banner
Thứ 3, ngày 23 tháng 4 năm 2024
Kết quả triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2019 triên địa bàn huyện Đăk Tô
28-2-2020

Theo đó, trong thời gian quan UBND huyện Đăk Tô đã chủ động kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới huyện giai đoạn 2017-2020; thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện Đăk Tô giai đoạn 2016-2020. Ngay khi có kế hoạch vốn các Chương trình MTQG giao đầu năm, UBND huyện đã phân bổ kinh phí cho các đơn vị, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện. Theo đó, Tổng kinh phí được bố trí và huy động thực hiện các CTMTQG năm 2019: 40.402 triệu đồng, trong đó: Vốn ĐTPT: 34.401 triệu đồng, chiếm 85% kế hoạch vốn; Vốn sự nghiệp: 6.001 triệu đồng, chiếm 15% kế hoạch vốn. Tổng số vốn đã giải ngân: 39.954/40.402 triệu đồng, đạt 99% kế hoạch. Trong đó: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giải ngân: 6.887/6.957 triệu đồng, đạt 99% so với kế hoạch vốn của Chương trình; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giải ngân: 12.942/13.205 triệu đồng, đạt 98%.

Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến nay trên địa bàn huyện có 2/8 xã đạt 19/19 tiêu chí, tăng 01 xã so với năm 2018 (Xã Kon Đào và Xã Diện Bình); 01 xã đạt 18/19 tiêu chí (xã Tân Cảnh) và các xã còn lại đạt từ 10- 14 tiêu chí theo quy định. Trong năm 2019 đã đào tạo nghề cho 269 học viên, đạt 107,6% so với kế hoạch đề ra . Thực hiện 03 mô hình chuổi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm: Mô hình sắn, mía và chanh dây. Đã thực hiện hỗ trợ phát triển sản phẩm cho 01 Doanh nghiệp và 01 Hợp tác xã trên địa bàn huyện.

Cơ sở hạ tầng tại xã Văn lem, huyện Đăk Tô có nhiều khởi sắc

Thực hiện Chương tình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt được một số kết quả tích cực; Tổng số hộ nghèo trên địa bàn các xã còn 1.065 hộ, chiếm tỷ lệ 12,78% so với tổng số hộ (8.333 hộ), giảm 3,18% hộ nghèo so với năm 2018. Năm 2019 có sáu thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn so với năm 2018 (Xã Kon Đào, Diên Bình, Pô Kô).

Bên cạnh đó, kết quả đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh trên địa bàn xã, thôn thuộc Chương trình phù hợp quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của người dân, cụ thể:

100% Số xã có trạm y tế và đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; tăng 01 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế so với năm 2018.100% số trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Có 8/8 xã có mạng lưới trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến lớp đảm bảo tỷ lệ chuyên cần; 100% các xã đều có trung tâm học tập cộng đồng.Tỷ lệ người dân ở khu vực các xã (nông thôn) sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,6%, tăng 3,9% so vơi năm 2018. Số xã có đường ô tô đến trung tâm 8/8 xã; Số xã có nhà văn hóa xã: 6/8 xã, tăng 02 xã có nhà văn hóa so với năm 2018; Số xã có bưu điện văn hóa: 6/8 xã; Số xã có điện lưới: 8/8 xã.

Về hỗ trợ sản xuất: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo Chương trình 135: UBND huyện đã phê duyệt 11 dự án (05 dự án trồng trọt, 06 dự án chăn nuôi) với tổng kinh phí thực hiện là 2.679,8 triệu đồng. Đến nay, UBND các xã đã thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp cho 134 hộ tham  gia theo dự án được duyệt.  Dự án Hỗ trợ, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 135: UBND huyện đã phê duyệt 05 dự án (01 dự án trồng trọt, 04 dự án chăn nuôi) với tổng kinh phí thực hiện là 193,1 triệu đồng. Đến nay, UBND các xã đã thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp cho 08 hộ dân tham gia theo dự án được duyệt.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện vẫn còn một số hạn chế như sau:

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành các Chương trình MTQG ở một số địa phương chưa thật sự quyết liệt; chưa chú trọng đúng mức đến công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Việc rà soát các tiêu chí ở một số xã chưa chặt chẽ, từ đó dẫn đến việc xây dựng chương trình, kế hoạch chưa sát thực tế.

Một số xã còn trông chờ vào nguồn vốn cấp trên để thực hiện các Chương trình MTQG; chưa chủ động triển khai nhóm các tiêu chí đóng vai trò quyết định đến đời sống và an sinh xã hội như: thu nhập, hộ nghèo, văn hóa - xã hội, môi trường; còn bị động trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, vận động nhân dân phát triển sản xuất có liên kết, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp; chưa tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân hình thành các THT, HTX để liên kết sản xuất theo chỉ đạo của UBND huyện.

Công tác tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo có nơi hiệu quả chưa cao.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2020 trên địa bàn huyện, cần có một số giải pháp như sau:

Một là, các xã giữ vững và phát triển các tiêu chí đã đạt chuẩn trong năm 2019: Xã Tân Cảnh đạt 19/19 tiêu chí trong năm 2020; Xã Ngọk Tụ phấn đấu cuối năm 2020 đạt 19/19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; Đối với 04 xã còn lại (xã Pô Kô, Đăk Rơ Nga, Đăk Trăm và Văn Lem) mỗi xã tăng ít nhất từ 02 tiêu chí đạt chuẩn trở lên so với năm 2019. Phấn đấu đến cuối năm 2020 có 02 thôn trên địa bàn 02 xã (Diên Bình và Tân Cảnh) thực hiện hoàn thành cơ bản Bộ tiêu chí Khu dân cư NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ở khu vực nông thôn tăng từ 03 triệu đồng/người/năm trở lên so với năm 2019. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2020 >3%.

Hai là, kịp thời phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện: tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các công trình khởi công mới và triển khai thi công ngay trong quý I/2020. Tiếp tục triển khai xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết giá trị để nâng cao thu nhập cho người dân; thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch sản xuất vụ mùa. Quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình thủy lợi để đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất. Phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm kịp thời. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư.

Ba là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, các chương trình MTQG nhằm giúp các hộ nghèo tự lực phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước.

Bốn là, thường xuyên tổ chức tuyên truyền các chủ trương, mục đích, ý nghĩa của chương trình, khơi dậy tiềm năng, sức mạnh trong nhân dân, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo.

Năm là, nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình: Thường xuyên tự đánh giá, kiểm tra, giám sát kết quả triển khai thực hiện để kịp thời giải quyết; có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Nguyễn Thanh Hưng

Số lượt xem:1153
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3806101 Tổng số người truy cập: 156 Số người online:
Phát triển:TNC