banner
Thứ 7, ngày 20 tháng 4 năm 2024
Bảo tồn và phát triển cây dược liệu sâm Ngọc Linh Kon Tum gắn với mục tiêu giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế
11-1-2021

Logo nhận diện thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum

Người Xơ Đăng dưới chân núi Ngọc Linh đã truyền nhau một loại dược liệu chữa được rất nhiều bệnh, còn bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng, giúp người ta chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi rừng sâu núi thẳm, đó là cây thuốc dấu và đã bảo vệ, trân trọng cây thuốc dấu như báu vật mà thiên nhiên đã ban tặng. Trong kháng chiến chống Pháp, các già làng đã chỉ cho cán bộ cách mạng phương thuốc bí truyền của dân tộc mình để chống lại các cơn đau hành hạ nơi rừng thiêng nước độc. Những cán bộ đã sử dụng như một loại thuốc cầm máu, làm lành vết thương, làm thuốc bổ, chữa sốt rét, đau bụng,…

Sâm Ngọc Linh là loại sâm quý chỉ có ở vùng núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam. Sâm Ngọc Linh là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Theo các kết quả nghiên cứu sâm Ngọc Linh chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 26 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác. Có thể khẳng định sâm Ngọc Linh là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, tốt nhất so với các loại sâm hiện nay trên thế giới.

Do tính đặc hữu và giá trị kinh tế to lớn, hiện nay sâm Ngọc Linh đã được tỉnh Kon Tum xác định là một trong những sản phẩm chủ lực cần được bảo tồn, phát triển. Hội nghị về đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác diễn ra ngày 06-9-2018 tại Kon Tum, Chính phủ Viết Nam xác định là sản phẩm Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ nhiệm vụ phát triển ngành dược liệu, ngành thực phẩm chức năng dựa trên việc phát huy các giá trị tinh hoa mà trời đất đã ban tặng và xem sâm Ngọc Linh là “quốc bảo của Việt Nam”, là “quốc kế dân sinh”, “niềm tự hào của dân tộc”.

Tỉnh Kon Tum xác định Sâm Ngọc Linh là cây chiến lược trong phát triển kinh tế, là một trong 9 sản phẩm chủ lực của tỉnh cần được đầu tư phát triển tại Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27-7-2011 của Tỉnh ủy, do đó bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum là một vấn đề cấp thiết gắn với mục tiêu giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế. Tỉnh đã có các chủ trương, biện pháp chỉ đạo bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh Kon Tum. Hiện nay, theo thống kê tỉnh Kon Tum đã phát triển khoảng trên 600 ha Sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp và hộ dân, tập trung chủ yếu ở 6 xã của huyện Tu Mơ Rông (Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tê Xăng), 3 xã của huyện Đăk Glei (Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp).

Bà con Xơ Đăng thường xuyên kiểm tra và gia cố lại hàng rào vườn sâm cho chắc chắn (ảnh Đức Thành - baokontum.com.vn)

Theo phân tích tài chính của Dự án bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng của Ban quản lý dự án 5 triệu ha rừng thuộc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô thì trồng 01 ha Sâm Ngọc Linh sau 8 năm sẽ thu lợi nhuận khoảng 2,7 tỷ đồng/ha. Đây là yếu tố để khuyến khích thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, việc quản lý quá trình sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh của tỉnh còn nhiều hạn chế (chưa hình thành và kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra); sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum được đưa ra thị trường còn ít, chưa có nhiều sản phẩm chế biến, giá thành còn cao chỉ có số ít người có điều kiện mới sử dụng được sâm Ngọc Linh. Tình trạng sâm Ngọc Linh giả chưa khắc phục triệt để. Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” đã được bảo hộ, nhưng chưa hoàn thiện các công cụ, biện pháp quản lý, sử dụng. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng thương hiệu, bảo vệ và nâng cao chất lượng sản phẩm (công bố chất lượng, đăng ký mã số, mã vạch, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, HACCP, VietGAP…). Công tác marketing sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum còn yếu. Những hạn chế trên phần nào làm cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum thời gian qua còn gặp khó khăn, thiếu tính bền vững.

Quan điểm của tỉnh về bảo tồn và phát triển bền vững sâm Ngọc Linh trên cơ sở sử dụng có hiệu quả tiềm năng về điều kiện tự nhiên góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sinh thái, gắn với mục tiêu giảm nghèo và tăng trường kinh tế nhưng không làm ảnh hưởng đến chức năng rừng đặc dụng, không làm thay đổi lớn hệ sinh thái rừng, đảm bảo tính bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sinh thái, gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững và tăng trưởng kinh tế, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý sâm Ngọc Linh gắn với mục tiêu giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế, các cấp, các ngành ở tỉnh Kon Tum cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:

- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, các tổ chức sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh Kon Tum trong việc xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu của sâm Ngọc Linh Kon Tum, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người trồng sâm.

- Triển khai thực hiện tốt Quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2025; Quyết định số 1466/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Thực hiện Kết luận của Thủ tường Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác tại tỉnh Kon Tum (Thông báo số 369/TB-VPCP ngày 24 tháng 9 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ): “Thực hiện đầu tư phát triển từng bước vững chắc, hiệu quả, gắn việc đầu tư phát triển với việc bảo tồn nguồn gen thuần chủng của sâm Ngọc Linh. Tiếp tục mở rộng có kiểm soát việc trồng và chế biến sâm Ngọc Linh song phải bảo đảm chất lượng sâm. Tập trung phát triển chiều sâu, tăng giá trị của sâm Ngọc Linh… Khuyến khích các hình thức liên doanh liên kết, hợp tác với nông dân, bảo đảm sinh kế cho người dân trên địa bàn…”.

- Có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc của Luật và các quy định hiện hành bằng việc thực hiện thí điểm cho tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư trồng Sâm Ngọc Linh và dược liệu dưới tán rừng đặc dụng nhưng không làm ảnh hưởng đến chức năng đặc dụng, không làm thay đổi hệ sinh thái rừng bằng cách cho doanh nghiệp thuê môi trường rừng để thực hiện việc trồng sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác dưới tán rừng đặc dụng. Đối với cộng đồng dân cư thôn, thực hiện khoán rừng đặc dụng theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP của chính phủ để thực hiện việc trồng Sâm Ngọc Linh và dược liệu dưới tán rừng.

- Tăng cường vai trò của Hội sâm Ngọc Linh, các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh trong việc quản lý, sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”, Nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh, nhãn hiệu của doanh nghiệp.

Kon Tum và Quảng Nam là hai tỉnh có tiềm năng to lớn về phát triển dược liệu. Lãnh đạo tỉnh cần chủ động, tập trung chỉ đạo để Kon Tum và Quảng Nam nhanh chóng trở thành vùng trồng, chế biến dược liệu tập trung của quốc gia, coi đó thực sự là một lĩnh vực mũi nhọn chiến lược cần đặc biệt ưu tiên phát triển. Cần chú trọng các chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển ngành dược liệu, phát huy vai trò hạt nhân của các doanh nghiệp, xây dựng các doanh nghiệp chủ lực, thực hiện cơ chế liên kết chặt chẽ với người dân; Quản lý chặt chẽ nguồn gốc, tiêu chuẩn sâm giống Ngọc Linh; hỗ trợ doanh nghiệp, người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, HACCP, VietGAP, Global GAP, v.v… trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản sâm Ngọc Linh Kon Tum./.

U Minh Nam

 

Số lượt xem:6276
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3797195 Tổng số người truy cập: 26 Số người online:
Phát triển:TNC