banner
Thứ 7, ngày 20 tháng 4 năm 2024
Sau 05 năm thực hiện Quyết định 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020
27-3-2020

Từ năm 2016-2020 Ban Dân tộc đã phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác nắm tình hình, thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS. Qua kết quả, rà soát, thống kê số liệu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh cụ thể như sau: Tổng số trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có xu hướng giảm dần theo từng năm. Năm 2016:  314 trường hợp tảo hôn và 01 cặp kết hôn cận huyết thống; năm 2017: 351 trường hợp tảo hôn và 03 cặp kết hôn cận huyết thống; 2018: 207 trường hợp tảo hôn và 01 cặp kết hôn cận huyết thống; 2019: 186 trường hợp tảo hôn không có cặp kết hôn cận huyết thống.

Đạt được kết quả như trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp của các ngành trong Ban Chỉ đạo và UBND các huyện, thành phố:

Việc thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng ĐBDTTS giai đoạn 2015-2020 (giai đoạn I) trên địa bàn tỉnh Kon Tum” trong thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, quyết liệt của lãnh đạo Ban Dân tộc, đồng thời xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm lâu dài mang tính chiến lược trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS. Theo đó, cùng với sự nỗ lực tuyên truyền của các ngành liên quan, chính quyền địa phương đã giảm thiểu rất đáng kể tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Ban Dân tộc tổ chức tuyên truyền tại Trường PTDTNT huyện Đăk Tô

Sau khi có Quyết định 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Uỷ ban Dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án, trên cơ sở đó đã tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án cấp tỉnh thành viên là các đồng chí: Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách là Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Dân tộc là Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, các đồng chí lãnh đạo Sở Tư pháp, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Đài PTTH, Hội LHPN tỉnh, Tỉnh đoàn là thành viên;

Hàng năm, Ban Dân tộc (cơ quan thường trực) xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ chuyên môn, các cơ quan thành viên như Sở Y tế, Sở Tư pháp, Hội LHPN tỉnh, Tỉnh Đoàn đã cử cán bộ phối hợp Ban Dân tộc xây dựng nội dung, đề cương và triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức đối với đồng bào các DTTS. Đồng thời, Ban Dân tộc cũng đề nghị lồng ghép việc tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong các chương trình, hoạt động tuyên truyền của các đơn vị thành viên. Trong năm 2019, để nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án Ban Dân tộc đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Văn bản số 774/UBND-KGVX ngày 09/4/2019 về việc tăng cường công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh, theo đó các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện như sau:

- Sở Y tế: Đã huy động đông đảo các lực lượng xã hội và cá nhân tham gia cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức trong cộng đồng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, tập trung các nội dung như tác hại, hệ luỵ của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống… Tổ chức thực hiện các hình thức truyền thông trực tiếp, huy động lực lượng viên chức dân số xã, cộng tác viên dân số đi từng ngõ, từng nhà, rà từng đối tượng chủ đạo. Nội  dung  chủ yếu  tập  trung  vào  các BPTT, những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, những chính sách của Đảng,  pháp  luật  của nhà nước về lĩnh vực  DS-KHHGĐ, những văn bản  có  tính pháp lý quy định về độ tuổi kết hôn như Luật Hôn  nhân  gia  đình,  Pháp  lệnh  dân  số,  Nghị định  số176/2013/NĐ-CP,  ngày14/11/2013 của  Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực  y tế...

 - Sở Tư pháp: Đã tổ chức lồng ghép trong các Hội nghị, tập huấn của ngành về các quy định của pháp luật liên quan đến tảo hôn, Luật Hôn nhân và gia đình để người dân, tổ chức trên địa bàn hiểu biết rõ và thực hiện theo đúng quy định, cụ thể: Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ Hộ tịch cho công chức tư pháp – hộ tịch trên địa bàn tỉnh; Hội nghị phổ biến pháp luật của ngành, các buổi truyền thông pháp lý…; Kịp thời triển khai các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan cấp trên xuống các Phòng Tư pháp; hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị khi có yêu cầu. Việc giải quyết các việc về đăng ký hộ tịch đúng quy định của pháp luật  Hộ tịch và Hôn nhân, gia đình.

 - Sở Thông tin và Truyền thông: Đã ban hành văn bản, hướng dẫn các cơ quan báo chí,truyền thông tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức để giảm thiểu tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS như: “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ  giai đoạn 2017-2027; Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về Chính sách, pháp luật liên quan đến công tác dân  tộc,  tín  ngưỡng, tôn giáo trên  địa  bàn  tỉnh;  Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn (2019-2020) trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

- Tỉnh Đoàn: Đã thực hiện lồng ghép nội dung tuyên truyền Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của các tổ chức Đoàn - Hội qua các đợt hội nghị giao ban trực tuyến, Chương trình phát thanh Thanh niên, Website, facebook..... đồng thời tổ chức thực hiện nhiệm vụ và cụ thể hóa bằng các chương trình hành động phù hợp với chức năng nhiệm vụ của đơn vị.

- UBND các huyện, thành phố: Trên cơ sở Kế hoạch đã xây dựng hàng năm đã tích cực chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các văn bản Luật đã được Quốc hội thông qua, đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước như: Luật hôn nhân và Gia đình, Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật dân sự, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình..., ngoài ra thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề cho các em học sinh tại các trường THPT, THCS và các bậc cha mẹ tại các thôn có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao, tổ chức tuyên truyền thông qua thông tin đại chúng như ti vi, loa đài, thông qua các cuộc họp thôn, tổ dân phố hoặc Phụ nữ thôn, cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em đến tuyên truyền trực tiếp tại các hộ gia đình nhằm nâng cao nhân thức, lối sống, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Ban Dân Tộc: Tổ chức 23 hội nghị tuyên truyền trực tiếp cho bà con đồng bào DTTS tại các xã và các Trường PTDTNT trên địa bàn các huyện với 2.618 người tham dự; Triển khai cung cấp các sản phẩm truyền thông bao gồm: Đã cấp phát 15.500 tờ rơi, lắp đặt 22 cụm pa nô, 44 bảng tuyên truyền, 82 khẩu hiệu (băng rôn), 200 đĩa DVD với các nội dung và hình ảnh về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ngoài ra, thực hiện 05 phóng sự bằng tiếng Kinh và tiếng Xơ Đăng về nội dung “Tuyên truyền về Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Năm 2020 đang triển khai thực hiện lắp đặt 07 cụm pa nô, 22 bảng tuyên truyền, 63 khẩu hiệu (băng rôn). Triển khai xây dựng 04 mô hình (trong đó 02 mô hình thí điểm tại xã Đăk Nên và Ngọc Tem huyện Kon Plong và 02 mô hình nhân rộng tại xã Rờ Kơi huyện Sa Thầy và xã Đăk Tờ Lung huyện Kon Rẫy). Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại 02 tỉnh Quảng  Nam và Quảng Ngãi với 16 người tham gia gồm các ngành tỉnh. Hàng năm Ban Dân tộc đã thực hiện kiểm tra việc triển khai Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các huyện, thành phố với nội dung: Kiểm tra công tác chỉ đạo, triển khai thực  hiện phòng, chống  tảo  hôn  và  hôn  nhân  cận  huyết  thống tại  địa phương; Đi kiểm tra thực tế tại các thôn, đến nói chuyện trao đổi với các trường hợp tảo hôn tại thôn để tìm hiểu nguyên nhân từ đó đưa ra các giải pháp nhằm tham mưu công tác phòng chống tảo hôn, HNCHT đạt  hiệu quả. 

Ban Dân tộc tổ chức  tuyên truyền, hướng dẫn, trao đổi với các Tổ tư vấn thực hiện mô hình điểm tại xã Đăk Tờ Lung - huyện Kon Rẫy

Qua đánh giá thực hiện 5 năm qua nhận thấy Thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn và tồn tại:

Tỉnh Kon Tum là một tỉnh nghèo, gồm nhiều DTTS cùng sinh sống, đồng bào sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp là chính, phong tục tập quán cũng khác nhau, dân trí còn hạn chế, đã làm ảnh hưởng đến công tác DS-KHHGĐ cũng như việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền còn mỏng, chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nên rất khó khăn trong công tác tuyên truyền.

Kinh phí triển khai thực hiện các nhiệm vụ Đề án còn nhiều khó khăn, không có nguồn kinh phí riêng để duy trì hoạt động Mô hình điểm sau khi kết thúc. Tại các huyện, thành phố hầu hết thực hiện lồng ghép trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chưa có kinh phí thực hiện riêng nhiệm vụ này.

Việc quản lý đăng ký kết hôn tại một số địa phương còn hạn chế; nhiều xã, phường, thị trấn chưa kiên quyết trong việc xử lý các trường tảo hôn trên địa bàn mình quản lý; công tác xử phạt khi phát hiện tảo hôn tại cơ sở còn nhiều lúng túng do chưa có hướng dẫn cụ thể từ cấp có thẩm quyền, hầu hết tại cơ sở chưa thực hiện nội dung này; các trường hợp tảo hôn không đăng ký kết hôn, các trường hợp xảy ra tình trạng tảo hôn hầu hết đều là hộ nghèo, không có khả năng nộp phạt.

Một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ này, việc rà soát, thống kê, nắm tình hình tảo hôn và hôn nhân cận huyết chưa đảm bảo chính xác, chưa trùng khớp giữa cơ quan chuyên môn ngành y tế và UBND các huyện, thành phố.

Do điều kiện sản xuất, sinh hoạt đặc thù của bà con vùng miền núi nên việc tập trung đông đủ để tổ chức tuyên truyền rất khó khăn.

Từ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện trong thời gian tới như sau:

Cần có sự chung tay của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân thì mục tiêu giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT của Đề án mới thực sự hoàn thành

Các địa phương tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết cũng như làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, dần dần thay đổi được hành vi, từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên, các ban ngành của thôn, cộng tác viên dân số ở cơ sở... Đồng thời, xây dựng một chế tài đủ mạnh để răn đe các trường hợp vi phạm, nêu gương cho cộng đồng, bởi trên thực tế, vì nhiều lý do, chính quyền ở cơ sở vẫn còn phớt lờ hoặc dễ dãi với người vi phạm nên đã tạo ra tâm lý xem nhẹ pháp luật trong một bộ phận người dân...

Việc tuyên truyền bằng trực quan sinh động như: khẩu hiệu (băng rôn), tờ rơi, pa nô, bảng tuyên truyền (áp phích), thiết kế chú trọng vào các hình ảnh nêu bật lên tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các từ ngữ đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu đã phát huy tác dụng, tạo sự tò mò kích thích vì vậy rất dễ ăn sâu và nhận thức của người dân.

Vai trò của Già làng, người có uy tín, các ban ngành của thôn, các thầy cô giáo, chiến sỹ biên phòng... trong vùng đồng bào DTTS rất quan trọng và là nhân tố chính để thực hiện công tác tuyên truyền (để làm được điều đó cần sự quan tâm hơn nữa đến việc tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho Già làng, người có uy tín…).

Trần Thị Diệu Hằng

Số lượt xem:3692
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3797395 Tổng số người truy cập: 55 Số người online:
Phát triển:TNC