banner
Thứ 6, ngày 26 tháng 4 năm 2024
Kết quả giám sát thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh
31-8-2020

Thực hiện chương trình giám sát, khảo sát năm 2020, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Kon Tum đã tổ chức giám sát trực tiếp tại 8 xã, thị trấn thuộc 4 huyện, thành phố (Kon Plông, Đăk Hà, Sa Thầy, thành phố Kon Tum), nghiên cứu báo cáo tại các huyện còn lại, làm việc với cơ quan Ban Dân tộc tỉnh, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 -2020.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh Kon Tum đã tiến hành giám sát trực tiếp và giám sát qua nghiên cứu báo cáo của UBND các xã và các cơ quan đơn vị liên quan cho thấy: trong giai đoạn 2017-2020, thực hiện chính sách theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg tỉnh Kon Tum có tổng số 5.681 lượt hỗ trợ các nội dung. Trong đó: hỗ trợ đất ở cho 1.088 hộ/2.394 hộ, đạt 45,4% Đề án, với tổng diện tích 31,84 ha; hỗ trợ đất sản xuất cho 82 hộ/795 hộ, đạt 10,3%  Đề án, với tổng diện tích 23,84 ha; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 739 hộ/5.992 hộ, đạt 12,3% Đề án; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 3.772 hộ/11.188 hộ, đạt 33,7% Đề án; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho 1.208 lượt hộ với tổng kinh phí 43.306 triệu đồng.

Qua giám sát thực tế tại các địa phương việc triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Hỗ trợ đất ở (san đất tạo nền nhà) đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo có thêm kinh phí làm nhà và từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán bằng các hình thức như: cấp bồn nước, ống dẫn nước, nạo vét giếng… đã từng bước góp phần cho người dân chủ động hơn về nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh và nâng cao về sức khỏe. Hỗ trợ đất sản xuất đã tạo điều kiện cho người dân có diện tích đất để tăng gia sản xuất giảm bớt khó khăn về tình trạng thiếu lương thực, giải quyết một phần tình trạng thiếu đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Với kinh phí Ngân sách nhà nước hỗ trợ là 5 triệu đồng/hộ và vốn vay ưu đãi nội dung hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề các hộ dân đã đầu tư vào hoạt động sản xuất, chăn nuôi và phục vụ phát triển trồng trọt như: trồng cây cao su, bời lời, cà phê, chăn nuôi bò cái, dê cái sinh sản; mua máy móc, nông cụ phát triển sản xuất… từ đó giúp người nghèo tự lực, vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo và hạn chế được tình trạng trông chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Nguồn vốn vay tín dụng đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận được nguồn vay lãi suất thấp để phát triển sản xuất và các hộ vay đã sử dụng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại chưa phát sinh hộ vay phải gia hạn nợ và chưa phát sinh xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan.

Tổng kinh phí thực hiện các nội dung trên là 53,275 tỷ đồng/67,682 tỷ đồng, đạt 78,5% so với kế hoạch vốn giao. Trong đó ngân sách trung ương là 8,727 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch giao; ngân sách địa phương (hỗ trợ san đất tạo nền nhà) là 1,240 tỷ đồng, đạt 97,33% kế hoạch; vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội là 43,306 tỷ đồng, đạt 75,32% kế hoạch giao.

Qua kết quả giám sát, có thể thấy rằng công tác tuyên truyền, phổ biến Quyết định 2085 đã được các cấp, các ngành từ cấp tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai tổ chức thực hiện, từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách và tạo sự đồng thuận của người dân. Công tác xét duyệt đối tượng được thụ hưởng công khai, dân chủ đến tận thôn, làng, đảm bảo các bước theo quy trình, đúng đối tượng thụ hưởng và nội dung phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương. Quá trình triển khai thực hiện luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị có liên quan và các địa phương từ khi triển khai rà soát nhu cầu xây dựng đề án đến khi triển khai thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm thực hiện, từ đó đã kịp thời hướng dẫn, thảo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện ở cơ sở. Qua kiểm tra, giám sát của Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng vốn sai mục đích phải thu hồi vốn trước hạn.

Bên cạnh kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như sau:

Công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện chính sách dân tộc có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, một số người dân khi được hỏi có lúc không biết mình được thụ hưởng từ chương trình, chính sách nào; một số hộ dân chưa mạnh dạn vay vốn để phát triển sản xuất.

Đề án của các huyện, thành phố xây dựng chưa sát thực tế; một số hộ được thụ hưởng chính sách nhưng đang còn dự nợ chương trình cho vay hộ nghèo ở mức tối đa; việc phê duyệt danh sách chi tiết hộ gia đình được hưởng chính sách hỗ trợ và đăng ký vay vốn còn chậm.

Tiến độ triển khai thực hiện quyết định 2085 chậm, quá trình triển khai các nội dung không đồng bộ, đạt thấp so với đề án được phê duyệt, có huyện chưa triển khai nội dung như huyện Sa Thầy (hỗ trợ san gạt đất ở), huyện Kon Rẫy (hỗ trợ san gạt đất ở, hỗ trợ đất sản xuất, hõ trợ chuyển đổi ngành nghề).

Một số huyện như Sa Thầy, Kon Rẫy chưa cân đối, bố trí được nguồn kinh phí hỗ trợ đất ở (san đất tạo nền nhà) để đảm bảo hoàn thành mục tiêu về đất ở theo đề án; chưa bố trí kinh phí cho Phòng Dân tộc huyện để thực hiện việc rà soát, xác định đối tượng ở cơ sở và kinh phí quản lý trong quá trình kiểm tra, giám sát theo các quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh làm phần nào ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả của Đề án.

Hộ nghèo ở các địa phương có sự thay đổi, biến động theo từng năm, do vậy danh sách phê duyệt đề án đến khi thực hiện không còn phù hợp. Bên cạnh đó, nhu cầu nguồn vốn để thực hiện Đề án lớn (57,695 tỷ) nhưng nguồn vốn trung ương hỗ trợ phân bổ còn ít, chậm (12,73 tỷ, đạt 22,06% nhu cầu đề án).

Từ kết quả giám sát, Ban Dân tộc, HĐND tỉnh kiến nghị đề xuất như sau:

Sau khi Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết 88/2019/QH14 năm 2019, Trung ương quan tâm bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn vốn theo nhu cầu của Đề án để địa phương chủ động triển khai thực hiện đồng bộ giữa nguồn vốn hỗ trợ với nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án.

Tăng cường tuyên truyền, nhất là về vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội để các đối tượng thụ hưởng nắm và hiểu rõ ý nghĩa, mục tiêu của chính sách. Chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện Đề án trên địa bàn toàn tỉnh để kịp thời phát hiện những hạn chế và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.

Rà soát lại tất cả các hộ dân khai hoang đất sản xuất nhưng do thủ tục chậm chưa được nhận hỗ trợ để có hướng giải quyết cho phù hợp không để người dân bị thiệt. Cân đối, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ đất ở (san đất tạo nền nhà) để đảm bảo hoàn thành mục tiêu về nội dung đất ở theo Đề án; bố trí kinh phí quản lý cho cơ quan thường trực cấp huyện để tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

Nguyễn Thanh Hưng

Số lượt xem:1998
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3816044 Tổng số người truy cập: 37 Số người online:
Phát triển:TNC