banner
Thứ 6, ngày 29 tháng 3 năm 2024
Kết quả thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Đăk Tô
19-8-2021

Huyện Đăk Tô nằm ở phía Bắc tỉnh Kon Tum, cách trung tâm hành chính tỉnh Kon Tum khoảng 42 km. Trong thời gian qua, nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện đã có chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thay đổi bộ mặt nông thôn nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn huyện.

Mô hình trồng cây cà phê ở huyện Đăk Tô

Trong những năm qua việc thực hiện các chương trình, chính sách, dự án về phát triển kinh tế - xã hội đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp quan tâm chỉ đạo qua đó đã tạo được sự đồng thuận lớn trong nhân dân nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhận thức của nhân dân trên địa bàn đã có sự chuyển biến đáng kể, biết phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo. Nhiều chương trình, dự án đã được lồng ghép, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống nhân dân được cải thiện, nâng lên rõ rệt, thay đổi được căn bản trong tập quán sản xuất lạc hậu, biết tính toán, lựa chọn những loại hình sản xuất phù hợp với điều kiện hộ gia đình gắn với yếu tố thị trường và điều kiện tự nhiên tại địa phương, mạnh dạn trong việc ứng dụng giống mới vào sản xuất, dần tiếp cận được với các dịch vụ kỹ thuật, khắc phục tình trạng sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, chuyển sang sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của nhân dân, góp phần giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thông qua việc triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 12,26% năm 2016 giảm xuống còn 7,14% năm 2020; Tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động người dân tộc thiểu số qua bồi dưỡng, đào tạo năm 2020 ước đạt trên 44,6%; Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội trên địa bàn huyện được đầu tư tương đối đồng bộ, đến nay 100% số xã có đường ô tô được nhựa hóa đến trung tâm xã; huyện đã cơ bản xóa được phòng học tạm bợ; 100% số thôn, làng đã được sử dụng điện lưới quốc gia; Công tác quản lý, tu bổ, các điểm có tiềm năng phát triển du lịch, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn được chú trọng, quan tâm công tác khôi phục, bảo tồn các di sản, phục dựng một số lễ hội truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn. Chỉ đạo củng cố, đầu tư mở rộng mạng lưới truyền thanh ở cơ sở, nâng cấp hệ thống truyền thanh, truyền hình; Chất lượng phổ cập giáo dục giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập trung học cơ sở tiếp tục được củng cố và nâng cao. Chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số có chuyển biến tích cực. Quan tâm sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường, lớp học gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đến nay tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố đạt trên 99,8%, có 27/34 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 79,41% (tăng 25,36% so với đầu năm 2016); Có 9/9 trạm y tế có bác sỹ, bình quân có 6,2 bác sỹ/một vạn dân và 40 giường bệnh/một vạn dân; 100% trạm y tế xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế cuối năm 2020 đạt 91%. Công tác dân số, gia đình, trẻ em được triển khai tích cực và đạt kết quả; 100% thôn, làng, khối phố có nhà sinh hoạt văn hóa, các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Bên cạnh những mặt đã đạt được trong thời gian qua và để thực hiện hiệu quả trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để cán bộ và quần chúng nhân dân các dân tộc nhận thức sâu sắc quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước nhất là công tác dân tộc, chính sách về dân tộc góp phần lớn trong thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc; Tập trung đầu tư phát triển có chọn lọc các ngành công nghiệp chế biến có lợi thế về nguyên liệu của huyện phù hợp với nhu cầu thị trường và đảm bảo yêu cầu về môi trường. Khuyến khích phát triển các ngành nghề truyền thống nhằm giải quyết lao động nông nhàn và tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực chế biến nông sản; đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư thu mua, chế biến các hàng nông sản, từ đó đã tạo thêm nhiều việc làm cho lao động trên địa bàn huyện, hạn chế tình trạng bán nông sản non, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; Tăng cường đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức trong công tác tuyên truyền phổ biến chính sách để mọi người dân kịp thời nắm bắt, hiểu biết và tạo được sự đồng thuận lớn trong nhân dân. Qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số để có cơ sở đề xuất nội dung đầu tư hỗ trợ phù hợp, hiệu quả; Tiếp tục phát huy vai trò, tầm quan trọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong thời gian tới./.

Nguyễn Xuân Lộc

Số lượt xem:1723
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3743618 Tổng số người truy cập: 29 Số người online:
Phát triển:TNC