banner
Thứ 6, ngày 26 tháng 4 năm 2024
Hiệu quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
24-3-2020

Mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất của nông dân xã Diên Bình

Kon Tum là một tỉnh miền núi, vùng cao, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với các chương trình dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, đời sống của bà con nhân dân và bộ mặt nông thôn của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Thời gian qua, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân ở vùng thụ hưởng chính sách, Chương trình 135 ở tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định như cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư đồng bộ; sản xuất ở một số vùng đã có bước phát triến theo hướng sản xuất hàng hóa; y tế, giáo dục, văn hóa xã hội vùng đồng bào dân tộc được cải thiện và quan tâm đúng mức. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên về nhiều mặt.

Giai đoạn 2016-2020 tỉnh Kon Tum đã được đầu tư gần 400 tỷ đồng để xây dựng 714 công trình các loại như công trình giao thông, thủy lợi, điện, văn hóa, giáo dục, nước sinh hoạt và duy tu bảo dưỡng 430 công trình các loại như công trình giao thông, thủy lợi, điện, văn hóa, giáo dục, nước sinh hoạt…. Các công trình được đầu tư xây dựng đã phát huy hiệu quả tốt, kịp thời phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xã, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhờ đó người dân đã có thêm cơ hội để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, Chương trình còn quan tâm tới việc nâng cao năng lực, trình độ cán bộ cơ sở và cộng đồng. Hằng năm, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường phổ cập kiến thức, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp... cho đội ngũ cán bộ xã, thôn để họ tuyên truyền tổ chức thực hiện và vận động nhân dân cùng tham gia. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã đầu tư trên 13,4 tỷ đồng để tổ chức đào tạo, tập huấn bồi dưỡng cho 6.423 lượt người tham gia. Qua các đợt đào tạo, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở đã từng bước góp phần nâng cao trình độ, năng lực tổ chức quản lý, điều hành, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ cấp xã trong công tác theo dõi, giám sát, đánh giá về cơ chế quản lý, các hoạt động của chương trình và các chương trình, chính sách dân tộc tại địa phương; Với cán bộ thôn, người dân có thêm kinh nghiệm, phát huy hơn nữa năng lực giám sát của mình trong công tác quá trình triển khai thực hiện các mô hình, dự án, chương trình, chính sách tại địa phương và thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tích cực vào kết quả giảm nghèo cũng như hoàn thành mục tiêu đưa các xã, thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn và từng bước góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Chương trình 135 còn có một số khó khăn, vướng mắc như:

Công tác điều hành, quản lý, tham mưu chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình 135 ở một số huyện, thành phố chưa thống nhất làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện; việc phân cấp cho xã làm chủ đầu tư còn lúng túng trong triển khai thực hiện, quy trình thủ tục, tổng hợp báo cáo chưa đảm bảo theo yêu cầu; bên cạnh đó, các huyện, thành phố chưa kịp thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; việc huy động các nguồn lực lồng ghép và các nguồn lực địa phương trong quá trình thực hiện dự án còn hạn chế.

Trung ương phân bổ kinh phí thực hiện các dự án, chính sách chưa đồng bộ, kinh phí nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở chậm; các văn bản hướng dẫn thực hiện của Trung ương chậm, chưa kịp thời nên địa phương chưa có cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ chung của tỉnh.

Một số huyện giao cho xã làm chủ đầu tư, nhưng không kịp thời hướng dẫn giúp xã triển khai thực hiện, năng lực chuyên môn của xã chưa đáp ứng yêu cầu, quá trình thực hiện chưa đảm bảo, lúng túng trong triển khai thực hiện.

Do điều kiện ngân sách của tỉnh còn khó khăn nên nguồn vốn thực hiện lồng ghép với các chương trình dự án trên địa bàn còn hạn chế chủ yếu dự vào ngân sách Trung ương. Bên cạnh đó, các chương trình, dự án có những quy định riêng; cơ chế quản lý, lồng ghép các nguồn lực còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ, vì vậy chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của chương trình, dự án.

Từ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh:

- Một là, công tác thông tin tuyên truyền, vận động phải được đặt lên hàng đầu, thực hiện thường xuyên, có chiều sâu các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để người dân thật sự hiểu, thông suốt, có như vậy người dân mới trở thành những nhân tố tích cực tham gia góp sức vào việc thực hiện chương trình, dự án. Nơi nào công tác thông tin tuyên truyền được thực hiện tốt thì người dân hiểu và có ý thức trong việc quản lý, sử dụng các công trình đầu tư một cách có hiệu quả.

- Hai là, cần có sự thống nhất chỉ đạo của cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành và hưởng ứng của Nhân dân để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện chương trình tại địa phương.

- Ba là, công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện phải đồng bộ, bao quát, thống nhất một đầu mối từ Trung ương đến địa phương; thực hiện đồng thời, toàn diện các nhiệm vụ của Chương trình, nâng cao hiệu quả lồng ghép các nguồn vốn.

- Bốn là, việc đẩy mạnh phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư cần gắn với việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý và giám sát chương trình, đảm bảo có đội ngũ cán bộ đủ năng lực, kinh nghiệm, chuyên môn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện để kịp thời xử lý, khắc phục những sai xót, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với các trường hợp sai phạm.

- Năm là, cần có chính sách khuyến khích phân cấp giao quyền tự chủ cho cấp xã trong quản lý các dự án thuộc Chương trình MTQG. Phân cấp quản lý phải phù hợp với ý thức và trình độ cán bộ địa phương. Ở những nơi ý thức và trình độ cán bộ chưa đảm bảo đảm nhận được vai trò Ủy ban nhân dân huyện, thành phố cử cán bộ chuyên môn phụ trách giúp đỡ và có lộ trình phân cấp cụ thể.

Nguyễn Xuân Lộc

 

Số lượt xem:2512
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3816075 Tổng số người truy cập: 45 Số người online:
Phát triển:TNC