banner
Thứ 6, ngày 29 tháng 3 năm 2024
Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum
21-4-2020

Đường giao thôn nông thôn xã Diên Bình được bê tông hóa

Khởi đầu với xuất phát điểm rất thấp, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh mới chỉ có 10,804 triệu đồng/người/năm. Với sự quyết tâm chính trị cao, sau gần 10 năm triển khai thực hiện chương trình, tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, như:

Về hạ tầng kinh tế - xã hội (đường giao thông, điện, trường học, tạm y tế, nước sinh hoạt...) tiếp tục được các địa phương chú trọng ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, bước đầu cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất, nhu cầu đời sống người dân. Cụ thể như đã đầu tư xây dựng, nâng cấp trên 1.600 km đường giao thông thông thôn, xây dựng và sửa chữa 149 công trình thủy lợi, kiên cố hóa 50 km kênh mương nội đồng, 100% xã có điện lưới quốc gia, xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp cho 190 trường học các cấp, xây dựng mới 27 nhà văn hóa xã, xây mới và sửa chữa 340 nhà văn hóa thôn, 298 khu thể thao thôn...góp phần nâng cao điều kiện sống người dân tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập người dân; hệ thống trường lớp được chú trọng đầu tư khang trang và nâng cấp đầu tư thiết bị dạy học đặc biệt là các điểm trường lẻ đã được ưu tiên đầu tư,góp phần bảo đảm tốt điều kiện học tập cho con em; Nhà văn hóa, khu thể thao xã, thôn đã được quan tâm đầu tư và đã thực sự trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thể thao, thu hút nhiều người dân tham gia (với 45/86 xã có nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, khu thể thao xã); Trạm y tế xã đã được ưu tiên đầu tư xây dựng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Phát triển sản xuất và đổi mới hình thức sản xuất gắn với tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã được tập trung chỉ đạo thực hiện theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững nâng cao lợi thế cạnh tranh các sản phẩm cụ thể đã chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng từ một số loại cây có giá trị thấp như mì, ngô, lúa...sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả, cây công nghiệp (bơ, sầu riêng, cà phê, cao su...), hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung như vùng cà phê xứ lạnh Đông trường Sơn ở các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei, vùng sản xuất rau hoa củ xứ lạnh tại huyện Kon Plông, vùng sản xuất rau an toàn tại thành phố Kon Tum, Đăk Hà, vùng trồng cây dược liệu (Sâm Ngọc Linh, Đẳng sâm, Đương quy.....) tại các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei... Công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng được triển khai có hiệu quả với tỷ lệ che phủ rừng cao; việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển các mô hình sản xuất theo liên kết chuỗi đã được hình thành; các địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu kinh tế cao, đây là khâu đột phá trong sản xuất, chăn nuôi đại gia súc cũng đang được ngày càng phát triển, điển hình như việc triển khai thực hiện có hiệu quả phương án thụ tinh nhân tạo đàn bò (từ năm 2016 đến năm 2019 đã phối được 2.500 còn bò cái sinh sản và đã có gần 1.600 con bê lai ra đời). Các loại hình tổ chức sản xuất được đổi mới phù hợp và hiệu quả, sản xuất theo hướng quy mô lớn hơn, dần thích nghi với cơ chế thị trường, các Hợp tác xã đã được tổ chức lại và thành lập mới đảm bảo theo Luật Hợp tác xã năm 2012; Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng đã đạt kết quả cao với tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 34%, đa số các học viên sau khi học nghề đã áp dụng vào thực tiễn công việc sản xuất của gia đình nắm bắt kỹ thuật để phát triển sản xuất có hiệu quả nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình.

Công tác bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn đã được các địa phương quan tâm tổ chức thực hiện trong đó tập trung các lĩnh vực như thu gom xử lý rác thải, xử lý vỏ thuốc bảo vệ thực vật, hình thành được các tổ, đội thu gom rác thải. Nhiều mô hình cải tạo cảnh quan ở thôn đã được các địa phương áp dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế như mô hình đường hoa thay cỏ dại, mô hình đường điện chiếu sáng công lộ, một số địa phương đã bắt đầu triển khai mô hình xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu đã góp phần tạo nên diện mạo mới ở nông thôn.

Chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, với đặc trưng văn hóa đa dạng của 43 dân tộc thiểu sống sinh sống trên địa bàn, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ, các địa phương đã thực hiện tốt công tác bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, phát huy các thế mạnh về văn hóa để phát triển du lịch nhất là du lịch cộng đồng như tại huyện Kon Plông, thành phố Kon Tum...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong qua trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Kết quả xây dựng nông thôn mới mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung vẫn còn thấp so với toàn quốc nói chung và khu vực Tây nguyên nói riêng, tỷ lệ xã dưới 10 tiêu chí còn khá cao, một số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng vẫn có một số tiêu chí chưa đảm bảo đạt chuẩn theo bộ tiêu chí mới; Một số địa phương, các công trình hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ việc lồng ghép các Chương trình dự án chưa chặt chẽ dẫn đến việc có đầy đủ công trình nhưng vẫn không đạt chuẩn tiêu chí; tình trạng hạ tầng bị xuống cấp chưa được đầu tư sửa chữa kịp thời đặc biệt là hệ thống giao thông chưa đảm bảo kết nối từ thôn đến huyện; công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi, nước sạch, các thiết chế văn hóa, thể thao ở một số địa phương còn chưa hiệu quả. Thực trạng liên kết sản xuất trong nông nghiệp và chất lượng hiệu quả của hoạt động Hợp tác xã nông nghiệp còn yếu; chuyển đổi cơ cấu sản xuất còn chậm chưa có sự gắn kết với thu hút doanh nghiệp vào đầu tư chế biến; Các địa phương thiếu nguồn vốn để đầu tư xây dựng các tiêu chí về hạ tầng nông thôn nên rất khó hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng và khó khăn trong việc hoàn thành mục tiêu đề ra.

Từ những kết quả đạt được cũng như một số khó khăn vướng mắc trong thời gian qua, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, “Xây dựng NTM phải thực chất, không chạy theo thành tích”; biết khơi dậy động viên phong trào đưa chỉ tiêu “xây dựng nông thôn mới” thành chỉ tiêu thi đua quan trọng để đánh giá, xếp loại tổ chức cá nhân hằng năm; cần nhân rộng phương thức khen thưởng theo kết quả đầu ra.

Hai là, Đánh giá sát, đúng thực trạng theo từng nội dung tiêu chí cụ thể, xây dựng Khung kế hoạch lộ trình thực hiện theo các nội dung công việc và giao chỉ tiêu phân công, nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân tổ chức đảm trách gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu các tổ chức; định kỳ tuần, tháng đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện theo chỉ tiêu được giao; có giải pháp đối với các tổ chức, cá nhân chỉ đạo thực hiện thiếu quyết liệt, chậm tiến độ, chất lượng thấp.

Ba là, Huy động tối đa mọi nguồn lực cho xây dựng NTM nhất là nguồn xã hội hóa. Cân đối các nguồn lực sử dụng nguồn vốn tiết kiệm, hiệu quả không để nợ mất khả năng thanh toán. Phát huy vai trò của người dân và cộng đồng là chủ thể trong xây dựng NTM và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở tạo khí thế ở người dân từng hộ gia đình thôn xóm.

Bốn là,  Từng địa phương phải có cánh làm phù hợp với điều kiện thực tế lựa chọn các nội dung nhiệm vụ ưu tiên để thực hiện nhằm phát huy lợi thế sẵn có của địa phương; thường xuyên tổ chức tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương; xây dựng mô hình mẫu điển hình theo từng tiêu chí nội dung đảm bảo thuyết phục, sát thực hiệu quả tạo động lực thi đua lẫn nhau ngay từ các hộ gia đình thôn xóm, các xã, các huyện; quan tâm công tác sơ tổng kết khen thưởng vinh danh các tập thể, cá nhân điển hình.

Năm là, Đề cao vai trò của cán bộ, công chức trong thực hiện xây dựng NTM trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức có vai trò hết sức quan trọng, quyết định phong trào xây dựng NTM, địa phương nào cán bộ tâm huyết trách nhiệm chủ động và có chuyên môn cao thì kết quả thực hiện đạt cao.

Sáu là, Phải thường xuyên kiểm tra sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ và định hướng cho cơ sở thực hiện.

Nguyễn Xuân Lộc

 

Số lượt xem:3773
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3742848 Tổng số người truy cập: 22 Số người online:
Phát triển:TNC