banner
Thứ 7, ngày 20 tháng 4 năm 2024
Kon Tum sơ kết 03 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
7-9-2018

Ảnh minh họa

Kon Tum là tỉnh miền núi vùng cao, biên giới, nằm ở phía bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 9.689,6 km2. Toàn tỉnh có 10 đơn vị hành chính, gồm: 1 thành phố KonTum và 9 huyện là: Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei, Sa Thầy, Tu Mơ Rông, Kon Rẫy, Kon Plông và Ia H’Drai. Tính đến năm 2017, dân số trung bình toàn tỉnh 520.048 người, có 28 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 53%, có 07 dân tộc ít người sinh sống lâu đời bao gồm: Xơ Đăng, Bana, Giẻ-Triêng, Gia Rai, Brâu và Rơ Măm và Hrê (Hre).

Trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta có nhiều chính sách cho vùng dân tộc và miền núi, hình thành hệ thống chính sách ngày càng toàn diện và đồng bộ với nguồn lực đầu tư ngày một nhiều hơn. Qua thực hiện nhiều chương trình, chính sách, đặc biệt là các Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư phù hợp đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội đặc thù cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2016-2018, với tổng nguồn vốn bố trí để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là 1.324.462 triệu đồng. Theo đó, các địa phương đã ưu tiên tập trung phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; các sở ngành, địa phương đã tập trung phân bổ nguồn lực để hỗ trợ thực hiện các nội dung, nhiệm vụ về quy hoạch xây dựng nông thôn mới; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; hỗ trợ phát triển giáo dục, y tế, đời sống văn hóa, cải thiện môi trường, giữ vững an ninh trật tự khu vực nông thôn; đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ đưa lao động xuất khẩu làm việc ở nước ngoài trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; thực hiện công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin, công tác nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo, tổ chức hoạt động tuyên truyền, giám sát đánh giá các chương trình.

Trong giai đoạn 2016-2018, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Kon Tum và sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong tổ chức, triển khai thực hiện các CTMTQG, đã tạo được sự chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo. Kết quả, (i) CTMTQG xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 13/86 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 05 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 22 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 43 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, còn 03 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Bình quân đạt 10,2 tiêu chí nông thôn mới/xã. (ii) CTMTQG giảm nghèo bền vững, việc triển khai thực hiện chương trình đã góp phần hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động; Tính đến cuối năm 2017, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 26.164 hộ, chiếm tỷ lệ 20,3% tổng số hộ dân toàn tỉnh; Tỷ lệ giảm hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) năm 2016 là 4,16%; năm 2017 là 4,05%, trong 02 năm, tổng số hộ thoát nghèo là 10.340 hộ; Tổng số hộ nghèo dân tộc thiểu số đến cuối năm 2017 là 24.236 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 36,21% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 5,1%/năm (từ 46,57% vào đầu năm 2016 xuống còn 36,21% vào cuối năm 2017), trong 2 năm, tổng số hộ thoát nghèo là 9.272 hộ; Thu nhập bình quân của hộ nghèo là 644 ngàn đồng/người/tháng; Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã đạt 71,6%; 86/86 xã đã có trạm y tế với cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân; 100% xã có bác sỹ; 100% thôn, làng có nhân viên y tế; 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến tháng 6/2018 đạt 89,63% dân số; 100% các huyện, thành phố có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân. Có 153 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 86,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm trên địa bàn; Công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động tiếp tục được quan tâm thực hiện. Trong hai năm 2016-2017, đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 4.358 lao động nông thôn; tạo việc làm cho 3.494 lao động thông qua chương trình việc làm, trong đó: Xuất khẩu lao động là 376 lao động, thông qua nguồn vốn vay giải quyết việc làm là 1.962 lao động, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp là 1.156 lao động; 100% hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương thông qua báo chí, các xuất bản phẩm và phương tiện truyền thông khác; Toàn tỉnh có 102/102 xã phường, thị trấn có đội ngũ cộng tác viên làm công tác giảm nghèo, trong đó khoảng 35% người đạt trình độ đại học, cao đẳng, 22% người đạt trình độ trung cấp.

Bên cạnh những kết qả đạt được, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia còn tồn tại khó khăn như: (i) Giai đoạn đầu của kế hoạch (2016-2017), các văn bản giao vốn, hướng dẫn, quy định thực hiện các CTMTQG của Trung ương chậm được ban hành như: Danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020); Danh sách thôn đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020; Danh sách xã, thôn đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 được phê duyệt có sự thay đổi so với năm 2016,… đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành, tiến độ xây dựng kế hoạch đầu tư năm 2016, 2017, đặc biệt ảnh hưởng đến tiến độ phân bổ kế hoạch vốn các năm đầu giai đoạn, công tác trình thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn cho các dự án khởi công mới... Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn của Trung ương về việc phân bổ vốn năm 2018 và thời hạn bố trí cho các huyện được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết 30a (Quyết định 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) chưa thống nhất, gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện năm 2018; (ii)Trong điều kiện địa hình khu vực nông thôn của tỉnh không thuận lợi, toàn tỉnh có 54/86 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020, 02 huyện nghèo (Tu Mơ Rông, Kon Plông), 01 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao (Ia H’Drai) do đó nhu cầu nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới và thực hiện các mục tiêu giảm nghèo là rất lớn, tuy nhiên việc huy động các nguồn lực khác ngoài ngân sách đầu tư trong thời gian qua còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó tình hình giá cả thị trường có nhiều biến động bất lợi, điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất, thu nhập của người dân, cũng như việc duy trì các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, thu nhập, hộ nghèo, môi trường. Ngoài ra, tâm lý người dân sợ thoát nghèo, còn ỷ lại các chính sách của nhà nước; áp dụng, chuyển giao khoa học công nghệ tiếp cận cho người dân còn yếu,… dẫn đến kết quả thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo chưa cao; (iii) Số hộ tái nghèo và số hộ nghèo phát sinh còn cao nguyên nhân do tách hộ, gia đình đông con, hộ không có lao động do lao động chính mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn giao thông/tai nạn lao động, hộ gia đình thuộc diện di dân tái định cư nhưng chưa được bố trí đất ở, thiệt hại tài sản do thiên tai, lũ lụt,…; (iv) Sự phối hợp giữa các địa phương và các cơ quan chủ chương trình chưa được chặt chẽ, đồng bộ; Các đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến báo cáo và đề xuất những tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ của từng chương trình, dự án; tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ theo đề cương, biểu mẫu hướng dẫn, báo cáo còn thiếu thông tin, thiếu nguồn vốn, dẫn đến khó khăn trong công tác tổng hợp báo cáo định kỳ cho UBND tỉnh, BCĐ các CTMTQG tỉnh.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia, trong thời gian đến Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia đề ra các giải pháp sau: (i) Tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác thông tin, truyền thông, công tác giáo dục chính trị tư tưởng để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trong các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, góp phần tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong triển khai thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh; (ii) Tăng cường công tác chỉ đạo từ cấp tỉnh đến các cấp huyện, xã thông qua chương trình công tác của BCĐ các CTMTQG các cấp nhằm bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và kịp thời giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện các CTMTQG trên địa bàn; (iii) Các cơ quan chủ trì CTMTQG, dự án thành phần thuộc chương trình (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Dân tộc) và các cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chủ động hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của từng chương trình, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của từng chương trình đặt ra trong kế hoạch năm 2018 và giai đoạn 2016-2020; hướng dẫn và triển khai tổ chức đánh giá tình hình thực hiện các CTMTQG trên địa bàn theo thời gian quy định; tăng cường công tác chỉ đạo, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ của từng chương trình; (iv) Các đơn vị, địa phương thực hiện các CTMTQG triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, dự án thành phần thuộc các CTMTQG; chú trọng hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn, hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, tạo sinh kế cho người nghèo. Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hiện hành của Trung ương, địa phương về nông nghiệp, nông thôn và giảm nghèo bền vững; (v) Trong xây dựng nông thôn mới, tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tiếp tục xây dựng, triển khai thực hiện các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, trước mắt tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật - công nghệ cao; tiếp tục củng cố, tổ chức lại sản xuất, phát triển hợp tác xã kiểu mới, hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012; phát triển ngành nghề nông thôn thông qua triển khai Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng lao động nông thôn thông qua đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp; (vi) Trong giảm nghèo bền vững, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ trợ hiệu quả cho hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng thiết yếu tại các huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu và thôn, làng đặc biệt khó khăn; tăng cường hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân trên địa bàn các xã; (vii) Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực thực hiện các CTMTQG. Tiếp tục đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện các CTMTQG theo hướng xã hội hóa; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn; Khai thác thế mạnh phát triển kinh tế của mỗi địa phương để gia tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tăng cường nguồn thu cho ngân sách địa phương từ quyền sử dụng đất thông qua rà soát xác định quỹ đất, tạo quỹ đất sạch để thực hiện đấu giá; Tăng cường huy động nguồn vốn từ cộng đồng và doanh nghiệp cho xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo; công khai các khoản đóng góp của dân theo nguyên tắc tự nguyện; (viii) Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định tại Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các CTMTQG, Quy chế và kế hoạch hoạt động của BCĐ các CTMTQG tỉnh.

Nguyễn Xuân Lộc

Số lượt xem:948
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3797839 Tổng số người truy cập: 26 Số người online:
Phát triển:TNC