banner
Thứ 6, ngày 19 tháng 4 năm 2024
10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa xã Diên Bình huyện Đăk Tô
3-4-2020

Nhà văn hóa xã Diên Bình

Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Diên Bình đã không ngừng nỗ lực, tích cực huy động mọi nguồn lực để thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới. Nhờ đó sau 10 năm thực hiện chương trình xã Diên Bình đã đạt những kết quả nổi bật, kinh tế - xã hội đã có bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Đến nay, tổng số tiêu chí xã tổ chức tự đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định là 19/19 tiêu chí là xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới theo Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh việc phấn đấu đạt các tiêu chí nông thôn mới thì đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn có ý nghĩa rất quan trọng. Nhận thức rõ vấn đề này xã Diên Bình đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, Ủy ban nhân dân xã đã tích cực tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, qua nhiều phương tiện về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng thôn mới gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua lớn, từ đó đã tạo được sự đồng thuận nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước trong những năm qua nhân dân đã tự nguyện đóng góp hàng nghìn ngày công hiến hàng trăm nghìn mét vuông đất để xây dựng các công trình trên địa bàn xã. Từ năm 2011 đến năm 2019 tổng số vốn đầu tư cho chương trình này của xã trên 76 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước đầu tư trên 49 tỷ đồng còn lại là nguồn ngân sách địa phương, lồng ghép, vốn vay tín dụng, nhân dân đóng góp.

Cùng với đó các cấp chính quyền xã cũng đã nhận thức công tác quy hoạch đóng vai trò then chốt tạo nền móng để thực hiện các tiêu chí còn lại, từ đó xã đã rà soát bổ sung quy hoạch. Đến nay công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành phù hợp với yêu cầu thực tế của đia phương. Kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, nhà văn hóa được quan tâm đầu tư, 10 năm qua đã làm mới, sửa chữa, nâng cấp 11,5km đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện; 17,78 km đường trục thôn và đường liên thôn, 2,53 km trục đường ngõ xóm; 28,88 km đường trục chính; kiên cố hóa được trên 22,5 km kênh chính, kênh nội đồng; hệ thống điện đảm bảo đạt yêu cầu của ngành điện; có 4/5 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 về cơ sở vật chất; có 7/7 thôn có nhà văn hóa thôn và khu thể thao; hạ tầng thương mại nông thôn xã có cửa hàng kinh doanh tổng hợp đạt chuẩn;

Xã Diên Bình xác định phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu quan trọng, xã đã thực hiện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác; xây dựng thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chất lượng cao; chú trọng phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, dịch vụ từng bước giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn, nhờ đó thu nhập và đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công và tạo việc làm cho người lao động được quan tâm thường xuyên. Đáng chú ý là tỷ lệ hộ nghèo của xã đến cuối năm 2019 đã giảm đáng kể, chỉ còn 3,11%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 38,07 triệu đồng/năm.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được duy trì và phát triển, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới cùng với các phong trào khác được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực. 100% thôn đã được xây dựng và thực hiện tốt hương ước, quy ước phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, ý thức bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến tích cực; người dân đã hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp.

Công tác quốc phòng, an ninh được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân chung tay góp sức thực hiện; tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã được đảm bảo chủ động giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến tôn giáo, an ninh nông thôn, bảo vệ chính trị nội bộ. Công tác khám, tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ bảo vệ tổ quốc đảm bảo chỉ tiêu; Hàng năm vào dịp ra quân huấn luyện đều lồng ghép phong trào lực lượng vũ trang chung sức xây dựng nông thôn mới đã góp phần tích cực cùng các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và duy trì bền vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Có thể nói, qua 10 năm thực hiện chương trình với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo nên những bước đột phá, hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội, diện mạo các vùng nông thôn ngày càng thay da, đổi thịt; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, an ninh trật tự ngày càng được củng cố vững chắc.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trong thời gian đến cần thực hiện một số nội dung và giải pháp, đó là:

Một là, Tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng thường xuyên, sát thực, thực hiện lồng ghép phong trào xây dựng nông thôn mới với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng nông thôn mới đồng thời tập trung chỉ đạo xây dựng trên địa band xã đạt ít nhất 01 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Hai là,  Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội hóa, phát huy nội lực, huy động công sức cơ sở vật chất xây dựng khu vực nông nghiệp nông thôn trong đó tập trung việc huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân, đảm bảo vừa sức dân, thuận lòng dân, khơi dậy tinh thần yêu nước của nhân dân, xác định rõ người nông dân chính là chủ thể của nông thôn, là hạt nhân để xây dựng nông thôn mới, thực hiện phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.

Ba là, Tiếp tục tập trung ưu tiên thực hiện các tiêu chí như: Phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, xây dựng đường giao thông, thủy lợi, môi trường, giữ vững quốc phòng an ninh.

Bốn là, Tạo điều kiện cho kinh tế tập thể trên địa bàn xã phát triển và hoạt động có hiệu quả. Tranh thủ sự giúp đỡ và phối hợp của các Phòng, Ban của huyện đồng thời chủ động trong việc liên hệ, tìm doanh nghiệp, công ty phân phối nông sản hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Năm là, Xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển bền vững và mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, phát triển nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại nhưng không làm mất đi bản sắc văn hoá truyền thống của địa phương.

Sáu là, Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, cân đối các nguồn vốn đầu tư, rà soát lại các chỉ tiêu, tiêu chí để tập trung đầu tư cho phù hợp với điều kiện trên địa bàn xã. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nông dân và lao động khu vực nông thôn để đảm bảo an sinh xã hội.

Bảy là, Tăng cường đổi mới các biện pháp tổ chức, chỉ đạo thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc; tổ chức định kỳ công tác sơ kết, tổng kết để đánh giá, khen thưởng và uốn nắn kịp thời; đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng những cách làm hay, mới, sáng tạo, mô hình tốt để phổ biến nhân ra diện rộng.

Tám là, Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị xã hội trong xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của nhân dân, xây dựng khối đoàn kết thống nhất từ xã đến thôn, tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao./.

Nguyễn Xuân Lộc

 

Số lượt xem:4082
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3795205 Tổng số người truy cập: 42 Số người online:
Phát triển:TNC