banner
Thứ 5, ngày 25 tháng 4 năm 2024
Hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
20-12-2018

Kon Tum là một tỉnh miền núi nằm ở Bắc Tây Nguyên được tái lập lại vào tháng 8/1991 (tách ra từ tỉnh Gia Lai - Kon Tum) có tổng diện tích tự nhiên là 9.689,61 km2. Toàn tỉnh có 9 huyện và 01 thành phố với 102 xã, phường, thị trấn; có 54 xã ĐBKK và 66 thôn ĐBKK ở xã khu vực I và II thuộc diện đầu tư Chương trình 135; có 03 huyện được phê duyệt vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018-2020 đó là huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Ia H’Drai. Dân số toàn tỉnh khoảng 500 ngàn người; dân tộc thiểu số chiếm hơn 55,18%, có 28 dân tộc anh em cùng sinh sống xen kẽ nhau, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ - Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hrê.

Trong giai đoạn 2016 đến năm 2018 được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, nhiều chủ trương, chính sách đã được đầu tư, hỗ trợ trên địa bàn, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Việc triển khai thực hiện Chương trình 135 trong những năm qua trên địa bàn tỉnh luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp, sự phối hợp tuyên truyền của mặt trận, các đoàn thể, sự nhiệt tình, đồng thuận tham gia đóng góp và thực hiện của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Quá trình tổ chức thực hiện đều có sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương; từ cấp tỉnh đến cấp huyện và sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì với các Sở, ngành liên quan trong quá trình xây dựng kế hoạch phân bổ vốn, hướng dẫn thực hiện, tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình. Nhìn chung các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học… đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thực tế của người dân, khi hoàn thành đưa vào sử dụng cơ bản đều phát huy hiệu quả, đảm bảo chất lượng và phục vụ lợi ích thiết thực cho người dân vùng hưởng lợi, được người dân đồng tình tham gia ủng hộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn, đời sống của người dân từng bước được nâng lên rõ rệt. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần chuyển đổi mạnh về cơ cấu kinh tế cho nhân dân, đặc biệt là giúp người dân về kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cây trồng theo hướng hàng hóa, thực tế qua các năm trên địa bàn tỉnh tập trung hỗ trợ các loại cây giống như cao su, cà phê, bời lời, giống lúa năng xuất cao..., các loại con giống như trâu, bò, lợn, dê sinh sản đã mang lại hiệu quả kinh tế.

Giai đoạn 2016-2018, với tổng kinh phí đầu tư hỗ trợ từ năm là 275.571 triệu đồng. Đã thực hiện đầu tư công trình được đầu tư 487 công trình, dự án các loại; hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, hỗ trợ làm chuồng trại; vật tư phân bón các loại, thuốc BVTV; xây dựng các mô hình chuồng trâu, bò, bền vững; hỗ trợ máy, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất với tổng số hộ được hưởng lợi là 20.491 lượt hộ nghèo; đã tổ chức 26 hội nghị, tập huấn nâng cao năng lực cho đối tượng cộng đồng, cán bộ cơ sở trên địa bàn các huyện, thành phố với nhiều nội dung phong phú, có 3.423 lượt người tham gia. Trong năm 2017, 2018 đã tổ chức 02 đoàn cho 67 đại biểu trên địa bàn 10 huyện, thành phố đi thăm quan học tập kinh nghiệm, mô hình sản xuất có hiệu quả thuộc Chương trình 135 tại các tỉnh bạn.

Có thể nói, Chương trình 135 đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, miền núi và vùng sâu vùng xa; tình hình kinh tế- xã hội của các xã, thôn đặc biệt khón khăn được thụ hưởng Chương trình đã có những chuyển biến rõ rệt, cơ sở hạ tầng tại các xã đã được cải tạo và nâng cấp đáng kể. Các công trình phục vụ thiết yếu cho đời sống của người dân cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các xã như: giao thông, thuỷ lợi, trường học, nước sinh hoạt...đã mang lại một số kết quả đáng khích lệ góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn các xã đặc biệt khó khăn cũng như cải thiện rõ nét cuộc sống của người dân sống trên địa bàn các xã được đầu tư Chương trình 135; Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã là 66,67%; 86/86 xã đã có trạm y tế, có đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; 100% xã có bác sỹ; 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% xã, phường, thị trấn có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; Có 153 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 36,1% trong tổng số trường mầm non, phổ thông trên toàn tỉnh; 86% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm trên địa bàn; Đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 98%; tỷ lệ kilomet đường thôn xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải đạt 53%; 100% hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các báo chí, các xuất bản phẩm và các sản phẩm truyền thông khác.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình 135 vẫn còn một số khó khăn như: (i) Công tác điều hành, quản lý, tham mưu chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình 135 ở một số huyện, thành phố chưa thống nhất làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện; việc phân cấp cho xã làm chủ đầu tư còn lúng túng trong triển khai thực hiện, quy trình thủ tục, tổng hợp báo cáo chưa đảm bảo theo yêu cầu; bên cạnh đó, các huyện, thành phố chưa kịp thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; việc huy động các nguồn lực lồng ghép và các nguồn lực địa phương trong quá trình thực hiện dự án còn hạn chế; (ii) Các vướng mắc, bất cập trong bố trí vốn: Nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho địa phương để thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững gồm nhiều dự án thành phần như: Chương trình 30a, Chương trình 135... nhưng Trung ương giao vốn chưa chi tiết, cụ thể cho từng dự án (năm 2016, 2017); vì vậy ở địa phương gặp rất khó khăn trong việc giao vốn cho từng dự án thành phần; (iii) Trung ương, Chính phủ chậm phê duyệt kết quả rà soát phân định 3 khu vực, thôn ĐBKK (theo Quyết định số 50/2016/QĐ-TTg) và chậm phê duyệt danh sách xã thôn ĐBKK vào diện Chương trình 135 năm 2017. Vì vậy khó khăn trong xác định danh sách để phân bổ vốn thực hiện trong năm 2017; (iv) Mục tiêu xã có công trình, dân có việc làm tăng thêm thu nhập; thời gian qua đã có quan tâm thực hiện nhưng kết quả đạt được chưa cao, trình độ dân trí và công tác đào tạo nghề cho người dân còn nhiều hạn chế;

Một số bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình là:(i) Công tác thông tin tuyên truyền, vận động phải được đặt lên hàng đầu, thực hiện thường xuyên, có chiều sâu các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để người dân thật sự hiểu, thông suốt, có như vậy người dân mới trở thành những nhân tố tích cực tham gia góp sức vào việc thực hiện chương trình, dự án. Nơi nào công tác thông tin tuyên truyền được thực hiện tốt thì người dân hiểu và có ý thức trong việc quản lý, sử dụng các công trình đầu tư một cách có hiệu quả; (ii) Cần có sự thống nhất chỉ đạo của cấp ủy Đảng, HĐND, UBND các cấp, các ngành và hưởng ứng của Nhân dân để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện chương trình tại địa phương; (iii) Công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện phải đồng bộ, bao quát, thống nhất một đầu mối từ Trung ương đến địa phương; thực hiện đồng thời, toàn diện các nhiệm vụ của Chương trình, nâng cao hiệu quả lồng ghép các nguồn vốn; (iv) Việc đẩy mạnh phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư cần gắn với việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý và giám sát chương trình, đảm bảo có đội ngũ cán bộ đủ năng lực, kinh nghiệm, chuyên môn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện để kịp thời xử lý, khắc phục những sai sót, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với các trường hợp sai phạm./.

Nguyễn Xuân Lộc

Số lượt xem:3939
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3812753 Tổng số người truy cập: 53 Số người online:
Phát triển:TNC