banner
Thứ 6, ngày 26 tháng 4 năm 2024
Hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình 135 ở huyện Đăk Glei giai đoạn 2016-2020
10-4-2020

Là huyện nghèo nằm phía Bắc của tỉnh, với 12 đơn vị hành chính, trong đó có 09 xã thuộc khu vực III và 03 xã, thị trấn thuộc khu vực II. Năm 2016, hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém: giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục… Thu nhập chính của người dân là từ sản xuất nông lâm nghiệp; sản xuất còn hết sức manh mún nhỏ lẻ, trình độ phát triển sản xuất còn lạc hậu; trình độ dân trí còn hạn chế, đặc biệt là ở các thôn, làng vùng sâu, vùng xa; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 47,84% dân số toàn huyện; đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.

Từ nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 đã giúp huyện Đăk Glei có nhiều đổi thay về cơ sở hạ tầng; người dân được hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, máy móc phục vụ sản xuất để có thêm điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương.

Ủy ban nhân dân huyện đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình 135 trên địa bàn huyện giao cho Phòng Dân tộc là cơ quan Thường trực tham mưu thực hiện công tác kiểm tra đôn đốc các địa phương thực hiện Chương trình theo kế hoạch và tiến độ được phê duyệt. Đã phân cấp giao cho 12/12 xã, thị trấn làm chủ đầu tư quản lý thực hiện các chương trình, dự án: đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất và duy tu bảo dưỡng công trình theo quy định.

Theo đó, từ năm 2016 đến nay tổng nguồn vốn huy động cho thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 là: 60,968 tỷ đồng. Kết quả thực hiện như sau:

Tiểu dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng:Tổng kế hoạch vốn giao giai đoạn 2016-2020 là 55.445 triệu đồng đầu tư xây dựng 103 công trình. Các loại công trình được đầu tư bao gồm: Giao thông nông thôn, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học; đến nay đã giải ngân là 44.046 triệu đồng đã hoàn thành đưa vào sử dụng 83 công trình (Kế hoạch năm 2020 10.614 triệu đồng, hiện đang triển khai thực hiện). Vốn các công trình hoàn thành thừa vốn và hết nhiệm vụ chi nộp trả ngân sách cấp trên là: 627 triệu đồng. Các công trình sau khi đầu tư đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, sinh hoạt và giao thông đi lại cho nhân dân, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn.

Về Duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng: Kinh phí thực hiện: 3.440,583 triệu đồng/3.443 triệu đồng, đạt 99,3% kinh phí giao. Các công trình được duy tu bão dưỡng như: Giao thông nông thôn, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học…. sau đầu tư đã được ban hành quy chế quản lý duy tu bảo dưỡng đã quy định được trách nhiệm của người dân và công đồng dân cư hưởng lợi và từ đó nêu cao được ý thức, thần trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng, duy tu bảo dưỡng nâng cao hiệu quả sử dụng và tuổi thọ công trình.

Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 đã đạt được kết quả rất lớn trong công tác phát triển kinh tế, văn hóa xã hội vùng núi, vùng sâu vùng xa của huyện cụ thể: Đầu giai đoạn có 11/12 đặc biệt khó khăn đến nay còn lại 9/12 đặc biệt khó khăn, giảm 02 xã so với năm 2016. Sau 5 năm số hộ nghèo và cận nghèo hàng năm đã giảm, dự kiến còn 26,56% cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người dân vùng đặc biệt khó khăn đã tăng lên đáng kể, từ 19,2 triệu đồng năm 2016 dự kiến đạt 29,9 triệu vào năm 2020; hệ thống hạ tầng cơ sở đã được cải thiện đáng kể làm cho đời sống văn hóa, tinh thần được năng lên. Từ đó đã tạo lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý điều hành của Nhà nước góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Việc đầu tư xây dựng các hạng mục công trình của chương trình 135 góp phần cải thiện đáng kể hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông thôn miền núi, khai thác được tiền năng lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng, khai thác quỹ đất…. tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn huyện trong việc giao thông đi lại, vận chuyển và trao đổi hàng hóa được dễ dàng. Từng bước xóa bỏ các phòng học tạm đảm bảo điều kiện và nhu cầu học tập của con em tại các thôn làng đặc biệt khó khăn. Góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các xã ĐBKK, vùng sâu, vùng xa, biên giới dần được cải thiện hơn, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên việc triển khai Chương trình 135 trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền cơ sở có mặt còn hạn chế. Nguồn lực bố trí các hoạt động của Chương trình còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu; chưa huy động được các nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân.... tham gia vào Chương trình, dẫn đến khó hoàn thành các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo... Vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp của các cấp, các ngành trong việc triển khai Chương trình chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Vẫn còn tình trạng trông chờ ỷ lại của người dân vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước nênviệc huy động nguồn vốn có sự tham gia đóng góp của người dân còn hạn chế...

Để triển khai thực hiện tốt Chương trình 135 trên địa bàn huyện Đăk Glei trong thời gian đến, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, Tăng cường và nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Hai là, Thường xuyên tuyên truyền, vận động, giáo dục để đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức và tự giác thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, tích cực, chủ động tham gia phong trào hành động cách mạng, xây dựng cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc.

Ba là, Phát huy tinh thần tự lực, tự cường của mỗi dân tộc, tích cực vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc thiểu số so với sự phát triển chung của xã hội.

Bốn là, Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, phát huy tốt vai trò của già làng, người cao tuổi, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm là, Làm tốt công tác khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích, sáng tạo trong thực hiện các nội dung Chương trình; các cá nhân gương mẫu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, qua đó góp phần tạo động lực thúc đẩy để thực hiện hoàn thành tốt các chương trình, kế hoạch đề ra.

Nguyễn Thanh Hưng

Số lượt xem:4330
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3816541 Tổng số người truy cập: 35 Số người online:
Phát triển:TNC