banner
Thứ 7, ngày 20 tháng 4 năm 2024
Kết quả triển khai thực hiện chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn huyện Đăk Hà, giai đoạn 2014-2019
5-12-2019

Mô hình trồng cà phê vối ở huyện Đăk Hà, tỉnh KonTum

Huyện Đăk Hà nằm ở phía Bắc tỉnh Kon Tum, có tổng diện tích tự nhiên là 84.503,77 ha. Toàn huyện có 10 xã và 01 thị trấn, trong đó có 04 xã thuộc khu vực III, 04 xã thuộc khu vực II, 02 xã và 01 thị trấn thuộc khu vực I với 105 thôn, tổ dân phố (trong đó có 65 thôn, làng đồng bào DTTS). Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, toàn huyện có 74.366 người, trong đó người DTTS khoảng 37.400 người (chiếm 50,3%) với 18 thành phần dân tộc sinh sống, chủ yếu là dân tộc Kinh, Xê Đăng, Ba na, Thái, Tày, Giẻ - Triêng và các dân tộc khác.

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, sự điều hành của UBND các cấp, sự phối hợp tuyên truyền của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, sự nhiệt tình, đồng thuận tham gia đóng góp và thực hiện của nhân dân trên địa bàn, tình hình kinh tế - xã hội của huyện không ngừng phát triển, an ninh - chính trị luôn được giữ vững, ổn định; bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi; đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân từng bước được nâng cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 15 - 16%. Kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng hợp lý, bền vững; các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế được thử nghiệm và nhân rộng, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Trong đó, ưu tiên thu hút và phát huy vai trò của các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến gắn với xây dựng liên kết chuỗi giá trị và phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Hình thành vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao, xây dựng và công bố chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Đăk Hà. Đã xây dựng được 13 sản phẩm đặc trưng của 11 xã, thị trấn: Tiêu biểu có Măng le xã Đăk Pxy; nấm ăn, nấm dược liệu xã Đăk Hring; gạo thơm Đăk La; gà thả vườn Hà Mòn; cam, sầu riêng Ngọc Wang...; xây dựng cánh đồng lớn hình thành mới vùng chuyên canh lúa thơm 32 ha tại xã Đăk La, cho năng suất lúa đạt từ 85-90 tạ/ha... Tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đến nay trên 24 nghìn ha, tổng diện tích cây cà phê trên 9 nghìn ha, cây cao su trên 7 nghìn ha; thực hiện Nghị quyết 01-NQ/HU của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về thâm canh tăng năng suất cấy sắn trên địa bàn, hiện nay tổng diện tích thâm canh cây sắn đạt trên 494 ha/1.280 ha. Tổng đàn gia súc 25.548 con, gia cầm 193.410 con. Diện tích nuôi trồng thủy sản 217 ha, với tổng sản lượng trên 2 nghìn tấn.

Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện được quan tâm đúng mức, với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước hàng chục tỷ đồng, đặc biệt là phát động phong trào nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn. Giai đoạn 2014-2019, tổng ngân sách Nhà nước đã huy động bố trí thực hiện các chương trình dự án trên địa bàn huyện khoảng 70 tỷ đồng. Trong đó, đã thực hiện 27 công trình giao thông, duy tu bão dưỡng 34 công trình giáo dục, y tế, thủy lợi và nhiều công trình khác… Hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, phân bón, nông cơ, các vật dụng làm chuồng trại chăn nuôi với 16.613 lượt hộ được hưởng lợi; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho hơn 320 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 732 hộ… Tính đến nay, toàn huyện có 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 36,36% tổng số xã toàn huyện. Tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm khá nhanh, đến cuối năm 2018, toàn huyện còn 2.931 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 17,33% so với tổng số hộ trong toàn huyện. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giai đoạn 2015-2018 giảm 7,43%/năm; trong đó bình quân tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm 16,62%/năm. Tỷ lệ tái nghèo thấp, số hộ thoát nghèo hàng năm tăng, đời sống vật chất của nhân dân ngày càng nâng cao.

Cùng với phát triển kinh tế, huyện luôn chăm lo xây dựng và phát triển trên các lĩnh vực văn hoá - xã hội nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Hệ thống trường học, cơ sở vật chất được đầu tư đáp ứng nhu cầu dạy và học, toàn huyện có 25 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% thôn (làng) có lớp mầm non, tiểu học; 100% xã, thị trấn có trường THCS; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là cho người đồng bào DTTS luôn được quan tâm chú trọng, kết quả đã đào tạo nghề được cho 1.103 lao động là người DTTS trrên địa bàn. Hệ thống trường, lớp học tiếp tục được củng cố, mở rộng, tỷ lệ trường học kiên cố không ngừng được tăng lên. Nhiều chính sách dân tộc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được triển khai cho vùng DTTS đã và đang phát huy tác dụng, huy động hầu hết trẻ em trong độ tuổi đến trường. Mạng lưới y tế từng bước được sắp xếp theo hướng tinh gọn và hiệu quả. Chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sỹ ngày càng được nâng lên. Hạ tầng cơ sở và trang thiết bị khám, chữa bệnh được đầu tư, nâng cấp. 100% hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% trạm y tế xã, thị trấn có bác sỹ; 100% thôn, tổ dân phố có nhân viên y tế; thực hiện tốt các chương trình, chính sách y tế đối với người dân. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiêm phòng uốn ván, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ, hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người DTTS khi sinh con đúng chính sách dân số… được thực hiện  đầy đủ đã góp phần phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe người dân; đảm bảo thực hiện tốt việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em và cho cộng đồng DTTS trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao chuyển biến tốt. Đến cuối năm 2018, 100% xã, thị trấn, 105 thôn, làng, tổ dân phố có sân bóng đá, bóng chuyền; 59/65 thôn, làng đồng bào DTTS có nhà rông truyền thống; Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” luôn được quan tâm thực hiện tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, tính đến cuối năm 2018 toàn huyện có 13.696 hộ đạt và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”, chiếm tỷ lệ 81,4% tổng số hộ gia đình trên địa bàn huyện; 75/105 thôn, tổ dân phố đạt và giữ vững danh hiệu “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, chiếm 71,4% tổng số thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Toàn đảng bộ huyện có có 101 thôn, tổ dân phố có tổ chức đảng độc lập và 04 thôn có tổ chức đảng có đảng viên sinh hoạt ghép, không có thôn trắng đảng viên, trắng tổ chức đảng.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như sau:

Về cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS được quan tâm nhưng mức hỗ trợ, đầu tư thấp, chưa phù hợp với từng vùng, từng đối tượng nên chưa phát huy nhiều tác dụng trong việc nâng cao đời sống của đồng bào DTTS.

Công  tác  quản  lý,  chỉ  đạo,  điều  hành,  quản  lý tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu chưa giao về một đầu mối, gặp khó khăn nhiều trong công tác tham mưu, tổng hợp theo dõi, giám sát, báo cáo, giải quyết vướng mắc ở cơ sở.

Việc phân cấp cho địa phương thực hiện đầu tư còn gặp nhiều khó khăn nhất là một số đơn vị có năng lực tổ chức, điều hành thực hiện chương trình ở một số xã còn yếu, cập nhật văn bản chưa đảm bảo, cán bộ lãnh đạo luôn biến động, huy động nội lực trong cộng đồng dân cư còn thấp, một bộ phận nhân dân còn ỷ lại sự đầu tư của Nhà nước, chưa thật sự vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn huyện đến năm 2020 đạt kế hoạch đề ra, cần có một số giải pháp như sau:

Trên lĩnh vực kinh tế: Huy động và lồng ghép có hiệu quả từ các nguồn vốn của các Chương trình, dự án để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng phục vụ sản xuất nâng cao đời sống nhân dân vùng dân tộc và miền núi. Tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ hợp pháp khác trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe người dân và chất lượng nguồn nhân lực. Huy động đầu tư các thành phần kinh tế vào vùng đồng bào dân tộc và miền núi nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; Triển  khai  thực  hiện  tốt  Chương  trình  MTQG  giảm  nghèo  bền  vững và Chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020, định hướng đến năm 2025 và các năm tiếp theo.

Trên lĩnh vực văn hoá - xã hội: Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là vùng đồng bào DTTS. Đề ra giải pháp thiết thực để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển giáo dục Quốc gia, các Đề án, Nghị quyết của HĐND tỉnh về giáo dục. Nâng cao chất lượng phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Triển khai kế hoạch phổ cập giáo dục trung học phổ thông gắn phổ cập nghề, nâng chất lượng nguồn lao động của huyện. Nâng cao chất lượng lao động người đồng bào DTTS. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân và y đức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y tế. Tăng thời lượng và nâng cao chất lượng truyền thanh, truyền hình. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ về tín dụng, y tế, giáo dục đào tạo đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Củng cố và tăng cường giữ vững QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị: Tiếp tục giữ vững tình hình an ninh chính trị; kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, các hành vi vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội. Thực hiện tốt Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, đấu tranh ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng vấn đề tôn giáo để gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chủ động phát hiện, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, vi phạm lâm luật. Không  ngừng nâng cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc của các thế lực thù địch; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Về phát huy sứcmạnh khối đại đoàn kết dân tộc: Các cấp, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong việc hỗ trợ phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với các thôn, làng vùng DTTS theo tinh thần Nghị quyết số 04 ngày 19/8/2016 của Tỉnh ủy Kon Tum khóa XV về tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới.

Nguyễn Thanh Hưng

Số lượt xem:1053
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3798061 Tổng số người truy cập: 26 Số người online:
Phát triển:TNC