banner
Thứ 3, ngày 19 tháng 3 năm 2024
Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2018
3-1-2019

Tham dự đoàn kiểm tra, giám sát có các sở, ban ngành: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trưởng đoàn), Sở Công thương (Phó trưởng đoàn) và các thành viên gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc tỉnh, Tỉnh đoàn và Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh.

Nhìn chung, qua kiểm tra, giám sát, tình hình triển khai thực hiện Đề án 1956 tại các huyện cho thấy đến nay hầu hết các địa phương đã tiến hành sát nhập trung tâm dạy nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện theo Quyết định của UBND tỉnh. Tuy nhiên do không bố trí đủ hoặc không có giáo viên cơ hữu nên chưa chủ động tổ chức thực hiện được chỉ tiêu được giao mà phải hợp đồng các nghệ nhân, kỹ sư có trình độ chuyên môn phù hợp với các nghề tham gia giảng dạy tại trung tâm.

Các Trung tâm dạy nghề đã chủ động tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề trên địa bàn 03 huyện với 1.050 người. Trong đó: nghề nông nghiệp có 900 người (các nghề đăng ký học gồm: nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò, chăm sóc cà phê vối, cạo mũ cao su, trồng chăm sóc cây bơ, chăm sóc cà phê catimo..); nghề phi nông nghiệp có 150 (các nghề đăng ký học: nề hoàn thiện, sửa chữa máy nông nghiệp...).

Bên cạnh đó, Hoạt động hỗ trợ lao động nông thôn học nghề trong năm 2018 tại 03 huyện với tổng số 937 người tham gia (nghề nông nghiệp: 778 người, phi nông nghiệp 109 người), kinh phí thực hiện 1.780 triệu đồng, đạt 94,03% kế hoạch giao.

Ngoài ra, trong năm 2018 Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 các huyện còn chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn với nhiều hình thức đa dạng thu hút hơn 3.500 người dân trên địa bàn tham gia; đăng 50 tin bài trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương; xây dựng pa nô, bảng điện tử của huyện, cổng thông tin điện tử của huyện... Tổ chức thực hiện tư vấn học nghề 50 lần với số lượng lao động được tư vấn học nghề là 1.200 người. Tổ chức các cuộc sinh hoạt gặp gỡ đối thoại trực tiếp với người nghèo, cận nghèo; sinh hoạt các chi, tổ hội các của đoàn thể… để nhân dân hiểu rõ vai trò quan trọng của công tác đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm nâng cao thu nhập trong sản xuất, để từ đó vận động nhân dân tham gia đăng ký học nghề.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hầu hết các huyện cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Đề án như: công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp chỉ tiêu đạt thấp và thường phải điều chỉnh giảm qua các năm. Nguyên nhân, một phần là do nhận thức của người dân chưa cao, công tác tư vấn học nghề chưa thực sự hiệu quả, sự tham gia của các cơ quan chuyên môn liên quan đến lĩnh vực đào tạo nghề phi nông nghiệp vẫn chưa tích cực. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở dạy nghề ở huyện còn thiếu giáo viên để có thể mở lớp. Ngoài ra, việc quy định số lượng học viên khi mở lớp cũng là trở ngại cho các học viên và cơ sở dạy nghề, vì số lượng học viên đăng ký rất thấp nên không đủ điều kiện để mở lớp theo quy định.

Trên cơ sở đề xuất kiến nghị của các địa phương, đơn vị; đoàn kiểm tra liên ngành số 03 kiến nghị Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 tỉnh: Chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện thuận lợi hơn để các hộ nông dân vay vốn phát triển kinh tế, thành lập các trang rại, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, tạo cơ hội về việc làm để phát huy hiệu quả học nghề, đặc biệt đối với người được đào tạo trình độ sơ cấp nghề; Nâng mức kinh phí thực hiện công tác tuyên truyền, tuyển sinh, điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề; Hàng năm mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên làm công tác dạy nghề; tăng cường công tác chỉ đạo nhằm mở rộng và nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực đào tạo nghề phi nông nghiệp trên địa bàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và ngành nghề ở khu vực nông thôn.

Nguyễn Thanh Hưng

Số lượt xem:1246
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3721078 Tổng số người truy cập: 41 Số người online:
Phát triển:TNC