banner
Thứ 6, ngày 29 tháng 3 năm 2024
Nông dân sau 10 năm thực hiện Nghị quyết TW 7 khóa X tỉnh Kon Tum
7-9-2018

Ảnh minh họa

Sau 10 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh đã khẳng định Nghị quyết TW 7 khóa X là chủ trương đúng đắn, toàn diện của Đảng đối với vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Giai cấp nông dân, cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất; khai thác hiệu quả mọi tiềm năng; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những thành tựu to lớn trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện. Nông dân tích cực thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đã góp phần nâng cao phát triển cơ sở vật chất và mọi mặt ở nông thôn; làm cho mọi người dân có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; trình độ dân trí ngày càng được nâng lên; số hộ khá giàu tăng, hộ nghèo giảm, chính sách an sinh xã hội được chăm lo tới người nghèo, người khó khăn đã góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn toàn tỉnh. Nông dân phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực tham gia đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, hoàn thành nghĩa vụ công dân, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; nhờ đó nông dân rất phấn khởi trước nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cải thiện đời sống nông dân mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Kết quả đạt được trên các mặt như: (i) Về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội: Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được cải thiện, phục vụ thiết thực hơn cho đời sống sinh hoạt và sản xuất cho người dân nông thôn. Thông qua cơ chế đầu tư đặc thù đối với các công trình, dự án thuộc CTMTQG xây dựng nông thôn mới đã khuyến khích, vận động được người dân tham gia tích cực hơn vào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đến tháng 12/2017, toàn tỉnh đã có 22 xã đạt tiêu chí giao thông (đạt 25,58% - tăng 07 xã so với cuối năm 2016), 72 xã đạt tiêu chí thủy lợi (đạt 83,72% - tăng 09 xã so với cuối năm 2016), 31 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (đạt 36,05% - tăng 03 xã so với cuối năm 2016), 57 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (đạt 66,28%); (ii) Về phát triển sản xuất, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn: Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập của người dân là mục tiêu đặt ra trong thực hiện CTMTQG và đã được chú trọng tập trung thực hiện. Việc đẩy mạnh thực hiện các nội dung về phát triển sản xuất của CTMTQG xây dựng nông thôn mới đã góp phần cải thiện đời sống, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn, phát huy và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Đã phát triển được một số mô hình sản xuất tiêu biểu như: Mô hình chế phẩm sinh học trong sản xuất cà phê vối; mô hình sản xuất cà phê sạch vì sức khỏe cộng đồng; mô hình sản xuất rau sạch; mô hình trồng sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm dưới tán rừng; mô hình phát triển cây dược liệu... Kết quả, toàn tỉnh đã có 19,77% số xã đạt tiêu chí thu nhập, 23,26% số xã đạt tiêu chí về hộ nghèo, 87,21% số xã đạt tiêu chí lao động có việc làm; (iii) Về cải thiện môi trường nông thôn: Công tác bảo vệ môi trường luôn được chú trọng, các thôn, làng đã đưa nội dung bảo vệ môi trường ở khu dân cư vào hương ước, quy ước của thôn, một số địa phương đã thành lập các tổ thu gom rác thải, vận động các hộ gia đình đào hố rác vệ sinh, xây dựng các thùng rác đựng vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng. Kết quả, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 86%, số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 57%, số xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm là 29,07%; (iv) Về nâng cao chất lượng đời sống văn hóa và giữ gìn an ninh trật tự: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới được chú trọng triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, qua đó đã góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ở xã, thôn được quan tâm triển khai. Kết quả đến nay toàn tỉnh có 45/86 xã có nhà văn hóa xã, với 27 nhà văn hóa xã đạt chuẩn theo quy định; có 792/874 thôn, làng có nhà văn hóa và khu thể thao thôn (449 nhà rông trên tổng số 539 làng người đồng bào dân tộc thiểu số); tổng số khu dân cư đạt chuẩn văn hóa toàn tỉnh là 583 khu dân cư trên tổng số 869 khu dân cư, đã có 45 xã đạt tiêu chí về văn hóa (đạt 52,33%)(v) Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn các xã tiếp tục được giữ vững, không để xảy ra tình huống đột biến, bất ngờ; tệ nạn xã hội cơ bản đã giảm xuống, đời sống nhân dân được ổn định. Công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, đảng viên và toàn dân, nhất là đối với cán bộ chủ chốt các cấp về vị trí, vai trò xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trong điều kiện mới được tăng cường; thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện cho lực lượng dân quân tự vệ xã. Qua đó, không ngừng nâng cao ý thức quốc phòng, nhận rõ quyền lợi, nghĩa vụ của công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay toàn tỉnh đã có 65 xã đạt tiêu chí về quốc phòng và an ninh (đạt 75,58%)(vi) Công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ thực hiện Chương trình các cấp được chú trọng triển khai, đã ưu tiên phân bổ kinh phí để tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, cụ thể đã tổ chức 16 lớp tập huấn, với tổng số học viên là 638 người (cấp tỉnh, huyện 46 người, cấp xã 83 người và cấp thôn là 409 người).

Bên cạnh những mặt đã đạt được trong thời gian qua và để thực hiện hiệu quả trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng để cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức mới về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển các ngành nghề, dịch vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ như: điện, đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã, thôn.. nhất là đầu tư phát triển đường giao thông nhằm tạo điều kiện đi lại thuận lợi giữa các vùng, nối các điểm dân cư và đảm bảo xuyên suốt trong mùa mưa. Mở rộng mạng lưới giao thông liên xã và giao thông liên thôn, nội thôn; ưu tiên đầu tư các công trình giao thông trọng điểm. Cải tạo, phát triển nhanh cảnh quan, môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế và nâng cao hưởng thụ cho người dân vùng nông. Bên cạnh, xác định việc nâng cao thu nhập cho người dân là tiền đề để thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu khác của Nghị quyết; đa dạng hóa các nguồn lực, lựa chọn nội dung, mức độ huy động phù hợp để thực hiện có hiệu quả; tăng cường sự phối hợp với chính quyền địa phương để phát huy các thế mạnh về thổ nhưỡng, khí hậu, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cho người dân vươn lên thoát nghèo/.

Nguyễn Xuân Lộc

Số lượt xem:1167
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3742468 Tổng số người truy cập: 61 Số người online:
Phát triển:TNC