banner
Thứ 6, ngày 29 tháng 3 năm 2024
Quan tâm thực hiện chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum
16-5-2022

Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, có đông đồng bào DTTS cùng sinh sống, đến cuối năm 2021 toàn tỉnh có 312.430 người DTTS, chiếm gần 55% tổng số dân số. Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 399 cơ sở giáo dục đào tạo, trong số đó hệ thống trường chuyên biệt dành cho học sinh DTTS tiếp tục được duy trì phát huy hiệu quả với 42 trường Phổ thông dân tộc bán trú, 9 trường phổ thông dân tộc nội trú; có 5.565 lớp mầm non, phổ thông với 161.101 trẻ và học sinh phổ thông (trong đó riêng đối với trẻ và học sinh DTTS có: 23.489 trẻ, 39.494 học sinh cấp tiểu học, 41.141 học sinh cấp THCS, 4.795 học sinh cấp THPT).

Ảnh: buổi học của thầy và trò Trường PT DTNT huyện Sa Thầy (ptdtntsathaykontum.edu.vn)

Những năm qua, tiếp tục thực hiện tốt quan điểm của Đảng và Nhà nước “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục và đào tạo đối với học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh nói riêng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện của các cấp ủy, chính quyền, các cơ sở giáo dục, sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm giữa các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể..., sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân. Nhiều chính sách đối với học sinh DTTS luôn được ưu tiên triển khai trên địa bàn tỉnh, thông qua đó nhiều con em đồng bào DTTS được học tập xuyên suốt qua các bậc học và theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề, góp phần bổ sung nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Những kết quả nổi bật như:

Chính sách về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 của Chính phủ: Đến nay 102/102 xã, phường, thị trấn và 10/10 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đối với phổ cập giáo dục tiểu học, tỉnh đã đạt chuẩn mức độ 2, trong đó có 01 xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) mức độ 1, 03 xã mức độ 2, 98 xã mức độ 3; cấp huyện có 01 huyện mức độ 2, 9 huyện, thành phố mức độ 3. Về phổ cập giáo dục trung học cơ sở, có 15 xã mức độ 1, 67 xã mức độ 2, 20 xã mức độ 3. Tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 với 05 xã mức độ 1 và 97 xã mức độ 2, có 1 huyện mức độ 1 và 9 huyện, thành phố mức độ 2.

Tính riêng trong giai đoạn 2016-2021, tỉnh đã thực hiện 05 nhóm chính sách hỗ trợ đối với học sinh DTTS, kinh phí thực hiện 1.106.918,3 triệu đồng, tổng số lượt học sinh thụ hưởng là 653.250 em, gồm có: Chính sách hỗ trợ ăn trưa trẻ mầm non 3-5 tuổi (hỗ trợ 122.247 lượt, kinh phí 152.981,7 triệu đồng), chính sách sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập (hỗ trợ 370.786 lượt, kinh phí 231.050,6 triệu đồng), chính sách hỗ trợ tiền ăn, ở (hỗ trợ 141.328 lượt, kinh phí 505.073 triệu đồng), chính sách ưu tiên cho dân tộc rất ít người (hỗ trợ 1.727 lượt, kinh phí 11.810 triệu đồng), chính sách đối với học sinh nội trú (hỗ trợ 17.162 lượt, kinh phí 206.003 triệu đồng).

Chính sách cử tuyển đối với học sinh, sinh viên DTTS: tổng số sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường giai đoạn 2010 - 2015 là 454 sinh viên, trong đó trình độ đại học 268, trình độ cao đẳng 17, trình độ trung cấp 169; tổng số sinh viên có việc làm 363, đạt tỷ lệ 79,95%, trong đó đại học 260 đạt tỷ lệ 97,01%, cao đẳng 17 đạt tỷ lệ 100%, trung cấp 86 đạt tỷ lệ 50,88%. Từ năm 2015 đến năm 2017, các huyện, thành phố không còn có nhu cầu đào tạo cử tuyển do đó UBND tỉnh không tuyển sinh. Từ năm 2016 - 2019 đã thực hiện chi trả chế độ cho đối tượng cử tuyển những năm trước 2015 cho

Ngoài các nhóm chính sách chung của Trung ương, nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện các chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh (Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 3-12-2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIII “về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS giai đoạn 2008-2015”; Quyết định số 62/2007/QĐ-UBND ngày 26/12/2007 của UBND tỉnh về phê duyệt đề án nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS; Kết luận số 694-KL/TU ngày 18/12/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIII; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 23/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV “về tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS giai đoạn 2016-2020”), các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc chi trả chế độ dạy phụ đạo với tổng kinh phí từ năm 2016 - 2020 là 58.966,8 triệu đồng; chi trả kinh phí cho giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo người DTTS là 2.684 triệu đồng.

Với nhiều chính sách được triển khai đồng bộ, chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS đến hết năm học 2020-2021 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đối với giáo dục mầm non: tỷ lệ trẻ DTTS 3-5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 90,8%, tỷ lệ trẻ DTTS 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99,92%, duy trì tỷ lệ trẻ em DTTS từ 5-6 tuổi được chuẩn bị điều kiện vào học lớp 1 đạt 100%. Đối với giáo dục phổ thông: tỷ lệ trẻ DTTS trong độ tuổi tiểu học vào học tiểu học đạt 99,82%, tỷ lệ học sinh DTTS cấp THCS có hạnh kiểm từ trung bình trở lên đạt 99,73%, tỷ lệ học sinh DTTS cấp THCS có học lực từ trung bình trở lên đạt 92,55%, tỷ lệ học sinh DTTS cấp THPT có hạnh kiểm từ trung bình trở lên đạt 99,79%, tỷ lệ học sinh DTTS cấp THPT có học lực từ trung bình trở lên đạt 92,22%, tỷ lệ học sinh DTTS cấp THCS có học lực khá, giỏi 28,49%, tỷ lệ học sinh DTTS cấp THPT có học lực khá, giỏi 36,01%.

Ảnh: sản phẩm “Thiết bị nướng cơm lam bán tự động” của 2 em Y Tuệ, học sinh lớp 9 và Lò Huyền Trang, học sinh lớp 8 Trường PT DTNT huyện Sa Thầy đạt giải Ba Cuộc thi Sáng tạo dành cho Thanh thiếu niên - Nhi đồng toàn quốc lần thứ 17 năm 2020-2021 (lienhiephoikontum.org.vn)

Có thể nói các chính sách dân tộc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhất là các nhóm chính sách hỗ trợ cho học sinh DTTS đã có những tác động tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh, từng bước giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng, duy trì sĩ số học sinh, nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách đối với học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Kon Tum đã xác định trong thời gian tới, các cấp, ngành cần triển khai nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, cụ thể hoá các chủ trương, đường lối của Đảng về giáo dục đào tạo; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, bố trí hợp lý cho chi đầu tư phát triển; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới công tác quản lý, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động giáo dục và đào tạo, thực hiện chuẩn hoá đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện có hiệu quả các chính sách của địa phương, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 06/5/2021 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học của học sinh những vùng có đông đồng bào DTTS…

Ksor H’Nhuên

Số lượt xem:3268
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3743320 Tổng số người truy cập: 56 Số người online:
Phát triển:TNC