banner
Thứ 6, ngày 26 tháng 4 năm 2024
Xã Đăk Ui, Huyện Đăk Hà thực hiện tốt công tác giảm nghèo trên địa bàn
28-2-2020

Đăk Ui là xã vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Đăk Hà, với tổng diện tích tự nhiên của xã là 26.737,24 ha, có 11 thôn, với 1.317 hộ, 6.130 khẩu, trong đó đồng bào DTTS là 1.014 hộ, 5.072  nhân khẩu; chiếm 77% dân số toàn xã. Số hộ nghèo toàn xã năm 2019 còn 291 hộ, chiếm tỷ lệ 22,1%; số hộ cận nghèo 182 hộ, chiếm tỷ lệ 13,08%.

Là một trong 3 xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Đăk Hà thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ, với đặc thù địa phương là điểm xuất phát thấp; đường sá xa xôi cách trở, giao thông đi lại khó khăn; đa số người dân sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, phong tục tập quán lạc hậu còn phổ biến, trình độ nhận thức cũng như dân trí còn thấp; người dân còn thụ động, chưa biết cách làm ăn, chưa biết vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; người dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, thiếu ý chí vượt khó, vươn lên. Sản xuất nông nghiệp của xã nhà còn manh mún, phương thức sản xuất, tập quán canh tác của người dân (đặc biệt là người DTTS) còn lạc hậu, chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên. Công tác vận động, tuyên truyền chuyển đổi phương thức sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho miền núi, đối với vùng đồng bào DTTS với các chương trình lớn như: Hỗ trợ sản xuất cho xã đặc biệt khó khăn, Chương trình 135, Quyết định 2085, các chính sách ưu đãi, giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, dân sinh...Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân trong xã luôn giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm vượt qua khó khăn thử thách, đề ra các giải pháp để tập trung nâng cao năng lực sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể vững mạnh, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương. Để tổ chức huy động nguồn lực và thực hiện các chỉ tiêu, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả về công tác giảm nghèo trên địa bàn xã, Đảng ủy - UBND xã đã tập trung, lãnh đạo, chỉ đạo; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình đầu tư trên địa bàn; thường xuyên vận động nhân dân tham gia sản xuất, phát triển các hình thức chăn nuôi, trồng rừng, phát triển các mô hình vườn rừng, vườn nhà, để cải thiện đời sống, phát triển kinh tế hộ gia đình; đề xuất với cấp trên hỗ trợ các công cụ sản xuất, cây giống, con vật nuôi đến với hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Đường bê tông hóa tại thôn 1B (làng Tăm Mơ Năng, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà)

Chính quyền xã đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, trên địa bàn xã Đăk Ui có 1.439ha cây trồng hàng năm (lúa, mì, bắp), 605ha cây trồng lâu năm (cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn trái); tổng đàn gia súc 3.597 con (trâu, bò, heo, dê); gia cầm trên 11 nghìn con; diện tích nuôi cá tại các hộ gia đình 6,4ha; diện tích nuôi thủy sản tại lòng hồ Đăk Prông 50ha. Địa phương hiện có 3 khu sản xuất nông nghiệp tập trung là Đăk Mát, Đăk Xe, Đăk Peng với tổng diện tích 2.200ha. Thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm. Trên địa bàn xã Đăk Ui có 94,5% hộ gia đình có nhà ở kiên cố, 100% đường liên xã đạt chuẩn, trên 70% đường liên thôn đạt chuẩn, gần 80% đường ngõ, xóm đạt chuẩn; 9/11 thôn đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa, 11/11 thôn của xã có nhà văn hóa và sân thể thao, 848 hộ đạt hộ gia đình văn hóa; 2/4 trường học đạt chuẩn quốc gia; hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu tưới chủ động cho diện tích gieo trồng với 17,3km; trạm y tế được xây mới, tổng số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%...Chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho giống cây trồng, con vật nuôi; thâm canh tăng năng suất. Chú trọng công tác thủy lợi, nhờ đó sản lượng lương thực hằng năm đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch; chăn nuôi có phát triển; công tác  giao khoán quản lý, bảo vệ rừng được chú trọng; hạn chế được tình trạng phát rừng làm nương rẫy trái phép. Tiếp tục ổn định định canh, định cư gắn với địa bàn sản xuất; cơ sở hạ tầng được Nhà nước đầu tư xây dựng.

Các chương trình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất 135 được tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tốt. Nhiều chương trình vay vốn sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm cho nhân dân được quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện để nhân dân ổn định đời sống. Thu chi ngân sách hằng năm đạt chỉ tiêu huyện giao và chỉ tiêu phấn đấu của xã. Bên cạnh đó, Công tác xuất khẩu lao động được quan tâm, đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tư vấn và đưa 15 người tham gia xuất khẩu lao động nước ngoài.

Từ những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo trên địa xã đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Trong bốn năm qua tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đã giảm được gần 24,71% (từ 46,81% năm 2015 giảm xuống còn 22,1% năm 2019), đạt kế hoạch UBND huyện giao.

Tuy nhiên, những kết quả đó vẫn chưa đủ để Đăk Ui thoát khỏi một xã đặc biệt khó khăn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu thốn, lạc hậu, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao 22,10%; nguồn thu ngân sách phát sinh trên địa bàn khó khăn, trình độ năng lực đội ngũ cán bộ, đảng viên còn có mặt hạn chế. Bên cạnh đó thời tiết thất thường, thiên tai thường xuyên xảy ra đã làm hạn chế đến việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết Đại hội đảng bộ xã.

          Để triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách góp phần phát triển kinh tế- xã hội gắn với giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã Đăk Ui trong thời gian đến cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, cấp ủy, chính quyền cần làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách dân tộc nói chung, công tác giảm nghèo nói riêng đến với mọi người dân, quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Ngân sách Trung ương  hỗ trợ để tập trung cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS cũng như phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; tạo được sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân luôn tin tưởng vào Đảng, Nhà nước; sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ, đóng góp sức người, sức của; phấn đấu làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững, thông qua đó, an ninh chính trị, trật tự - xã hội cũng được giữ vững.

Hai là, phát huy tốt vai trò của các vị chức sắc, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, các mô hình, điển hình hộ gia đình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, xác định đây là lực lượng tiêu biểu nòng cốt trong công tác tuyên tuyền, vận động để đồng bào DTTS nghe theo, làm theo. Thực hiện tốt công tác dân vận, thường xuyên đi sâu tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của đồng bào DTTS, từ đó đề xuất, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng thiết thực của người dân.

Ba là, tập trung nguồn lực cho vùng DTTS, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào DTTS. Tiếp tục mở các lớp tập huấn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm chuyển đổi và nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi góp phần từng bước nâng cao thu nhập người dân trên địa bàn. Tăng cường thêm các nguồn vốn vay ưu đãi không lãi suất hoặc lãi suất thấp như vay hỗ trợ sản xuất, vay giải quyết việc làm, định mức vay cho mỗi hộ cần tăng lên để có thêm điều kiện mở rộng sản xuất, tăng thu nhập phát triển kinh tế gia đình.

Bốn là, có cơ chế chính sách để khuyến khích việc thành lập Hợp tác xã, Tổ hợp tác theo hình thức liên kết giữa Nhà nước và tư nhân để làm nơi tập hợp người dân tổ chức phân công sản xuất, bao tiêu nông sản làm ra, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.

Năm là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh, nắm bắt mọi diễn biến, tình hình, kịp thời phát hiện ngăn chặn và chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, ý thức chấp hành pháp luật, phát huy dân chủ cơ sở, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự ở vùng dân tộc và miền núi.

Nguyễn Thanh Hưng

Số lượt xem:1752
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3816594 Tổng số người truy cập: 57 Số người online:
Phát triển:TNC