banner
Thứ 6, ngày 26 tháng 4 năm 2024
Giữ gìn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số
23-12-2019

Đồng bào Triêng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi giữ nghề dệt thổ cẩm

Tỉnh Kon Tum có 07 dân tộc sinh sống lâu đời là Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai, Giẻ Triêng, Rơ Măm, B’râu, H’re. Đó còn chưa kể các dân tộc thiểu số anh em từ các địa phương khác đến lập nghiệp,như dân tộc Thái, Mường, Tày, Nùng…

Cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, nghề dệt của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh có từ xa xưa. Những chiếc áo, khuôn váy, cái khố, chiếc khăn, tấm choàng…được làm nên từ những tấm thổ cẩm nhờ sự cần mẫn, khéo léo của các thế hệ phụ nữ là một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày.

 Ngày trước, nguyên liệu dệt được lấy từ cây bông trong tự nhiên. Sau này, có sợi công nghiệp thay thế, song dệt thủ công theo lối truyền thống vẫn là nét đẹp được gìn giữ. “Làng mình hiện còn cả chục người dệt thổ cẩm. Các bà các cô dệt nhiều váy, áo, khố, khăn…đẹp lắm để mặc trong các dịp lễ, tết, hội, họp. Giỏi nhất là bà Y Hrel, cao tuổi rồi mà vẫn chịu khó dệt bằng sợi bông từ cây bông đó. Khách du lịch đến cũng thích, vừa xem vừa mua luôn…”-  Chị Y Nưn ở làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy bày tỏ.

Cùng chung chất liệu, cách dệt, song thổ cẩm của mỗi dân tộc không hoàn toàn giống nhau.Vì vậy, trang phục của từng dân tộc cũng mang nét đặc trưng, độc đáo riêng.

Gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, nghề dệt thủ công đã được khuyến khích khôi phục, phát triển tại địa bàn tỉnh.

Trang phục truyền thống phần nhiều được sử dụng trong các lễ, hội, sự kiện văn hóa đem lại sắc màu sinh động, hấp dẫn, thể hiện một trong những nét đẹp bản sắc của cộng đồng.Gắn với các liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa- văn nghệ, nội dung trình diễn hoặc thi trang phục truyền thống luôn được quan tâm tổ chức. Điều đó không chỉ khẳng định nét đẹp văn hóa không thể thiếu này, mà còn là sự động viên, khích lệ duy trì, phát triển một nghề thủ công truyền thống của phụ nữ.

Những năm qua, các lớp nghệ nhân trẻ từng bước được hình thành, tiếp nối truyền thống; nhờ nỗ lực trao truyền, chỉ dạy của các nghệ nhân đi trước giỏi tay nghề, giàu kinh nghiệm. Các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm được quan tâm mở về tận khu dân cư, nhờ triển khai chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, dự án hỗ trợ giảm nghèo của các địa phương.

Mô hình tổ hợp tác dệt thổ cẩm cũng được tổ chức tại một số nơi được xem là “chiếc nôi” của thổ cẩm ở phường Thắng Lợi, Quang Trung (thành phố Kon Tum), thị trấn huyện Sa Thầy…Gắn với yêu cầu hỗ trợ khôi phục nghề truyền thống, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho chị em người dân tộc Rơ Măm- một trong hai dân tốc rất ít người của tỉnh ở làng Le, xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy.Trong các hoạt động, sự kiện của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trên địa bàn tỉnh, hội viên và chị em đều được khuyến khích mặc trang phục dân tộc thiểu số của mình.

Gắn với yêu cầu hình thành và phát triển du lịch, nghề dệt thủ công và trang phục truyền thống được “để ý” khôi phục. Tại các làng du lịch cộng đồng thuộc địa bàn thành phố Kon Tum, huyện Kon Plông, Ngọc Hồi…; dệt thổ cẩm không chỉ đơn thuần tạo ra những sản phẩm thiết thực, những món quà lưu niệm; mà còn mang lại không gian văn hóa truyền thống gần gũi, đem đến sự trải nghiệm đầy lý thú, ý nghĩa cho du khách...   

 Tiếp tục nỗ lực xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết  số 33 của Trung ương, UBND tỉnh Kon Tum đã thống nhất ban hành Kế hoạch Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020-2030. Trong đó, giai đoạn 2020-2025, song song với đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn bàn trong các tầng lớp nhân dân, ngành Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp tiến hành kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa về trang phục truyền thống của 07 dân tộc thiểu số trong tỉnh; lập hồ sơ di sản văn hóa về nghề thủ công truyền thống các dân tộc đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Khách du lịch trải nghiệm với nghề làm ra trang phục dân tộc

Toàn tỉnh hiện có 74 nghệ nhân ưu tú, song chưa có nghệ nhân trong lĩnh vực nghề thủ công được công nhận. Vì vậy, lập hồ sơ nghệ nhân tiêu biểu liên quan đến trang phục truyền thống đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú là nội dung cần đặc biệt quan tâm trong thời gian tới.Theo kế hoạch, tỉnh tiếp tục tổ chức 04 lớp truyền dạy dệt thổ cẩm truyền thống và trang phục truyền thống các dân tộc; xây dựng 03 mô hình trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm trang phục truyền thống các dân tộc và  02 mô hình bảo tồn nguồn nguyên liệu dệt thổ cẩm.

Không chỉ tập trung đa dạng hóa cách thức giới thiệu, quảng bá phát huy giá trị di sản văn hóa trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong tỉnh, sắp tới, tỉnh triển khai nề nếp mặc trang phục truyền thống 2 buổi/ tuần và vào các ngày lễ, tết, ngày hội đối với học sinh các trường dân tộc nội trú, học sinh và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. “Được như thế thì vui quá, tốt quá. Mặc bộ thổ cẩm càng thêm tự hào về dân tộc mình, lại còn giới thiệu vẻ đẹp thường ngày của dân tộc mình cho bạn bè, anh em các dân tộc khác nữa…”- Chị Y Trâm, người làng Kon Trang Klah, xã Đăk La, huyện Đăk Hà đồng tình.

Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh khẳng định quyết tâm giữ gìn và lan tỏa nét đẹp văn hóa giản dị, gần gũi trong cuộc sống, sinh hoạt; đồng thời thúc đẩy bảo tồn, phát triển một nghề thủ công truyền thống giúp bà con tăng thu nhập, phát triển kinh tế.

Nghĩa Hà - Cổng TTĐT tỉnh

Số lượt xem:8803
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3815800 Tổng số người truy cập: 45 Số người online:
Phát triển:TNC