banner
Thứ 7, ngày 20 tháng 4 năm 2024
Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đăk Hà
26-8-2020

Huyện Đăk Hà nằm ở phía bắc tỉnh Kon Tum, đến năm 2020, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 49,9% dân số toàn huyện với 28 dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm vừa qua,  công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các ngành có liên quan đã làm tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc; thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về văn hóa đến với người dân, thông qua đó góp phần làm chuyển biến trong nhận thức và hành động trong việc bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn huyện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, đặc biệt là người DTTS. Kết quả đạt được như sau:

Thường xuyên tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội, về công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc,  tuyên truyền gương điển hình điển hình tiên tiến trong công tác bảo tồn, phát duy di sản văn hóa DTTS... với nhiều hình thức như: Tuyên truyền qua hệ thống pano, áp phích, lồng ghép trong các cuộc họp ở thôn, tổ dân phố, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh không dây các xã, thị trấn, tuyên truyền qua các tin, bài, phóng sự  tuyên truyền lưu động cơ sở… qua đó góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân về vị trí, vai trò và trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

 Thực hiện kế hoạch hàng năm, các ngành tổ chức vận động Nhân dân đóng góp ngày công lao động, hỗ trợ kinh phí cho các thôn DTTS làm nhà Rông và đã xây dựng được 57 nhà Rông/47 thôn DTTS. Trong số 56 nhà Rông, có 46 nhà Rông làm bằng vật liệu truyền thống, 10 nhà Rông làm bằng vật liệu vừa truyền thống vừa hiện đại (mái tôn, sàn, trụ bê tông). Để khai thác và sử dụng nhà Rông đúng mục đích, đạt hiệu quả, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành hướng dẫn quản lý, khai thác, sử dụng nhà Rông đúng mục đích; chỉ đạo Phòng chuyên môn tiến hành lưu trữ hình ảnh các nhà Rông văn hóa trên địa bàn huyện. Đến nay, nhìn chung 100% các thôn có nhà Rông đã phát huy chức năng của nhà Rông văn hoá, vừa bảo lưu, gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống, vừa thực hiện chức năng xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, huyện đã tiến hành rà soát, kiểm kê số lượng cồng chiêng trên địa bàn huyện. Tính đến nay, toàn huyện có 90 bộ cồng chiêng (trong đó 46 bộ cồng chiêng của cá nhân, 44 bộ của tập thể). Số thôn có bộ cồng chiêng tập thể là 37 thôn/47 thôn DTTS, 04 thôn chưa có cồng chiêng tập thể nhưng có cồng chiêng của hộ gia đình; còn 6 thôn không có cồng chiêng.

Lễ ra mắt câu lạc bộ bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân gian dân tộc thiểu số huyện Đăk Hà năm 2019 (trang thông tin điện tử huyện Đăk Hà)

 Để bảo tồn, gìn giữ không gian văn hóa cồng chiêng, đã tổ chức 17 lớp truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng xoang cho thế hệ trẻ tại các thôn DTTS trên địa bàn. Toàn huyện có 80 đội cồng chiêng, xoang (38 đội cồng chiêng người lớn, 42 đội cồng chiêng thanh, thiếu niên), 34 thôn/47 thôn DTTS có đội cồng chiêng thanh thiếu niên. Hầu hết các thôn DTTS trên địa bàn huyện có nghệ nhân chỉnh chiêng. Qua các lớp truyền dạy giúp người học nắm vững những thao tác diễn tấu và những bài chiêng cơ bản của dân tộc mình và trở thành những hạt nhân nòng cốt hình thành nên những đội cồng chiêng ở các thôn, thường xuyên biểu diễn phục vụ các sự kiện của địa phương, tỉnh và Trung ương. Tổ chức sưu tầm, ghi âm các bài chiêng của một số DTT tại chỗ trên địa bàn huyện như: dân tộc Bana; dân tộc Xơ Đăng; cung cấp đĩa CD cho các xã, thôn, qua đó, góp phần làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa cồng chiêng và giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về giá trị của di sản không gian văn hóa cồng chiêng.

Nhân dân múa xoang trong lễ hội tại thôn, làng trên địa bàn huyện Đăk Hà (trang thông tin điện tử huyện Đăk Hà)

Kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian của người DTTS rất phong phú và đặc sắc với các loại hình như: Múa xoang, hát dân ca, hát kể sử thi... và được bà con trong thôn lưu truyền, gìn giữ, trở thành những giá trị văn hóa độc đáo. Cụ thể: Về âm nhạc: Hầu hết các loại nhạc cụ dân tộc như: đàn tơ rưng, đàn klong put, đàn ting ning…hiện nay vẫn được các nghệ nhân chế tác và sử dụng thành thạo. Trên địa bàn huyện hiện còn 78 nghệ nhân dân gian biết làm và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc. Vể Múa: Chủ yếu là múa xoang và còn nhiều nghệ nhân biết thực hành. Hiện nay, mỗi thôn DTTS có từ 01 đến 02 đội xoang. Về Hát: Chủ yếu là hát các làn điệu dân ca cổ truyền như Rơ ngê, Ting ting, Cheo… toàn huyện có 40 nghệ nhân biết hát các bài dân ca, tuy nhiên chỉ có người già thể hiện, thế hệ trẻ hầu như không biết hát. Hát kể sử thi: triển khai công tác kiểm kê văn hóa phi vật thể sử thi của người Bah Nar - Rơ Ngao trên tất cả các thôn tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Kết quả, hiện nay toàn huyện có 22 nghệ nhân biết thực hành nghệ thuật truyền khẩu sử thi.

Bên cạnh đó, tập trung bảo tòn và phát huy một số Nghề truyền thống như: Đan lát: Hiện nay, nghề đan lát vẫn được bà con duy trì, bảo tồn và truyền dạy, mỗi thôn có khoảng 10 nghệ nhân đan lát thành thạo. Dệt thổ cẩm: Hiện nay, mỗi thôn còn có khoảng 07 người biết dệt vải và có khả năng truyền dạy lại cho lớp trẻ. Nghề rèn truyền thống: mỗi thôn có khoảng 03 nghệ nhân biết cách rèn theo truyền thống. Đẽo thuyền độc mộc: toàn huyện chỉ có thôn Đăk Mút, xã Đăk Mar và thôn Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà còn có nghệ nhân có khả năng đẽo thuyền độc mộc.

Hàng năm, Nhân dân duy trì tổ chức các lễ hội tiêu biểu của 3 nhóm dân tộc trên địa bàn huyện như: Lễ nước giọt; Lễ mừng năm mới; Lễ mừng nhà Rông mới; Lễ trỉa lúa. Nhìn chung, các lễ hội tiêu biểu của các dân tộc được bảo tồn, phát huy tính cộng đồng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh. Tổ chức khảo sát thống kê di sản văn hóa trên địa bàn huyện như: cồng chiêng, nghệ nhân, các nghề thủ công truyền thống; phục dựng và ghi chép hình ảnh được 20 lượt lễ hội của người Bana Rơngao, người Tơdră và người Xơ Đăng. Ghi chép các tư liệu về các nhạc cụ gắn bó với cồng chiêng như đàn ting ning, đàn tơrưng, hát dân ca, ...

Toàn huyện có 17 nghệ nhân được Chủ tịch nước công nhận danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, tuy nhiên, hiện còn 14 nghệ nhân (03 nghệ nhân đã mất do tuổi cao). Việc chi trả chế độ cho các nghệ nhân được thực hiện đảm bảo, kịp thời, đúng quy định. Các nghệ nhân được trao tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân ưu tú là những người đã và đang nắm giữ, truyền dạy các loại hình văn hóa phi vật thể, như: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian, cụ thể như: hát kể sử thi, tục ngữ, ca dao, dân ca…; các lễ hội truyền thống; diễn tấu, truyền dạy, chế tác các nhạc cụ truyền thống và cồng chiêng, múa xoang, chỉnh cồng chiêng; các bài thuốc dân gian; hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán, tín ngưỡng; kỹ thuật xây dựng nhà rông và bảo tồn và phát huy tiếng nói chữ viết của cộng đồng. Các nghệ nhân đã tích cực tham gia các lớp truyền dạy như: các lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, đan lát, chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc, dệt thổ cẩm và chỉnh chiêng cho các em thanh thiếu niên nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số huyện

Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc vẫn còn một số hạn chế như sau:

 Người lớn tuổi và các nghệ nhân DTTS am hiểu về di sản văn hóa của dân tộc mình ngày càng ít đi, một số giá trị nghệ thuật không được ghi chép, truyền dạy cho thế hệ trẻ kịp thời (hát kể sử thi, hát dân ca). Một bộ phận thanh niên DTTS có biểu hiện xa rời các phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình.

 Do điều kiện kinh tế khó khăn, những nhạc cụ dân tộc (đặc biệt là cồng chiêng) không còn lưu giữ nhiều trong cộng đồng, hộ gia đình. Một số nét văn hóa truyền thống của DTTS trên địa bàn huyện bị biến đổi, mai một; trang phục và một số lễ hội truyền thống đã có sự thay đổi, biến dạng, không còn nguyên bản sắc. 

 Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa chưa thực sự am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của các DTTS; không có cán bộ chuyên trách về công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc từ huyện đến cơ sở.

Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, nhất là trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa DTTS còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa dân tộc, các di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh còn hạn chế.

Có thể nói rằng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc là một trong những nội dung có quy mô rộng lớn, nếu không có sự quan tâm đầu tư kinh phí của Trung ương thì cấp địa phương rất khó khăn trong việc bảo tồn, gìn giữ, kế thừa và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Vì vậy, trong thời gian tới, cần có chính sách ưu đãi với đội ngũ nghệ nhân dân gian nắm giữ vốn văn hóa truyền thống và có khả năng truyền dạy lại cho thế hệ trẻ trên các lĩnh vực: chỉnh sửa cồng chiêng, truyền dạy nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, sử thi, truyện cổ dân gian, chế tác nhạc cụ dân tộc... Quan trọng nữa là cần có cơ chế chính sách ưu đãi đối với đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học và ưu tiên dành kinh phí cho việc bảo tồn, gìn giữ, kế thừa và phát huy từng loại hình di sản văn hóa phi vật thể thông qua các đề án cụ thể của từng lĩnh vực giữa các Viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý của Trung ương đối với địa phương. Góp phần bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn huyện, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc.

Nguyễn Thanh Hưng

Số lượt xem:7743
Bài viết liên quan:
THÔNG BÁO
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH KON TUM
 
 

LIÊN KẾT WEBSITE

Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 
Quản lý và nhập tin: Ban Dân tộc, số 163 - Bà Triệu - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum 
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban. 
Điện thoại: 02603.866.127 - Fax: 02603.866.127 - Email: bandantoc-kontum@chinhphu.vn.
                   Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum" hoặc "bandantoc.kontum.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ nguồn này. 

3797831 Tổng số người truy cập: 26 Số người online:
Phát triển:TNC