banner
Thứ 5, ngày 25 tháng 4 năm 2024
Hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Kon Tum
6-12-2018

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, Uỷ viên HĐQT NHCSXH Việt Nam làm việc với Ban Đại diện NHCSXH tỉnh ngày 01/12/2018

Đến tháng 12/2018 tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2.339,699 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt khoảng 2.334,699 tỷ đồng với 65.570 hộ dư nợ (tăng 10,5% so với cuối năm 2017), dư nợ bình quân đạt gần 36 triệu đồng/hộ. Riêng cho vay hộ đồng bào DTTS đến 12/2018 tổng dự nợ đạt khoảng 1.660,730 tỷ đồng, chiếm 71,13% tổng dự nợ, với 48.845 hộ dự nợ (chiếm 74,49% tổng số hộ cho vay), dư nợ bình quân hộ DTTS đạt 34 triệu đồng/hộ (tăng 3 triệu đồng/hộ so với năm 2017).

Thực hiện chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững tại địa phương, đến năm 2018 từ nguồn ngân sách của tỉnh, huyện đã chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách đạt 26,652 tỷ đồng, kế hoạch năm 2019 ngân sách tỉnh tiếp tục giao chỉ tiêu tối thiểu là 5 tỷ đồng, cấp huyện là 6,5 tỷ đồng. Đồng thời thực hiện chính sách hỗ trợ, cấp bù lãi xuất theo Nghị quyết 06/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh đã khuyến khích, tạo điều kiện cho 3.192 hộ nghèo DTTS thuộc các xã ĐBKK mạnh dạn vay vốn với số tiền 38,738 tỷ đồng để sản xuất kinh doanh, giảm bớt một phần khó khăn trong việc trả lãi hàng tháng cho Ngân hàng, làm thay đổi nhận thức, tư tưởng trông chờ ỷ lại của một bộ phận người nghèo, từ đó có ý thức vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Có thể khẳng định nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội. Chỉ tính riêng trong 02 năm 2017 và 2018, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho 45.930 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn để sản xuất, duy trì và tạo việc làm cho 2.581 lao động, giúp 265 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập, xây dựng và sửa chữa cải tạo 19.490 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng 859 căn nhà cho người nghèo ổn định cuộc sống. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh bình quân từ 3-4%/năm. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp người dân trên địa bàn tỉnh bám đất, bám làng, phát triển sản xuất, thay đổi nhận thức để vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới. Các chương trình tín dụng chính sách đã tác động tích cực đến vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; lồng ghép với công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho hộ nghèo; đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới, gắn bó nhân dân với chính quyền, gắn bó tổ chức Chính trị - Xã hội với đoàn viên, hội viên... góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt nông thôn miền núi, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua.

Tuy nhiên, Kon Tum là một tỉnh miền núi, địa bàn rộng, trình độ dân trí không đồng đều, đồng bào DTTS chiếm khoảng 54% sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, phong tục tập quán sản xuất còn lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ, ứng dụng khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Việc lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng vật nuôi và các nguồn vốn khác có lúc, có nơi chưa gắn liền với hoạt động tín dụng chính sách nên hiệu quả sử dụng nguồn vốn chưa cao, khả năng trả nợ cho Ngân hàng khi đến hạn còn gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Quyết định 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 86-KH/TU này 12/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện các cấp, đặc biệt là vai trò của Chủ tịch UBND cấp xã là thành viên Ban đại diện cấp huyện; các tổ chức Chính trị - Xã hội thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến các chương trình tín dụng chính sách để người dân biết, nắm bắt và mạnh dạn vay vốn; lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, mô hình, dự án với việc sử dụng vốn vay hiệu quả; các tổ chức chính trị nhận ủy thác, thôn trưởng, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện nghiêm túc việc bình xét hộ cho vay, thường xuyên nắm bắt thông tin của hộ, giúp đỡ và hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, thường xuyên kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay, xử lý rủi ro, đôn đốc thu hồi nợ.

U Minh Nam

Số lượt xem:1745
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3815493 Tổng số người truy cập: 64 Số người online:
Phát triển:TNC