banner
Thứ 3, ngày 19 tháng 3 năm 2024
Kết quả thực hiện Chương trình 135 năm 2018 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
29-3-2019

Nghề trồng sâm không chỉ mang lại kinh tế mà còn giúp bảo vệ rừng. Ảnh: Tiến Hùng

Trong năm qua việc triển khai thực hiện Chương trình luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Hỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp, sự phối hợp tuyên truyền của mặt trận, các đoàn thể, sự nhiệt tình, đồng thuận tham gia đóng góp và thực hiện của nhân dân trên địa bàn, Chương trình 135 ở tỉnh đã đạt được một số kết quả khá tốt, cơ sở hạ tầng được bổ sung, hoàn thiện thêm, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bộ mặt nông thôn miền núi, vùng cao có nhiều thay đổi; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện đáng kể; năng lực cán bộ ở cơ sở và nhận thức của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Trong năm trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mới khoảng 112 công trình các loại như công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, giáo dục, nước sinh hoạt..., đồng thời tiến hành duy tu sửa chữa công trình sau đầu tư. Các công trình xây dựng hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tốt, kịp thời phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân vùng sâu vùng xa vùng đặc biệt khó khăn.

Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã đầu tư hỗ trợ giống cây trồng như cao su, cà phê, cây dược liệu..., gia súc, gia cầm; hỗ trợ làm chuồng trại; vật tư phân bón, thuốc BVTV; hỗ trợ máy, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất cho 4.548 lượt hộ thụ hưởng; tổ chức lớp bồi dưỡng, tập huấn đồng thời xây dựng các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho các hộ và nhóm hộ. Qua triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc được tiếp cận với giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt góp phần tăng năng suất, sản lượng và tăng thu nhập cho người dân; quy mô sản xuất được mở rộng.

Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở đã được quan tâm; tỉnh đã tổ chức 20 Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho 1.983 đối tượng cộng đồng, cán bộ cơ sở và tổ chức cho 40 đại biểu đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh phía Bắc. Qua đợt tập huấn, nâng cao năng lực đã góp phần từng bước góp phần nâng cao trình độ, năng lực quản lý, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ cấp xã về cơ chế quản lý Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 và các chương trình, chính sách dân tộc đang triển khai thực hiện tại địa phương; Đối tượng cộng đồng phát huy hơn nữa vai trò, vị trí, nhiệm vụ của mình trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, là tiền đề tiếp tục phát huy hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, nhất là nguồn nhân lực trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu.

Thông qua việc thực hiện Chương trình 135 đã góp phần vào giảm tỷ lệ nghèo của tỉnh từ 20,3% năm 2017 xuống còn 17,29% năm 2018; Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 34,77 triệu đồng năm 2017 lên 37,49 triệu đồng năm 2018; Hệ thống trường, lớp học được đầu tư nâng cấp, sửa chữa kịp thời; Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, trong đó, chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số được cải thiện. Tổng số học sinh các cấp ra lớp năm học 2018-2019 đạt 155.271 em. Công tác dạy học và chăm sóc, giáo dục trẻ được đổi mới. Tỷ lệ thí sinh được công nhận tốt nghiệp kỳ thi quốc gia THPT năm 2018 đạt 95,87%, tăng 1,13% so với năm 2017; hệ thống công trình vệ sinh, nước sạch cơ bản đảm bảo đáp ứng yêu cầu; tổng số lao động được tạo việc làm thông qua chương trình việc làm là 1.840 người; Mạng lưới y tế từng bước được sắp xếp theo hướng tinh gọn và hiệu quả hơn. Chất lượng khám chữa bệnh tiếp tục được nâng lên; Hệ thống công nghệ thông tin ngày càng được hoàn thiện, mở rộng và phát huy hiệu quả; chất lượng dịch vụ bưu chính, viễn thông được nâng cao; phát thanh, truyền hình ngày càng đa dạng về loại hình và phong phú nội dung, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân; chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Có 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Có thể nói, việc thực hiện các chương trình, chính sách được đầu tư đã góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khoảng cách giữa các vùng trên địa bàn tỉnh đã dần được thu hẹp, các dân tộc đoàn kết, gắn bó trong quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh ngày càng giàu đẹp./.

Nguyễn Xuân Lộc

Số lượt xem:1481
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3720862 Tổng số người truy cập: 30 Số người online:
Phát triển:TNC