banner
Thứ 6, ngày 29 tháng 3 năm 2024
Kon Tum tổng kết chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020
7-9-2018

Ảnh minh họa

Trong những năm qua việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp, sự phối hợp tuyên truyền của mặt trận, các đoàn thể, sự nhiệt tình, đồng thuận tham gia đóng góp và thực hiện của nhân dân trên địa bàn, các chương trình, chính sách dân tộc ở tỉnh Kon Tum đã đạt được một số kết quả khá tốt, cơ sở hạ tầng được bổ sung, hoàn thiện thêm, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bộ mặt nông thôn miền núi, vùng cao có nhiều thay đổi; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện đáng kể; năng lực cán bộ ở cơ sở và nhận thức của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Giai đoạn 2016-2018, tổng nguồn vốn 4.205.353 triệu đồng để thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc ở tỉnh đã góp phần mang lại nhiều hiệu quả thiết thực như hệ thống đường giao thông liên thôn tại các xã đặc biệt khó khăn được củng cố và nâng cấp tạo thuận lợi hơn cho việc đi lại cũng như vận chuyển giao lưu hàng hoá, nông sản được tiêu thụ dễ dàng thúc đẩy sản xuất phát triển, cải thiện đời sống, tạo ra bộ mặt nông thôn mới khang trang sạch đẹp hơn; công trình thuỷ lợi đã phục vụ nhu cầu tưới tiêu cho nhân dân, giảm đáng kể việc phát rừng làm nương rẫy, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, sản lượng lương thực; từng bước xoá đói giảm nghèo cho người dân; Trường học được xây dựng khang trang tạo môi trường học tập thuận lợi, phục vụ nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng; Xây dựng các công trình nước sinh hoạt như: hệ thống nước tự chảy, giếng nước...đã đáp ứng được nhu cầu về nước sạch sinh hoạt hằng ngày cho người dân, đưa tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ngày càng cao, tạo cho người dân có thói quen dùng nước sạch phòng tránh được tình trạng dịch bệnh xảy ra; công trình điện sinh hoạt đã phục vụ thiết thực cho đời sống người dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới góp phần làm cho đời sống văn hoá tinh thần của người dân có bước phát triển mới; bên cạnh đó người dân, nhất là hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số đã biết chủ động chăm lo phát triển kinh tế, đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi có năng xuất và hiệu quả kinh tế cao. Nhiều loại giống cây trồng vật nuôi năng suất cao, chất lượng tốt, nhiều mô hình sản xuất hàng hóa đã được đưa vào phổ biến, từng bước thay thế tập quán sản xuất lạc hậu. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cây trồng, vật nuôi.

Thông qua việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần vào giảm tỷ lệ nghèo của tỉnh từ 23,03% năm 2016 giảm xuống còn 20,3% năm 2017; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 31,96 triệu đồng năm 2016 lên 34,77 triệu đồng; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã đạt 71,6%; 86/86 xã đã có trạm y tế với cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân; 100% xã có bác sỹ; 100% thôn, làng có nhân viên y tế; 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến tháng 6/2018 đạt 89,63% dân số; 100% các huyện, thành phố có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; có 153 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 86,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; hỗ trợ đào tạo nghề cho 4.358 lao động nông thôn; tạo việc làm cho 3.494 lao động thông qua chương trình việc làm, trong đó: Xuất khẩu lao động là 376 lao động, thông qua nguồn vốn vay giải quyết việc làm là 1.962 lao động, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp là 1.156 lao động; 100% hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương thông qua báo chí, các xuất bản phẩm và phương tiện truyền thông khác; Hệ thống đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 98%; tỷ lệ km đường thôn xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải đạt 57%.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc vẫn còn một số khó khăn như: (i) Chính sách còn mang tính nhiệm kỳ, thời gian thực hiện ngắn, thiếu tính chiến lược lâu dài (Đa số chính sách chỉ có thời hạn 5 năm). Do trình tự, thủ tục xây dựng và trình một số Đề án chính sách mất nhiều thời gian nên khi chính sách được ban hành thì thời gian thực hiện còn lại rất ngắn; (ii) Một số chính sách định mức hỗ trợ thấp, không phù hợp với địa bàn vùng dân tộc và miền núi. Hầu hết các chính sách đều mang tính chất hỗ trợ, chính sách đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản, do vậy hiệu quả của chính sách chưa thực sự bền vững; (iii) Do điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn nên nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương; (iv) Công tác điều hành, quản lý, tham mưu chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở các huyện, thành phố chưa thống nhất trong việc giao cho các phòng, ban chủ trì, triển khai thực hiện; (v) Xuất phát điểm vùng dân tộc thiểu số và miền núi thấp, vùng dân tộc miền núi vẫn là vùng còn hết sức khó khăn khi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Ở các vùng này, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, bị chia cắt ảnh hưởng tới sản xuất trong khi tập quán sinh hoạt và tư duy sản xuất của người dân vẫn còn nhiều hạn chế, phong tục, tập quán sinh hoạt, sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số cũng ảnh hưởng lớn tới hiệu quả của chương trình, chính sách; (vi) Một số chương trình, chính sách phân bổ vốn còn chậm, không đảm bảo theo nhu cầu nên địa phương rất khó triển khai thực hiện, chưa đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra như: Quyết định số 2085/QĐ-TTg, Quyết định số 2086/QĐ-TTg chính sách người có uy tín theo Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg, Quyết định số 56/QĐ-TTg nay là Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ vì vậy rất khó đạt được các mục tiêu của chương trình; (vii) Kon Tum là một trong những tỉnh nghèo nhất của cả nước nên việc huy động lồng ghép các nguồn lực địa phương trong quá trình thực hiện dự án còn hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách Trung ương nên kế hoạch thực hiện các chương trình dự án chậm, chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra; (viii) Văn bản hướng dẫn thực hiện một số chính sách của một số Bộ, ngành ban hành còn chậm, chưa kịp thời nên tiến độ thực hiện chưa đảm bảo theo kế hoạch đề ra.

Để triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc. Trong thời gian đến cần tập trung thực hiện một sô nội dung sau:

Một là: Xây dựng chính sách phù hợp với từng vùng miền, từng khu vực phân theo trình độ phát triển và tình hình thực tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nhu cầu hỗ trợ của nhân dân, không trùng lắp về đối tượng, nội dung;

Hai là, Chính sách cần theo hướng tập trung tránh manh mún, nhỏ lẻ để các đối tượng được thụ hưởng nhất là hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.Các chính sách cần được thiết kế bảo đảm sự thống nhất về cơ chế hỗ trợ, mức hỗ trợ giống nhau đối với các đối tượng giống nhau, tránh trùng lắp cũng như bỏ sót đối tượng;

Ba là, Nghiên cứu xây dựng chuẩn nghèo và chính sách theo phương pháp đo lường nghèo đa chiều nhằm tăng tính bền vững trong chính sách giảm nghèo; tích hợp, thu gọn đầu mối thực hiện các chính sách giảm nghèo theo chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan Trung ương nhằm tập trung nguồn lực, hạn chế sự chồng chéo giữa các chính sách và bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện;

Bốn là, Giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo./.

Nguyễn Xuân Lộc

Số lượt xem:2295
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3743643 Tổng số người truy cập: 36 Số người online:
Phát triển:TNC