Nghệ nhân ưu tú A Ling giữ mãi tiếng đàn T’rưng
5-12-2018

Nghệ nhân ưu tú A Ling đàn T’rưng

Pa Cheng cách trung tâm xã Đăk Hring hơn chục cây số, nằm trên đường vào xã vùng sâu đặc biệt khó khăn Đăk Pxi (huyện Đăk Hà). Kể từ khi chuyển về đây đến giờ, đã là năm thứ 7 già A Ling gắn bó với ngôi làng nhỏ gần gũi bà con. Bao nhiêu “vốn liếng” đánh cồng chiêng, múa xoang, chế tác và biểu diễn nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa của người Rơ Ngao (Ba Na) đều được già tận tâm chỉ dạy cho đám con cháu của các gia đình. Trong đó, thuần thục nhất và góp phần tạo nên “thương hiệu” Nghệ nhân ưu tú A Ling chính là chế tác và biểu diễn nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa. Ngày trước, đàn T’rưng, Klông pút, sáo nhỏ, sáo dài..., già đều có thể vừa làm, vừa sử dụng. Tuy vậy, theo thời gian, bận rộn công việc cũng như sự thay đổi thói quen sinh hoạt của bà con trong cộng đồng dân cư, nên đến giờ, già chỉ còn say sưa với T’rưng - nhạc cụ truyền thống được yêu thích của người Ba Na- Rơ Ngao.

Cũng như hầu hết các loại nhạc cụ  truyền thống của người Rơ Ngao (Ba Na), T’rưng được làm bằng cây nứa, để tạo nên chiếc đàn, nứa được chọn là những cây nứa già, đốt dài, đường kính chừng đốt rưỡi ngón tay. Nứa đem về, để nguyên cây, phơi nắng 2-3 tuần cho thật khô; sau đó dùng dao bén để cắt thành từng khúc theo kết cấu của chiếc đàn, rồi vót chuốt lại cho cẩn thận trước khi nối vào giàn dây.

Đàn T’rưng có hình chữ V ngược, nhờ các ống nứa được kết với nhau bằng những sợi dây mảnh mà bền chắc. T’rưng được già A Ling chế tác gồm 11 ống nứa, dài ngắn khác nhau. Ống ở trên cùng chừng  85- 90 cm, ống dưới đáy 25- 35 cm. Dụng cụ chính để làm đàn, ngoài con dao nhỏ sắc bén để cắt gọt ống nứa, còn có một mẩu gỗ nhỏ dùng để gõ vào ống nứa, thử âm. Hoàn toàn xa lạ với khái niệm “nhạc lý”, cũng chẳng thể viết nên một nốt nhạc; chỉ bằng cảm âm tinh tế dường như được giấu kín đâu đó trong người, già A Ling có thể xác định chính xác từng cung bậc, thang âm trên mỗi ống nứa riêng lẻ để kết thành một suối đàn T’rưng ngân vang, lôi cuốn.

Hướng dẫn cách làm đàn, chỉ dạy cách đánh đàn cho các cháu

Theo già, để chế tác thành công chiếc đàn T’rưng, cần nhất là chọn được những ống nứa “đạt chuẩn”, trước khi làm, nhất định phải phơi khô. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa tâm cảm, sự thính nhạy của đôi tai và đôi tay khéo léo. Ống nứa tươi dễ cắt gọt nhưng không thể chế tác thành T’rưng vì không thành âm, đúng tiếng. Đàn T’rưng ngày trước được các chàng trai Ba Na, Gia Rai, Giẻ- Triêng, Xê đăng... làm nên chủ yếu trong thời gian ở rẫy. Mượn tiếng đàn cất lên để bày tỏ tâm sự, gửi gắm tâm tư... sau những lúc lao động vất vả, hay trong thời gian giữ rẫy rảnh rỗi, trong những lúc ngồi đuổi chim, chờ bẫy chuột... Thanh âm, giai điệu T’rưng được cất lên tùy vào tâm trạng, phụ thuộc vào sự ngẫu hứng của người chơi đàn; sau đó, được truyền cho nhau, người này học theo người kia, thành “vốn liếng” chung. Đặc biệt, T’rưng chỉ chuyên độc tấu, hay hòa tấu với các nhạc cụ tre nứa khác, chứ không dùng để đệm cho người hát dân ca như Ting ning hay Klông pút...

Gần 80 tuổi, không còn mạnh cái chân khỏe cái tay, nhưng già A Ling vẫn một mình vào rừng, lấy nứa và tự vác về nhà để làm đàn. Con cháu trong gia đình và bà con làng Pa Cheng không chỉ vui, mà còn thán phục về điều đó. Đàn làm ra tuy đơn sơ, nhưng có thể dùng được vài ba năm và già A Ling không chỉ chế tác cho riêng mình. Chẳng những chỉ dạy đánh đàn T’rưng, già còn tận tình hướng dẫn làm đàn cho con cháu và đám trẻ trong làng. Người được già “truyền nghề” trước tiên là cháu trai A Lễ. A Lễ không chỉ yêu tiếng đàn của ông ngoại mà còn “ Sáng dạ lắm. Chỉ đến đâu, biết đến đấy!...”- Già tin tưởng./.

Nguồn: Nghĩa Hà - Cổng TTĐT tỉnh Kon Tum 

Số lượt xem:2656
Bài viết liên quan:
Icon  Gia đình 3 thế hệ với nghề tạc tượng gỗ dân gian