banner
Thứ 7, ngày 20 tháng 4 năm 2024
Họp Tổ công tác liên ngành triển khai quản lý thực hiện Đề án Hỗ trợ thông tin tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo
27-8-2021

Ngày 25/8/2021, tại Hà Nội, Bộ thông tin và Truyền thông đã họp Tổ công tác liên ngành đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo năm 2021 và đề xuất kế hoạch năm 2022.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Hội thảo Báo cáo công tác triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo, ngày 10/7/2019.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Hoàng Vĩnh Bảo, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì cuộc họp, tham dự cuộc họp có đại diện cho các bộ, ban, ngành tham gia Đề án. Về phía Ủy ban Dân tộc, có ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, thành viên Tổ công tác liên ngành tham dự cuộc họp.

Đề án Hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg và Bộ TTTT ban hành Thông tư số 15/2019/TT-BTTTT ngày 05/12/2019 hướng dẫn thực hiện Đề án; Bộ TTTT đã tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện từ năm 2019 - 2020. Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện, đã có 31 bộ, ngành, cơ quan Trung ương cùng triển khai Đề án. Hiện nay, các cơ quan đang khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện Đề án theo các nhóm nhiệm vụ, trong đó:

Nhóm nhiệm vụ thứ nhất là Bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo cho các đối tượng, có 03 cơ quan chủ trì thực hiện là Ủy ban Dân tộc, Ban Tôn giáo Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Các cơ quan đang hoàn thiện nội dung chương trình, tài liệu, dự kiến trong quý III/2021 sẽ ban hành.

Nhóm nhiệm vụ thứ hai: Tập trung xây dựng chủ đề, biên soạn tài liệu phục vụ hoạt động thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo, có 06 cơ quan Trung ương, tham gia thực hiện, chủ yếu là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nghiên cứu, biên tập các tài liệu phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo.

Nhóm nhiệm vụ thứ ba là tuyên truyền về dân tộc, truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam; các giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có 09 nhà xuất bản tham gia với 30 xuất bản phẩm được xuất bản; 40 cơ quan báo chí thuộc 31 bộ ngành, cơ quan Trung ương sản xuất hàng nghìn tác phẩm báo chí và sản phẩm thông tin điện tử và các hình thức khác, với các chủ đề nội dung, hình thức, thể loại thông tin, tuyên truyền rất đa dạng. Trong đó, chú trọng các hình thức tuyên truyền trên báo hình, báo điện tử.

Với những kết quả đạt được bước đầu, các cơ quan bộ, ngành đã rất cố gắng triển khai thực hiện Đề án theo mục tiêu, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước các diễn biến bất lợi của đại dịch Covid-19, nhiều đại biểu bày tỏ các tác động của dịch sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai trong những tháng còn lại của năm 2021. Nhất là triển khai các nhiệm vụ liên quan đến tổ chức sự kiện đông người như: hội thảo xây dựng chương trình, tài liệu; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ thông tin, tuyên truyền; đặc biệt là công tác tổ chức sản xuất các tác phẩm báo chí, truyền thông gặp rất nhiều khó khăn do bị hạn chế đi lại, gặp gỡ, tiếp xúc các đối tượng để thu thập thông tin, trong tổ chức sản xuất tiền kỳ nên tiến độ bị chậm so với dự kiến. Để khắc phục những khó khăn này, các cơ quan thực hiện nhiệm vụ đã tăng cường tổ chức làm việc trực tuyến, phối hợp thu thập thông tin qua Internet… để quyết tâm triển khai thực hiện Đề án theo mục tiêu, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận và đề xuất một số nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn các cơ quan, các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện Đề án vào năm 2022 cụ thể:

Tiêu chí lựa chọn cơ quan tham gia thực hiện là những cơ quan trực tiếp quản lý lĩnh vực của Đề án; các cơ quan báo chí, nhà xuất bản đã thể hiện rõ năng lực, tích cực khắc phục khó khăn, phối hợp công tác hiệu quả trong thời gian thực hiện Đề án năm 2021.

Tiêu chí lựa chọn chủ đề nội dung là các chủ đề thông tin, tuyên truyền phải đảm bảo phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án; khai thác được tính chuyên sâu, dài kỳ của nội dung cần truyền tải; ưu tiên thực hiện đối với các chủ đề có khả năng khai thác dài kỳ, đang thực hiện năm 2021, cần tiếp tục thực hiện năm 2022; Các chủ đề có tính mới, không trùng lặp.

Đối với nhiệm vụ thông tin, truyên truyền về dân tộc và truyền thống lịch sử của dân tộc, phải đảm bảo phải phù hợp với nhiệm vụ đã được phê duyệt tại Đề án và tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại...”.

Đối với nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về tôn giáo, phù hợp với nhiệm vụ đã phê duyệt tại Đề án và tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII đối với các vấn đề về dân tộc, tôn giáo: “Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng. Phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan” và “Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Về hình thức thực hiện các hình thức thông tin, tuyên truyền phải thu hút được nhiều người tiếp cận, có sức lan tỏa. Ưu tiên đối với báo điện tử, xuất bản phẩm điện tử; sản phẩm nội dung số, thông tin điện tử, mạng xã hội, chương trình phát thanh, truyền hình; hội thi tìm hiểu kiến thức về dân tộc, tôn giáo do các tổ chức chính trị- xã hội. Đảm bảo tính cân đối giữa tuyên truyền về dân tộc và tuyên truyền về tôn giáo, tính cân đối giữa các các mảng đề tài; tránh tập trung cho chủ đề đã được tuyên truyền nhiều.

Các đại biểu cơ bản nhất trí với việc đưa ra các thứ tự ưu tiên để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án như: Đối với nhiệm vụ 1, ưu tiên cho công tác chuyển đổi sang chương trình, tài liệu điện tử; tổ chức các lớp tập huấn cho các đối tượng theo quy định. Đối với nhiệm vụ 2, ưu tiên cho công tác nghiên cứu, xây dựng các chủ đề nghiên cứu về truyền thống lịch sử dân tộc, giá trị tích cực của tôn giáo, tín ngưỡng; tạo thuận lợi cho phát triển các sản phẩm báo điện tử, sảm phẩm nội dung số, chương trình phát thanh, truyền hình. Đối với nhiệm vụ 3, ưu tiên đối với các chủ đề mới, hình thức thức thông tin, tuyên truyền sáng tạo, thu hút sự quan tâm của xã hội, có giá trị, ý nghĩa sâu sắc, lâu dài, nhất là các chủ đề nghiên cứu về truyền thống lịch sử dân tộc, giá trị tích cực của tôn giáo, tín ngưỡng trong đời sống xã hội và đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Trên cơ sở các tiêu chí nêu trên, các thành viên Tổ công tác đã thảo luận, cho ý kiến đối với danh sách đăng ký nhiệm vụ thực hiện Đề án của các cơ quan liên quan để Thường trực Tổ công tác tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cổng TTĐT Uỷ ban Dân tộc

Số lượt xem:1728
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3796616 Tổng số người truy cập: 126 Số người online:
Phát triển:TNC