banner
Thứ 5, ngày 25 tháng 4 năm 2024
Các hoạt động tháng 11 với chủ đề “Đại đoàn kết - Cội nguồn dân tộc” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
6-11-2020

Từ ngày 01- 31/11/2020 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động tháng 11 với chủ đề “Đại đoàn kết - Cội nguồn dân tộc” với các hoạt động thiết thực, bổ ích, ý nghĩa, đề cao vai trò trách nhiệm với cộng đồng, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hàng ngày, cuối tuần nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng 54 dân tộc anh em, tạo điểm đến, thu hút khách du lịch, góp phần phong phú các hoạt động Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2020.

Hoạt động tháng 11 với sự tham gia của hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc (Tày, Dao, Mông, Nùng, Thái, Mường, Khơ Mú, Ơ Đu, Tà Ôi, Cơ Tu, Bahnar, Xơ Đăng, Gia Rai, RagLai, Ê Đê, Khmer) đến từ 12 địa phương, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày tại Làng.

Hoạt động điểm nhấn với chủ đề “ Đại đoàn kết – Cội nguồn dân tộc” với các chương trình:

Chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Hoa của đá” của sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc và đồng bào các dân tộc tại Thung lũng hoa giác mạch với một số ca khúc ca ngợi truyền thống dân tộc anh em, ca ngợi về quê hương đất nước, một số ca khúc gắn với đời sống hiện đại hướng tới chủ đề tình anh em trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam hướng về chủ đề “Đại đoàn kết - Cội nguồn dân tộc”. Phối hợp với đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng tăng cường các hoạt động giới thiệu văn hóa, ẩm thực mang hương vị vùng cao tại không gian các làng dân tộc. Trong đó điểm nhấn giới thiệu một số sản vật vùng cao Hà Giang và các loại sản vật địa phương liên quan tới hoa Tam giác mạch như rượu hoa Tam giác mạch, bánh hoa Tam giác mạch... Khu vực Thung lũng hoa Tam giác mạch sẽ trở thành một sân khấu thực cảnh nơi đó tái hiện cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông trên cao nguyên núi đá và câu chuyện về sự tích hoa Tam giác mạch về chuyện tình Khau Vai trên cao nguyên đá, tất cả sẽ được tạo nên bằng lời kể với âm nhạc và các hoạt động diễn xướng.

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cùng vui ở bến nước đầu làng. Ảnh: Hoàng Hải 

Chương trình hoạt động tại cụm Cánh đồng hoa Tam giác mạch:

Với thế mạnh của làng dân tộc Thái và có sự tương trợ lẫn nhau của nhóm đồng báo Khơ Mú những món ăn ẩm thực của hai làng dân tộc đều mang những nét đặc trưng vùng miền rất riêng mà có lẽ nếu thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi. Những món ăn được chế biến công phu, độc đáo, ẩm thực truyền thống của các dân tộc được xem là cách truyền tải hữu hiệu nhất nét văn hóa dân tộc. Các món ăn được chế biến từ các nguyên liệu tự nhiên, đặc sắc: Món xôi màu, thịt lợn hấp, gà nướng, thịt trâu hun khói, măng chua...

Cùng với không gian của cánh đồng hoa Tam giác mạch các hoạt động được mở rộng ra ngoài trời cùng hòa với cảnh sắc thiên nhiên với các trò chơi dân gian truyền thống: ném còn, nhảy sạp...

Đồng bào các làng dân tộc Thái, Khơ Mú cùng nhau chăm sóc cánh đồng hoa, cùng nhau gắn kết tổ chức các hoạt động.

Chương trình hoạt động tại cụm Tây Nguyên:

Trình diễn sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc tại Làng bằng các nhạc cụ truyền thống, dân ca dân vũ, truyền dạy về nhạc cụ dân tộc truyền thống, các hoạt động trò chơi dân gian kết nối du khách và cộng đồng các dân tộc tăng cường tinh thần giao lưu, học hỏi, đoàn kết nhau cùng phát triển. Các hoạt động được sự kết hợp của những chủ thể văn hóa vùng đất Tây Nguyên sẽ mang đến cho du khách những cảm nhận về đất và người nơi đây.

Đồng bào dân tộc Chăm giới thiệu nghệ thuật làm gốm bàu Trúc. Ảnh: Hoàng Hải

Hoạt động của các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày tại Làng hưởng ứng Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2020:

Đồng bào các dân tộc tại Làng hưởng ứng ngày hội đại đoàn kết tăng cường tổ chức các hoạt động dân ca dân vũ, trò chơi dân gian gắn kết giữa các nhóm đồng bào và du khách trong việc giới thiệu quảng bá nét văn hóa dân tộc địa phương cũng như tạo nên khối đoàn kết đồng lòng cùng phát triển.
Mỗi một làng đồng bào là một không gian riêng thu hút du khách bằng những loại cây hoa đặc trưng và những thế mạnh vốn có của từng làng.

Giới thiệu về nghề thủ công truyền thống và những sản phẩm mang tính ứng dụng và sinh hoạt giúp du khách hiểu, trải nghiệm quy trình của các nghệ nhân được thao tác một trong những công đoạn của quy trình ấy và mua những sản phẩm bà con tự làm.

Điểm nhấn của các dân tộc với các trò chơi dân gian truyền thống như: Ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đi cầu kiều, đánh yến, tó má lẹ..., biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Cùng trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu của các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng: đàn Chapi, đàn đá, hát những ca khúc về Tây Nguyên…

Trưng bày giới thiệu ảnh “Sắc hồng cao nguyên”: Giới thiệu khoảng 30 - 40 bức ảnh về cao nguyên núi đá Hà Giang, những hình ảnh về hoa Tam giác mạch trên cao nguyên núi đá gắn liền với cuộc sống và đồng bào dân tộc Hà Giang và những hình ảnh ghi lại màu hoa, sắc hoa, các hoạt động gắn với Thung lũng hoa Tam giác mạch, cánh đồng hoa Tam giác mạch tại “Ngôi nhà chung”.

Đồng bào dân tộc Khmer giới thiệu đến du khách âm nhạc truyền thống. Ảnh: Hoàng Hải

Đặc biệt, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ Phối hợp tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” từ ngày 16 - 23/11/2020 với các chương trình:

Chương trình khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2020 và biểu dương 90 điển hình tiêu biểu trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phát động thực hiện.

Triển lãm ảnh với các chủ đề “90 năm một chặng đường vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” và “Sắc màu di sản văn hóa tại “Ngôi nhà chung”.Vườn cây Đại đoàn kết các dân tộc; Trình diễn không gian Đờn ca tài tử - Di sản Văn hóa phi vật thêt của Việt Nam và giới thiệu ẩm thực dân gian Nam Bộ (giới thiệu các loại bánh mang đậm bản sắc ẩm thực Nam Bộ); Tọa đàm “Phát huy vai trò của người tiêu biểu trong khối xây dựng khối đại đoàn kết và bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc; Hoạt động giao lưu văn hóa quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nghề truyền thống của một số tỉnh, thành phố; Hoạt động thể thao, thể thao quần chúng, thi đấu võ thuật cổ truyền và trình diễn xe mô tô của Câu lạc bộ mô tô Học viện Cảnh sát nhân dân; Hoạt động của cộng đồng các dân tộc (Sắc màu văn hóa dân tộc Chăm và tái hiện lễ hội Katê - Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Chăm, tỉnh Ninh Thuận; Hoạt động của các cộng đồng thường xuyên; Ngày hội văn hóa các dân tộc các vùng miền Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và các hoạt động trải nghiệm của du khách).

Bên cạnh đó là các hoạt động hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 16 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

dantocmiennui.vn

Số lượt xem:1147
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3815358 Tổng số người truy cập: 67 Số người online:
Phát triển:TNC