền huyện xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển. Đồng thời, lồng ghép triển khai hiệu quả nguồn vốn các chương trình hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh với các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, từng bước góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nhất là ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Từ hiệu quả của việc triển khai chương trình 135, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo; Đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tác động tích cực, làm chuyển đổi mạnh mẽ nhận thức cho người dân vươn lên phát triển kinh tế nâng cao thu nhập.

Từ năm 2016 đến nay, huyện đã tập trung đầu tư hỗ trợ các dự án thuộc Chương trình 135 với tổng kinh phí hơn 41 tỷ đồng, đầu tư xây dựng được 74 công trình các loại như công trình xây dựng nhà văn hóa xã thôn; đường giao thông nông thôn, đập thuỷ lợi, trường mầm non, trường tiểu học, một số công trình phụ trợ khác, đồng thời duy tu bảo dưỡng sửa chữa 36 công trình với kinh phí phân bổ hơn 1 tỷ đồng, các công trình đã nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng kịp thời phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở đã được quan tâm, hàng năm huyện đã cử hàng trăm lượt cán bộ tham gia tập huấn bồi dưỡng kiến thức. Qua đó từng bước góp phần nâng cao trình độ, năng lực quản lý, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ cấp xã về cơ chế quản lý chương trình, chính sách dân tộc đang triển khai thực hiện tại địa phương; Các chính sách hỗ trợ, động viên cho người dân được triển khai kịp thời như Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS đã tổ chức thăm hỏi động viên và tặng 164 suất qùa nhân dịp tết cổ truyền của các dân tộc thiểu số, tết Nguyên đán và người có uy tín trên địa bàn. Qua đó góp phần quan trọng vào việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư vận động và giúp đỡ bà con trong lao động sản xuất xoá đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống và góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương; Triển khai chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hỗ trợ san tạo nền nhà cho 14 hộ với diện tích 0,3ha; đất sản xuất 11 hộ với diện tích 4,8 ha; Chuyển đổi nghề hỗ trợ 21 máy phát cỏ; 24 bình phun thuốc điện; 1.433 m ống tưới cà phê các loại cho 38 hộ; hỗ trợ 54 hộ có nhu cầu hỗ trợ bồn nước, vét giếng; 51 hộ có nhu cầu vốn vay hỗ trợ chuyển đổi nghề với kinh phí giải ngân 1.800 triệu đồng đã góp phần tạo điều kiện thuân lợi cho người dân phát triển kinh tế nâng cao thu nhập; Chính sách cấp không thu tiền một số loại báo và tạp chí, tính đến 31/12/2019, Bưu điện huyện kết hợp với Bưu điện các xã triển khai cấp phát 44.440 tờ ấn phẩm báo, tạp chí các loại. Thông qua các loại báo, tạp chí đã giúp cho đồng bào các dân tộc nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đã giúp cho đồng bào DTTS nâng cao nhận thức, tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi; cách thức sử dụng các loại máy móc, vật dụng trong sản xuất và sinh hoạt một cách hiệu quả cũng như phát huy các phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống, xây dựng khối đại đoàn kết của các dân tộc.

Từ việc đầu tư, hỗ trợ của các chương trình, dự án, chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Đăk Hà, cụ thể, thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2019 ước đạt 39,68 triệu đồng/người/năm; tăng 3,67 triệu đồng so với cuối năm 2016; Tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện đến cuối năm 2019 là 2.931 hộ; chiếm tỷ lệ 13,28% tổng số hộ dân cư toàn huyện; giảm 609 hộ so với cuối năm 2018. Toàn huyện có 698 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo là 20,72%, tỷ lệ thoát nghèo giảm xuống còn 3,18%, đạt kế hoạch chỉ tiêu của tỉnh, huyện năm 2019 và vượt 1,2% so với năm 2017 (năm 2017 giảm 1,98%); Tăng đáng kể tỷ lệ tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục đối với nhân dân trên địa bàn huyện, nhất là đối với vùng đặc biệt khó khăn.

Vì vậy có thể nói, trong những năm qua việc triển khai các chương trình, dự án, chính sách dân tộc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, hỗ trợ vay vốn… để phát triển đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo làm thay đổi nhận thức tạo việc làm, tăng thu nhập giúp bà con từng bước thoát nghèo bền vững. Những kết quả đó là động lực để người dân trên địa bàn huyện tiếp tục vươn lên, đưa đời sống tinh thần và vật chất ngày một nâng cao.

Bên cạnh những mặt đã đạt được trong thời gian qua và để triển khai tốt các chính sách trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là,  Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi; bảo đảm cho người dân vùng DTTS được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách mà Đảng và Nhà nước đã ban hành, gắn với triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm 3%/năm;

Hai là, Đối với các chương trình, dự án đầu tư: Đầu tư phải gắn liền với quy hoạch khu dân cư và phát triển sản xuất, hướng mạnh về phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống; ưu tiên bố trí vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu như giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục và nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; tiếp tục đầu tư phát triển các ngành nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (đan lát, dệt thổ cẩm…) gắn với du lịch, dịch vụ;

Ba là, Tập trung đầu tư phát triển sản xuất, ổn định đời sống, gắn với giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù họp với điều kiện lợi thế từng địa bàn vùng dân tộc và miền núi; mở rộng quy mô sản xuất một số cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên thị trường;

Bốn là, Tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện tốt các Chương trình, chính sách hiện hành trên địa bàn để phấn đấu hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Nguyễn Xuân Lộc

 

Số lượt xem:6026
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3743041 Tổng số người truy cập: 44 Số người online:
Phát triển:TNC