banner
Thứ 6, ngày 26 tháng 4 năm 2024
Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đăk Hà
29-7-2021

Người có uy tín có vị trí, vai trò to lớn, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương trên các lĩnh vực như tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng; phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình và cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái; giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp; bài trừ những hủ tục lạc hậu, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới, nông thôn mới ở địa phương.

Ảnh: Toàn cảnh Hội nghị tập huấn người có uy tín năm 2020

Huyện Đăk Hà nằm về phía Bắc tỉnh Kon Tum, cách trung tâm thành phố Kon Tum 20 km theo Quốc lộ 14; diện tích tự nhiên 84.503,78 ha. Toàn huyện có 11 đơn vị hành chính gồm 10 xã và 01 thị trấn, 84 thôn, tổ dân phố với dân số trung bình 76.517 người năm 2020. Tỷ lệ dân số phân bố ở khu vực nông thôn chiếm 78,66%, dân số đô thị chiếm 21,34%. Dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 53,48% dân số toàn huyện.

Nhận thức được vị trí, vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên huyện Đăk Hà luôn quan tâm công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín; triển khai và thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 3 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Giai đoạn 2011-2021, tổng số lượt người có uy tín trên địa bàn huyện được bầu, công nhận là 721 lượt người gồm 692 lượt nam và 29 lượt nữ. Đó là những người có uy tín có vị trí, vai trò to lớn, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương trên các lĩnh vực như tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng; phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình và cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái; giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp; bài trừ những hủ tục lạc hậu, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới, nông thôn mới ở địa phương.

Từ năm 2011 đến nay, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo phòng Dân tộc phối hợp với các cơ quan, đơn vị, Mặt trận, đoàn thể huyện tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho những người có uy tín trên địa bàn các xã, thị trấn với 1.455 suất quà tặng, tổng kinh phí 679,8 triệu đồng. Trong đó: Thăm hỏi tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán đối với 659 trường hợp với 294,1 triệu đồng; thăm hỏi, tặng quà dịp Tết cổ truyền của các DTTS với 271 trường hợp với 123,7 triệu đồng; Thăm hỏi, hỗ trợ cho người có uy tín bị ốm đau đối với 247 trường hợp với 125 triệu đồng; Thăm hỏi các gia đình người có uy tín gặp khó khăn, do hậu quả thiên tai đối với 276 trường hợp với 136 triệu đồng; Thăm viếng 02 trường hợp người có uy tín qua đời và người thân của người có uy tín qua đời với kinh phí 1 triệu đồng.

Vinh dự hơn, trong năm 2018 và năm 2020 được Ủy ban Dân tộc đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các Dân tộc” cho 94 cá nhân là người có uy tín trên địa bàn huyện. Đây là phần thưởng cao quý mà Chính phủ trao tặng, nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn của người có uy tín trong đồng bào các DTTS đối với sự nghiệp phát triển các dân tộc.

Để phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn, ngoài số lượng người có uy tín đã được UBND tỉnh phê duyệt. Hàng năm, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo Phòng Dân tộc phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tiến hành rà soát, xác định và phê duyệt danh sách người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS chưa được UBND tỉnh công nhận (ngoài danh sách đã được UBND tỉnh phê duyệt) để thực hiện các nội dung thăm hỏi, động viên và tặng quà trong các dịp tết cổ truyền của người DTTS, tết Nguyên đán, người có uy tín bị ốm đau và các dịp khác trong năm từ nguồn ngân sách huyện bố trí để thực hiện. Tổng số lượt người có uy tín được bầu chọn và phê duyệt danh sách trên địa bàn huyện là 550 lượt người. Từ năm 2015 đến nay, Ủy ban nhân dân huyện giao cho phòng Dân tộc phối hợp với các đơn vị, Mặt trận, Đoàn thể huyện tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng 476 suất quà tặng với tổng kinh phí 238 triệu đồng (mỗi suất quà tặng trị giá 500.000 đồng); đồng thời Ủy ban nhân dân huyện kịp thời đã tổ chức 08 cuộc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức với 229 người tham dự; tham gia 08 đợt thăm quan, học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh do cấp tỉnh tổ chức với 29 đại biểu tham dự; được cấp, phát miễn phí các loại báo, tạp chí như Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Dân tộc thiểu số và miền núi; Báo Đoàn kết và Phát triển, Chuyên trang Dân tộc thiểu số và miền núi trên Báo Nhân dân; được tham gia họp, sinh hoạt tư tưởng đầu tuần tại UBND các xã, thị trấn nhằm kịp thời nắm bắt các thông tin, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Từ đó cho thấy, bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình, trong những năm qua người có uy tín trên địa bàn luôn gương mẫu và tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn nơi cư trú thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là thực hiện tốt và có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc; góp phần quan trọng vào việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; vận động và giúp đỡ bà con trong lao động, sản xuất, xoá đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống và góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Mặc dù thời gian qua đã có sự quan tâm, động viên của các cấp chính quyền đến người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại như sau: Việc gặp gỡ, trao đổi, đối thoại, cung cấp thông tin định kỳ và đột xuất về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của địa phương cho người có uy tín ở một số nơi chưa duy trì thường xuyên; Chính sách ưu đãi cho người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS còn hạn chế; chưa có chính sách hỗ trợ hoặc phụ cấp hằng tháng cho người có uy tín trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, vì vậy trách nhiệm và sức lan tỏa của người có uy tín chưa được phát huy một cách có hiệu quả; Một số người có uy tín tuổi cao; hay bị đau ốm, không đảm bảo; hoàn cảnh gia đình còn khó khăn; cư trú ở địa bàn vùng sâu vùng xa, địa bàn phức tạp, có nơi là trọng điểm về an ninh trật tự, trình độ văn hóa của một số người có uy tín còn thấp, không đồng đều chưa đáp ứng kịp với nhu cầu phát triển của kinh tế - xã hội; khả năng tiếp cận, nắm bắt thông tin có mặt còn hạn chế.

Từ những kết quả đạt được cũng như một số tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn trong thời gian tới cần rút ra một số bài học kinh nghiệm sau: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc phát huy vai trò của người có uy tín; tăng cường công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội tại địa phương; phát huy vai trò tiên phong của người có uy tín trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và luôn tạo điều kiện thuận lợi để họ tham gia hoạt động; Các cấp chính quyền cần tổ chức tạo điều kiện để nhiều hơn nữa số lượng người có uy tín đi tham quan, học tập những mô hình nhỏ và vừa để “mắt thấy, tai nghe” về phổ biến lại mô hình cho bà con làm theo và tiếp tục tổ chức tập huấn cho người có uy tín nắm được đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Tạo điều kiện người có uy tín tích cực tham gia với cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc xây dựng lộ trình giảm nghèo dài hạn, tạo điều kiện để hộ thoát nghèo bền vững; Kịp thời biểu dương, khen thưởng những người có uy tín có thành tích tiêu biểu trong lao động sản xuất, vận động đồng bào tham gia thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự làm nòng cốt cho các phong trào ở địa phương.

Nguyễn Xuân Lộc

Số lượt xem:2172
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3816760 Tổng số người truy cập: 62 Số người online:
Phát triển:TNC