banner
Thứ 7, ngày 20 tháng 4 năm 2024
Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội tỉnh Kon Tum, góp phần xây dựng nông thôn mới
28-10-2019

Trong những năm qua, bằng uy tín của mình, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đi đầu trong việc vận động, tuyên truyền Nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng Nông thôn mới, bảo vệ an ninh trật tự tại khu dân cư. Giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần làm chủ của Nhân dân, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, dân tộc để không ngừng đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc.

Đoàn Đại biểu Người có uy tín thăm quan, học tập các tỉnh phía Nam năm 2019

Thực tiễn cho thấy, để công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những già làng, người có uy tín cùng với chính quyền địa phương đã góp phần quan trọng vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng Nông thôn mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ tập tục mê tín dị đoan trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng như đấu tranh phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, ...Bằng hình thức tuyên truyền, vận động thân tình, gần gũi người có uy tín đã từng bước góp phần củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc vào Đảng, chính quyền, khuyến khích đồng bào dân thiểu số chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế, thực hiện công tác giữ gìn an ninh chính trị, giúp đồng bào hiểu được có cuộc sống sung túc, no đủ hôm nay là nhờ chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước đem lại.

Trong phong trào bảo vệ chủ quyền an ninh Quốc gia, nhiều người có uy tín đã cùng với Đồn Biên phòng và chính quyền cơ sở tích cực vận động quần chúng tham gia phong trào tự quản đường biên, cột mốc và an toàn trật tự thôn, làng khu vực biên giới. Người uy tín tại các xã vùng biên giới được xem là “cầu nối” giúp đồng bào vùng biên nâng cao nhận thức, tránh xâm nhập biên giới trái phép, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, bài trừ tệ nạn xã hội, tăng cường giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và phối hợp các ban, ngành vận động Nhân dân đưa con em đến trường đầy đủ, góp phần giảm tỷ lệ trẻ em bỏ học. Nhờ đó, các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được thực hiện có hiệu quả. Thông qua người có uy tín các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được đi vào đời sống kinh tế - xã hội, đời sống của cộng đồng các dân tộc. Hơn nữa, việc đi đầu, làm gương của những người có uy tín trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật sẽ có ý nghĩa cổ vũ rất lớn đối với cộng đồng, khuyến khích mọi người noi theo. Vì vậy, mức độ tuyên truyền, vận động phụ thuộc rất lớn vào vị thế - vai trò những người có uy tín và đương nhiên, họ có tầm ảnh hưởng trong trong cộng đồng, trở thành trung tâm đoàn kết, là cầu nối giữa Đảng với dân, là điểm tựa tinh thần cho đồng bào các dân tộc; họ cũng là cầu nối giữa cộng đồng dân tộc này với cộng đồng dân tộc khác; thực hiện công tác hòa giải tại cộng đồng, giải quyết “thấu tình đạt lý” từ đó, góp phần phòng ngừa các xung đột xã hội tại địa phương, cộng đồng có hiệu quả. Đây là vai trò, nhiệm vụ quan trọng của người có uy tín, đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay tình hình dân tộc, tôn giáo có diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề “Dân tộc”, “Tôn giáo”, “Nhân quyền” chia rẽ đoàn kết dân tộc, phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Người có uy tín vừa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng nông thôn mới là những tấm gương tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; là những người đi đầu trong thực hiện áp dung các mô hình sản xuất, cải tạo vườn tạo, đất trống, đồi núi trọc để tăng diện tích cây trồng; hiến đất hay huy động nguồn lực làm đường giao thông, góp ngày công lao động, xây dựng nhà văn hóa, nhà Rông, nhà trẻ được Nhân dân đồng tình ủng hộ cao. Đặc biệt, nhiều gia đình người có uy tín đã áp dung thành công mô hình kinh tế trang trại, không những giúp gia đình mình thoát nghèo mà còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ dân tộc thiểu số khác thoát nghèo thông qua hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, ... góp phần tăng thu nhập cho các hộ gia đình, phát triển kinh tế - xã hội tại cộng đồng dân cư nên đội ngũ những người uy tín này càng tăng thêm phần uy tín của cá nhân họ. Nếu như trước đây, kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số là dựa vào làm nương rẫy, mọi hoạt động sản xuất chủ yếu là tự cung, tự cấp, quá trình sản xuất dựa vào mùa vụ, thời tiết, người nông dân hoàn toàn thụ động trước thiên nhiên. Thì hiện nay, trong bối cảnh mới, nền sản xuất đã được hiện đại hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào. Đội ngũ những người có uy tín đã được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực; bên cạnh đó, họ còn có ý thức trong việc thường xuyên cập nhập các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Trung ương, của tỉnh, huyện để áp dụng và phổ biến, tuyên truyền cho cộng đồng áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới sớm về đích.

Ông A Đưng, Người uy tín tại thôn  Kon Hra Chot - Phường Thống Nhất phát biểu tại buổi gặp mặt thân mật với UBTW MTTQ Việt Nam

Như vậy, cộng đồng các dân tộc thiểu số, trong đó có đội ngũ những người có uy tín hiện nay trong suy nghĩ, nhận thức đã thực tế hơn, gắn với đó là những nhu cầu thiết thực trong cuộc sống của cộng đồng, của gia đình. Nếu như trước đây, sự hiểu biết gắn với am hiểu về luật tục, phong tục tập quán và các mối quan hệ họ hàng của dân làng, thì đến nay sự hiểu biết đó còn gắn với khoa học kỹ thuật, với những tiến bộ trong trồng trọt, chăn nuôi. Từ thực tiễn đã chứng minh nhiều người có uy tín không những làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con, cộng đồng dân cư thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mà họ còn là những tấm gương sáng trong phát triển sản xuất, làm kinh tế giỏi, là lực lượng nòng cốt góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần tại địa phương; là nhân tố tích cực trong việc vận động người dân ở thôn, làng và động viên con cháu trong gia đình tích cực tham gia phát triển kinh tế, yên tâm lao động sản xuất, ổn định đời sống; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và từng bước ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả cao, không chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy… Đây là lực lượng có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, góp phần xây dựng thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Để tiếp tục phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội tỉnh Kon Tum, góp phần xây dựng nông thôn mới. Nhiệm vụ trong thời gian tới tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của cấp ủy Đảng, chính quyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các cấp, tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận xã hội trong công tác vận động, phát huy vai trò và thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín. Bên cạnh đó, hàng năm, tổ chức bình chọn, xét công nhận người có uy tín đúng nguyên tắc, bảo đảm đúng tiêu chí, tự nguyện, bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giữa các dân tộc. Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, tăng cường cung cấp thông tin cần thiết cho người có uy tín về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương.

Tặng quà cho người có uy tín tại xã Ngok Wang, huyện Đăk Hà

Nguyễn Thị Thanh Phước

Số lượt xem:2449
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3797334 Tổng số người truy cập: 41 Số người online:
Phát triển:TNC