banner
Thứ 6, ngày 29 tháng 3 năm 2024
Kết quả thực hiện duy trì Mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ bình đẳng giới tại xã Mô rai giai đoạn 2016-2020
21-10-2020

Thực hiện Luật Bình đẳng giới; các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về công tác Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) và thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới (BĐG), Tỉnh ủy và Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo đến công tác BĐG và VSTBCPN, xem đây là nội dung quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để tiếp tục thực hiện các hoạt động duy trì mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ bình đẳng giới theo Quyết định số 245/QĐ-UBDT ngày 27 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt 30 xã thực hiện mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ bình đẳng giới; từ năm 2016 đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Kon Tum, Ban Dân tộc được giao chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND Xã Mô Rai và các đơn vị liên quan tiếp tục duy trì triển khai thực hiện mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ BĐG tại Làng Xộp (dân tộc Gia Rai) và Làng Le (dân tộc Rơ Măm), xã Mô Rai, huyện Sa Thầy.

Trên cơ sở các văn bản Hướng dẫn của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc đã chủ động quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BĐG tại xã, kiện toàn Tổ tư vấn cố định thực hiện duy trì mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ bình đẳng giới tại Làng Le và Làng Xộp xã  Mô  Rai. Tại mỗi làng thành lập 01 tổ tư vấn, mỗi tổ gồm 04 thành viên là cán bộ thôn, làng (bao gồm Già làng - người uy tín, trưởng thôn, Bí thư chi bộ, cán bộ phụ nữ thôn) và thông báo công khai cho người dân biết danh sách tổ tư vấn và các nội dung tư vấn để nhân dân biết đến tư vấn. Tổ tư vấn cố định có nhiệm vụ thông tin, hỗ trợ kiến thức về bình đẳng giới cho người dân tại làng Le, làng Xộp trên cơ sở Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới và các vấn đề liên quan đến Bình đẳng giới; Chủ động ngăn chặn kịp thời các vụ bạo lực trên cơ sở giới; bảo vệ cao nhất có thể về sự an toàn về sức khỏe, tính mạng cho nạn nhân ở thôn, làng; Tư vấn, hòa giải và can thiệp kịp thời cho các gia đình, cá nhân xảy ra bạo lực, có nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết  và các vụ việc liên quan đến bất bình đẳng giới; tổ chức các hoạt động hòa giải, tổ chức góp ý, phê bình tại cộng đồng dân cư đối với các gia đình, đối tượng gây bất bình đẳng giới....

Qua 4 năm triển khai thực hiện mô hình bước đầu đã đạt được kết quả nhất định; kết quả thực hiện Mô hình cho thấy, nhận thức về bình đẳng giới của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã có nhiều thay đổi tích cực. Các hoạt động của mô hình đều có sự tham gia của cả nam và nữ nên có điều kiện cho mọi người thay đổi về hành vi về bình đẳng giới. Thông qua các hoạt động của mô hình đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong việc nâng cao nhận thức, tư tưởng của chị em phụ nữ, đặc biệt là nhận thức về Luật bình đẳng giới, sự quan tâm chia sẻ và cách ứng xử của phụ nữ và trẻ em gái trong mỗi gia đình, tại 02 làng (Làng le, Làng Xộp); vị trí vai trò của phụ nữ trên các lĩnh vực từng bước được cải thiện; Các phong trào được chị em phụ nữ tích cực tham gia, hưởng ứng và tổ chức đảm bảo thiết thực, gần gũi, có hiệu quả được chị em phụ nữ đồng tình ủng hộ từ đó chị em đã nâng cao nhận thức trình độ năng lực, phát huy tài năng trong công cuộc thực hiện CNH-HĐH đất nước.

Từ năm 2016 đến nay, thông qua hình thức tập huấn, tọa đàm, hội nghị trao đổi, rút kinh nghiệm, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề; lồng ghép các nội dung tuyên truyền;  cung cấp thông tin địa điểm tư vấn cố định, thành phần tổ tư vấn, tư vấn pháp luật, chính sách BĐG, bạo lực gia đình, vi phạm trong hôn nhân, gia đình; tư vấn, hòa giải cho các hộ gia đình khi có vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày, tuyên truyền về vai trò, vị trí của phụ nữ, về hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình, hướng dẫn cách làm ăn để phát triển kinh tế gia đình, kết quả thực hiện với 268 người tham gia; Thực hiện lắp đặt các panô, khẩu hiệu, áp phích, băng rôn tại trụ sở UBND xã, thôn, chiếu phim,…. Các hoạt động của mô hình đã đến được với vùng sâu, vùng xa, người dân ở 2 làng thực hiện mô hình nói riêng và người dân trên địa bàn xã nói chung, từng bước nâng cao nhận thức trong nhân dân, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ xã, các già làng, trưởng thôn, người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó góp phần vào việc thực hiện tốt công tác bình đẳng giới tại xã vùng sâu vùng xa, vùng ĐBKK.

Đạt được kết quả như trên là do Đảng, Nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách đến công tác phụ nữ như Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của bộ chính trị, Luật bình đẳng giới, … Cấp ủy, chính quyền đã quan tâm chỉ đạo tuyên truyền cho nhân dân để nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác bình đẳng giới; qua đó rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Việc triển khai thực hiện mô hình đã góp phần thực hiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới từ đó nâng cao nhận thức trong nhân dân, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ xã, trưởng thôn, người có uy tín, cán bộ hội đoàn thể trong thôn ở địa bàn thực hiện mô hình. Vì vậy việc tổ chức thực hiện mô hình về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới là phù hợp và thiết thực đối với vùng dân tộc thiểu số.

Sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Cấp ủy đảng, Chính quyền các cấp, sự phối hợp đồng bộ của các sở, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ.

Tổ tư vấn được kiện toàn, các hoạt động hòa giải, tổ chức góp ý, phê bình tại cộng đồng dân cư đối với các gia đình, đối tượng gây bất bình đẳng giới đã kịp thời ngăn chặn các vụ việc liên quan đến bất bình đẳng giới, các vụ việc xảy ra bạo lực gia đình, các mâu thuẫn của các thành viên trong gia đình, các vấn đề về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn thôn, làng cũng được thuyên giảm. Tổ tư vấn cố định hầu hết là cán bộ thôn vì vậy rất am hiểu về phong tục tập quán của người dân tại chỗ cũng như nắm bắt được tình hình về bình đẳng giới để từ đó có biện pháp tuyên truyền,tư vấn phù hợp; mặt khác, ngoài việc tuyên truyền và tư vấn riêng của mô hình, các thành viên còn biết lồng ghép nội dung này trong các cuộc họp thôn.

Việc tuyên truyền bằng trực quan sinh động như: Pa Nô, áp phích, băng rôn, tờ rơi với chủ đề về bình đẳng giới tại những nơi công cộng với hình ảnh đẹp, chữ to làm kích thích được tính tò mò của người dân, hàng ngày nhân dân đều nhìn thấy, đọc được và tìm hiểu. Vì vậy, thông điệp “bình đẳng giới” đã đến được với vùng sâu vùng xa.

Phát huy hơn nữa vai trò của Già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trong việc tư vấn, hòa giải, giải quyết các tranh chấp, các tình huống bất bình đẳng giới xảy ra tại địa phương (để làm được điều đó cần sự quan tâm hơn nữa đến việc tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho Già làng, người có uy tín…).

Rơ Châm Lê

Số lượt xem:1926
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3743798 Tổng số người truy cập: 71 Số người online:
Phát triển:TNC